RSS Feed for Phát triển thủy điện vừa và  nhỏ, năng lượng tái tạo | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 01:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo

 - Ngày 28/7/2017, tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc "Phát triển thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo”.

Thống nhất đưa 4 dự án thủy điện ở Nam Trà My vào quy hoạch
EVN xác lập chủ trương phát triển năng lượng tái tạo
Trao quyết định đầu tư 7 dự án điện gió tại Bến Tre

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi cho biết: Qua 30 năm đổi mới đất nước, ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng đều tăng trưởng trên 10%/năm. Ngành điện đã đáp ứng được việc cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Theo Chủ tịch VEA, hiện nay, các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đốt ngày càng cạn kiệt. Mục tiêu Đảng, Chính phủ đề ra cho ngành năng lượng Việt Nam phấn đấu tới năm 2020 phải đạt được sản lượng điện 265 tỷ kWh và tới năm 2030 phải đạt được 570 tỷ kWh. Để cân đối mục tiêu nêu này, từ nay tới năm 2020, trong vòng hơn 3 năm nữa phải tìm ra các nguồn điện để bổ sung sản lượng điện thiếu khoảng 100 tỷ kWh vào năm 2020 và thiếu khoảng 300 tỷ kWh vào năm 2030. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải tính toán để khai thác các tiềm năng các nguồn năng lượng trong nước còn có thể khai thác, đồng thời tìm các nguồn điện từ các nước trong khu vực cung cấp thêm điện cho Việt Nam, như từ Lào, Camphuchia, Trung Quốc… tuy nhiên, nguồn điện mua từ nước ngoài hiện tại là không đáng kể...

Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi.

"Từ nhận định trên, nguồn điện từ tài nguyên trong nước cần được đầu tư khai thác, đó là các nguồn thủy điện vừa và nhỏ, đặc biệt nguồn năng lượng tái tạo: điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối một cách mạnh mẽ," Chủ tịch VEA nhấn mạnh.

Theo ông Phan Duy Phú, Phó vụ trưởng Vụ thủy điện - Tổng cục Năng lượng, Việt Nam có tiềm năng về phát triển thủy điện khá lớn, với tổng công suất lắp máy khoảng 35.000 MW và điện lượng bình quân năm khoảng 300 tỷ kWh. Đây là tài nguyên quý giá, là nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác hợp lý.

Ông Phan Duy Phú cho biết, theo quy hoạch, đến nay trên cả nước có 824 dự án thủy điện, với tổng công suất lắp máy 24.778 MW, đạt 95,3% về công suất so với tiềm năng về kinh tế. Trong đó đã vận hành khai thác 343 dự án (7.987 MW), đang thi công xây dựng 165 dự án (3.348 MW), đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng 260 dự án (3.050 MW), còn lại 56 dự án (393,5 MW) chưa có chủ trương đầu tư...

Đối với các dự án thủy điện nhỏ từ 1 MW-30 MW thì cả nước có 714 dự án (7.238 MW) nằm trong quy hoạch, trong đó đã vận hành khai thác 270 dự án (2.776,7 MW); đang thi công xây dựng 141 dự án (1.739 MW); đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng 250 dự án (2.466 MW); còn lại 53 dự án (265 MW) chưa có chủ trương đầu tư.

Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng vận hành khai thác các công trình thủy điện, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh đã loại bỏ 468 dự án, vị trí tiềm năng thủy điện, với tổng côn suất 2.044 MW do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động lớn đối với môi trường - xã hội...

Ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng Tái tạo - Tổng cục Năng lượng.

Ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng Tái tạo - Tổng cục Năng lượng, mục tiêu của Việt Nam là ưu tiên phát triển nguồn NLTT cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn NLTT đạt khoảng 7% năm 2020, trên 10% năm 2030.

Cụ thể, ưu tiên phát triển thủy điện, nhất là các dự án đa mục tiêu. Đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 17.000 MW hiện nay lên 21.600 MW năm 2020; 24.600 MW năm 2025. Điện năng sản xuất từ thủy điện chiếm 29,5% năm 2020; 20,5% năm 2025 và 15,5% năm 2030.

Điện gió, đưa tổng công suất nguồn điện gió từ 140 MW hiện nay lên 800 MW năm 2020; 2.000 MW năm 2025 và 6.000 MW năm 2030; Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm 0,8% năm 2020; 1% năm 2025 và 2,1% năm 2030.

Đối với điện mặt trời, đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên 850 MW năm 2020; 4.000 MW năm 2025 và 12.000 MW năm 2030; Điện năng sản xuất từ nguồn điện mặt trời chiếm 0,5% năm 2020; 1,6% năm 2025 và 3,3% năm 2030. Và điện năng sản xuất từ nguồn sinh khối chiếm 1% năm 2020; 1,2% năm 2025 và 2,1% năm 2030.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán kinh tế Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc cho biết: là quốc gia có tốc độ phát triển năng lượng tái tạo nhanh nhất trên thế́ giới. Tính đến hết năm 2016, tổng công suất lắp đặt điện năng lượng tái tạo ở Trung Quốc chiếm 27% trên toàn cầu, đạt 545GW. Chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc luôn muốn chia sẻ kinh nghiệm thành công và công nghệ ứng dụng về phát triển năng lượng tái tạo với chính phủ và doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam.

Tiếp đó, Hội nghị cũng được nghe trình bày các tham luận, ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tỉnh, sở công thương, các doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ, và một số giải pháp khoa học công nghệ của nhóm chuyên gia quốc tế liên quan đến vấn đề thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo... 

Sau Hội nghị này, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sẽ cùng các chuyên gia, nhà khoa học… nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến tham luận để đề xuất với các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện để phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam nói chung và thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng tái tạo nói riêng.

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động