RSS Feed for Quy hoạch điện VII: Kẻ hủy diệt sức khỏe và môi trường? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 20:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quy hoạch điện VII: Kẻ hủy diệt sức khỏe và môi trường?

 - Tạp chí Năng lượng Việt Nam vừa nhận được nội dung cuốn sách điện tử của ông Nguyễn Đức Thắng với nhan đề "Những vấn đề phát triển của Việt Nam trong một xã hội sinh thái", với 14 bài về nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội Việt Nam hiện nay. Chúng tôi rất khâm phục tác giả đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu, tìm hiểu về nhiều chuyên ngành. Tuy nhiên, do không có nhiều thời gian và không am hiểu được hết các chuyên đề tác giả nêu ra, mà chỉ đọc bài số 9: "Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét triển vọng đến năm 2030 là quy hoạch hủy diệt sức khỏe và môi trường sinh thái, đổi lấy kinh tế không hiệu quả". Qua nghiên cứu những vấn đề tác giả nêu, chúng tôi xin trao đổi như sau.

"Đôi lời về phát triển điện than" trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Phát triển nhiệt điện than có đi ngược xu thế toàn cầu?
Không thể quy đổi mức phát thải theo GDP bình quân đầu người
Chưa thể thay nhiệt điện than bằng phong điện [Tạm kết]
Bàn về sự chia sẻ của Cựu Ngoại trưởng Mỹ với Việt Nam

Quả thật khi đọc mấy từ "quy hoạch hủy diệt sức khỏe và môi trường sinh thái" chúng tôi cảm thấy gai người, không hiểu ông Nguyễn Đức Thắng là chuyên gia về lĩnh vực nào mà phán những lời "đao to búa lớn" về một dự án tầm cỡ quốc gia đã được soạn thảo công phu, thẩm tra, thẩm định nhiều lần và Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, phê duyệt tới hai lần.

Với cảm xúc như vậy, chúng tôi đã đọc rất kỹ bài này và ngộ ra rằng, tác giả chưa hiểu sâu về ngành năng lượng nói chung và điện lực nói riêng của nước ta. Tất cả những dẫn chứng mà tác giả đưa ra để phản bác nhiệt điện than (NĐT) hoàn toàn không có gì mới mà đã được một số báo, đài nêu lên và đã được giải đáp tại các cuộc hội thảo do Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức và đặc biệt là trong loạt bài viết Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? và Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Dưới đây, tôi xin chứng minh về sự không chuẩn xác của thông tin theo trình tự từ đầu đến cuối của bài viết, bắt đầu từ mục II. Nhiệt điện than hủy diệt sức khỏe, môi trường và hệ sinh thái (phần chữ nghiêng là nguyên văn trích từ bài viết).  

1. Vì tháng 11/2016 Quốc hội đã ra nghị quyết bỏ điện hạt nhân, vì hồ sơ các dự án xin đầu tư phát triển các nhà máy nhiệt điện than (NĐT) hàng tỷ USD của EVN, PVN và TKV đang chất cao ở Bộ Công Thương nên tỷ trọng NĐT sẽ tiếp tục tăng đến 59%. Như vậy, năm 2020 sẽ cần đốt 72,1 triệu tấn than và 167,2 triệu tấn vào năm 2030.

Tác giả phải lưu ý rằng, sau khi Quốc hội quyết định dừng điện hạt nhân (ĐHN), Bộ Công Thương và Chính phủ chưa hề có ý kiến trình và phê duyệt thay thế ĐHN bằng NĐT. Theo tôi hiểu thì Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan gấp rút chuẩn bị cơ sơ hạ tầng để đẩy mạnh việc phát triển nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu và tăng cường nhập khẩu điện từ Lào. Như vậy, khối lượng than mà NĐT tiêu thụ vẫn chỉ là 63 triệu tấn năm 2020 và 129 triệu tấn năm 2030 như dự kiến trong QHĐ VII (hiệu chỉnh). 

2. Bình quân khi đốt 1 triệu tấn than sẽ thải vào môi trường 1,9 triệu tấn khí hiệu ứng nhà kính (CO2 và CH4), gọi chung là phát thải carbon + 317.000 tấn tro bay (fly ash) + 159.000 tấn tro đáy (bottom ash), tổng cộng là 476.000 tấn tro than (coal ash).

Không rõ tác giả tham khảo từ tài liệu nào, phân tích mẫu than nào mà tổng lượng tro bay (fly ash) và xỉ đáy lò (bottom slag) lên tới 47,6% (đốt 1 triệu tấn than sẽ nhận được 476.000 tấn tro xỉ)?

