RSS Feed for Hội thảo khoa học "Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 13:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hội thảo khoa học "Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách"

 - Ngày 13/12/2013, tại Hà Nội, Tòa soạn Năng lượng Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học về "Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách". Nội dung hội thảo được truyền và giải đáp trực tuyến trên NangluongVietnam.vn

>> Quy hoạch điện VII: Nhận định, đề xuất ban đầu cho triển khai hiệu chỉnh
>> Nhu cầu và khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư các dự án nguồn điện
>> Đầu tư vốn tín dụng hỗ trợ ngành điện vượt qua khó khăn
>> Vốn cho các dự án điện Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
>> PTSC: Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 và những thách thức trong huy động vốn đầu tư
>> PVcomBank: Vốn và một số vấn đề cấp bách cho các dự án nhiệt điện
>> Vietinbank: Vốn đầu tư cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách

Ông Phan Quốc Tuấn, Tổng Biên tập Năng lượng Việt Nam/ NangluongVietnam.vn

Kính thưa các quý vị đại biểu tham dự hội thảo và bạn đọc đang theo dõi trực tuyến về hội thảo này!

Trước những thách thức nguồn vốn đầu tư cho các dự án nguồn và lưới điện theo quy hoạch và chiến lược phát triển ngành năng lượng Việt Nam từ nay cho đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Chính trị thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt - hôm nay, được sự quan tâm và giúp đỡ của Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về "Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách".

Sau phần khai mạc của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: gợi mở, định hướng những vấn đề cần thảo luận tại hội thảo này, chúng ta sẽ được nghe trình bày các báo cáo tham luận đến từ: Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - PVcomBank, Hội đồng Khoa học Năng lượng (thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam)...

Đặc biệt, tại diễn đàn này Ban tổ chức hội thảo sẽ dành nhiều thời gian cho các nhà khoa học, các chuyên gia năng lượng, chuyên gia tài chính - ngân hàng đóng góp ý kiến, phản biện về những thách thức nguồn vốn cho đầu tư phát triển theo Quy hoạch và Chiến lược phát triển điện Việt Nam trong những năm sắp tới.

Kính thưa quý vị đại biểu và bạn đọc thân mến!

Ngay từ lúc này, Hội thảo đang được truyền trực tuyến trên NangluongVietnam.vn. Tòa soạn Năng lượng Việt Nam kính mời các cơ quan, tổ chức tổ chức, doanh nghiệp và bạn đọc trong nước, cũng như ở nước ngoài quan tâm về vấn đề này gửi ý kiến đóng góp, câu hỏi cho các đại biểu khách mời tại hòm thư: hoithao@nangluongvietnam.vn

Với những vấn đề các đại biểu và bạn đọc quan tâm, nhưng chưa giải đáp được tại hội thảo này - do thời gian có hạn, chúng tôi sẽ tiếp tục giải đáp trên Nangluongvietnam.vn tại chuyên mục: "Hội thảo khoa học trực tuyến".

Kính thưa các quý vị đại biểu tham dự hội thảo và bạn đọc đang theo dõi trực tuyến về hội thảo này!

Về dự buổi hội thảo hôm nay, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu:

- Ông: Bùi Văn Thạch, Phó trưởng ban - Ban Kinh tế Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam

- Ông Nguyễn Văn Thạo - Trợ lý Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ ngĩa Việt Nam

Xin trân trong giới thiệu các quý vị đại biểu đến từ: Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư....

Đề nghị chúng ta nhiệt liệt chào mừng!

Chủ tịch đoàn Hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu:

- Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

- Ông Bùi Văn Thạch, Phó trưởng ban - Ban Kinh tế Trung ương

- Ông Dương Quang Thành - PTGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Nhân sự kiện hội thảo hôm nay, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 2 gương mặt mới của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:

Ông: Phạm Quang Lực, nguyên Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương Đảng) được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội và ông Hang Ha Ryu - Tổng giám đốc DoosanVina là Ủy viên BCH Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (phụ trách chế tạo cơ khí năng lượng).

Xin trân trọng giới thiệu các ông, bà là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng, Trung tâm Tư vấn Năng lượng, Trung tâm Thông tin Năng lượng và các phòng, ban, các Ủy viên BCH Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu các ông, bà đại diện cho Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) và các tập đoàn: Điện lực Việt Nam; Dầu khí Quốc gia Việt Nam; CN Than - Khoáng sản Việt Nam; Các tổng công ty phát điện; các tổng công ty điện lực: miền Bắc, miền Trung, miền Nam và 2 thành phố: Hà Nội, TP. HCM; các tổng công ty: Doosan Vina, PTSC, Lilama, Coma...

Các tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu các ông, bà đại diện của các ngân hàng: Ngân hàng ADB tại Việt Nam, Ngân hàng ViettinBank, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng VPcomBank, Ngân hàng Đại Dương - OceanBank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội, Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu...

Các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế, xin trân trọng giới thiệu các ông bà đại diện cho Phòng tham tán Thương mại (Đại sứ quán Trung Quốc), Công ty Công trình Điện lực Trung Quốc (CNEEC), Công ty Cáp điện Trường Phong (CFC), Công ty phát triển Công thương SNAN Truyền Châu và Công ty Cáp điện SHANDONG PACIFIC...

Xin trân trọng giới thiệu các ông, bà đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, tài chính - ngân hàng, các chuyên gia năng lượng đã về tham dự và sẽ tham gia góp ý, phản biện tại hội thảo ngày hôm nay.

Chúng tôi, xin trân trọng giới thiệu và cảm ơn các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và Hà Nội đã đến dự, đưa tin về sự kiện hội thảo khoa học ngày hôm nay.

Đề nghị chúng ta nhiệt liệt chào mừng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Tiếp theo chương trình xin trân trọng kính mời ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lên khai mạc hội thảo.

Xin trân trọng kính mời!

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Kính thưa các vị khách quý,

Kính thưa các vị đại biểu,

Thay mặt Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), tôi nhiệt liệt hoan nghênh và chân thành cảm ơn các quý vị đã tới dự buổi Hội thảo này, mà nội dung chính đưa ra trao đổi thảo luận là tìm ra các giải pháp khả thi và hữu hiệu huy động được đủ nguồn vốn đầu tư cho phát triển các dự án điện của Việt Nam, nhằm thực hiện tốt Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 (QHĐ VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch điện VII của chúng ta đã thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là “Phát triển năng lượng phải đi trước một bước, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”. Đây là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, nhưng rất vinh quang của ngành năng lượng, song để hoàn thành tốt nhiệm vụ này thật không đơn giản.

Để đạt được mục tiêu chiến lược là đến năm 2020, nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thì một trong các điều kiện cần và đủ là cơ sở hạ tầng năng lượng nói chung và cơ sở hạ tầng điện lực nói riêng phải được đáp ứng.

Chúng ta đều biết, ngành điện là ngành kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế - xã hội, có công nghệ phức tạp, mang tính đặc thù rất cao, đặc biệt đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Do đó, việc thu xếp nguồn vốn đầu tư cho phát triển điện lực được xem là nhiệm vụ trọng tâm và phải giải quyết trước tiên. Các dự án nguồn và lưới điện khi đã khẳng định được nguồn vốn sẽ là cơ sở để triển khai thành công các bước đầu tư.

Căn cứ vào Quy hoạch điện VII đã được Chính phủ phê duyệt, ước tính lượng vốn đầu tư là rất lớn, tôi xin nêu lên mục tiêu và nhu cầu sau đây để chúng ta có cơ sở trao đổi, thảo luận tại hội thảo:

Theo QHĐ VII (trong giai đoạn 2011-2020) thì chỉ riêng nhà máy nhiệt điện chạy than đã phải xây dựng 52 nhà máy, (cập nhật đến thời điểm này còn có thêm dự án nhà máy nhiệt điện là Vĩnh Tân IV (2x600MW) do EVN làm chủ đầu tư và dự án NMNĐ Dung Quất 2x600MW là dự án BOT Chính phủ đã giao cho Sembcorp của Singapore làm Chủ đầu tư. Như vậy tổng số dự án NMNĐ than của QHĐVII là 52 + 2 = 54 dự ánNgoài ra còn có các nhà máy nhiệt điện chạy khí, thủy điện, thủy điện tích năng và cả nhà máy điện hạt nhân; đồng bộ với hệ thống nguồn là hệ thống truyền tải và phân phối điện trên phạm vi cả nước.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện trong giai đoạn 2011-2030 ước tính khoảng 123,8 tỷ USD. Trong đó giai đoạn 2011-2020 là 48,8 tỷ USD và giai đoạn 2021-2030 là 75 tỷ USD.

Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các dự án còn rất chậm. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chủ yếu vẫn là tình trạng thiếu vốn trầm trọng trong từng dự án, một số dự án chưa rõ nguồn vốn.

Hội thảo khoa học "Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách" nhằm đánh giá lại mối quan hệ giữa đầu tư nguồn vốn cho các dự án nguồn điện và lưới điện của Việt Nam trong QHĐ VII. Đề xuất các giải pháp điều chỉnh quy hoạch phù hợp với nhu cầu phụ tải và khả năng đáp ứng về vốn đầu tư trong thời gian tới.

Thẳng thắn nhìn nhận những khả năng, hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư trong các công trình điện hiện nay. Đề xuất các cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn đầu tư thỏa đáng, hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển các công trình điện trong thời gian tới. Đồng thời mở ra cơ hội cho các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia mạnh mẽ vào các dự án điện của đất nước.

Kính thưa các vị khách quý,

Kính thưa các vị đại biểu,

Đây là hội thảo khoa học về "Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách" lần đầu tiên được Tòa soạn Năng lượng Việt Nam truyền và giải đáp trực tuyến trên NangluongVietnam.vn. Sự có mặt của các bộ, ngành liên quan, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước có chức năng về phát triển năng lượng, cũng như các ngân hàng danh tiếng ở trong nước và quốc tế tại Hội thảo này thể hiện tính trách nhiệm và sự quan tâm đặc biệt đến chủ đề của Hội thảo.

Thay mặt Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào đón các vị lãnh đạo các bộ, ngành, các tập đoàn, các tổng công ty, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã đến với Hội thảo này và rất mong sẽ nhận được những đóng góp quý báu.

Tôi xin chân thành cảm ơn các cơ quan thông tin đại chúng đã đến dự, đưa tin và quảng bá cho hội thảo này.

Kính chúc quý vị sức khỏe!

Xin trân trọng cảm ơn!

 

BTV Lê Thị Mỹ, Giám đốc Trung tâm Đối ngoại Tòa soạn Năng lượng Việt Nam

Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam!

Tiếp theo chương trình xin trân trọng kính mời ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) lên trình bày Báo cáo tham luận về việc “thực hiện Quy hoạch điện VII và một số nhận định, đề xuất ban đầu cho triển khai hiệu chỉnh Quy hoạch”.

Trân trọng kính mời ông!

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)

 

 

Xin trân trọng cảm ơn!

BTV Lê Thị Mỹ, Giám đốc Trung tâm Đối ngoại Tòa soạn Năng lượng Việt Nam

Xin cảm ơn ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương)!

Tiếp theo chương trình xin trân trọng kính mời: ông Dương Quang Thành - P. TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lên trình bày báo cáo tham luận về: "Những khó khăn, thách thức nguồn vốn đầu tư các dự án điện của ngành Điện lực Việt Nam".

Trân trọng kính mời ông!

