RSS Feed for Phát triển nhiệt điện than có đi ngược xu thế toàn cầu? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 01:09
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển nhiệt điện than có đi ngược xu thế toàn cầu?

 - Sau khi hai chuyên đề phản biện khoa học "Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than" và "Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm" của Tạp chí Năng lượng Việt Nam [tạm kết], có ý kiến cho rằng, "hơi bất ngờ" bởi nhiều chuyên gia đầu ngành đã theo thiên hướng về việc phải phát triển nhiệt điện chạy bằng... than. Cũng có câu hỏi được nêu, liệu việc phát triển nhiệt điện than có đi ngược lại xu thế toàn cầu trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu? Bởi lẽ, nhiệt điện than vốn là loại năng lượng "cổ lỗ" nhất của loài người, lượng khí thải CO2 và chất thải rắn luôn là nỗi ám ảnh của nền văn minh nhân loại... Với gần 40 bài viết của các chuyên đề nhiệt điện than, cùng phản biện khoa học "Cú lừa thế kỷ về phát thải CO2 và biến đổi khí hậu" chúng tôi đã phân tích ở nhiều khía cạnh khác nhau, dưới đây xin bổ sung thêm một số điểm để bạn đọc cùng tham khảo.

Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Tạm kết]
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Tạm kết)
"Cú lừa thế kỷ" về phát thải CO2 và biến đổi khí hậu [Tạm kết]

 

Thứ nhất: Trước hết cần có nhận thức đúng về cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu để từ đó cho thấy liệu việc phát triển nhiệt điện than của Việt Nam có đi ngược lại xu thế toàn cầu?

Chống biến đổi khí hậu là cuộc chiến của toàn thế giới. Tuy nhiên, trách nhiệm đặt ra đối với từng nước không giống nhau, cả về mức độ và tính cấp bách. Cụ thể là trách nhiệm đặt ra cấp bách với mức độ cao nhất đối với các nước có mức sử dụng năng lượng truyền thống và mức phát thải khí nhà kính quy mô lớn, cao quá mức.

Chẳng hạn, như Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước công nghiệp phát triển khác, các nước này phải giảm ngay mức phát thải khí nhà kính hiện nay xuống mức cần thiết.

Còn đối với những nước có mức sử dụng năng lượng sơ cấp và mức phát thải khí nhà kính còn thấp, trong đó có Việt Nam thì trách nhiệm đặt ra đối với họ là việc phát triển kinh tế trong tương lai cần chú trọng giảm thiểu phát thải khí nhà kính so với chiến lược phát triển theo cách truyền thống, hay gọi là cách thông thường như các nước công nghiệp phát triển trước đây đã thực hiện.

Chẳng hạn, đối với Việt Nam, chúng ta đã cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính bằng nội lực trong nước và nếu có hỗ trợ tài chính thích hợp của quốc tế (song phương và đa phương) thì phấn đấu giảm 25%. Mức giảm 8% hay 25% này là so với mức phát thải theo kịch bản phát triển thông thường - tức là theo chiến lược phát triển kinh tế nói chung và chiến lược phát triển ngành năng lượng cũng như các ngành khác theo cách thông thường chứ không phải so với mức phát thải hiện nay.

Điều đó có nghĩa là trong tiến trình phát triển kinh tế sắp tới, thay vì phát thải ở mức 100% theo chiến lược phát triển thông thường thì chúng ta phấn đấu chỉ phát thải tối đa ở mức 92% hoặc tối thiểu là 75% nếu có sự hỗ trợ tài chính thích hợp của quốc tế.

Như vậy, chúng ta vẫn tiếp tục phát triển kinh tế, phát triển các ngành năng lượng, trong đó có nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng với mức giảm phát thải như đã cam kết.

Trên thực tế Chính phủ đã thực hiện cam kết này bằng việc điều chỉnh lại Quy hoạch điện VII được phê duyệt theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 bằng Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) phê duyệt theo Quyết định số 428/2016/Q Đ-TTg ngày 18/3/2016. Theo đó, ngoài việc tăng cường phát triển nguồn điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, đã điều chỉnh giảm đáng kể nguồn nhiệt điện than xây dựng mới. Cụ thể, đến năm 2020 giảm tổng công suất từ 36.000 MW và sản lượng điện sản xuất 156 tỷ kWh theo Quy hoạch VII (trước đây) xuống chỉ còn tương ứng là 26.000 MW và sản lượng sản xuất khoảng 131 tỷ kWh theo Quy hoạch VII (điều chỉnh).

Qua những phân tích nêu trên cho thấy, rõ ràng việc phát triển nhiệt điện than của Việt Nam "không đi ngược lại" xu thế toàn cầu mà hoàn toàn "phù hợp" với cam kết COP 21 Pari của Việt Nam.      

Thứ hai, việc phát triển than cũng như nhiệt điện than là cần thiết, là tất yếu để đáp ứng nhu cầu và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Có điều, việc phát triển nó trong thời gian tới không thể giữ nguyên như cách trong thời gian qua mà phải tăng cường các giải pháp để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường, trong đó có việc tái chế tro xỉ để vừa giảm chất thải, giảm diện tích đất đổ thải và tăng hiệu quả kinh tế.

Thứ ba: Việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo là chiến lược lâu dài, phải có lộ trình, bước đi thích hợp và phù hợp với thực tế Việt Nam. Đặc biệt là cần điều tra đánh giá "trữ lượng thực" của nguồn năng lượng tiềm năng này để có cơ sở tin cậy lập dự án đầu tư khai thác cụ thể tại từng địa điểm với quy mô thích hợp trên địa bàn cả nước, chứ không theo kiểu chỉ đếm ngày nắng, ngày gió, thậm chí dựa vào "tiềm năng có nhiều bão" để hô hào phát triển một cách chung chung theo kiểu phong trào.

Mặt khác, chúng ta cần phải tỉnh táo trước sự tuyên truyền có tính "chào mời" để bán thiết bị.

Ngoài ra, như Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã phân tích trong chuyên đề "Cú lừa thế kỷ" về phát thải CO2 và biến đổi khí hậu thì tạo hóa (tự nhiên) luôn vận động và trong quá trình vận động đó, tạo hóa luôn tự lấy lại cân bằng (đi từ cân bằng này đến cân bằng khác). Tuy nhiên, đôi khi, người ta thường lợi dụng những mất cân bằng của tự nhiên cho mục đích chính trị.

Môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân được Tạp chí Năng lượng Việt Nam ghi nhận vào đầu tháng 12/2017.

Thứ tư: Điều quan trọng nhất, mang tính lâu dài và toàn diện cả về góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là quyết liệt thực hiện có hiệu quả "Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" trong sản xuất và đời sống.

Thứ năm: Nhà nước cần có cơ chế chính sách đồng bộ thích hợp khuyến khích phát huy các thế mạnh và hạn chế điểm yếu của từng loại năng lượng cũng như phù hợp với thực tế của đất nước và đảm bảo tính thực thi trong thực tế.

Thứ sáu: Tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển năng lượng nói chung và từng loại năng lượng nói riêng theo hướng đảm bảo tính trung thực, xây dựng.

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động