RSS Feed for Chính sách giá năng lượng đang chặn bước tiến điện mặt trời | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 02:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chính sách giá năng lượng đang chặn bước tiến điện mặt trời

 - Đầu tư vào năng lượng mặt trời vẫn khó do suất đầu tư còn cao và Chính phủ chưa ban hành giá bán loại năng lượng này.

Bình Phước có dự án điện mặt trời bằng vốn Nhật Bản
Điện mặt trời trước cơ hội bứt phá

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Huy Hoạch, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, tại Hội thảo “Phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, cơ hội và thách thức” do Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 21/9.

 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự định triển khai nghiên cứu 2 dự án tại Bình Thuận và Đồng Nai. Ảnh: EVN

TS. Nguyễn Huy Hoạch cho biết, khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước đang lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20 MW đến trên 300 MW tại một số địa phương, chủ yếu tập trung ở miền Trung.

Nhiều nhà đầu đến từ Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ… cũng đã đăng ký đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Cạnh đó, các nhà đầu tư trong nước cũng bắt đầu nghiên cứu, đầu tư vào thị trường này như Tổng công ty Điện lực miền Trung với dự án công suất dự kiến 150 MW tại Khánh Hòa.

Mới đây, EVN cũng đã đề xuất với tỉnh Ninh Thuận về việc đầu tư dự án năng lượng mặt trời công suất 200 MW.

Theo Quy hoạch Điện VII (hiệu chỉnh), đến năm 2020, mỗi năm phải xây dựng nguồn điện mặt trời với công suất hơn 200 MW, từ năm 2020 - 2025, mỗi năm phải lắp đặt hơn 600 MW và 5 năm tiếp theo, mỗi năm phải lắp đặt 1.600 MW mới đạt kế hoạch đề ra.

Thị trường lớn, nhưng các nhà đầu tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào năng lượng mặt trời do suất đầu tư còn cao và Chính phủ cũng chưa ban hành giá bán loại năng lượng này. 

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà, cho biết, hiện doanh nghiệp chưa đầu tư vào điện mặt trời là do có nhiều rào cản liên quan tới cơ chế, chính sách.

Chi phí đầu tư dự án năng lượng mặt trời cao trong khi doanh nghiệp chưa có “đầu ra” cho sản phẩm, dịch vụ. Doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn vay trong bối cảnh giá điện được dự thảo vẫn ở mức thấp nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. 

Một điểm nữa, Việt Nam thiếu trầm trọng hệ thống nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành về năng lượng mặt trời, thiếu các quy chuẩn về khai thác và sử dụng năng lượng mặt trời, cũng như chưa có cơ chế khuyến khích sản xuất các thiết bị ứng dụng, sử dụng điện mặt trời trong nước. 

Theo ông Diệp Bảo Cánh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Năng lượng Mặt trời đỏ, thị trường điện mặt trời tại Việt Nam đang rất hấp dẫn.

Giá thiết bị điện mặt trời đang ngày càng rẻ. Cách đây 5 năm, giá tấm pin điện mặt trời từ 3-4 USD/Wp, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 0,5 USD/Wp, giảm khoảng 80%.

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời, Nhà nước cần có những cơ chế về giá, bổ sung các quy định, quy chuẩn để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển điện mặt trời.

Nhà nước cần sớm có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến điện mặt trời đầy đủ hơn, ví dụ như tiêu chuẩn tấm pin, invester chuyển điện, giàn khung đỡ… để giúp người tiêu dùng mua đúng sản phẩm chất lượng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương về việc xem xét ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Điều này là cần, song theo ông Lê Vĩnh Sơn, cần xây dựng và công bố quy hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời, sau đó sớm công bố giá mua bán điện năng lượng mặt trời hợp lý và cơ chế hòa lưới điện quốc gia.

Cạnh đó, cần ban hành bộ tiêu chuẩn cho các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời và thực hiện thử nghiệm chất lượng để hạn chế lưu thông sản phẩm kém chất lượng, định hướng đúng cho người dân về hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời. 

Ngoài ra, Chính phủ bổ sung các quy định, cơ chế nhằm khuyến khích hơn nữa việc sản xuất các thiết bị điện mặt trời trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa dự án điện mặt trời để từng bước giảm giá bán điện của dự án điện mặt trời. 

Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Huy Hoạch cũng kiến nghị, Chính phủ cần quy định giá mua bán điện năng lượng mặt trời một cách hợp lý, để hài hòa lợi ích 3 bên: chủ đầu tư (bên bán điện) - EVN (bên mua điện) và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh của Chính phủ.

Ông Hoạch cũng nói, giá mua bán này cần “điều chỉnh linh hoạt” theo nguyên tắc giảm dần khi suất đầu tư vào điện mặt trời giảm.

SONG ANH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động