 

Ông Dương Quang Thành - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam 

Để thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong các giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 (Qui hoạch điện VI) và giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nỗ lực và tập trung mọi nguồn lực trong quá trình chỉ đạo điều hành cũng như trong công tác thi công xây dựng các dự án điện. Đối với công tác thu xếp vốn, EVN rất tích cực và chủ động tìm kiếm và đàm phán với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để huy động các nguồn vốn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đầu tư các dự án điện. Nhìn chung, các dự án điện do Tập đoàn đầu tư cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt góp thúc đẩy triển phát triển kinh tế - xã hội trên toàn quốc.

Tuy nhiên, do tổng nhu cầu đầu tư các công trình điện rất lớn, nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng tài chính vừa qua đã tác động trực tiếp đến tình hình tài chính của Việt Nam nói chung cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng, các ngân hàng đã ngừng giải ngân làm cho các dự án thiếu vốn đầu tư nghiêm trọng. Trong những giai đoạn khó khăn đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhận được sự chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời của Chính phủ, sự giúp đỡ chia sẻ của các ngân hàng cho vay, giúp cho Tập đoàn vượt qua được các khó khăn để đáp ứng mục tiêu đề ra.

Năm 2014 và các năm tiếp theo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận định vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư theo Qui hoạch điện VII, đặc biệt đối với các dự án nguồn điện đảm bảo cấp điện cho miền Nam từ nay đến năm 2020.

I. TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN NGUỒN ĐIỆN CỦA EVN

1. Giai đoạn 2006-2010

Giai đoạn 2006-2010 cũng là giai đoạn EVN hoạt động theo mô hình của Tập đoàn kinh tế, tự chủ về tài chính và tự huy động vốn cho đầu tư, là thời kỳ đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện có qui mô lớn, trong khi tình hình tài chính Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong các giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 (Qui hoạch điện VI) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 17/7/2007, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao đầu tư và đưa vào vận hành 49 tổ máy, thuộc 25 dự án nguồn điện, với tổng công suất 7.730MW trong giai đoạn 2006-2010.

Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư phần lớn các đường dây và trạm biến áp đồng bộ có cấp điện áp từ 110-500kV.

* Kết quả thực hiện:

Trong 5 năm (2006-2010), Tập đoàn đã đầu tư và đưa vào vận hành 25 tổ máy thuộc 19 dự án nguồn điện mới, với tổng công suất 6.177 MW (kể cả đầu tư để mua điện Trung Quốc tăng thêm 940MW), đạt 79,9% tổng công suất nguồn của EVN được giao trong Qui hoạch điện VI.

Với kết quả này, trong giai đoạn 5 năm (2006-2010), Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân,với tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2006-2010 là 13,74%/năm (tăng gấp gần 2 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%/năm).

Tổng vốn đầu tư thực hiện trong 5 năm (2006-2010) là 204.520 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào nguồn điện 94.150 tỷ đồng. Giá trị thực hiện vốn đầu tư tăng bình quân trong 5 năm qua là 19,3%/năm.

2. Giai đoạn 2011-2015-2020

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong các giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Qui hoạch điện VII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao đầu tư và đưa vào vận hành 61 tổ máy thuộc 28 dự án nguồn điệnm với tổng công suất 19.164 MW. Tiến độ theo từng giai đoạn như sau:

+ Giai đoạn 2011-2015: đưa vào vận hành 34 tổ máy thuộc 16 dự án nguồn điện, với tổng công suất 9.738 MW;

+ Giai đoạn 2016-2020: đưa vào vận hành 27 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện, với tổng công suất 9.426 MW.

* Đánh giá  khả năng thực hiện:

- Giai đoạn 2011-2015

+ Trong 3 năm từ 2011-2013, EVN đã đầu tư và đưa vào vận hành 22 tổ máy thuộc 10 dự án nguồn điện mới, với tổng công suất 4.838 MW, đạt 50% khối lượng được giao trong giai đoạn 2011-2015.

+ Dự kiến trong 2 năm 2014-2015, tiếp tục đưa vào vận hành 14 tổ máy thuộc 9 dự án nguồn điện mới, với tổng công suất 4.946 MW.

Tính chung cả giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn đưa vào vận hành 36 tổ máy, với tổng công suất là 9.784MW bằng 100,8% so Qui hoạch điện VII.

- Đối với giai đoạn 2016-2020, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành thêm 4.920MW công suất các nhà máy điện.

II. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ VÀ TÌNH HÌNH THU XẾP VỐN

1. Nhu cầu vốn đầu tư toàn Tập đoàn

a. Giai đoạn 2011-2015

Để đảm bảo đầu tư các dự án điện trong Qui hoạch điện VII, căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015 của Tập đoàn và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012. Trong kế hoạch 5 năm, Tập đoàn đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra các giải pháp thực hiện đối với công tác đầu tư xây dựng. Trong đó:

- Tổng nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2011-2015 của toàn Tập đoàn là 501.470 tỷ đồng (bình quân trên 100.000 tỷ đồng/ năm). Bao gồm:

+ Nhu cầu vốn đầu tư thuần là 378.800 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho các dự án nguồn điện 225.282 tỷ đồng, chiếm 59,6%.

+ Trả nợ gốc và lãi vay: 130.668 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư thực hiện trong 3 năm 2011-2013 đạt 240.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào nguồn điện ước khoảng 106.000 tỷ đồng.

Năm 2011, khi xây dựng kế hoạch đầu tư 5 năm 2011-2015, Tập đoàn mới thu xếp được khoảng 315.220 tỷ đồng (~62,85% tổng nhu cầu), nguồn vốn còn thiếu, chưa thu xếp được khoảng: 186.250 tỷ đồng. Cho đến nay, Tập đoàn đã thu xếp, ký kết được các hợp đồng vay vốn với các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, với các tổ chức tài chính quốc tế đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2011-2015.

b. Giai đoạn 2016-2020

- Theo tính toán, tổng nhu cầu đầu tư của Tập đoàn giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 750.000 tỷ đồng (bình quân 150.000 tỷ đồng / năm). Bao gồm:

+ Nhu cầu vốn đầu tư thuần là 552.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho các dự án nguồn điện là 318.600 tỷ đồng, chiếm 57,7%.

+ Trả nợ gốc và lãi vay khoảng: 198.000 tỷ đồng.

- Trong đó khoảng 500.000 tỷ đồng  đang được Tập đoàn đàm phán thoả thuận với một số tổ chức tín dụng để vay vốn, còn lại khoảng 250.000 tỷ đồng hiện phải tiếp tục tìm kiếm đối tác.

c. Tổng hợp cả giai đoạn 2011-2020

- Như vậy, tổng nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong 10 năm từ năm 2011-2020 dự kiến khoảng 1.251.500 tỷ đồng, bao gồm:

+ Vốn đầu tư thuần: 921.000 tỷ đồng;

+ Trả nợ gốc, lãi vay: 330.500 tỷ đồng.

- Riêng đối với các dự án nguồn điện: để đáp ứng mục tiêu đầu tư theo Qui hoạch điện VII, dự kiến tổng nhu cầu vốn Tập đoàn cần thu xếp để đầu tư các dự án nguồn điện trong giai đoạn 2011-2020 rất lớn, ước khoảng 542.000 tỷ đồng, chiếm 58,8% tổng nhu cầu đầu tư thuần của EVN (trên 920.000 tỷ đồng).

2. Tình hình thu xếp vốn các dự án nguồn điện trong thời gian qua

Trong thời gian qua, công tác thu xếp vốn và đầu tư xây dựng các dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung và nguồn điện nói riêng gặp không ít khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính trên thế giới đã tác động trực tiếp đến tình hình tài chính của Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh điện và đầu tư của Tập đoàn tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn, rủi ro của các yếu tố đầu vào cơ bản như giá nhiên liệu, biến động tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ. Khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VII đòi hỏi nhu cầu vốn quá lớn, trong khi giá điện chưa thu hút đầu tư, tình hình tài chính của Tập đoàn lại đang trong tình trạng lỗ nên việc huy động vốn đầu tư càng trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, kịp tháo gỡ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành và sự giúp đỡ chia sẻ của các ngân hàng, Tập đoàn vượt qua được các khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong đầu tư xây dựng theo kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, tổng giá trị nguồn vốn đầu tư thực hiện trong giai đoạn từ năm 2006 đến hết năm 2013 nay đạt 444.520 tỷ đồng.

Một số thuận lợi và khó khăn vướng mắc trong công tác thu xếp vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong thời gian qua như sau:

i, Về vốn tự tích lũy:

+ Trong thời gian quan, nguồn vốn khấu hao cơ bản của Tập đoàn chỉ đáp ứng nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay các hợp đồng tín dụng, phần còn lại dùng để đầu tư các dự án điện rất thấp. Riêng các năm 2010-2012 nguồn vốn khấu hao cơ bản của Tập đoàn không đủ để trả nợ gốc và lãi vay đến hạn.

+ Lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn không đáng kể do các chi phí đầu vào tăng nhanh và do diễn biến thời tiết khó lường trước, phải phát các nguồn đắt tiền.

+ Nguồn thu từ cổ phần hoá không đạt được như kỳ vọng. Do đó trong các năm tới Tập đoàn sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn tự tích luỹ để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các dự án.

Việc thiếu vốn tự tích luỹ làm cho Tập đoàn không đạt tỷ lệ tự đầu tư là 25% theo yêu cầu của các tổ chức cho vay như WB, ADB và rất khó khăn trong việc đàm phán để vay thêm các khoản vay mới.

ii, Về vốn vay tín dụng ưu đãi:

Ngân hàng phát triển Việt Nam đã có nhiều hỗ trợ EVN trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng ưu đãi để cho EVN vay đầu tư các dự án điện. Đây là nguồn vốn với lãi suất ưu đãi thường sử dụng để thanh toán chi phí đền bù di dân tái định cư và thiết bị cơ khí thủy công trong nước chế tạo được.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Ngân hàng phát triển Việt Nam đã hỗ trợ EVN trong việc thu xếp vốn để bổ sung nguồn vốn đối ứng còn thiếu cho các dự án nguồn điện cấp bách, trong đó có các nhiệt điện Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 2... đây là các nguồn điện cấp bách đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cấp điện miền Nam giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, với tính chất là nguồn vốn ưu đãi nên việc bố trí nguồn vốn các dự án của EVN tại một số thời điểm không đáp ứng được kế hoạch giải ngân của dự án.

iii, Về vốn vay tín dụng thương mại: 

Các ngân hàng thương mại đã tích cực trong việc thẩm định và thu xếp vốn để ký hợp đồng tín dụng với EVN đầu tư vào các dự án điện. Do đó, nguồn vốn tín dụng thương mại chiếm tỉ trọng lớn và đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư các dự án nguồn điện của EVN.

Các ngân hàng thương mại giữ vai trò chủ đạo, đi đầu trong việc thu xếp vốn các dự án điện cho EVN như: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP ngoại Thương Việt Nam (VCB) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

Tuy nhiên, trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế khi bị hạn chế mức tăng trưởng tín dụng, lãi suất điều chỉnh theo thực tế thị trường nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn này, thậm chí có ngân hàng đã ngừng giải ngân các khoản vay dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ thi công của một số dự án nguồn điện.

