RSS Feed for Vai trò tư nhân trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 20:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vai trò tư nhân trong phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

 - Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo là góp phần giảm tiêu thụ than, dầu, khí, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, sạch môi trường. Tuy nhiên, thời gian qua, đầu tư và kết quả còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng; trong đó, vai trò tư nhân còn rất hạn chế, cần có cơ chế chính sách khuyến khích.

>> Quy hoạch năng lượng tổng thể - Cơ sở khoa học, pháp lý cho quy hoạch các phân ngành năng lượng
>> Phát triển năng lượng xanh cho mùa xuân vĩnh hằng
>> Nhật ký Năng lượng: Năng lượng sạch - Thách thức và hy vọng

BÙI HUY PHÙNG
Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng - VEA

Nhu cầu năng lượng Việt Nam

Qua gần 30 năm đổi mới, cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, ngành năng lượng Việt nam đã có những bước phát triển rất đáng ghi nhận.

Giai đoạn 2001-2009, GDP tăng bình quân 7%/năm, năm 2010-2012 tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng GDP tăng gần 6%/năm, năm 2012, GDP đầu người đạt 1.540 USD, Việt Nam bước qua ngưỡng nước nghèo. Sản xuất năng lượng sơ cấp tăng khoảng 7,5%/năm. Năm 2012, sản xuất than sạch đạt 46 triệu tấn, dầu thô 16 triệu tấn, khí đốt 9 tỷ m3; tổng công suất các nhà máy điện khoảng 28.000 MW, tổng sản lượng điện đạt 120,795 tỷ kWh (thuỷ điện 53 tỷ kWh, nhiệt điện khí 40,2 tỷ kWhnhiệt điện than 21,2 tỷ kWhnhiệt điện dầu 0,159 tỷ kWh và nhập khẩu 2,7 tỷ kWh), điện tiêu thụ đầu người đạt xấp xỉ 1.400 kWh/người/ năm. Cơ sở hạ tầng của ngành năng lượng phát triển nhanh. Nội dung sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đang từng bước được quản lý thống nhất và có hiệu quả. Hoạt động năng lượng đang được định hướng dần theo cơ chế thị trường.

Ngành năng lượng càng lớn mạnh, hệ thống năng lượng càng phức tạp, đa dạng, quá trình phát triển đang đòi hỏi tính cân đối, thống nhất, bền vững và hiệu quả cao hơn. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, nội dung phát triển xanh bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) được đặt ra như là một tiêu chí thời đại.

Theo dự báo từ Quy hoạch điện VII (chưa hiệu chỉnh)[1], nhu cầu năng lượng Việt Nam trong hai thập niên tới sẽ tăng nhanh (phương án cơ sở) được trình bày trong bảng 1. 

Bảng 1. Dự báo nhu cầu năng lượng đến 2030

Chỉ tiêu

2010

2015

2020

2025

2030

Tổng NLCC tr.TOE

48

67

93

124

188

Tổng SX điện, tỷ kWh

108

194

329

489

695

Tiêu thụ điện đầu người

kWh/người

 

996

1836

2800

4020

50000

Tiêu thụ NLTM đầu người

kgOE/người

 

385

-

821

-

1480

 

Thực trạng và dự báo sử dụng NLTT trong thời gian tới

Cho tới nay chưa có thống kê đầy đủ về thực trạng sử dụng NLTT nói chung và phát điện nói riêng. Tuy nhiên, từ một số tư liệu thu thập được cho thấy, tổng công suất điện từ các nguồn NLTT chỉ đạt khoảng 1.200MW và cung cấp sản lượng điện rất khiêm tốn, khoảng 2 tỷ kWh/năm, tương đương 1,6% tổng sản xuất điện quốc gia, có thể tổng hợp thực trạng sử dụng NLTT cho phát điện hiện nay ở nước ta trong bảng 2.

Bảng 2. Thực trạng sử dụng NLTT cho phát điện năm 2012

STT

Loại nguồn

Công suất (MW)

1

Thủy điện nhỏ

1.000

2

Gió

52

3

Mặt trời

3

4

Sinh khối

152

5

Rác thải sinh hoạt

8

Tổng cộng

1.215

 

Triển vọng trong những năm tới, theo Quy hoạch điện VII, chỉ tiêu được đặt ra là tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT sẽ chiếm 4,5% và 6%, tương ứng vào năm 2020 và năm 2030. Với bối cảnh hiện nay và dự báo trong thời gian tới, đặc biệt với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chúng tôi đồng tình với nhiều chuyên gia khuyến nghị, cần nâng mức phát triển NLTT cao hơn.

