RSS Feed for Không thể quy đổi mức phát thải theo GDP bình quân đầu người | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 25/11/2024 05:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Không thể quy đổi mức phát thải theo GDP bình quân đầu người

 - Mặc dù chuyên đề "Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm" của Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã [Tạm kết] từ hồi cuối tháng 10/2017, nhưng trong những ngày qua bạn đọc tiếp tục có thêm nhiều ý kiến phản biện gửi tới Tòa soạn. Trong đó đáng chú ý là ý kiến ("Đôi lời về điện than") trao đổi lại với PGS, TS. Nguyễn Cảnh Nam trong (kỳ 7) của chuyên đề nêu trên. Cảm kích trước sự nghiêm túc và có tính xây dựng của bạn đọc (trong trường hợp này cũng có thể gọi là đồng nghiệp) - với nghĩa cùng quan tâm về vấn đề điện than nói riêng và năng lượng nói chung của Việt Nam, chúng tôi có vài lời trao đổi lại như sau.

Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 7]
Chưa thể thay nhiệt điện than bằng phong điện [Tạm kết]
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Tạm kết]
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Tạm kết)
"Cú lừa thế kỷ" về phát thải CO2 và biến đổi khí hậu [Tạm kết]

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thứ nhất: Về ý kiến của bạn: "Tuy rằng, lượng phát thải của Việt Nam trên đầu người thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, nhưng nếu chỉ tính tổng mức phát thải thì chưa chính xác vì các nước đang có mức thu nhập khác nhau. Khi so sánh cần đưa về một mặt bằng". Theo đó bạn đi đến kết luận: "Như vậy, nếu tính mức phát thải bình quân đầu người tính cùng trên mặt bằng thu nhập thì Việt Nam vẫn cao hơn Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc đang có xu hướng giảm phải thải trên đầu người mà Việt Nam lại có xu hướng tăng thêm".

Điều đó suy ra có nghĩa là theo bạn thì người giàu được quyền phát thải nhiều hơn người nghèo.

Để bàn về điều này, trước hết tôi đã hỏi nhiều người kể cả chuyên gia, cán bộ chuyên môn và người dân bình thường (cụ thể là các nhân viên làm bảo vệ tại một số cơ quan mà tôi quen) thì không có ai đồng ý quan điểm "người giàu được quyền phát thải nhiều hơn người nghèo", mà mọi người phải có trách nhiệm như nhau về đảm bảo mức độ phát thải.

Có thể giải thích điều đó một cách dễ hiểu bằng ví dụ đơn giản sau: Người A có thu nhập bình quân tháng 100 triệu đồng và đi xe ô tô tiêu thụ 15 lít xăng/100 km; người B có thu nhập bình quân tháng 10 triệu đồng và đi xe máy tiêu thụ 2,5 lít xăng/100 km; giả dụ rằng số km đi lại của 2 người như nhau và mức phát thải từ 1 lít xăng của ô tô và xe máy như nhau. Theo đó người A có mức thu nhập cao gấp 10 lần và mức phát thải cao gấp 6 lần người B. Tương tự suy rộng ra người A là nước công nghiệp phát triển và người B là nước đang phát triển, trong đó nước A có mức thu nhập bình quân đầu người cao gấp 10 lần và mức phát thải bình quân đầu người cao gấp 6 lần nước B. Như vậy, theo lập luận của bạn suy ra người B (hay nước B) có mức phát thải cao hơn 5/3 lần người A (hay nước A) nếu tính trên cùng mặt bằng thu nhập.

Không thể như thế được, bất luận thế nào thì người A (hay nước A) cũng có mức phát thải thực tế cao gấp 6 lần người B (hay nước B). Giả sử rằng mức phát thải cho phép là tương đương mức phát thải của 7,5 lít xăng/người, thì người A (hay nước A) phải tìm cách giảm mức phát thải xuống một nửa, còn người B (hay nước B) được cho phép trong quá trình phát triển sắp tới tăng phát thải tối đa không quá 3 lần so với hiện nay. Đó chính là hạn ngạch phát thải của người B (hay nước B) và người B (hay nước B) không nhất thiết phải sử dụng hết hạn ngạch đó mà có thể trao đổi với người A (hay nước A) theo Cơ chế phát triển sạch và mua bán hạn ngạch phát thải.

Ở đây bạn đã nhầm lẫn giữa mức phát thải thực tế và nguyên nhân gây ra mức phát thải đó từ lý do phát triển kinh tế.

Chống biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung của toàn thế giới, bất kể nước giàu hay nghèo. Theo đó, người ta quy định mức phát thải khí nhà kính cho phép mà mọi quốc gia phải tuân thủ để chống biến đổi khí hậu chung toàn cầu.