Đến nay, hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay vốn đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với 1 khách hàng hoặc nhóm khách hàng. Vì vậy, mỗi khi các ngân hàng muốn cho EVN vay thêm đều phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép.

iiii, Về vốn vay nước ngoài:

Tập đoàn đã chú trọng tăng cường quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế đa phương, song phương như ADB, WB, AFD, JICA, KfW.... Mối quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế được duy trì tốt, nên đã ký được nhiều hiệp định vay vốn ODA và vốn vay thương mại quốc tế, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho các dự án đầu tư nguồn và lưới điện. Đồng thời, EVN nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành trong việc tìm kiếm nguồn vốn cũng như trong chuẩn bị thủ tục và phê duyệt khoản vay.

Hiện tại, ngoài 3 dự án thuỷ điện (gồm: thủy điện Trung Sơn vay vốn WB, thủy điện Sông Bung 2 vay vốn ADB, thủy điện Sông Bung 4 vay vốn NEXI), các dự án nguồn điện vay vốn nước ngoài chủ yếu là các dự án nhiệt điện than, khí.

Tuy nhiên thời gian từ khi bắt đầu triển khai để đàm phán ký kết cho đến khi hợp đồng có hiệu lực giải ngân tương đối dài nên có ảnh hưởng đến nhu cầu giải ngân của dự án. EVN thường phải ứng vốn để thực hiện trong giai đoạn ban đầu. Mặt khác, với tình hình tài chính của EVN hiện tại thì các chỉ số tài chính sẽ không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của các nhà tài trợ nên sẽ rất khó khăn trong việc đàm phán ký kết hợp đồng vay.

3. Khả năng tiếp cận và thu xếp vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện mới

Với khối lượng đầu tư các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VII đòi hỏi nhu cầu vốn quá lớn, trong khi tình hình kinh tế trong nước và quốc tế vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, do đó công tác huy động vốn đầu tư luôn là thách thức, khó khăn lớn đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam:

* Thuận lợi

+ Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo và tháo gỡ các khó khăn cho Tập đoàn.

+ Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số quyết định quan trọng, liên quan trực tiếp tới hoạt động của Tập đoàn từ năm 2014 trở đi, đó là quyết định số 2165/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015; Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

+ Các chỉ tiêu tài chính thu xếp vốn của Tập đoàn đã được cải thiện sau khi các bộ Tài chính, Công Thương phê duyệt kết quả đánh giá lại tài sản và tăng vốn điều lệ cho EVN.

* Khó khăn

+ Các quy định hiện hành gây khó khăn cho EVN trong việc tiếp cận thị trường vốn thế giới.

+ Chính phủ chưa xây dựng cơ chế thu xếp vốn riêng cho các dự án điện.

+ Chưa có cơ chế rõ ràng cho hoạt động dự báo biến động lãi suất, tỷ giá.

a. Đối với nguồn vốn tự tích lũy:

Trong giai đoạn 2011-2020, nguồn vốn khấu hao cơ bản của Công ty Mẹ Tập đoàn và các Tổng công ty phát điện chỉ đáp ứng nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay các hợp đồng tín dụng, phần còn lại dùng để đầu tư các dự án điện rất thấp.

Lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn không đáng kể do các chi phí đầu vào tăng nhanh và do diễn biến thời tiết khó lường trước, phải phát các nguồn đắt tiền.

Nguồn thu từ cổ phần hoá không đạt được như kỳ vọng. Do đó trong các năm tới Tập đoàn sẽ rất khó khăn trong việc huy động vốn tự tích luỹ để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các dự án.

b. Khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay

i, Đối với vốn vay trong nước:

- Thuận lợi

+ Tập đoàn Điện lực Việt Nam gặp một số thuận lợi do có mối quan hệ tốt với các ngân hàng, đồng thời các ngân hàng luôn giành sự quan tâm và hỗ trợ Tập đoàn trong việc thu xếp vốn để đầu tư các dự án nguồn điện.

+ Thủ tục vay vốn không quá phức tạp và thời gian chuẩn bị ngắn.

- Khó khăn

+ Các dự án nguồn điện tổng mức đầu tư rất lớn tư nên phải thực hiện theo hình thực đồng tài trợ.

+ Do hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với 1 khách hàng, vì vậy mỗi khi các ngân hàng muốn cho EVN vay thêm đều phải trình Thủ tướng Chính phủ cho phép.

+ Khó khăn trong việc vay ngoại tệ để thanh toán các gói thầu nước ngoài.

+ Đối với vốn vay ưu đãi: tổng nguồn vốn không lớn trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các các chương trình, dự án trọng cần khuyến khích đầu tư, do đó khả năng bố trí nguồn vốn cho các dự án điện của EVN bị hạn chế.

ii, Đối với vốn vay nước ngoài: 

- Thuận lợi

+ EVN duy trì tốt mối quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB, AFD, JICA, KfW... và có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị thủ tục cũng như đàm phán hiệp định vay vốn nước ngoài.

+ Đối với các khoản vay ODA đa phương và song phương lãi suất ưu đãi, thời hạn trả nợ dài hơn so với vay thương mại.

+ Hồ sơ, thủ tục rõ ràng. Đối với nguồn vốn ODA đa phương, cả Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ đều có các quy định, hướng dẫn đầy đủ rõ ràng tất cả các khâu, từ chuẩn bị, thẩm định, đấu thầu, giải ngân dự án.

- Khó khăn

+ Giá trị khoản vay ODA bị hạn chế theo chương trình của nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam. Mỗi nhà tài trợ chỉ phân bổ cho ngành/quốc gia một số tiền nhất định trong năm. Dựa vào số tiền được phân bổ mà chủ đầu tư tìm các dự án phù hợp.

+ Việc chuẩn bị và giải ngân dự án thường kéo dài do liên quan đến nhiều cơ quan (Chủ trì là Bộ KH&ĐT, cơ chế tài chính phải thông qua TTCP phê duyệt, Bộ Công Thương quản lý ngành...).

+ Các khoản vay ODA này không phù hợp đối với các dự án cấp bách.

+ Đối với các khoản vay song phương: thủ tục thẩm định không thống nhất giữa các nhà tài trợ. Thường bị ràng buộc về nguồn gốc thiết bị (ví dụ JICA yêu cầu dự án phải có tư vấn Nhật Bản, tỷ lệ hàng hoá xuất xứ Nhật Bản...)

+ Đối với thương mại nước ngoài phải tuân theo tất cả các điều kiện của thị trường về lãi suất, thời gian, các loại phí, hồ sơ thủ tục. Đồng thời, một ngân hàng đơn phương cũng không thể cung cấp vốn cho toàn bộ dự án nguồn điện (khoảng 1 tỷ USD) mà phải kêu gọi sự tham gia của các ngân hàng khác.

+ Việc đánh giá mức độ tín dụng (credit rating) đối với EVN chưa được thực hiện nên EVN thường phải vay qua Chính phủ hoặc có bảo lãnh của Chính phủ. Quy định của Chính phủ về vay thương mại cũng rất chặt chẽ và khó khăn.

+ Việc thiếu vốn tự tích luỹ làm cho Tập đoàn không đạt tỷ lệ tự đầu tư là 25% theo yêu cầu của các tổ chức cho vay như WB, ADB và rất khó khăn trong việc đàm phán để vay thêm các khoản vay mới.

III. ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ

Để tạo điều kiện cho Tập đoàn có đủ vốn cho nhu cầu đầu tư các dự án nguồn điện theo Qui hoạch điện VII, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xin kiến nghị một số vấn đề  như sau:

1. Đối với Chính phủ và các bộ ngành

- Kiên trì thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường như trong quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, nhằm đảm bảo cho EVN cân bằng được tài chính để bổ sung cho nguồn vốn đầu tư, đồng thời sẽ khuyến khích được các thành phần kinh tế khác trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án nguồn điện.

- Tiếp tục ưu tiên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện và thực hiện bảo lãnh cho các hợp đồng vay vốn nước ngoài của EVN và các đơn vị thành viên;

- Tiếp tục cho phép các Ngân hàng thương mại cho EVN vay vốn mà không bị giới hạn tỷ lệ 15% vốn tự có đối với một khách hàng và 25% vốn tự có đối với nhóm khách hàng;

- Cho phép các dự án điện được vay vốn tín dụng ưu đãi trong nước phục vụ di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước.

- Có cơ chế đặc biệt đối với Tập đoàn trong việc phát hành trái phiếu đầu tư trong nước và trái phiếu quốc tế.

- Nghiên cứu rút gọn quy trình và thủ tục đàm phán các dự án nguồn điện thực hiện theo hình thức BOT đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

2. Đối với các ngân hàng thương mại trong nước:

- Tiếp tục phối hợp tạo điều kiện cho Tập đoàn vay vốn để đầu tư các dự án nguồn điện trên cơ sở EVN sẽ đang ký kế hoạch với ngân hàng về nhu cầu và tiến độ giải ngân cho từng dự án.

- Xem xét miễn thẩm định tính khả thi của các dự án nguồn điện khi cho vay vì các dự án nguồn điện do EVN làm chủ đầu tư đều là các dự án lớn đã được cấp có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ phê duyệt;

- Giảm bớt các trường hợp phải xin bảo lãnh của Chính phủ.

Xin trân trọng cảm ơn!

Bà Lê Thị Mỹ, Giám đốc Trung tâm Đối ngoại Tòa soạn Năng lượng Việt Nam

Xin cảm ơn ông Cát Quang Dương, Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam!

Tiếp theo chương trình xin trân trọng kính mời: ông Bùi Huy Công, Trưởng phòng Phát triển khách hàng (Khối khách hàng doanh nghiệp lớn) Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - PVcomBank lên trình bày báo cáo tham luận: Đánh giá lại tình hình thu xếp nguồn vốn cho các dự án điện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong thời gian qua - Những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ.

Trân trọng kính mời ông!

Bà Lê Thị Mỹ, Giám đốc Trung tâm Đối ngoại Tòa soạn Năng lượng Việt Nam

Xin cảm ơn ông Dương Quang Thành - P. TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam!

Tiếp theo chương trình xin trân trọng kính mời ông Cát Quang Dương, Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lên trình bày báo cáo tham luận: "Đầu tư vốn tín dụng, góp phần hỗ trợ ngành điện vượt quan khó khăn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia".

Trân trọng kính mời ông!

BTV Bà Lê Thị Mỹ, Giám đốc Trung tâm Đối ngoại Tòa soạn Năng lượng Việt Nam

Tiếp theo chương trình xin trân trọng kính mời ông Cát Quang Dương, Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lên trình bày báo cáo tham luận: "Đầu tư vốn tín dụng, góp phần hỗ trợ ngành điện vượt quan khó khăn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia".

Trân trọng kính mời ông!

 

Ông Cát Quang Dương, Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 

Kính thưa quý vị đại biểu,

Trong năm 2013, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng những nỗ lực tái cơ cấu, bình ổn kinh tế vĩ mô của nước ta trong thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan, được cộng đồng quốc tế nhìn nhận tích cực, qua đó củng cố thêm lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bức tranh phục hồi của nền kinh tế, có thể xem ngành điện mà tiêu biểu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang từng bước vượt qua khó khăn thử thách để phát triển theo đúng định hướng của Chính phủ.

Trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh của khối các doanh nghiệp gặp khó khăn, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm điều hành thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động, lành mạnh hóa hệ thống tài chính doanh nghiệp. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định số 1782/QĐ-TTg, ngày 23/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính. Với những giải pháp tái cơ cấu đồng bộ, đến nay mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng có thể khẳng định EVN đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, năng lực tài chính và khả năng cung ứng điện cho phát triển KT-XH và phục vụ đời sống nhân dân đã được nâng cao một bước. Các dự án, công trình cấp bách đảm bảo được tiến độ yêu cầu hoàn thành nhiều công trình nguồn và lưới điện, bổ sung công suất cho hệ thống điện quốc gia; tình trạng thiếu điện phải cắt điện luân phiên đã giảm; tình trạng quá tải đường dây và trạm biến áp đang từng bước được khắc phục.