Dưới đây, tại bảng 3 trình bày một kết quả nghiên cứu dự báo, trong đó được hiệu chỉnh cả về nhu cầu điện và tỷ trọng NLTT so với QHĐ VII, chi tiết được trình bày trong [7].

Bảng 3. Phương án ước tính với tỷ trọng NLTT 6%; 10% tổng nhu cầu 
điện năng vào 2020 và 2030

Hạng mục

Đơn vị

2020

2030

Tổng nhu cầu E (phương án hiệu chỉnh)

Tỷ kWh

235

460

Ước tính NLTT

 

 

 

A- Với tỷ trọng NLTT như QHĐVII và Chiến lược tăng trưởng xanh

 

 

 

             - Năng lượng E

 

% tổng

Tỷ kWh

4,5

10,5

6,0

27,6

             - Công suất P

% tổng

MW

5,6

4.000

9,4

9.800

          - Tổng đầu tư

Triệu USD

7.200

13.720

B- Dự báo với tỷ trọng NLTT cao hơn

 

 

 

             - Năng lượng E

 

% tổng

Tỷ kWh

6

14,1

10

42,0

             - Công suất P

MW

5.600

15.000

             -Tổng đầu tư

Triệu USD

10.000

21.000

             - Giảm phát thải CO2

103 tấn

8.460

25.000

      

Như vậy, nếu tính tỷ trọng NLTT cao hơn, 6% năm 2020; 10% năm 2030 và nhu cầu điện được hiệu chỉnh thấp hơn QHĐ VII, năm 2020 tổng công suất điện tái tạo là 5.600 MW, sản xuất điện năng 14,1 tỷ kWh, đầu tư 10 tỷ USD, khả năng giảm là 8,46 triệu tấn CO2; năm 2030 tương ứng là 15.000 MW; 42 tỷ kWh; 21 tỷ USD; 25 triệu tấn CO2.

Vai trò tư nhân trong tiến trình phát triển NLTT

Có thể nhận xét rằng, cả quá trình vài chục năm qua, đầu tư phát triển NLTT, ngoại trừ thủy điện nhỏ, các dự án đầu tư phát triển các nguồn năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, rác thải… chủ yếu nhờ các nguồn tài trợ không hoàn lại từ một số tổ chức quốc tế, một số nước như: Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản... hoặc vốn vay; vốn nhà nước rất hạn hẹp, khu vực tư nhân chưa mấy ai tham gia. Chính vì vậy, các dự án NLTT chậm phát triển. Đến nay, chưa có thống kê đầy đủ, nhưng hàng trăm dự án NLTT nhỏ lẻ được triển khai ở những vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, tuy có mang lại một số tác dụng về văn hóa xã hội, nhưng nhìn chung chậm và hiệu quả không cao!

Gần đây, sau khi Nhà nước, Bộ Công Thương có ban bố chiến lược, quyết định, thông tư khuyến khích, hỗ trợ phát triển NLTT [5,6], thì hoạt động khai thác sử dụng NLTT được khởi sắc từ Trung ương đến địa phương.

Cho tới nay, chưa thấy có một nghiên cứu nào thống kê đánh giá về quan hệ, vai trò của tư nhân đối với công cuộc phát triển NLTT; Trên cơ sở một số tư liệu thu thập từ các nguồn thông tin phổ thông, dưới đây chúng tôi mạnh dạn nêu một số nhận xét.

Trong công tác khảo sát, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển NLTT đều do các cơ quan nhà nước đảm nhận, sử dụng vốn nhà nước, hoặc vốn được tài trợ, các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương như: Viện Năng lượng, EVN, PVN chủ trì thực hiện.

Triển khai các dự án điện mặt trời: Các dự án cung cấp điện bằng pin mặt trời, chúng ta đã triển khai khoảng 500 hệ thống pin mặt trời quy mô gia đình, 100 hệ thống quy mô cộng đồng, rải rác trên 35 tỉnh thành, trong đó có 5 dự án có công suất từ 100-150 kWp (có một dự án nối lưới). Do các dự án quy mô nhỏ, rủi ro cao, suất đầu tư cao, giá điện khoảng 8.000-10.000đ/kWh; hầu hết được thực hiện bằng nguồn vốn tài trợ từ Thụy Điển, Nhật, Tây Ban Nha, Mỹ... tư vấn thực hiện cũng từ các đơn vị nhà nước; chưa thấy một tổ chức tư nhân nào thực hiện đầu tư.