Nếu mức phát thải thực tế của quốc gia nào đó vượt quá mức cho phép thì bị "tuýt còi" ngay lập tức và buộc phải tìm cách giảm xuống dưới mức cho phép, bất kể là do nguyên nhân gì, chứ không thể biện minh theo kiểu vì do phát triển kinh tế cao nên kéo theo phát thải cao, và mức phát thải này vẫn còn thấp hơn so với các nước nghèo nếu quy về cùng mặt bằng GDP bình quân đầu người. Nếu vậy thì dẫn đến điều phi lý là không phải Mỹ, Trung Quốc và các nước giàu khác có mức phát thải quá cao hiện nay phải giảm phát thải mà ngược lại là các nước nghèo có mức phát thải thấp phải giảm phát thải.

Trên thực tế thế giới không làm như vậy, điều đó đã được quy định trong Nghị định Kyoto trước đây và Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu COP21-Pari hiện nay. Nguyên nhân gây ra phát thải cao từ lý do phát triển kinh tế chỉ là căn cứ để tìm cách khắc phục mà thôi.

Tóm lại, không thể quy đổi mức phát thải bình quân đầu người của các nước về cùng mặt bằng GDP bình quân đầu người để so sánh như ý kiến của bạn nêu trên.

Thứ hai: Ý kiến về hiệu suất sử dụng năng lượng còn thấp và cường độ năng lượng còn cao của Việt Nam.

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với bạn và đây chính là tiềm năng để thực hiện phát triển sạch, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong thời gian tới của ngành năng lượng nói riêng (trong đó có ngành than và nhiệt điện than) và nền kinh tế nói chung của Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để Chính phủ cam kết Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu COP21 đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính bằng nội lực trong nước và nếu có hỗ trợ tài chính thích hợp của quốc tế (song phương và đa phương) thì phấn đấu giảm 25% so với kịch bản phát triển thông thường.

Vấn đề này, tôi cũng đã nêu trong nhiều bài báo của mình, trong đó có bài: Phát triển nhiệt điện than có đi ngược xu thế toàn cầu? đăng trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam Online [07:27 |10/01/2018]. Trong đó, có nêu: "Việc phát triển than cũng như nhiệt điện than là cần thiết, là tất yếu để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Có điều, việc phát triển nó trong thời gian tới không thể giữ nguyên như cách trong thời gian qua mà phải tăng cường các giải pháp để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường, trong đó có việc tái chế tro xỉ để vừa giảm chất thải, giảm diện tích đất đổ thải và tăng hiệu quả kinh tế".

Và "Điều quan trọng nhất, mang tính lâu dài, toàn diện cả về góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là quyết liệt thực hiện có hiệu quả "Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" trong sản xuất và đời sống".

Thứ ba: Về ý kiến tôi cho rằng "nhiệt điện chạy than không hề bẩn".

Tôi đã tìm hiểu và trao đổi lại với Ban biên tập Tạp chí Năng lượng Việt Nam về vấn đề này. Thực ra tôi không nói như vậy, mà nói rằng "hòn than không hề bẩn". Trong nhà tôi để nhiều hòn than rất to hơn 20 năm nay nhưng không hề hấn gì, thậm chí khách đến chơi còn khen đẹp, lại gần để xem. Nhưng nếu đó là bình dầu mỏ hay bình khí tự nhiên không có nắp đậy thì chắc gia đình tôi không còn trên cõi đời này.

Về "hòn than không hề bẩn" tôi cũng đã nêu lại trong bài: Bàn về sự chia sẻ của Cựu Ngoại trưởng Mỹ với Việt Nam đăng trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam Online [15:45 |16/01/2018].

Thứ tư: Về ý kiến tôi cho rằng: "phát triển năng lượng tái tạo không chỉ toàn "màu hồng", kể cả vấn đề về môi trường không phải là không có. Thực tế của các nước công nghiệp phát triển đã chứng tỏ điều đó".

Về điều này, xin mời bạn xem ví dụ trong bài: Hiện trạng ngành năng lượng Úc và kinh nghiệm cho Việt Nam đăng trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam Online [kỳ 1 08:42 |12/01/2018; kỳ 2  07:06 |15/01/2018 và kỳ 3 08:14 |22/01/2018].

Thứ năm: Về ý kiến của bạn nêu: "Không ngạc nhiên là hiện nay nhiều nước dịch chuyển ngành năng lượng của mình khỏi than đá. Châu Âu đã bỏ điện than rồi, Thụy Điển là 100% là năng lượng tái tạo, còn Đức đang phấn đấu sử dụng 40% năng lượng tái tạo (không kể thủy điện) vào năm 2025. Ngay cả Trung Quốc, một cường quốc xuất khẩu công nghệ điện than đi khắp nơi (đặc biệt là Việt Nam và các nước châu Phi) mà trong gói phát triển của họ cũng đang dần xa rời điện than. Năm 2017, 67% đầu tư vào điện của họ là năng lượng tái tạo. Năm ngoái, than đá chỉ chiếm 0,2% trong ngành năng lượng của Mỹ trong khi 75% tổng nguồn cung năng lượng là từ năng lượng tái tạo".

Về điều này, xin mời bạn xem bài: Bàn về sự chia sẻ của Cựu Ngoại trưởng Mỹ với Việt Nam  như đã nêu trên.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động