Có được kết quả trên, trước hết thể hiện sự nỗ lực cố gắng nội lực của EVN nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn; tuy nhiên, không thể không kể đến sự hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế chính sách của Chính phủ, các bộ ngành; trong đó sự sát cánh của ngành ngân hàng trong việc tài trợ vốn cho các dự án điện, góp phần đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện và lưới điện theo quy hoạch, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện rất lớn khoảng 929.700 tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD, tính bình quân mỗi năm ngành điện cần khoảng 4,9 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian qua việc thu xếp cho các doanh nghiệp ngành điện tại các tổ chức tín dụng gặp một số khó khăn như:

Thứ nhất, vốn đầu tư cho các dự án điện rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên tính hấp dẫn chưa cao; ngành điện chưa thu hút được nhiều vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiệm vụ đầu tư phát triển ngành điện vẫn phần lớn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên gánh vác. Trong khi đó vốn tự có của EVN và các đơn vị thành viên chỉ có thể thu xếp được khoảng từ 20% đến 30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện; còn lại chủ yếu là vốn vay.

Thứ hai, mặc dù Chính phủ đã có nhiều cải cách về chính sách giá điện trong thời gian qua nhưng chính sách giá điện hiện nay chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào ngành điện. Mặt khác, tỷ suất lợi nhuận thấp dẫn đến khả năng trả nợ gốc và lãi không cao, hoặc tổ chức tín dụng phải cho vay với thời gian quá dài, tiềm ẩn rủi ro.

Thứ ba, việc cho vay đối với các dự án điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ trong những năm gần đây bộc lộ nhiều rủi ro, khó khăn, gây tổn thất cho các tổ chức tín dụng.

Thứ tư, một số dự án điện có yêu cầu công nghệ, kỹ thuật phức tạp vượt quá khả năng thẩm định của các tổ chức tín dụng như: dự án điện hạt nhân, điện mặt trời…

Ngoài ra một số nguyên nhân khác như: năng lực nhà thầu thi công hạn chế, chủ đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư dự án điện, thiếu kinh nghiệm quản lý đầu tư, vận hành dự án; thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng dự án điện; tài sản đảm bảo là các tài sản có tính đặc thù có tính chuyên môn hóa cao hầu như không có giao dịch mua bán trên thị trường; mức cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng đã rất lớn và vượt giới hạn cấp tín dụng theo quy định…

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động nắm bắt nhu cầu vốn của EVN nói riêng và các doanh nghiệp ngành điện nói chung và tìm hướng tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án điện.

1. NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) bố trí đủ vốn để cho vay các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Đối với dự án thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, NHNN đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Tổng số tiền các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank đã cam kết tài trợ lên tới 17.500 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN còn hỗ trợ rất lớn về ngoại tệ để dự án nhập khẩu thiết bị nước ngoài và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù áp dụng riêng cho dự án thủy điện Sơn La. Trong suốt quá trình triển khai dự án, ngành ngân hàng luôn đảm bảo đủ vốn cho dự án triển khai đúng tiến độ, kể cả khi việc huy động vốn trên thị trường căng thẳng, khó khăn. Đối với dự án thủy điện Lai Châu, NHNN đã chỉ đạo Vietcombank là đầu mối thu xếp đủ 14.500 tỷ đồng. Chỉ tính riêng hai dự án trên, số vốn các ngân hàng huy động để cho vay đã là 32.000 tỷ. Đây là lượng vốn rất lớn, thể hiện sự nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc chung tay hiện thực hóa các công trình quan trọng của đất nước.

2. Trong giai đoạn thị trường tiền tệ có nhiều biến động, lãi suất tăng cao, việc huy động vốn của cả doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đều trở nên khó khăn, căng thẳng; đã phát sinh những bất đồng lớn về mức lãi suất cho vay giữa ngân hàng và EVN, dẫn tới nguy cơ phải dừng giải ngân đối với nhiều hợp đồng tín dụng cho các dự án điện quan trọng do lãi suất huy động thực tế của các ngân hàng cao hơn mức lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp bàn cùng các ngân hàng thương mại và EVN để tìm cách tháo gỡ khó khăn.

Trên quan điểm các NHTMNN là những trụ cột của hệ thống ngân hàng; tuy là những đơn vị kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận bằng cách đi vay để cho vay nhưng trong lúc nền kinh tế khó khăn cần thể hiện hơn nữa vai trò đầu tàu, tiên phong vì nhiệm vụ chính trị của đất nước; hơn nữa EVN là tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, là khách hàng truyền thống lâu năm của ngành ngân hàng, bản thân cũng phải gánh vác nhiệm vụ chính trị cao cả là đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế, cung cấp điện cho hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số do đó cần có sự chia sẻ, hỗ trợ vì mục tiêu chung; NHNN đã chỉ đạo các NHTMNN cùng EVN bàn bạc thống nhất trên tinh thần sẻ chia, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; kết quả là đã các ngân hàng thương mại đã hưởng ứng nhiệt tình, chia sẻ, đồng hành cùng EVN, giữ mức lãi suất cho vay ổn định.

Trong giai đoạn thị trường khan vốn, lãi suất tăng cao, các NHTMNN đã không điều chỉnh tăng lãi suất cho vay và chia sẻ một phần lợi ích; tuy nhiên, trong giai đoạn mặt bằng lãi suất hạ, cũng với quan điểm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng đã ký. Nhiều doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp điện lực được các NHTM xem xét miễn giảm lãi suất và gia hạn nợ theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước để từng bước phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

3. Thiếu điện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Do đó ngành ngân hàng đã ưu tiên bố trí vốn cho vay đối với các dự án, công trình điện, đặc biệt các dự án, công trình cấp bách, các dự án đảm bảo điện cho TP. Hà Nội và đảm bảo điện cho khu vực phía Nam như: Trạm biến áp 220kV Thành Công, 220kV Tây Hồ, đường dây 220kV Hà Đông-Thành Công, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3, dự án cảng biển trung tâm điện lực Duyên Hải, dự án trạm biến áp 220kV Bảo Thắng và đường dây 220kV trung tâm điện lực Duyên Hải - Trà Vinh, đường dây 220 kV Đắk Nông -Phước Long - Bình Long... và rất nhiều các dự án khác. Việc giải quyết vốn cho các dự án điện luôn được NHNN đặt lên hàng đầu nhằm đáp ứng nhu cầu điện của nền kinh tế.

4. Bên cạnh việc tài trợ cho các nhu cầu vốn dài hạn, để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy điện như mở L/C, cấp bảo lãnh, nhập khẩu máy móc thiết bị, mua dầu… Hàng năm, các ngân hàng cũng tài trợ một lượng vốn lưu động lớn để đảm bảo hoạt động cho các nhà máy điện.

5. Ngoài ra, ngành ngân hàng không chỉ tài trợ cho các dự án điện quan trọng, cấp bách của quốc gia do Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư mà còn cho vay, cấp bảo lãnh và cấp tín dụng khác đối với các dự án điện do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác là chủ đầu tư như các dự án điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà...

Không chỉ tài trợ cho các dự án điện trong nước, thời gian vừa qua các ngân hàng đã sát cánh cùng chủ đầu tư các dự án nguồn điện để đầu tư các dự án điện tại Lào như: Dự án Xekaman 1, Xekaman 3.

Ngành điện là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Để thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước thì ngành điện phải đi trước một bước. Hiện nay, Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia thiếu điện, sản lượng điện bình quân trên đầu người ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân tăng rất nhanh, trung bình khoảng 15%/năm. Vì vậy, đáp ứng đủ nhu cầu điện ngày một tăng cao của nền kinh tế là một nhiệm vụ hết sức khó khăn của ngành điện nói chung và EVN nói riêng; cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của các bộ, ngành. Xác định tầm quan trọng của ngành điện đối với nền kinh tế, thời gian qua ngành ngân hàng đã luôn đồng hành cùng ngành điện trong việc thu xếp vốn để đạt được các mục tiêu phát triển điện lực đã đề ra. Tính đến 30/9/2013, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN là 144.000 tỷ đồng. Đây là mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Đồng thời, để góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc huy động vốn của các dự án điện về phía Ngân hàng Nhà nước đề xuất một số giải pháp như sau:

(i). Bộ Công Thương thực hiện rà soát, đánh giá lại quy hoạch điện, cân đối tiến độ đầu tư của dự án đảm bảo an toàn với môi trường xã hội, đời sống nhân dân, phù hợp với năng lực tài chính và khả năng triển khai của doanh nghiệp; tránh đầu tư dàn trải, dừng các dự án công trình điện không hiệu quả. Đồng thời, thực hiện thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các dự án mà chủ đầu tư chậm tiến độ, không đủ năng lực để triển khai tiếp.

(ii). Việc lựa chọn chủ đầu tư phải được đánh giá một cách kỹ lưỡng, chỉ giao các dự án điện cho các chủ đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư xây dựng quản lý trong lĩnh vực điện năng. Các chủ đầu tư cần nỗ lực hơn trong việc nâng cao năng lực tài chính, xây dựng phương án đầu tư phù hợp với năng lực công nghệ và nhân lực để tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng.

(iii). Các bộ, cơ quan có liên quan hỗ trợ trong việc đẩy nhanh thủ tục về đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định để đảm bảo tiến độ các dự án điện, thu hút các ngân hàng thương mại cho vay đối với các dự án điện.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp, tháo gỡ các khó khăn trong việc cho vay của các ngân hàng đối với các dự án ngành điện. Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành thu xếp vốn cho các dự án điện trong tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải và phân phối điện, đặc biệt là các dự án điện cấp bách, quan trọng quốc gia, các dự án sử dụng nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời... nhằm góp phần tạo điều kiện cho EVN và ngành điện thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

BTV Lê Thị Mỹ, Giám đốc Trung tâm Đối ngoại Tòa soạn Năng lượng Việt Nam

Xin cảm ơn ông Cát Quang Dương, Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam!

Tiếp theo chương trình xin trân trọng kính mời: ông Bùi Huy Công, Trưởng phòng Phát triển khách hàng (Khối khách hàng doanh nghiệp lớn) Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - PVcomBank lên trình bày báo cáo tham luận: Đánh giá lại tình hình thu xếp nguồn vốn cho các dự án điện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong thời gian qua - Những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ.

Trân trọng kính mời ông!

 

Ông Nguyễn Bùi Công, Trưởng phòng phát triển khách hàng, Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam

Trước hết, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam PVcomBank xin trân trọng gửi tới các đồng chí đại biểu khách quý và toàn thể Hội thảo lời chào nồng nhiệt nhất!

Kính thưa Hội nghị!

Đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn do PVcomBank thu xếp thành công cho các dự án trong ngành Dầu khí đã lên tới hơn 55 nghìn tỷ đồng. Sự chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty tài chính sang ngân hàng TMCP cũng là cơ hội để chúng tôi có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho các dự án. Với việc thu xếp thành công 904 triệu USD cho Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 vào năm 2011, và 931 triệu USD thu xếp cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 được ký kết vào ngày 9 tháng 12 vừa qua đã tạo đà cho PVComBank trong quá trình thu xếp vốn các dự án nói chung và các dự án điện nói riêng.