Trên thực tế, khi đốt than cám (loại cám 5,6) Quảng Ninh (than anthracide) cho khoảng trên dưới 30% tro xỉ (cụ thể Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 bình quân một năm tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn than cám 5 cho khoảng 290.000 – 300.000 tấn tro xỉ (29 – 30%), nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 bình quân hàng năm tiêu thụ 3,5 triệu tấn than cám 6a cho khoảng 1,2 triệu tấn tro xỉ (34%). Nếu sử dụng than bitum hoặc á bitum nhập khẩu thì lượng tro xỉ chỉ khoảng dưới 10% (hầu hết các nhà máy NĐT lớn ở ĐBSCL đều sử dụng than nhập).

3. Vào năm 2030 các nhà máy NĐT sẽ sử dụng 46 tỷ m3 nước để làm mát cho hệ thống ngưng; nước này sau đó đạt khoảng 40 độ C và xả thẳng vào môi trường thủy sinh sẽ "hâm nóng" mọi động - thực vật.

Hiện nay, tại tất cả các nhà máy NĐT đang vận hành và đang được xây dựng (theo thiết kế) thì khoảng cách giữa đầu vào và đầu ra của hệ thống nước làm mát được quy định phải đủ lớn để chênh lệch nhiệt độ nước thải ở đầu ra so với nhiệt độ đầu vào chỉ khoảng 7-8 độ C. Cụ thể, nếu nhiệt độ nước đầu vào là 26 - 28 độ C thì ở đầu thải ra môi trường chỉ là 33 - 34 độ, hoặc 35 - 36 độ C thấp hơn 40 độ C.

4. Tác hại của bụi than, các chất khí SOx và NOx.

Tất cả các tác hại của bụi than, SOx và NOx mà tác giả nêu ra, các nhà chuyên môn về năng lượng đều biết và đều có các biện pháp để hạn chế chúng tới mức cho phép (theo tiêu chuẩn). Cụ thể, tất cả các nhà máy NĐT đều được trang bị lọc bụi tĩnh điện (Electrostatic Precipitator - ESP) với hiệu suất đến 99,75 - 99,8%, lượng bụi còn lại có kích thước rất nhỏ thì theo ống khói cao hơn 200 mét thải ra khí quyển với bán kính khoảng 50km nên gần như không làm tăng nồng độ bụi trong môi trường không khí xung quanh. Có thể nói, hiện nay tại hầu hết các nhà máy NĐT của nước ta, đặc biệt các nhà máy mới xây dựng trong những năm gần đây như: Hải Phòng, Vĩnh Tân, Duyên Hải, Nghi Sơn… môi trường sinh thái rất trong lành (không có bụi than bám vào bờ tường, hàng rào; những bãi cỏ, hàng cây xanh bao quanh; trên cao từ miệng ống khói, khói trắng tỏa ra bầu trời trong xanh…).

Với khí SOx thì được khử bằng đá vôi, hoặc nước biển (với các nhà máy gần biển) nhờ bộ khử lưu huỳnh trong khí thải (Flue gas desulfurization - FGD). Đối với khí NOx, là loại khí chỉ phát sinh trong các nhà máy nhiệt điện đốt than anthracide với nhiệt độ cháy trong lò khá cao, còn các nhà máy sử dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn (Circulating fluidized bed - CFB), nhiệt độ trong buồng đốt thấp hơn nên lượng NOx không đáng kể. Loại khí này được khử bằng NH3, riêng 2 nhà máy nhiệt điện mới xây dựng (Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1…) còn đươc trang bị bộ khử NOx.  

5. Một nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard về "Các tác động liên quan tới sức khỏe do gia tăng phat thải từ than ở khu vực Đông Nam Á và Việt Nam" đã tổ chức hội thảo "Than - Nhiệt điện than: Những điều chưa biết" vào ngày 29/9/2015 tại Hà Nội. Ông Lauri Myllyvirta cho biết: "Trong tổng số người Việt chết yểu do ô nhiễm không khí, có đến 4.300 người được xác định có liên quan đến khí thải từ các dự án NĐT. Đây là con số của năm 2011, dự báo khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2030. Khi đó có khoảng 25.000 người chết mỗi năm" (Báo tuổi trẻ ngày 30/9/2015 với tiêu đề Nhiệt điện than: Kẻ "giết người hàng loạt"). 10 năm là giai đoạn ngắn của cuộc đời, sẽ có 25.000 người chết trẻ, chưa tính đến những người chết do tác động mãn tính lâu dài, như bệnh ung thư.

Tôi không hiểu ông Lauri Myllyvirta là chuyên gia ngành gì và ông đã cùng nhóm chuyên gia Harvard đã nghiên cứu tại vùng nào của Việt Nam mà đưa ra những số liệu tiêu cực như vậy.

