RSS Feed for Thấy gì qua Báo cáo Điện lực 2024 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 00:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thấy gì qua Báo cáo Điện lực 2024 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế?

 - Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố Báo cáo Điện lực 2024. Một số phân tích, nhận định, lưu ý trong Báo cáo này được chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp dưới đây để bạn đọc cùng tham khảo.
Năm nhóm giải pháp giải cứu ngành điện Việt Nam trong năm 2024 Năm nhóm giải pháp giải cứu ngành điện Việt Nam trong năm 2024

Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trồng cam, khoai, dưa hấu, nuôi tôm hùm... khi gặp khó khăn trong tiêu thụ do “dư thừa sản xuất” tại một thời điểm nhất định, chúng ta đã có các chiến dịch “giải cứu”. Ngược lại, với ngành điện, do “thiếu năng lực sản xuất”, nên trong năm 2024 dự kiến có nhiều khó khăn trong cung ứng điện, cả về sản lượng (MWh) và công suất đỉnh (MW)... Trên tinh thần giải cứu ngành điện trong năm 2024, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đề xuất một số giải pháp dưới đây.

Phân tích chiến lược (SWOT) trong phát triển điện LNG của Việt Nam Phân tích chiến lược (SWOT) trong phát triển điện LNG của Việt Nam

Trong bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ phân tích chiến lược (SWOT) trong phát triển ngành điện LNG của Việt Nam (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, rủi ro, thách thức) và các khuyến nghị về phát triển điện LNG trong Quy hoạch điện VIII. Rất mong nhận được sự chia sẻ, thảo luận của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

Bối cảnh ra đời Báo cáo:

Cuối tháng 1/2024, Báo cáo Điện lực 2024 (Electricity 2024) của IEA chính thức được phát hành. Tài liệu cho biết, sản lượng điện hạt nhân toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2025, tăng trung bình gần 3% mỗi năm cho đến năm 2026. Hơn một nửa số lò phản ứng mới chuẩn bị đi vào hoạt động trong giai đoạn này thuộc về Trung Quốc và Ấn Độ. Nhu cầu điện chung toàn cầu dự kiến sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn trong ba năm tới khi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang được triển khai quyết liệt nhờ công nghệ sản xuất điện phát thải thấp.

Từ năm 2024 đến năm 2026, mức tiêu thụ điện dự kiến tăng trung bình 3,4%, với 80% nhu cầu này đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, các nguồn phát thải thấp dự kiến sẽ chiếm gần một nửa sản lượng điện của thế giới vào năm 2026, tăng từ 39% vào năm 2023. Do đó, việc tăng tiêu thụ điện sẽ ít gây hại cho môi trường hơn.

Với việc các lò phản ứng hạt nhân của Pháp quay trở lại hoạt động sau khi sản lượng xuống thấp nhất trong 30 năm (vào năm 2022), Nhật Bản thận trọng khởi động lại các lò phản ứng sau sự cố Fukushima, đồng thời hoạt động thương mại của các lò phản ứng của Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc cũng tăng tốc. Năng lượng hạt nhân tăng mạnh, có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2025.

Theo dự báo của IEA: Sản lượng điện hạt nhân toàn cầu sẽ cao hơn gần 10% vào năm 2026 so với năm 2023.

Phân tích, nhận định, lưu ý trong Báo cáo Điện lực 2024 của IEA:

1. Năm 2023 nhu cầu điện toàn cầu tăng vừa phải, nhưng sẽ tăng nhanh hơn vào năm 2026.

Năm 2023, tiêu thụ điện giảm ở các nền kinh tế tiên tiến đã hạn chế tăng trưởng nhu cầu điện toàn cầu vào năm 2023. Năm 2023 nhu cầu điện của thế giới tăng 2,2%, thấp hơn mức tăng trưởng năm 2022 là 2,4%. Trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia Đông Nam Á có nhu cầu điện tăng trưởng mạnh vào năm 2023, thì các nền kinh tế tiên tiến lại chứng kiến sự sụt giảm đáng kể do môi trường kinh tế vĩ mô mờ nhạt, cũng như lạm phát cao, khiến sản lượng sản xuất và công nghiệp giảm.

Nhu cầu điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn trong ba năm tới (trung bình 3,4% hàng năm cho đến năm 2026). Mức tăng này sẽ được thúc đẩy bởi triển vọng kinh tế được cải thiện, sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu điện nhanh hơn cả ở các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi.

2. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển là động lực giúp nhu cầu điện toàn cầu tăng mạnh.

Khoảng 85% nhu cầu điện bổ sung từ nay đến năm 2026 dự kiến sẽ đến từ các nền kinh tế bên ngoài các nước phát triển. Trong đó, Trung Quốc đóng góp đáng kể (ngay cả khi nền kinh tế nước này trải qua những thay đổi về cơ cấu). Năm 2023, nhu cầu điện Trung Quốc tăng 6,4%, do các ngành dịch vụ và công nghiệp thúc đẩy. Tổng mức tăng nhu cầu điện của Trung Quốc đến năm 2026 là khoảng 1.400 TWh, bằng hơn một nửa mức tiêu thụ điện hàng năm hiện tại của Liên minh châu Âu (EU). Mức tiêu thụ điện bình quân đầu người ở Trung Quốc đã vượt EU vào cuối năm 2022 và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa.

Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đến năm 2026 trong số các nền kinh tế lớn. Mức tăng trung bình hàng năm trên 6% cho đến năm 2026, được hỗ trợ bởi hoạt động kinh tế mạnh mẽ và việc mở rộng sở hữu máy điều hòa không khí. Trong ba năm tới, Ấn Độ sẽ bổ sung nhu cầu điện gần tương đương với mức tiêu thụ hiện tại của Vương quốc Anh. Trong khi năng lượng tái tạo dự kiến sẽ đáp ứng gần một nửa mức tăng trưởng nhu cầu này, thì 1/3 dự kiến sẽ đến từ nguồn phát chạy than.

Ngoài ra, Đông Nam Á sẽ chứng kiến nhu cầu điện tăng mạnh hàng năm ở mức trung bình 5% cho đến năm 2026 nhờ kinh tế ngày càng sôi động.

Trong khi mức sử dụng điện bình quân đầu người ở Ấn Độ và Đông Nam Á đang tăng nhanh thì ở châu Phi lại trì trệ trong hơn ba thập kỷ. Dự báo châu Phi (trong giai đoạn 2024 - 2026) mức tăng trưởng trung bình hàng năm về tổng nhu cầu điện là 4%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng trung bình quan sát được từ năm 2017 đến năm 2023.

Nhu cầu điện ở Hoa Kỳ giảm 1,6% vào năm 2023 (sau khi tăng 2,6% vào năm 2022), nhưng dự kiến sẽ phục hồi trong giai đoạn triển vọng 2024 - 2026. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do thời tiết ôn hòa hơn vào năm 2023 so với năm 2022.

IEA dự báo nhu cầu điện của Hoa Kỳ tăng vừa phải (khoảng 2,5% vào năm 2024), với giả định điều kiện thời tiết trở lại bình thường.

3. Cơ hội phục hồi cho các ngành sử dụng nhiều năng lượng ở EU là rất mong manh.

Năm 2023, nhu cầu điện của EU giảm năm thứ hai liên tiếp, bất chấp giá năng lượng giảm từ mức cao kỷ lục. Sau khi giảm 3,1% vào năm 2022, nhu cầu của EU giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2023 - có nghĩa là nhu cầu này đã giảm xuống mức được thấy lần cuối cách đây hai thập kỷ.

Giống như năm 2022, mức tiêu thụ yếu hơn trong lĩnh vực công nghiệp là yếu tố chính làm giảm nhu cầu điện, dù giá năng lượng giảm, nhưng vẫn ở trên mức trước đại dịch. Vào năm 2023, cũng có những dấu hiệu về sự sụt giảm nhu cầu ổn định, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất kim loại cơ bản và hóa chất tiêu tốn nhiều năng lượng. Những phân khúc này sẽ vẫn dễ bị tổn thương trước những cú sốc về giá năng lượng trong giai đoạn dự báo của IEA.

Tiêu thụ điện của EU trước năm 2026, dự kiến sẽ không quay trở lại mức năm 2021.