Nói tới các dự án điện tại Việt Nam, chúng ta hiểu rằng phạm vi này khá rộng. Bên cạnh các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than truyền thống, chúng ta đã và đang triển khai các nhà máy nhiệt điện tuabin khí, điện gió… Trong khuôn khổ của bài tham luận này, chúng tôi xin phép chỉ tập trung vào mảng các dự án nhiệt điện, những vấn đề cấp bách khi triển khai thực hiện các dự án nhiệt điện tại Việt Nam.

Kính thưa Hội nghị!

Theo kế hoạch đầu tư giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ đầu tư 5 dự án điện than với tổng mức đầu tư trung bình cho mỗi dự án là khoảng 1,7 tỷ USD, bao gồm các dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Long Phú 1, Sông Hậu 1. Cho đến nay, dự án Vũng Áng 1 đã bước vào giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị chạy thử, dự án Thái Bình 2 cũng đang được triển khai đúng theo tiến độ, dự kiến vốn sẽ bắt đầu giải ngân trực tiếp cho các nhà thầu vào đầu quý 2/2014.

Đặc điểm chung của các dự án nhiệt điện thường có tổng mức đầu tư lớn, bắt buộc phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng/tổ chức tín dụng xuất khẩu nước ngoài. Trong quá trình triển khai, PVComBank nhận thấy nguồn vốn phù hợp nhất đối với các dự án này là phương án vay tín dụng xuất khẩu (ECA) kèm theo vay thương mại hợp vốn. Chúng ta đều biết, phần lớn các dự án nhiệt điện đòi hỏi máy móc, thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là các nước G7 và Trung Quốc. Việc tranh thủ được nguồn vốn tín dụng xuất khẩu với chi phí thấp, thời hạn vay dài (phổ biến là 13 năm) rất có lợi cho Chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Các dự án nhiệt điện lớn tại Việt Nam chủ yếu được tài trợ từ các nguồn tín dụng xuất khẩu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức … Tuy nhiên, để có cơ hội nhận được tài trợ từ các nguồn này, bên vay phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc Equator theo quy định của Công ty tài chính quốc tế (IFC- International Finance Corporation) về các vấn đề liên quan đến môi trường, xã hội và an toàn sức khỏe của dự án. Theo đó, bên vay cần phải xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý nhằm giảm thiểu các tác động của dự án đối với môi trường và xã hội trong suốt đời dự án. Các ngân hàng sẽ không tài trợ cho dự án khi bên vay không cam kết tuân thủ các quy trình, quy định của IFC.

Ngoài việc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường, xã hội, việc thu xếp vốn vay từ nguồn ECA cũng như thương mại nước ngoài còn vấp phải khó khăn từ phía các cơ quan quản lý bộ, ngành. Thông thường, một trong những điều kiện để các ngân hàng đồng ý tài trợ cho dự án là phải nhận được bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam cho các khoản vay. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cần thiết tham gia vào quá trình đàm phán hợp đồng vay ngay từ giai đoạn đầu dẫn đến việc sắp xếp thời gian hợp lý cho tất cả các bên liên quan tương đối khó khăn. Thêm vào đó, chính sách của Chính phủ thường xuyên có sự thay đổi, nên mất nhiều thời gian đàm phán mới có thể thống nhất được nội dung các điều khoản trong hợp đồng vay.

Một khó khăn nữa đối với Chủ đầu tư liên quan đến các thỏa thuận về giá than và giá điện. Để đạt được sự chấp thuận của Bộ Tài chính cho việc bảo lãnh, Chủ đầu tư cần có được văn bản đồng ý mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam với quy định cụ thể về mức giá mua điện năm đầu vận hành. Trong khi thông thường tại Việt Nam, chỉ đến khi nhà máy chuẩn bị vận hành (thậm chí đi vào vận hành) thì các thỏa thuận này mới được ký kết. Điều này gây cản trở rất lớn trong quá trình thu xếp vốn để thực hiện dự án.

Kính thưa Hội nghị!

Trên đây là một số vấn đề cấp bách trên cơ sở thực tế đã triển khai thu xếp vốn cho các dự án nhiệt điện mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Rất mong Hội nghị cho ý kiến đóng góp để việc thu xếp vốn cho các dự án điện được thuận lợi hơn, đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời vốn giúp cho việc triển khai dự án đúng tiến độ.

Cuối cùng, một lần nữa kính chúc Hội nghị thành công, chúc các đồng chí đại biểu khách quý sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!

Xin trân trọng cảm ơn!

BTV Lê Thị Mỹ, Giám đốc Trung tâm Đối ngoại Tòa soạn Năng lượng Việt Nam

Xin cảm ơn ông Bùi Huy Công - Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - PVcomBank!

Tiếp theo chương trình xin trân trọng kính mời ông Nguyễn Duy Phúc - Phó phụ trách Phòng Thương mại - Ban dự án Nhiệt điện Long Phú, Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) lên phát biểu báo cáo tham luận về  “Các khó khăn và thách thức với việc huy động vốn nước ngoài theo hình thức tín dụng hỗ trợ xuất khẩu đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1”

Trân trọng kính mời ông!

 

Ông Nguyễn Duy Phúc - Phó phụ trách Phòng Thương mại - Ban dự án Nhiệt điện Long Phú, Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)

LỜI MỞ ĐẦU

1. Tổng quan về việc sự dụng vốn đầu tư nước ngoài cho các Dự án điện tại Việt Nam

Với mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế quốc dân và  phát triển đời sống xã hội, ngày 21/07/2011 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII)” với dự kiến tổng số vốn cần huy động để đầu tư cho Ngành điện lên đến 2.359 nghìn tỷ đồng (tương đương 79,88 tỷ USD). Có thể thấy vấn đề vốn đầu tư là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc hoàn thành mục tiêu mà Quy hoạch điện III đã đề ra. Do vậy, ngoài việc từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ Ngành chúng ta cần đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xây dựng phát triển các dự án điện, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua:

-  Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI - Foreign Direct Investment);

- Vốn hỗ trợ phát triển chính thức ưu đãi (ODA - Official Development Assistance), vốn hỗ trợ phát triển chính thức không ưu đãi;

-  Vốn tín dụng hỗ trợ Xuất khẩu (ECA – Export Credit Arrangement);

- Vốn tín dụng hỗ trợ Nhập khẩu (OBC - Operating Buyer’s Credit);

- Vốn vay thương mại từ các ngân hàng quốc tế (Commercial Loan);

- Các nguồn vốn được bảo lãnh của Bộ tài chính cho các Hợp đồng vay của các Tập đoàn/Công ty nhà nước để thực hiện các dự án phát triển xã hội.

Trước đây Việt Nam chú trọng nhiều đến việc thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ phát triển chính thức ưu đãi (ODA) từ các nước thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) vào các dự án lớn. Song từ khi Việt Nam không nằm trong danh sách nước có thu nhập thấp, nguồn vốn ODA không hoàn lại, có lãi suất ưu đãi cũng đã giảm đi nhiều. Riêng đối với ngành điện, bên cạnh những khó khăn chung (hạn chế về cơ sở hạ tầng, chính sách,...) lợi nhuận kinh doanh ngành điện chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư FDI tham gia

Ngoài ra, sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, các hạn mức tín dụng dài hạn bị hạn chế, các ngân hàng toàn cầu thu hẹp hoạt động, tổng số vốn dành cho tài trợ thương mại của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển cũng bị suy giảm. Trong hoàn cảnh này, các khoản vay hỗ trợ tín dụng xuất khẩu (ECA) đã trở thành một trong những hướng ra mà dự án lớn tại Việt Nam đã lựa chọn (như dự án Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê, Mông Dương, Thái Bình 2, Vũng Áng 1, Long Phú 1).

Với mục tiêu trao đổi về thực tế của hoạt động huy động vốn bằng hình thức hỗ trợ Tín dụng xuất khẩu (ECA) đối với các Dự án điện tại Việt Nam hiện nay cũng như đánh giá khó khăn, thách thức sẽ phát sinh trong giai đoạn triển khai thực hiện Dự án nhà máy điện, chúng tôi xin trình bày chi tiết nội dung “Các khó khăn và thách thức với việc huy động vốn nước ngoài theo hình thức tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA) đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1”.

Vì giới hạn về thời gian và thông tin, bài tham luận này có thể không tránh được những thiếu sót, rất mong nhận được các ý kiến đóng góp của quý vị.

I. HIỆN TRẠNG NGUỒN VỐN TÍN DỤNG HỖ TRỢ XUẤT KHẨU (ECA) CHO CÁC DỰ ÁN ĐIỆN TẠI VIỆT NAM

ECA (Export Credit Arrangement) được hiểu là khoản tín dụng được bảo lãnh và/hoặc được bảo hiểm từ các Tổ chức tài chính tư nhân/thuộc Chính phủ cung cấp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của quốc gia, đồng thời ECA là sự hỗ trợ tín dụng đặc biệt từ các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển để nhập khẩu hàng hóa/sản phẩm của họ. Các khoản vay tín dụng theo hình thức ECA có mức lãi suất ưu đãi hơn so với các khoản vay thương mại, thời hạn vay dài (trung bình từ 10 – 13 năm) trong đó thời gian ân hạn (thời gian không chưa trả tiền gốc) có thể kéo dài đến 3 năm (ví dụ thực tế bản chào thu xếp bằng ECA cho dự án Nhiệt điện Long Phú 1), các nguồn vốn ổn định, không có các ràng buộc khắc khe về chính trị hay xã hội.

Nguồn vốn hỗ trợ tín dụng xuất khẩu ECA từ các nước dành cho các dự án điện Việt Nam được thực hiện thông qua việc hỗ trợ tín dụng (cho vay trực tiếp và/hoặc tín dụng có bảo lãnh) từ các tổ chức tài chính chính sách của Chính phủ hoặc các tổ chức cung cấp Bảo hiểm thương mại của nước xuất khẩu cho việc nhập khẩu hàng hóa/dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó Bộ tài chính Việt Nam sẽ cung cấp bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay này (cụ thể là các dự án có chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) với các Ngân hàng thương mại của nước xuất khẩu. Cụ thể như sơ đồ dưới đây:

Sơ đồ 1: Sơ đồ cấu trúc huy động vốn bằng ECA

Mức lãi suất (đã tính phí Bảo lãnh) của các khoản vay ECA này ưu đãi hơn so với các khoản vay thương mại trực tiếp trên thị trường. Mức phí Bảo hiểm xuất khẩu/Bảo lãnh khoản vay được cung cấp từ các tổ chức tài chính tư nhân (không phục vụ cho mục đích an sinh xã hội của Chính phủ nước xuất khẩu) thường cao hơn so với các Tổ chức tài chính có quan hệ với Chính phủ nước xuất khẩu. Do vậy đa số các dự án phát triển kinh tế, xã hội tại Việt Nam đều thu hút nguồn vốn ECAs từ các tổ chức tài chính chính sách của nước Xuất khẩu, cụ thể như sau:

- Mỹ: Ngân hàng Xuất Nhập khẩu của Mỹ (Export & Import Bank of United States - US EXIM). Hiện US EXIM Bank có nhiều chương trình tài trợ cho Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên thời gian gần đây do các tổ chức môi trường tại Mỹ đấu tranh phản đối việc Chính phủ Mỹ hỗ trợ các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than tại các nước đang phát triển, nên US EXIM đang thu hẹp phạm vi hỗ trợ thu xếp vốn chỉ xem xét các dự án nhiệt điện có công nghệ mới đảm bảo độ phát thải thấp, ít ảnh hưởng tới môi trường.