Trong khâu sử dụng nhiệt bằng NLMT - thiết bị đun nước nóng, sau các giai đoạn thử nghiệm và chuyển giao công nghệ thành công, thiết bị có khả năng thương mại hóa, các tổ chức tư nhân đã đầu tư và đóng vai trò tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm khá nhạy bén, hiện tại có nhiều nhà sản xuất và phân phối trên cả ba miền Bắc-Trung-Nam.

Triển khai các dự án thủy điện nhỏ: Khoảng mười năm trở lại đây do cơ chế mở hơn, nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư xây dựng thủy điện nhỏ, từ đó có nhận xét “nhà nhà làm thủy điện”, phong trào đã góp phần cung cấp một lượng điện đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng đã phát sinh nhiều hệ lụy môi trường, xã hội. Các nhà đầu tư chính có thể kể tới là Tổng công ty Sông Đà, LILAMA, LICOGI, VINACONEX, nhiều công ty, doanh nghiệp mới nổi từ may mặc, nước khoáng... cũng tham gia đầu tư thủy điện nhỏ. Vốn đầu tư chủ yếu từ các TCT Nhà nước, phần tư nhân chiếm tỷ trọng thấp, được đánh giá chỉ khoảng 15-20%.

Đối với các dự án điện gió: Cách đây 10-15 năm, các dự án điện gió thử nghiệm do các đơn vị nghiên cứu thực hiện, với công suất nhỏ 5-10kW nhờ vốn tài trợ, như điện gió Hải Hậu, Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cù Lao Chàm… Gần đây, nhờ tiến bộ công nghệ, giá đầu tư giảm và đặc biệt Chính phủ Việt Nam có chính sách khuyến khích phát triển sử dụng năng lượng gió từ trợ giá, tới các ưu tiên đất đai, thuế… hoạt động đầu tư điện gió sôi nổi, năng động hơn. Các dự án điện gió gần đây đều có công suất lớn hàng chục, hàng trăm MW. Các chủ đầu tư hầu hết là các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn. Các công ty huy động nguồn vốn tự có, vốn từ các tập đoàn kinh tế nhà nước, vay ngân hàng, vay nước ngoài như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, CHLB Đức... Tổng số vốn ước tính 1-1,2 tỷ USD cho các dự án cụ thể sau:

- Điện gió Bình Thuận, công suất 120MW, chủ đầu tư CTCP Năng lượng Tái tạo VN (REVN);

- Điện gió Ninh Thuận, công suất 100MW, chủ đầu tư CTCP Đầu tư và Xây dựng Điện lực VN (EVNIC);

- Điện gió Bạc Liêu, công suất 100 MW, chủ đầu tư CTTNHH Xây dựng-Thương mại-Du lịch Công Lý;

- Điện gió Cần Giờ, công suất khoảng 200MW, chủ đầu tư CTTNHH Xây dựng-Thương mại-Du lịch Công Lý...

Đến nay, các dự án đã thực hiện và cung cấp điện được khoảng 15% công suất dự kiến.

Đối với các dự án nhiên liệu sinh học: Cho tới nay có 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu ethanol, với tổng công suất khoảng 600 triệu lít/năm, tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 8.000 tỷ đồng, trong đó 3 nhà máy thuộc chủ đầu là PVN và PVN liên doanh nước ngoài, 3 nhà máy có chủ đầu tư là Công ty TNHH Đồng Xanh, Đại Việt và Tùng Lâm, tuy không thể biết rõ tỷ lệ góp vốn, nhưng có thể thấy vốn đầu tư được huy động từ các tập đoàn kinh tế nhà nước là chính.

Các cơ sở này hiện đang gặp nhiều khó khăn, giá thành sản phẩm cao, thị trường chưa chấp nhận sử dụng xăng pha ethanol, không tiêu thụ được sản phẩm, một số công ty đang trong cảnh nợ nần, ngừng sản xuất, một số công ty đang xây dựng dang dở.