Tôi còn nhớ tại hội thảo với chủ đề "TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN VÀ QUY HOẠCH NĐT ĐẾN NĂM 2030, VAI TRÒ CỦA NĐT TRONG CHIẾN LƯỢC ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM" do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/2016 với sự hiện diện của trưởng đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh ĐBSCL - nơi đang triển khai các dự án NĐT lớn và đông đảo các nhà báo, các chuyên gia thuộc lĩnh vực nhiệt điện của Việt Nam và Hàn Quốc, PGS, TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tich Hội KHKT Nhiệt Việt Nam đã lên tiếng phê phán và phản bác rất gay gắt nhận định này (rất tiếc là tôi không lưu lại được những đoạn phát biểu này).

Riêng tôi, mãi tới hội thảo hôm đó mới biết được sự việc này và tự hỏi: Không hiểu hội thảo quốc tế này do ai tổ chức, ai tài trợ và nhằm mục đích gì, thành phần tham dự là những ai? Tại sao các chuyên gia nhiệt điện đầu ngành nổi tiếng như PGS, TS Nghĩa và nhiều người khác không được mời dự.

Tôi có thể khẳng định rằng, những thông tin này là hoàn toàn vô căn cứ, không đáng tin cậy.

6. Về tình hình phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) trên Thế giới.

Năm 2013 điện NLTT của Thụy Điển đã đáp ứng 51,1% tổng nhu cầu tiêu thụ của cả nước.

Theo Wikipedia thì cơ cấu sản xuất điện của Thụy Điển năm 2016 như sau: tổng sản lượng điện 150 tỷ kWh. Trong đó, thủy điện 61 tỷ kWh, điện hạt nhân 61 tỷ kWh, điện gió 15 tỷ kWh, các nguồn khác 13 tỷ kWh.

Như vậy nếu gộp cả thủy điện và điện gió vào NLTT thì được 76 tỷ kWh bằng 50,7%. Số liệu ông đưa ra không sai với điều kiện thủy điện cũng được coi là NLTT (Ngài John Kerry cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ha Kỳ tại hội thảo do Ban Kinh tế TW tổ chức mới đây, còn nói là Thụy Điển đã đạt 100% điện NLTT cơ!!!).

Ngoài ra tác giả còn nói, hệ thống điện Bồ Đào Nha đã đạt mức 100% điện NLTT thậm chí cho cả xuất khẩu.

Ở đây, tác giả vừa có nhầm lẫn tương tự như trên lại có cả nhầm lẫn giống Ngài John Kerry (đưa ra thông tin không chuẩn xác). Cụ thể, năm 2013 trong cơ cấu sản xuất điện của Bồ Đào Nha, thủy điện chiếm 37%, điện gió chiếm 27%. Như vậy, kể cả thủy điện lẫn điện gió mới là 64% tổng sản lượng điện toàn quốc.

Cũng cần lưu ý rằng, trong cơ cấu sản xuất năm 2015 của Việt Nam, thủy điện chiếm hơn 38%.

Theo kết quả nghiên cứu, khảo sát của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), tiềm năng phát triển năng gió ở Việt Nam dự kiến là ở mức 214.000 MW, công suất lắp đặt khoảng 50.000 MW, tương đương 50 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Chỉ tương đương 26 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình thôi, vì công suất của thủy điện Hòa Bình là 1920 MW (50.000/1920). Đó là về công suất, còn về điện năng thì thủy điện Hòa Bình có sản lượng bình quân 8 tỷ kWh/năm, trong khi nhà máy điện gió có cùng công suất chỉ phát được khoảng 6 tỷ kWh/năm. Nghĩa là về mặt điện năng 50.000 MW điện gió chỉ tương đương với 20 (26 x 6/8 = 19,5) Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mà thôi. Nếu là nhiệt điện (than, khí) thì chỉ tương đương với 13 nhà máy với công suất mỗi nhà máy là 2000 MW. 

Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng cao về năng lượng mặt trời, đặc biệt là miền Trung và miền Nam, cường độ năng lượng mặt trời trung bình là 5kWh/m2, ở miền Bắc khoảng 4kWh/m2. Năng lượng mặt trời trung bình 150kcal/m2 trong khoảng 2000 giờ - 5000 giờ một năm, tương đương 43,9 tỷ TOE (Tô Quốc Trụ và Trịnh Quang Dũng, 2010).

Theo số liệu mới nhất, năng lượng mặt trời trung bình của cả nước khoảng 4,6 kWh/m2ngày với số giờ nắng bình quân 2000 giờ/năm (lấy đâu ra 5000 giờ???)