- Nhật Bản: hai tổ chức tài chính lớn của Nhật Bản là Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Japan Bank for International Cooperation - JBIC) và Tổ chức Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và đầu tư Nhật Bản NEXI (Nippon Export & Investerment Insurance – NEXI) đang tham gia thu xếp vốn ECA cho các dự án: Nhiệt điện Vũng Áng I, Thái Bình 2…

- Trung Quốc: Tổ chức Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Trung Quốc (China Export Insurance Corporation - SINOSURE) đã tài trợ ECA cho các dự án Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê, …

- Hàn Quốc: Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Hàn Quốc (Export-Import Bank of Korea - KEXIM), Tổ chức Bảo hiểm thương mại Hàn Quốc (Korea Trade Insurance Corporation – K-SURE) đã tham gia tài trợ ECA cho các dự án Nhiệt điện Mông Dương 2, Nhiệt điện Thái Bình 2…

Tuy nhiên, để nhận được các khoản vay ECA, các dự án cần phải sử dụng công nghệ đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt từ phía Chính phủ nước cho vay và Chính sách riêng của từng Tổ chức tài chính nêu trên. Đặc biệt, đối với các dự án xây dựng nhà máy điện than cần phải tuân thủ tối đa các yêu cầu sau:

- Các quy định chung liên quan đến bảo vệ môi trường được áp dụng đối với các khoản vay ECAs từ các nước trong tổ chức OECD (Recommendation on Common Approaches On The Environment & Officially Supported Export Credit).

- Chuẩn mực được công nhận toàn cầu liên quan đến xác định, đánh giá và quản lý rủi ro về xã hội và môi trường của các Dự án Quốc tế (Equator Principles) do các Tổ chức tài chính quốc tế đưa ra (International Finance Corporation).

- Các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo và không khuyến khích các dự án có độ phát thải Carbonic cao (Carbon Policy).

- Các chính sách liên quan đến chính trị (như Iran Sanctions Act of 1996, as Amended 50 U.S.C. § 1701 note của chính phủ Mỹ).

II. CÁC KHÓ KHĂN TRONG VIỆC HUY ĐỘNG VỐN ECA TẠI DỰ ÁN NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN LONG PHÚ 1

1. Các rủi ro trong việc đáp ứng các yêu cầu của các Tổ chức cung cấp Bảo hiểm tín dụng (ECA)

(a) Theo yêu cầu của hầu hết các tổ chức tín dụng/ngân hàng, để nhận được nguồn vốn ECAs, dự án phải đáp ứng các nguyên tắc, quy định về môi trường, xã hội và an toàn sức khỏe, phải tuân thủ tuyệt đối các tiêu chuẩn Quốc tế cũng như tiêu chuẩn của các nước cung cấp ECAs. Đặc biệt đối với các nước phương Tây và Mỹ, do các tổ chức hoạt động vì môi trường đang có những phản ứng mạnh mẽ nên Chính phủ các nước này cũng hạn chế ủng hộ việc cung cấp các khoản tài trợ cho các dự án năng lượng có thể có ảnh hưởng xấu đến môi trường tại các nước đang phát triển, đặc biệt là các dự án Nhiệt điện đốt than sử dụng công nghệ phát thải cao. Do vậy việc vay vốn ECAs cho các dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện ngày càng trở nên khó khăn hơn.

(b) Ngoài các yêu cầu liên quan đến môi trường, một trong các yêu cầu quan trọng khác để thu xếp ECA thành công là xuất xứ hàng hóa. Do mục tiêu chính của ECA là thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của nước cho vay, nên hầu hết các quốc gia đều yêu cầu các dự án muốn được hỗ trợ vốn ECA phải đảm bảo tỷ lệ tối thiểu hàng hóa/ dịch vụ có xuất xứ từ nước đó. Yêu cầu tỷ lệ xuất xứ hàng hóa tối thiểu đối với các nước như sau: Mỹ (50%), Nhật Bản (30%), Hàn Quốc (50%), Trung Quốc (60%), Séc (50%), Nga (50%)…Việc đáp ứng tỷ lệ xuất xứ hàng hóa này sẽ làm giảm cơ hội tham gia của các nhà thầu trong nước trong việc tham gia vào dự án.

(c) Khả năng thu xếp vốn thành công còn phụ thuộc vào bảo lãnh của Bộ Tài chính/Chính phủ Việt Nam, kết quả đàm phán hợp đồng vay của Chủ đầu tư với các tổ chức tham gia thu xếp vốn và việc đáp ứng một số yêu cầu khác của bên cho vay đối với Chủ đầu tư.

2. Vướng mắc trong việc gắn trách nhiệm của Tổng thầu EPC với trách nhiệm thu xếp vốn ECA – các thực tế từ dự án Long Phú 1

Trong quá trình triển khai thực tế dự án NMNĐ Long Phú 1, Chủ đầu tư yêu cầu Tổng thầu EPC trong nước phải có trách nhiệm thu xếp vốn ECA cho cả Hợp đồng EPC. Yêu cầu này đã làm phát sinh một số vướng mắc, hạn chế Tổng thầu EPC trong nước phát huy tối đa vai trò trong quá trình triển khai dự án do các nguyên nhân:

(a) Tại thời điểm ký Hợp đồng EPC, Chủ đầu tư và Tổng thầu EPC trong nước chưa xác định được các Nhà thầu nước ngoài sẽ tham gia cung cấp thiết bị/dịch vụ nên không thể xác định tổ chức nào sẽ đứng ra thu xếp tài chính (ECA) cho Dự án qua đó không thể xác định được khả năng và mức độ đáp ứng các điều kiện ràng buộc về Thu xếp tài chính, Kỹ thuật được nêu trong Hợp đồng EPC.

(b) Để đảm bảo tính khả thi trong phương án thu xếp vốn ECA, toàn bộ thiết bị chính trong dự án phải được gộp thành gói thầu lớn và giao trọn gói theo hình thức EP cho Nhà thầu nước ngoài kèm theo yêu cầu Nhà thầu nước ngoài có trách nhiệm thu xếp vốn ECA lên đến 80% - 85% giá trị của gói thầu. Tuy nhiên với phương án này, hầu hết các nội dung kỹ thuật quan trọng trong Hợp đồng EPC liên quan đến thiết kế, cung cấp, kiểm tra, chạy thử, nghiệm thu, bảo hành các Tổ máy sẽ được thực hiện bởi Nhà thầu nước ngoài.

(c) Với việc thay đổi phương án được đề cập ở mục (b), Tổng thầu EPC trong nước chỉ trực tiếp thực hiện các công việc chiếm tỷ trọng nhỏ về phạm vi công việc/ giá trị Hợp đồng EPC nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư đối với chất lượng, tiến độ của toàn Dự án. Thực tế trong quá trình triển khai và quản lý dự án, Tổng thầu trong nước sẽ bị hạn chế về quyền quyết định trong công tác lựa chọn, điều hành và quản lý Nhà thầu nước ngoài cung cấp gói Thiết bị chính vì bị chi phối và ràng buộc bởi các yêu cầu về thu xếp tài chính. Mô hình này có hạn chế là không phát huy được hết năng lực, kinh nghiệm, vai trò, trách nhiệm của các Nhà thầu nước ngoài phụ trách thiết kế, cung cấp thiết bị chính và thu xếp vốn cho Dự án nên sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với Tổng thầu trong nước và Chủ đầu tư.

(d) Tổng thầu EPC trong nước không thể can thiệp, quyết định đến tiến độ thu xếp vốn cho Dự án vì việc này phụ thuộc vào tiến độ đàm phán và thời gian ký hợp đồng vay giữa Chủ đầu tư và các tổ chức Tài chính tham gia thu xếp vốn, bảo lãnh của Bộ Tài chính/ Chính phủ Việt Nam cũng như sự phê duyệt từ các Cấp thẩm quyền. Bên cạnh đó, Tổng thầu trong nước cũng không thể chủ động thanh toán cho Nhà thầu nước ngoài cung cấp thiết bị chính trước khi có nguồn vốn ECA vì không có đủ năng lực tài chính do giá trị Hợp đồng quá lớn dẫn đến việc không thể chủ động kiểm soát được tiến độ triển khai chung của Dự án.

(e) Việc tham gia của Tổng thầu EPC và Tư vấn Tổng thầu trong việc quản lý, xem xét các tài liệu do Nhà thầu phụ nước ngoài (nhà thầu EP) thực hiện thiết kế, cung cấp thiết bị sẽ làm phát sinh thêm nhiều giao diện, thời gian trình duyệt, làm phát sinh tiến độ và chi phí.

(f) Ngoài ra việc gắn trách nhiệm thu xếp vốn cho Tổng thầu/Nhà thầu nước ngoài sẽ ảnh hưởng không ít đến quyền giám sát, quản lý công trình của Chủ đầu tư/ Tư vấn Chủ đầu tư. Cụ thể khi Nhà thầu nước ngoài được giao trách nhiệm thu xếp vốn cho Dự án, khi đó Chủ đầu tư sẽ phải giao một phần quyền kiểm soát Dự án của mình cho Tổng thầu/Nhà thầu nước ngoài nhằm hướng tới mục tiêu đáp ứng các yêu cầu/chính sách liên quan để việc Thu xếp vốn thành công. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc giám sát, quản lý chất lượng công trình của Chủ đầu tư/Tư vấn Chủ đầu tư trong quá trình phối hợp với Tổng thầu/Nhà thầu nước ngoài.

(g) Trong quá trình lựa chọn Nhà thầu nước ngoài gắn với trách nhiệm Thu xếp vốn cho giá trị gói thiết bị nhà thầu tham gia sẽ xảy ra trường hợp Nhà thầu đáp ứng được các yêu cầu về thu xếp vốn (yếu tố tiên quyết) nhưng lại không hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu Kỹ thuật, Thương mại, giá chào hoặc ngược lại.

III. GIẢI PHÁP

Trong thực tế triển khai, cùng với sự phối hợp và hỗ trợ của Chủ đầu tư, PTSC cũng đã nỗ lực hết sức trong việc đáp ứng các yêu cầu về Thu xếp vốn của Dự án. Tuy nhiênvới các khó khăn nêu trên, mô hình Tổng thầu EPC đã phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với đòi hỏi thực tế, theo đó chuyển đổi mô hình Tổng thầu EPC trong nước sang Liên danh Tổng thầu giữa PTSC và các nhà thầu nước ngoài (nhà thầu cung cấp toàn bộ gói thiết bị chính cho nhà máy), đảm bảo các điều kiện thuận lợi và khả thi nhất cho triển khai dự án, cụ thể như sau:

1. Trong liên danh, Nhà thầu nước ngoài (Nhà thầu cung cấp gói thiết bị chính cho nhà máy) sẽ nắm vai trò là đứng đầu liên danh, chịu trách nhiệm về thiết kế, công nghệ và kỹ thuật chính cho dự án, đồng thời có trách nhiệm làm việc với các tổ chức tài chính để thu xếp vốn cho phần giá trị của thiết bị/hàng hóa và dịch vụ do nhà thầu nước ngoài cung cấp.

2. Trong quá trình đàm phán Hợp đồng EPC, các điều khoản liên quan đến trách nhiệm thu xếp vốn sẽ được căn cứ trên thông lệ quốc tế, bản chào từ các Tổ chức tài chính/Ngân hàng thu xếp vốn để đảm bảo quyền và phạm vi trách nhiệm phù hợp cho Tổng thầu, Chủ đầu tư. Tuy nhiên, để ràng buộc trách nhiệm giữa Chủ đầu tư và Liên danh Tổng thầu cũng như đảm bảo tiến trình thu xếp vốn không ảnh hưởng đến tiến độ dự án có 2 giải pháp:

(a) Gắn ngày thực hiện công việc (Commencement date) với ngày thu xếp vốn thành công, đồng nghĩa với việc gắn tiến độ của dự án vào tiến độ của hoạt động thu xếp vốn.