Đối với các dự án khí sinh học (hầm biogas): Việt Nam phát triển và sử dụng khí sinh học đã khá lâu, từ thập niên 60,70 của thế kỷ trước, phong trào trải qua những lúc thăng trầm vì thiếu nhận thức, thiếu đầu tư, thiếu cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Những năm gần đây, nhờ có chính sách khuyến khích và các dự án lớn có tài trợ quốc tế, đặc biệt là dự án tài trợ của Hà Lan, các dự án phát triển hầu khắp các tỉnh trong toàn quốc, đến nay, tổng sồ hầm khí sinh học lên tới trên 550.000 hầm, một số nơi còn phát triển các hầm quy mô cộng đồng kết hợp phát điện.

Tuy nhiên, việc xây dựng các hầm khí sinh học tập trung ở các vùng nông thôn nghèo, thiếu đầu tư, nên các dự án nói chung đều có tài trợ quốc tế và chính phủ, phần đóng góp của tư nhân chưa nhiều, có thể đánh giá chỉ khoảng 20-30% tùy theo dự án và địa bàn triển khai.

Mới đây, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc điều chỉnh cơ chế tài chính Hợp phần tín dụng của dự án Năng lượng tái tạo (REDP) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan hướng dẫn các ngân hàng thương mại tham gia thực hiện.

Ước tính có khoảng 15- 25 tiểu dự án đầu tư tư nhân sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo sẽ được vay vốn từ Dự án REDP, thông qua các ngân hàng thương mại.

Dự án bao gồm ba hợp phần, gồm đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, xây dựng khung chính sách phát triển và phát triển các dự án năng lượng tái tạo tương lai (Văn bản số 6597/VPVP-QHQT, ngày 9/8/2013).

Kết luận và kiến nghị

Nguồn năng lượng truyền thống của nước ta đang suy giảm do trữ lượng có hạn, mà nhu cầu sử dụng ngày càng lớn, đồng thời việc tiêu thụ năng lượng khoáng sản đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo là góp phần giảm tiêu thụ than, dầu, khí, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, sạch môi trường, nhưng đầu tư và kết quả còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.

Chúng ta đang thiếu quy hoạch, thiếu chính sách, định chế khuyến khích phát triển cũng như sử dụng NLTT; Đề nghị Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng tổ chức nghiên cứu đánh giá toàn diện tình hình phát triển, sử dụng NLTT để rút kinh nghiệm.

Thời gian qua, việc phát triển các dự án NLTT do các cơ quan nhà nước đóng vai trò chính từ tổ chức đến đầu tư vốn (vốn tài trợ nhà nước quản lý), nhà đầu tư Việt Nam nghèo, ít vốn, lại thiếu chính sách nên vai trò tư nhân chưa phát huy được, tỷ lệ đóng góp còn rất hạn chế.

Trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam và xu thế chung của thời đại, đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT tổ chức nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển NLTT có tỷ trọng cao hơn so với QHĐVII và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Kịch bản nghiên cứu có thể hướng tới NLTT đảm bảo 6%, 10% tổng nhu cầu điện năng quốc gia, tương ứng cho 2020, 2030 và cao hơn sau đó. Tổ chức xây dựng quy hoạch, chính sách, cơ chế hợp lý, thuận lợi để đẩy mạnh phát triển và sử dụng NLTT, đặc biệt phát huy vai trò tư nhân, nội địa hóa công nghệ NLTT.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Bộ Công Thương, 2011 - Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).

[2] Bộ Công Thương, Chính sách phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam - 2009.

[ 3]  Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Điện lực, 2012.

[4] Quyết định phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2050” của Thủ tướng Chính phủ, tháng 9/2012.

[5] Quyết định Chính phủ về cơ chế hỗ trợ điện gió, QĐ 37/2011/QĐTTg, ngày 29-6-2011.

[6] Thông tư Bộ Tài chính, hướng dẫn cơ chế hỗ trợ tài chính điện gió nối lưới, số 96/2012/TT-BTC, ngày 8-6-2012.

[7] Báo cáo khoa học-Rà soát, đánh giá và phân tích hiện trạng, kế hoạch ứng dụng NLTT tại VN, Nội dung dự án FIRM-Bộ TN&MT, Chủ trì - Bùi Huy Phùng, Hà Nội 10-2013.

[8] Bùi Huy Phùng - Tiềm năng, khả năng khai thác và định hướng phát triển NLTT ở Việt Nam, BC Diễn đàn Năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ KH&ĐT-Cộng hòa Pháp, Hạ Long, 11/2009.

[9] Bùi Huy Phùng-Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia-Cơ sở khoa học và pháp lý cho quy hoạch các phân ngành năng lượng, TC Năng lượng VN, số3, 2012.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động