Thủ tướng yêu cầu ‘rà soát kỹ’ nội dung Quy hoạch điện VIII | Tạp chí Năng lượng Việt Nam
RSS Feed for Thủ tướng yêu cầu ‘rà soát kỹ’ nội dung Quy hoạch điện VIII | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 10/01/2025 05:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủ tướng yêu cầu ‘rà soát kỹ’ nội dung Quy hoạch điện VIII

 - Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tập trung chỉ đạo, rà soát kỹ nội dung Quy hoạch điện VIII, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên hết, trước hết. Đặc biệt chú ý đến chống tiêu cực trong xây dựng chính sách, ai vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Thủ tướng cũng lưu ý việc nghiên cứu, phân tích kỹ về giá điện, việc cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo) và bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh để lãng phí nguồn lực xã hội.


Đáp ứng bền vững nhu cầu than cho Quy hoạch điện VIII: Vấn đề và giải pháp

Cơ cấu nào cho nguồn điện gió, mặt trời trong Quy hoạch điện VIII?


Đánh giá về những tiến bộ, cũng như những thách thức trong bài toán quy hoạch xây dựng các nguồn điện trong giai đoạn 2021 - 2030 và thời kỳ 2031 - 2045 các chuyên gia Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: Do những yêu cầu về bối cảnh mới trong phát triển, thay vì tập trung vào bài toán chi phí tối thiểu với một số phân tích độ nhạy về các yếu tố khách quan, lần này số lượng các kịch bản được mở rộng hơn, phản ánh các mục tiêu khác nhau của quy hoạch trên cơ sở các định hướng chính sách. 

Tuy kịch bản có thể được điều chỉnh thêm sau này, nhưng nếu so các con số trên với công suất nguồn trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) ở năm 2030, công suất nhiệt điện than giảm đi trên 16,4 GW (giảm 30%) do giãn tiến độ sau 2030, hoặc loại bỏ một số dự án, giai đoạn 2026 - 2030 không xây dựng thêm điện than mới; công suất điện khí tăng thêm gần 7,8 GW (tăng 42%). Đặc biệt, công suất điện gió tăng thêm 13 GW (gấp 3 lần) và điện mặt trời tăng thêm 6,2 GW (gấp 1,7 lần). Đây là những tín hiệu đáng mừng cho một tổ hợp cơ cấu nguồn điện “sạch hơn”, giảm đáng kể phát thải ô nhiễm môi trường.

Về quan điểm quy hoạch, theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam:  Quy hoạch “mở” đã thay cho các quy hoạch “cứng” trước đây, nhưng vấn đề là phải định nghĩa rõ khái niệm “mở” để làm sao huy động các nguồn lực Nhà nước và xã hội đầu tư trên 83.000 MW công suất điện mới từ nay đến năm 2030 (mỗi năm trên 8.000 MW), cùng với lưới truyền tải. Nếu quy hoạch “mở” mà không quy định rõ trách nhiệm, có chế tài thưởng phạt rõ ràng với các nhà đầu tư, thì sẽ lại gặp phải những nguy cơ cũ.

Còn về đề xuất xây dựng thêm 15 GW điện mặt trời mới và 18,6 GW điện gió đến năm 2030, giới khoa học nhận định: Đây là một thách thức lớn về nhiều mặt mà trong thời gian tới cơ quan nghiên cứu cần phải làm rõ để đảm bảo tính khả thi của phương án đề xuất. Cụ thể là:

Thứ nhất: Với hậu quả nặng nề của dịch bệnh Covid-19, các dự án điện năng lượng tái tạo (NLTT), nhất là điện gió sẽ chịu tác động lớn của việc chậm trễ chuyển giao thiết bị, chuyên gia giám sát dự án. Nếu không tính đến tác động này và giãn bớt thời gian hiệu lực của cơ chế FIT cho điện gió, mục tiêu khuyến khích điện gió sẽ không thể hiện thực.

Thứ hai: Nhu cầu đất đai cho các dự án điện mặt trời sẽ cần khoảng gần 15.000 ha (~0,8 - 1 ha/MW), điện gió trên bờ cần khoảng 28.000 ha (1,4 ha/MW), nếu điện gió ngoài khơi là 18 - 20 ha/MW, vấn đề mất đất trồng trọt và sinh kế của người dân sẽ còn là bài toán khó.

Thứ ba: Lưới điện cần thiết để đồng bộ, truyền tải năng lượng của điện NLTT sẽ tăng lên đáng kể. Theo kinh nghiệm, lưới điện đồng bộ sẽ yêu cầu vốn đầu tư bằng khoảng 25% phần vốn đầu tư nguồn điện.

Thứ tư: Sau khi kết thúc áp dụng khuyến khích điện mặt trời, điện gió qua cơ chế FIT, cơ chế đấu thầu các dự án mới sẽ phải làm sao để có thể đạt được mục tiêu NLTT, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và các nhà đầu tư, nhất là huy động đầu tư tư nhân.

Thứ năm: Giá bán điện duy trì ở mức thấp sẽ dẫn đến giá mua điện thấp. Vậy cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện NLTT (còn có giá thành cao) sẽ còn những rào cản, khó khăn mà người dân chưa thể sớm đồng thuận.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, dự kiến tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW . Trong đó, nhiệt điện than là 27%, nhiệt điện khí 21%, thuỷ điện 18%, điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%, thuỷ điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%.

Đến năm 2045 tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7 GW. Trong đó, nhiệt điện than là 18%, nhiệt điện khí 24%, thuỷ điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%, nhập khẩu khoảng gần 2%, thuỷ điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng 3%./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Bài viết cùng chủ đề

Dự thảo Quy hoạch điện VIII

Có thể bạn quan tâm

Ý kiến bạn đọc

* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động