(b) Chủ đầu tư sẽ chủ động có một khoản ngân sách dự phòng để sử dụng trong giai đoạn trước khi nhận được các khoản giải ngân ECAs (trong trường hợp trả chậm, nhà thầu cung cấp thiết bị yêu cầu mở L/C thanh toán cho đến khi ECA thành công) để đảm bảo tiến độ chung của cả dự án.

3. Để đảm bảo khả năng thu xếp vốn thành công, cần có sự thống nhất giữa Chủ đầu tư và Liên danh Tổng thầu đối với các yêu cầu về công nghệ, các yếu tố kỹ thuật nhằm thỏa mãn các quy định/chính sách của các tổ chức thu xếp ECAs cho dự án đồng thời vẫn đảm bảo đáp ứng các yêu cầu Kỹ thuật/ Công nghệ/ Chất lượng của Chủ đầu tư đối với dự án.

4. Có sự chia sẻ về trách nhiệm phù hợp giữa Chủ đầu tư và Liên danh Tổng thầu để hoạt động thu xếp vốn thành công. Theo đó Liên danh Tổng thầu chịu trách nhiệm tìm kiếm nguồn vốn và đảm bảo tuân thủ các quy định về kỹ thuật liên quan đến vấn đề môi trường mà các Tổ chức tham gia thu xếp vốn yêu cầu; Chủ đầu tư chịu trách nhiệm chính trong hoạt động đàm phán Hợp đồng vay với các tổ chức Thu xếp vốn này để đạt được giá trị, mức lãi xuất, thời hạn vay, điều khoản vay, chuẩn bị hồ sơ vay vốn, đảm bảo có sự bảo lãnh của Bộ tài chính/ Chính phủ Việt Nam … theo yêu cầu của các Tổ chức thu xếp vốn ECA.

Trong giai đoạn hiện nay, việc huy động vốn theo hình thức ECA sẽ có những thuận lợi cũng như khó khăn nhất định, phụ thuộc vào mức độ phức tạp của từng dự án. Những giải pháp được nêu trên có thể giải quyết được một phần các khó khăn mà Chủ đầu tư cũng như Tổng thầu trong nước phải đối mặt khi triển khai các dự án sử dụng vốn vay ECA. Vốn vay ECA sẽ là một kênh huy động giúp Chủ đầu tư có thêm lựa chọn tìm ra nguồn vốn đầu tư phù hợp nhất với tính chất của từng dự án, đảm bảo đáp ứng tiến độ và chất lượng dự án Nhiệt điện than, đáp ứng các mục tiêu của Quy hoạch điện VII đã đề ra./.  

Xin trân trọng cảm ơn!

BTV Lê Thị Mỹ, Giám đốc Trung tâm Đối ngoại Tòa soạn Năng lượng Việt Nam

Ông Nguyễn Duy Phúc - Phó phụ trách Phòng Thương mại - Ban dự án Nhiệt điện Long Phú, Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)!

Tiếp theo chương trình, xin trân trọng kính mời: Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Duệ, Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng lên phát biểu tham luận về: "Vốn cho các dự án điện Việt Nam: Thực trạng và giải pháp".

Trân trọng kính mời ông!

 

PGS, TS. Nguyễn Minh Duệ, Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng!

1. Sự cần thiết huy động vốn cho các dự án điện

Điện lực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo dự báo, nhu cầu điện tăng khoảng14-15% mỗi năm giai đoạn 2010-2025. Để đảm bảo sự phát triển điện trong những thập kỷ tới, cần thiết huy động nguồn vốn rất lớn. Theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch Điện VII, ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì để thực hiện được QHĐ VII với kịch bản cơ sở, nhu cầu vốn đầu tư như sau:

- Giai đoạn 2011 - 2020: 929,7 nghìn tỷ VNĐ ~ 48,8 tỷ USD (Bình quân 4,88 tỷ USD/ năm).

- Giai đoạn 2021 - 2030: 1.429,3 nghìn tỷ VNĐ ~ 75 tỷ USD (Bình quân 7,50 tỷ USD/năm).

- Giai đoạn 2011 - 2030: 2359,0 nghìn tỷ VNĐ ~ 123,8 tỷ USD (Bình quân 6,19 tỷ USD/năm).

Trên đây là những số liệu nhu cầu vốn đầu tư theo Quy hoạch điện VII, nhu cầu vốn này được nhiều chuyên gia đánh giá là cao, cần được xem xét, hiệu chỉnh và chính thức hóa sau khi phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Điện VII.

Đăc điểm DA Điện: Vốn đầu tư rất lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài, khả năng trả nợ gốc và lãi hạn chế; do đó tính hấp dẫn không cao, khó thu hút được nhiều vốn trong và ngoài nước. Phần lớn các DA điện lại có công nghệ, kỹ thuật phức tạp, quy mô lớn nên cũng gây nhiều khó khăn trong thẩm định cho vay vốn. 

 2. Thực trạng huy động vốn cho các dự án điện hiện nay

> Dự án EVN đầu tư

Từ trước tới nay, hầu hết các dự án đầu tư phát triển điện đều tập trung vào Tập đoàn Điện lực (EVN). Nguồn vốn các dự án, bao gồm: i/ Vốn tự có trích từ lợi nhuận, quỹ khấu hao. ii/ Vốn vay: trong nước từ các ngân hàng đầu tư phát triển, ngân hàng thương mại…; ngoài nước từ ODA đa phương (WB, ADB) và ODA song phương (JICA, AFD, KPF); Vay tín dụng người bán, tín dụng người mua. iii/ Tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA); iiii/ Phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

> Dự án ngoài EVN đầu tư

Doanh nghiệp trong nước

Ngoài EVN, các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư phát triển các nhà máy điện, trong đó có doanh nghiệp thuộc tập đoàn Nhà nước (PVN, TKV,…) và một số doanh nghiệp tư nhân (Công ty cổ phần nhiệt điện An khánh, Công Thanh, Thăng Long, Tập đoàn Tân Tạo, doanh nghiệp đầu tư theo hình thức IPP, BOO…). Nguồn vốn của các doanh nghiệp này cũng bao gồm: vốn tự có và vốn vay.

Doanh nghiệp nước ngoài

Một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là các nhà máy nhiệt điện, theo hình thức BOT. Nguồn vốn do doanh nghiệp nước ngoài bỏ ra, hoặc liên kết đầu tư.

3. Những trở ngại thu xếp vốn cho dự án điện

- Về đầu tư của EVN đối với dự án điện

Theo báo cáo của EVN và Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, EVN gặp nhiều khó khăn về tài chính, nguồn vốn tự có tích lũy từ lợi nhuận bị hạn chế. Để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển theo Quy hoạch điện VII, nhìn vào giải pháp: tăng giá điện và vay vốn.

Tuy nhiên, tính khả thi của tăng doanh thu trên cơ sở tăng giá điện sẽ gặp khó khăn vì sức chịu dựng của các doanh nghiệp, người dân; ảnh hưởng đến lạm phát.

Về vay vốn, đặc biệt vay vốn nước ngoài cũng rất khó khăn, trong khi số dư nợ của EVN hiện nay khá lớn. Ngoài ra, các khoản nợ của EVN tại các ngân hàng trong nước và các tổng công ty điện lực thuộc PVN, TKV cũng đáng kể. Mặt khác trong điều kiện hiện nay lãi suất huy động lớn hơn lãi suất vay đối với DA điện, đây cũng là khó khăn trong đàm phán vay vốn.

Thấy được những khó khăn trên, để tìm ra những giải pháp khắc phục hữu hiệu, tạo ra được nguồn vốn cho các dự án điện là rất cần thiết.

- Về đầu tư nước ngoài đối với các dự án điện ở Việt Nam

Theo chủ trương của Chính phủ, việc đầu tư phát triển các dự án đã và đang từng bước được mở rộng sang các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Gần đây, ngành điện đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với các dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT, thời gian gần đây Thủ tướng Chính Phủ đã cho phép chỉ định một số nhà đầu tư nước ngoài như Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất 2 x 600MW (Sembcorp Singapore ), Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu II 2 x 1.000MW (Toyo Ink Malaysia), Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 2 x 600MW (Egati Thái Lan ), Nhà máy Nhiệt điện Long Phú II (Tata Power Ấn Độ). Ngoài ra SamSung Hàn Quốc cũng sẽ bàn giao làm chủ đầu tư một dự án nhà máy nhiệt điện: được phép chọn một trong 5 dự án là Quỳnh Lập II, Vũng Áng II, Quảng Trạch II, Sông Hậu III, Kim Lương.

Về phía Cộng hòa Liên bang Đức: Tập đoàn Công nghiệp Enercon cam kết huy động khoảng 1 tỷ Euro và cung cấp thiết bị đầu tư cho DA điện gió Sóc Trăng 2.600MW.

Việc tăng các dự án nhà máy nhiệt điện BOT nước ngoài cũng là biện pháp giảm bớt gánh nặng về nhu cầu về vốn, tuy nhiên thực tế các dự án này triển khai chậm, do VN chưa có khung giá mua điện  công khai và thống nhất. Tất cả DA điện đều phải đàm phán hợp đồng mua bán điện với EVN, gây khá nhiều trở ngại trong thu hút đầu tư nước ngoài nhất là DA BOT, mất nhiều năm đàm phán như DA BOT Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 thời gian đàm phán hợp đồng kéo dài 4-5 năm.

- Về đầu tư của doanh nghiệp trong nước (ngoài EVN) vào dự án điện

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, như PVN và TKV đã có những đóng góp đáng kể trong đầu tư các nhà máy điện trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, những đầu tư này là do Chính phủ giao trách nhiệm tham gia cung ứng nguồn điện, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong thực tế, toàn bộ điện năng sản xuất ra đều bán cho EVN, việc điều độ sản xuất các nhà máy điện cho một thị trường phát điện cạnh tranh còn nhiều bất cập. Nên hiệu quả đầu tư của các nhà máy điện thuộc PVN và TKVchưa rõ ràng. Đây là vấn đề cần xem xét nhằm thu hút được nguồn đầu tư này trong tương lai.

Đối với các doanh nghiệp tư nhân và cổ phần, với các dự án đầu tư vào ngành điện, các chủ đầu tư có nguồn vốn tự có rất hạn chế, nguồn vốn vay nước ngoài đòi hỏi phải có bảo lãnh của Chính phủ nên việc thu xếp vốn đầu tư bị kéo dài. Một số dự án đang gặp khó khăn có thể bị đổ vỡ như: Trung tâm điện lực Kiên Lương (Chủ đầu tư là Tập đoàn Tân Tạo) không giải quyết được nguồn vốn; còn dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh II (Chủ đầu tư là Công ty CP Nhiệt điện An Khánh) cũng đang gặp những khó khăn.

4. Đề xuất giải pháp và những vấn đề cấp bách

1. Sớm điều chỉnh QHĐ VII nhằm chính xác hóa nhu cầu đầu tư (như Chính phủ đã chỉ đạo).

 Bộ Công Thương cần rà soát, hiệu chỉnh QHĐ VII về dự báo phụ tải, các công trình nguồn, lưới điện; xác định nhu cầu vốn, cân đối tiến độ đầu tư các dự án điện trên toàn quốc phù hợp với năng lực tài chính và khả năng triển khai, tránh đầu tư dàn trải, dừng các DA không hiệu quả trong thời gian quy họach, đặc biệt giai đoạn 2014 – 2020 .