Giá điện cho các ngành sử dụng nhiều năng lượng ở EU vào năm 2023 gần như gấp đôi giá điện ở Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mặc dù giá điện ở EU ước tính giảm 50% vào năm 2023 so với 2022, nhưng các ngành sử dụng nhiều năng lượng trong khu vực vẫn tiếp tục phải đối mặt với chi phí điện cao hơn nhiều so với Hoa Kỳ và Trung Quốc sau biến cố Ukraine. Khoảng cách về giá giữa các ngành sử dụng nhiều năng lượng ở EU so với các ngành tương tự ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, vốn đã tồn tại trước cuộc khủng hoảng năng lượng, ngày càng mở rộng. Do đó, khả năng cạnh tranh của các ngành sử dụng nhiều năng lượng của EU dự kiến sẽ vẫn chịu áp lực.

4. Nguồn cung điện sạch (hạt nhân, thủy điện, năng lượng tái tạo) dự báo sẽ đáp ứng toàn bộ nhu cầu tăng trưởng của thế giới đến năm 2026.

Việc phát điện kỷ lục từ các nguồn phát thải thấp (bao gồm hạt nhân, năng lượng gió, mặt trời, thủy điện) sẽ đáp ứng mọi nhu cầu tăng trưởng toàn cầu trong 3 năm tới. Các nguồn phát thải thấp sẽ làm giảm vai trò của nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện trên toàn cầu, được dự báo sẽ chiếm gần một nửa sản lượng điện của thế giới vào năm 2026, tăng từ mức 39% vào năm 2023. Trong ba năm tới, tốc độ tăng trưởng điện sạch dự kiến sẽ cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng hàng năm từ năm 2018 đến năm 2023.

Năng lượng tái tạo dự kiến sẽ cung cấp hơn 1/3 tổng sản lượng điện trên toàn cầu vào đầu năm 2025, vượt qua điện than. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện được dự báo sẽ tăng từ 30% vào năm 2023 lên 37% vào năm 2026, với mức tăng trưởng chủ yếu được hỗ trợ bởi việc mở rộng hoạt động sử dụng năng lượng mặt trời rẻ hơn bao giờ hết. Trong giai đoạn này, năng lượng tái tạo sẽ bù đắp nhiều hơn cho sự tăng trưởng nhu cầu ở các nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ và EU, thay thế nguồn cung năng lượng hóa thạch. Việc mở rộng mạnh mẽ công suất năng lượng tái tạo cũng phải đi kèm với việc tăng tốc đầu tư vào lưới điện và tính linh hoạt của hệ thống để đảm bảo sự tích hợp suôn sẻ.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo, được hỗ trợ bởi sản lượng điện hạt nhân ngày càng tăng, sẽ thay thế sản xuất điện đốt than toàn cầu, được dự báo sẽ giảm trung bình 1,7% mỗi năm cho đến năm 2026. Điều này xảy ra sau khi sản lượng đốt than tăng 1,6% vào năm 2023 trong bối cảnh hạn hán ở Ấn Độ, Trung Quốc đã làm giảm sản lượng thủy điện và tăng sản lượng điện than, nhiều hơn sự sụt giảm mạnh về sản lượng điện than ở Hoa Kỳ và EU.

Sản lượng điện từ khí tự nhiên dự kiến sẽ tăng nhẹ trong giai đoạn triển vọng. Vào năm 2023, sự sụt giảm mạnh về sản lượng điện chạy bằng khí đốt ở EU đã được bù đắp bằng mức tăng lớn ở Hoa Kỳ - nơi khí đốt tự nhiên ngày càng thay thế than và ghi nhận tỷ trọng cao nhất từ trước đến nay trong sản xuất điện. Sản lượng khí đốt toàn cầu tăng dưới 1% vào năm 2023. Đến năm 2026, IEA dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là khoảng 1%. Trong khi sản lượng điện từ khí đốt ở châu Âu dự kiến tiếp tục giảm, tăng trưởng toàn cầu sẽ được hỗ trợ bởi mức tăng đáng kể ở châu Á, Trung Đông, châu Phi trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng ở các khu vực này và nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) bổ sung sẵn có từ các nước này từ 2025 trở đi.

5. Sản xuất điện hạt nhân đang trên đà kỷ lục mới vào năm 2025.

Đến năm 2025, sản lượng điện hạt nhân toàn cầu được dự báo sẽ vượt kỷ lục năm 2021. Ngay cả khi một số quốc gia loại bỏ dần năng lượng hạt nhân, hoặc ngừng hoạt động các nhà máy sớm, sản lượng điện hạt nhân được dự báo sẽ tăng trung bình gần 3% mỗi năm cho đến năm 2026 khi công việc bảo trì diễn ra được hoàn thành ở Pháp và Nhật Bản khởi động lại nhà máy điện hạt nhân, cũng như các lò phản ứng mới bắt đầu hoạt động thương mại ở nhiều thị trường khác nhau như: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, châu Âu.