7. "Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than". Về lý do: Trong lịch sử phát triển điện năng của thế giới, NĐT luôn có vai trò chủ yếu. Năm 2014, NĐT chiếm 40,8% tổng sản lượng điện của thế giới. Những nước có tỷ lệ NĐT cao là Trung Quốc 78,8%, Úc 68,6%, Đức 45,1%, Mỹ 39% trong khi Việt Nam chỉ có 25%. Không thuyết phục vì: Những số liệu trên là những số liệu của LỊCH SỬ, là bức tranh "tĩnh" của quá khứ cách đây 40 -50 năm.

Theo chúng tôi, những số liệu này không phải là số liệu của lịch sử, vì hiện nay chẳng ai còn quan tâm đến tình hình phát triển điện lực 40-50 năm trước khi mà vấn đề bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu chưa được đề cập. Đây chính là số liệu năm 2014 do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency - IEA) công bố. Trên thực tế, hiện nay, Trung Quốc có 921.227 MW nhiệt điện than và họ đang tiến hành thanh lý hàng loạt các nhà máy NĐT cũ, công nghệ lạc hậu, hoặc nước Mỹ có kế hoạch loại bỏ 27.000 MW (các nhà máy cũ) trong tổng số 318.000 MW nhiệt điện than giai đoạn từ năm 2012 - 2016 (không rõ thực tế thực hiện ra sao).

Riêng Việt Nam, hiện nay hầu hết các nhà máy NĐT đều được xây dựng từ đầu thế kỷ 21 với công nghệ tuy chưa phải là hiện đại nhưng đều đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia hiện hành (một số chỉ tiêu đạt tiêu chuẩn EU). Hiện tại còn hai nhà máy NĐT cũ là Ninh Bình (4x25MW) do Trung Quốc viện trợ từ những năm 70 và Phả Lại 1 (4x110MW) do Liên Xô viện trợ từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, các nhà máy này đều đã được nâng cấp như trang bị lọc bụi tĩnh điện, nâng chiều cao ống khói… (nhà máy điện Ninh Bình xây ống khói mới cao 130 mét thay cho ống khói cũ 80m) để đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và hiệu quả kinh tế.   

8. Việc lấy NĐT của các nước trên áp dụng cho Việt Nam là không hợp lý vì mật độ dân số của Việt Nam là 280 người/km2, so với Trung Quốc 144, Mỹ 33, Australia 3 (thấp nhất thế giới). Do vậy tỷ trọng nhiệt điện than cao ở các nước mà có diện tích rộng lớn, mênh mông thì tác hại lên môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe sẽ thấp hơn nhiều so với ta.

Đây là một lý sự hết sức vô lý chưa từng thấy. Người ta chỉ lấy chỉ tiêu phát thải các chất độc hại trên đầu người chứ ai lấy mật độ dân số để so sánh ở đây. Ví dụ về chỉ tiêu phát thải CO2/đầu người/năm (các chất thải khác cũng tương tự) của một số nước (năm 2015) như sau: Mỹ: 16,1 tấn, Trung Quốc: 7,7 tấn, Thái Lan: 4,1 tấn, Việt Nam: 2,2 tấn.

Theo chỉ tiêu này, cộng đồng quốc tế vẫn coi Mỹ và Trung Quốc là hai nước phát thải CO2 lớn nhất và phải gánh vác trách nhiệm đầu tàu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nay Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố rút khỏi cam kết COP 21 Paris, thì Trung Quốc sẽ gánh vác trọng trách này.

Đối với Việt Nam, vì Thủ tướng Chính phủ đã cam kết sẽ giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường là 5% vào năm 2020 và 25% vào năm 2030, nên mới có việc hiệu chỉnh Quy hoạch điện VII vào năm 2016. Trong đó, giảm nhiệt điện than từ 32.500 MW (tương ứng 174 tỷ kWh) xuống 26.000MW (131 tỷ kWh) vào năm 2020 và từ 77.000MW (430 tỷ kWh) xuống 55.000MW (304 tỷ kWh) vào năm 2030, còn nguồn năng lượng tái tạo thì tăng từ hơn 3.000MW (gần 9 tỷ kWh) lên 6.000 MW (17 tỷ kWh) vào năm 2020 và từ 4.800MW (13 tỷ kWh) đến 27.000MW (60 tỷ kWh) vào năm 2030. Tất nhiên, nhu cầu tiêu thụ điện cũng được hiệu chỉnh giảm.

Cuối cùng, để tham khảo về thực trạng tình hình phát triển NĐT trên thế giới hiện nay, xin gửi tới tác giả bài đăng trên Wattsupwiththat.com (Forget Paris: 1600 New Coal Power Plants Built Around The World), tạm dịch: "Hãy quên Paris: 1.600 nhà máy NĐT mới được xây dựng trên khắp thế giới". Tiêu đề của bài viết có vẻ rất "khiêu khích" nhưng nội dung thì chắc chắn là rất xác thực.

TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động