Báo cáo tại hội nghị cho biết, chương trình Solar Hub đã sàng lọc trên 80 dự án từ các doanh nghiệp quan tâm để chọn 20 dự án tiềm năng và tài trợ 14 dự án được triển khai nghiên cứu tiền khả thi, với tổng công suất lắp đặt dự kiến là 12.800kWp, lượng điện mặt trời sản xuất hàng năm tương đương 18.000.000 kWh và giảm phát thải nhà kính hơn 9.800 tấn CO2/năm.
Ngoài ra, chương trình còn xúc tiến các hoạt động thúc đẩy việc ban hành cơ chế hỗ trợ điện mặt trời mà Chính phủ Việt Nam đang soạn thảo. Xây dựng website www.solarhub.vn để cung cấp công cụ tính toán cơ sở về hệ thống điện mặt trời, các văn bản pháp lý, thông tin về các báo cáo tiền khả thi, nhà đầu tư, nhà cung cấp công nghệ, cơ sở dữ liệu cho việc phát triển điện mặt trời tại miền Nam Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc ECC HCMC cho biết từ thành công của chương trình Solar Hub tại TP. Hồ Chí Minh (bắt đầu triển khai từ năm 2015), đến nay Thành phố đã có hơn 1MWp điện mặt trời được lắp đặt. Năm 2016, thị trường điện mặt trời tiếp tục phát triển, với hơn 2.5MWp dự kiến được các doanh nghiệp đầu tư.
Giám đốc Quỹ Phát triển sạch của Công ty Dragon Capital ông Gavin Smith cho rằng, điện mặt trời trên mái nhà (rooftop solar) là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, và thông minh nhất về nguồn phát điện tại miền Nam Việt Nam. Hệ thống này có thể cung cấp nguồn năng lượng sạch cho các doanh nghiệp đang lo lắng về giá năng lượng tăng cao trong tương lai và quan tâm đến việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Cùng với chương trình Solar Hub, mới đây đại diện nhóm Năng lượng - Khoáng sản thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) đã giới thiệu kế hoạch triển khai dự án hỗ trợ của tổ chức này với các cơ quan liên quan tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo nhóm Năng lượng - Khoáng sản của WB, Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời.
Một nghiên cứu của WB vào năm 2013 cho thấy, nếu toàn bộ các tòa nhà cao tầng tại TP. HCM được lắp đặt pin năng lượng mặt trời thì có thể cung cấp năng lượng tương ứng 110 MWp.
Việc lắp đặt những tấm pin năng lượng mặt trời sẽ giúp tận dụng những "mái nhà bị bỏ quên", giúp tạo ra việc làm và tăng lợi nhuận.
Theo đó, WB đề xuất hỗ trợ TP. HCM triển khai chương trình năng lượng mặt trời trên mái nhà, từ đó nhân rộng trên cả nước, nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ đạt công suất lắp đặt điện mặt trời lên 12GW.
Theo kế hoạch, WB sẽ đánh giá tổng quan lợi ích của việc triển khai chương trình năng lượng mặt trời trên mái nhà, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia năng lượng cho TP. HCM, hỗ trợ tìm nhà cung cấp thiết bị, cũng như tìm kiếm nguồn vốn cho chương trình.
NangluongVietnam Online