Nhiều quốc gia đang coi năng lượng hạt nhân là một phần quan trọng trong chiến lược năng lượng của mình khi họ tìm cách bảo vệ an ninh năng lượng, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính. Tại COP28, hơn 20 quốc gia đã ký tuyên bố chung tăng gấp 3 công suất điện hạt nhân vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này sẽ cần phải giải quyết thách thức chính là giảm rủi ro xây dựng và tài chính trong lĩnh vực hạt nhân. Việc phát triển công nghệ lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) đang sôi động, tuy vẫn còn khiêm tốn và không phải là không gặp khó khăn, nhưng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đang bắt đầu phát triển.

Châu Á vẫn là động lực chính cho tăng trưởng năng lượng hạt nhân, với tỷ trọng sản xuất điện hạt nhân toàn cầu của khu vực này dự báo sẽ đạt 30% vào năm 2026. Châu Á dự kiến sẽ vượt qua Bắc Mỹ để trở thành khu vực có công suất hạt nhân lắp đặt lớn nhất vào cuối năm 2026, với một số lượng lớn các nhà máy hiện đang được xây dựng dự kiến sẽ được hoàn thành vào thời điểm đó. Hơn một nửa số lò phản ứng mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn triển vọng là ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Năng lượng hạt nhân đã chứng kiến sự tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ ở Trung Quốc trong thập kỷ qua, với công suất bổ sung khoảng 37 GW, tương đương gần 2/3 công suất hạt nhân hiện tại của nước này. Điều này dẫn đến tỷ trọng điện hạt nhân của Trung Quốc trong sản xuất điện hạt nhân toàn cầu tăng từ 5% năm 2014 lên khoảng 16% vào năm 2023. Trung Quốc bắt đầu vận hành thương mại lò phản ứng thế hệ thứ tư đầu tiên vào tháng 12 năm 2023, càng cho thấy những tiến bộ về năng lượng hạt nhân của nước này đang đến đích mới.

6. Phát thải từ sản xuất điện đang giảm mạnh khi quá trình khử cacbon tăng tốc.

Lượng khí thải CO2 toàn cầu từ sản xuất điện dự kiến sẽ giảm hơn 2% vào năm 2024 sau khi tăng 1% vào năm 2023. Tiếp theo đó là các đợt giảm nhẹ vào năm 2025 và 2026. Sản xuất điện than tăng trưởng mạnh vào năm 2023, đặc biệt là ở Trung Quốc, Ấn Độ trong bối cảnh sản lượng thủy điện giảm - là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng lượng khí thải CO2 của ngành điện toàn cầu. Khi nguồn cung cấp điện sạch tiếp tục mở rộng nhanh chóng, tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất toàn cầu được dự báo sẽ giảm từ 61% vào năm 2023 xuống 54% vào năm 2026, lần đầu tiên giảm xuống dưới 60% trong hồ sơ của IEA kể từ năm 1971. Mức giảm phát thải của ngành điện dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài khi công suất năng lượng tái tạo và điện hạt nhân tiếp tục gia tăng, thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.

Cường độ CO2 trong sản xuất điện toàn cầu dự kiến sẽ giảm gấp đôi tốc độ được ghi nhận trong thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Mức giảm trung bình được dự báo là 4% về cường độ CO2 từ năm 2023 đến năm 2026, gấp đôi mức giảm 2% được quan sát trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2019.

EU dự kiến sẽ ghi nhận tốc độ tiến bộ cao nhất trong việc giảm cường độ phát thải, mức cải thiện trung bình là 13 % mỗi năm. Tiếp đến là Trung Quốc với dự báo mức cải thiện hàng năm là 6% và Hoa Kỳ là 5%.

7. Giá điện bán buôn vẫn cao hơn mức trước Covid-19 ở nhiều nước.

Giá điện bán buôn ở nhiều quốc gia đã giảm vào năm 2023 so với mức cao kỷ lục được ghi nhận vào năm 2022. Điều này diễn ra song song với việc giảm giá các mặt hàng năng lượng (khí đốt tự nhiên và than đá).

Tuy nhiên, có sự khác biệt trong khu vực. Giá điện bán buôn ở châu Âu giảm trung bình hơn 50% vào năm 2023 so với mức kỷ lục vào năm 2022. Mặc dù vậy, giá điện ở châu Âu vẫn gần gấp đôi mức năm 2019, trong khi giá điện ở Hoa Kỳ năm 2023 chỉ cao hơn khoảng 15% so với năm 2019. Các nước Bắc Âu có thủy điện thống trị vẫn là thị trường duy nhất ở châu Âu có giá bán buôn điện trung bình tương đương với giá ở Hoa Kỳ và Úc. Giá bán buôn ở Nhật Bản và Ấn Độ cũng duy trì trên mức năm 2019 vào năm 2023.

8. Tác động bất lợi từ thời tiết khiến việc đầu tư vào an ninh điện ngày càng bức thiết.

Sản lượng thủy điện toàn cầu giảm vào năm 2023 do tác động của thời tiết (hạn hán, lượng mưa dưới mức trung bình và tuyết tan sớm ở nhiều khu vực). Canada, Trung Quốc, Colombia, Costa Rica, Ấn Độ, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Việt Nam cùng với các quốc gia khác đều chứng kiến sản lượng thủy điện sụt giảm.

Hệ số công suất thủy điện toàn cầu, thước đo chính của tỷ lệ sử dụng, đã giảm xuống dưới 40%, giá trị thấp nhất được ghi nhận trong ít nhất ba thập kỷ. Ở một số quốc gia, sản lượng thủy điện giảm dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng, tăng cường sự phụ thuộc vào các nguồn hóa thạch (như than và khí đốt), đồng thời gây lo ngại về sự ổn định của nguồn cung cấp điện. Xu hướng chung nhấn mạnh tính nhạy cảm của thủy điện trước các diễn biến thời tiết và khả năng bị ảnh hưởng của các quốc gia phụ thuộc nhiều vào thủy điện. Việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng, xây dựng các kết nối năng lượng khu vực và thực hiện các chiến lược phát triển năng lượng có khả năng phục hồi trước tình hình thời tiết thay đổi sẽ ngày càng quan trọng.

Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã gây ra tình trạng mất điện lớn vào năm 2023 tại Hoa Kỳ và Ấn Độ. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khả năng phục hồi khi tác động của thời tiết lên hệ thống điện ngày càng tăng, trong đó cả cung và cầu đều ngày càng phụ thuộc vào thời tiết. Công suất điện không đủ, những thách thức về cung cấp nhiên liệu và các vấn đề kỹ thuật liên quan đến lưới điện cũng tiếp tục gây ra tình trạng thiếu điện đáng kể ở nhiều khu vực. Phần lớn các vụ mất điện này xảy ra ở các nền kinh tế mới nổi như: Pakistan, Kenya, Nigeria - những nơi nguồn cung điện không đủ, cùng các vấn đề về cơ sở hạ tầng và lưới điện quá tải trước nhu cầu điện ngày càng tăng.

Lưới điện được mở rộng, mạnh hơn sẽ không chỉ đảm bảo nguồn điện đáng tin cậy mà còn đóng vai trò là xương sống quan trọng để tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện. Cải thiện việc thu thập dữ liệu, số hóa, cũng như minh bạch dữ liệu hơn về tình trạng ngừng hoạt động cũng rất cần thiết để cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về lý do xảy ra lỗi và giúp phát triển các biện pháp phòng ngừa.

Các biện pháp vận hành cụ thể và thị trường mới để đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện đang trở nên phổ biến hơn. Các quốc gia có tỷ trọng nguồn điện tái tạo cao đang thực hiện các cơ chế để đảm bảo tần số hệ thống điện ổn định.

Ngoài ra, nhiều quốc gia khác nhau như Anh, Ireland, Úc đã triển khai các biện pháp (như đáp ứng tần số nhanh và các dịch vụ tương tự) nhằm ổn định hệ thống điện nhanh chóng sau khi bị gián đoạn./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Link tham khảo:

1. https://www.power-technology.com/news/new-report-by-the-iea-says-nuclear-power-production-could-reach-record-high-in-2025/?cf-view

2. https://iea.blob.core.windows.net/assets/6b2fd954-2017-408e-bf08-952fdd62118a/Electricity2024-Analysisandforecastto2026.pdf

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động