2. Tạo nguồn vốn bằng các các biện pháp truyền thống:

- Để đảm bảo nguồn vốn tự có, EVN và các doanh nghiệp đầu tư dự án điện phải có lợi nhuận trên cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư và tiết giảm chi phí trong sản xuất các nhà máy điện, giảm tổn thất trên lưới truyền tải và phân phối điện. Về phía Nhà nước cần ban hành chính sách giá điện hợp lý, minh bạch; ban hành khung giá điện công khai và thống nhất  để tạo điều kiện tốt cho hoạt động của thị trường điện. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

- Để đảm bảo nguồn vốn vay, Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, đặc biệt vốn ODA đa phương và song phương; các ngân hàng trong nước tiếp tục đồng hành thu xếp vốn cho các DA nguồn và lưới điện nhằm tạo điều kiện cho EVN và ngành điện thực hiện tốt nhiệm vụ cung ưng điện.   Các doanh nghiệp vay vốn phải tôn trọng các quy định về các hợp đồng vay trả vốn và lãi đúng kỳ hạn, giữ uy tín là khách hàng vay vốn.

3. Thực hiện thị trường điện cạnh tranh, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư DA điện

Phát triển thị trường điện cạnh tranh là xu hướng phát triển chung của các nước trên thế giới, là động lực cho hoạt động hiệu quả trong sản xuất kinh doanh điện và phát triển kinh tế xã hội. Hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển dài hạn của ngành Điện Việt Nam đã được quy định trong Luật Điện lực (năm 2004) và Luật Điện lực sửa đổi (năm 2013), được cụ thể hóa trong Quyết định 26/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quyết định trên, thị trường điện Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 3 cấp độ:  phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và   bán lẻ cạnh tranh.

Qua một thời gian dài chuẩn bị, ngày 1/7/2011, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam bắt đầu vận hành thí điểm và ngày 1/7/2012 đưa vào vận hành chính thức.

Thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh là bước đầu tiên trong lộ trình phát triển thị trường điện tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu đưa cạnh tranh vào khâu phát điện, tạo động lực cho các nhà máy điện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thực tế, thực hiện giai đoạn1, thị trường phát điện cạnh tranh còn quá chậm về mặt thời gian và chưa đầy đủ về nội dung. Số lượng các nhà máy sản xuất điện tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường tuy có tăng, nhưng vẫn còn hạn chế và nhiều trở ngại.

Do đó, cần thiết thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh đích thực mới thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư DA nguồn điện.

4. Tái cơ cấu EVN, nhân tố quan trọng nhằm thu hút đầu tư DA điện.

Thực hiện Nghị quyết TW3 khóa XI về tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1782/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) giai đoạn 2012-2015”. Mục đích của đề án tái cơ cấu nhằm đảm bảo EVN có cơ cấu hợp lý tập trung vào lĩnh vực SXKD điện, nâng cao    hiệu quả SXKD, cạnh tranh lành mạnh, xóa bỏ độc quyền nhằm góp phần đảm bảo cung ứng điện cho sự phát triển kinh tế xã hội. Để tạo sân chơi bình đẳng nhằm thu hút đầu tư DA điện và phát triển thị trường điện cạnh tranh cần xúc tiến ngay tái cơ cấu ngành điện, đặc biệt là EVN.

Từ kinh nghiệm ở một số nước cho thấy thực hiện tái cơ cấu và phát triển thị trường điện cạnh tranh là rất phức tạp. Tuy nhiên, chỉ có một thị trường điện cạnh tranh hoạt động hiệu quả, với cấu trúc ngành điện hợp lý mới thu hút đầu tư vào các DA điện.

Xin trân trọng cảm ơn!

BTV Lê Thị Mỹ, Giám đốc Trung tâm Đối ngoại Tòa soạn Năng lượng Việt Nam

Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Duệ.

Tiếp theo đây là phần trao đổi, thảo luận, phản biện của các nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia...

 

Ông Bùi Văn Thạch, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: “Giá điện về đúng giá thị trường thì các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia”

Từ năm 2003 với Nghị quyết số 26 Bộ Chính trị đã từng bàn và có kế hoạch để chuyển dần ngành Điện sang cơ chế thị trường. Rõ ràng, khi đó, ý tưởng về một thị trường điện cạnh tranh đã hình thành, đã có một số ý kiến nêu ra, trong đó đề cập vấn đề nên tách truyền tải điện ra để thành một hoạt động công ích, nhằm phát điện cạnh tranh cũng như tăng cường phần bán buôn, bán lẻ trên thị trường.

Thời điểm ấy, tuy còn khó khăn nhưng chúng ta đã đưa ra một số định hướng cho ngành Điện. Thời gian gần đây yêu cầu về thị trường điện cạnh tranh được đặt ra như một tất yếu phải làm. Tôi thấy, sau 10 năm chúng ta cần tổng kết lại tư tưởng của Bộ Chính trị để xem lại chúng ta đã làm được những gì. Tại Hội thảo hôm nay, tôi nghĩ đáng lẽ những tư tưởng ấy cần được thực hiện một cách sớm hơn nữa thì ngành Điện đã có đổi mới hơn.

Với vấn đề được đặt ra trong Hội thảo, tôi có mấy ý kiến như sau:

Thứ nhất, sơ đồ Điện VII được xây dựng trong điều kiện tốc độ phụ tải điện tăng tương đối cao, vì thế chúng ta đưa ra lộ trình tương đối mạnh. Sau khủng hoảng kinh tế, tư duy của chúng ta đã thay đổi, nghĩa là chúng ta tái cơ cấu nền kình tế và thay đổi mô hình tăng trưởng tập trung vào chất lượng chứ không phải vào số lượng như trước đây thì nhu cầu tăng trưởng điện cũng cần phải điều chỉnh. Trước đây, chúng ta phát triển quá nóng dẫn tới nhu cầu về phụ tải điện tăng quá nhanh và sơ đồ Điện VII cũng được xây dựng trong điều kiện như vậy. Và vấn đề điều chỉnh là điều tất yếu, nhưng điều chỉnh như thế nào thì cần thận trọng, bởi theo dự báo của một số tổ chức quốc tế và dự báo của Việt Nam, năm 2013 được xem là đáy của cuộc khủng hoảng. Bước sang năm 2014 nền kinh tế thế giới bắt đầu đi lên. Vậy thì tốc độ tăng trưởng của một quốc gia như thế này có thể tăng 7-8% là điều bình thường, nếu chúng ta đi đúng hướng, đầu tư đúng hướng.

Thứ hai, vấn đề thiếu vốn của ngành Điện, nên nhìn bên ngoài để nhìn lại mình, nhìn người để mà học. Vốn ngành Điện không thiếu, chúng ta rất khát vốn nhưng thực chất không thiếu vốn. Bởi chúng ta thiếu cơ chế để tạo ra nguồn vốn. Hiện nay, Việt Nam đang bán điện với giá thấp, thậm chí quá thấp so với giá thành. Theo tìm hiểu của tôi, giá điện hiện nay tại Việt Nam bình quân là 7 cent/1kWh tương đương 1.380 đồng/1kWh. Trong khi đó giá điện tại một số nước khu vực Asean bình quân là 11-12 cent/1kWh, có những nước giá rất cao như Campuchia, bình quân từ 15-20 cent/1kWh và không thống nhất một loại giá bán, họ được bán theo thị trường. Tôi  nghĩ rằng nó phụ thuộc vào nguồn phát và nhu cầu để người ta quyết định được bán theo giá nào.

Thị trường điện Việt Nam đã được bao cấp quá lâu, vì thế một phần lợi nhuận đều phải gánh vác cho của ngành Điện lẫn ngành Than. Vừa qua, nhà nước thống nhất nâng giá thành than cho đúng giá thành, lúc đó chuyển hết cho ngành điện gánh chịu và ngành điện thiếu vốn đầu tư trong điều kiện sản xuất ra nhưng giá bán thấp hơn giá thành. Tuy nhiên, ngành Điện cũng phải công khai hóa giá thành của mình, năm 2012 thị trường điện cạnh tranh được bắt đầu thực hiện và theo tôi chắc chắn thời gian tới sẽ ngày càng tốt lên. Trong khi đó, thị trường bán buôn cũng được đẩy lên trong năm 2015-2016 (trước đây dự kiến trong năm 2017-2018 mới làm) và năm 2020 chúng ta phải có thị trường bán lẻ. Có như thế mới đẩy giá bán điện lên được và người đầu tư phải thu được lãi ít nhất là ở định mức. Một khi có lãi, các nhà đầu tư nước ngoài họ sẽ tham gia, vì hiện nay họ đang rất đắn đo vì giá bán điện tại Việt Nam vẫn quá thấp. Họ có nhiều vốn để đầu tư trong khi chúng ta lại thu xếp vốn trong điều kiện không có lãi. Đây cũng là vấn đề, vì vậy cần phải tạo ra được tâm lý trong xã hội là đã sử dụng điện thì phải theo đúng giá thành và cộng thêm tỷ lệ lợi nhuận định mức nào đó chứ không thể sử dụng mãi giá thấp như hiện nay. Một khi có lãi mới tạo ra được sự sòng phẳng trong kinh tế thị trường. Chúng ta đã quen trạng thái được bao cấp cho nên chúng ta cứ dùng giá thấp mãi. Do đó, phải đẩy giá điện về đúng giá giá thị trường thì nguồn vốn  đầu vào cho nguồn điện sẽ thoải mái hơn, lúc đó các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư nếu họ thấy có lãi.

Thứ ba, nếu chúng ta làm được như vậy cần có một phần chính sách cho những người sử dụng điện, đặc biệt là đối với người nghèo. Với đối tượng này thì Chính phủ cần dành hẳn quỹ để hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này bằng lượng tiền hàng tháng. Theo tính toán toàn bộ lượng điện dùng cho điện đối tượng chính sách chỉ chiếm 20%, còn 80% dùng cho vào hoạt động khác. Chúng ta lấy tỷ lệ 80% này hỗ trợ lại tỷ lệ 20% kia thì vấn đề xã hội đã được giải quyết. Còn những người sản xuất kinh doanh phải chấp nhận giá thành cộng với tỷ lệ lợi nhuận định mức. Khi đó, ngành điện và các nhà đầu tư mới dám đầu tư và chúng ta đi vào nền kinh tế thị trường một cách thực sự hơn. Một trong những yếu tố chúng ta được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường chính là các vấn đề liên quan đến ngành điện, nhưng chúng ta chưa hoàn toàn thị trường hóa được giá điện. Đây là một trong những vấn đề rất lớn mà tại  Hội thảo này nếu chỉ ngồi tính toán ngân hàng nào thu xếp vốn được thì chưa ổn, mà chúng ta cần phải tạo ra tư duy mới: vậy tạo nguồn vốn bằng cách thức, thể chế nào để toàn bộ vốn từ bên ngoài đang có nhu cầu đầu tư ngành Điện thể đổ vào Việt Nam. Vì vốn tự có của chúng ta không đủ sức đầu tư cho tốc độ tăng trưởng của ngành điện hiện nay. Chúng ta phải sử dụng nguồn vốn bên ngoài bằng những cơ chế chính sách phù hợp. Nhà đầu tư nước ngoài có nhiều vốn nhưng họ không thể đầu tư được vì chúng ta làm quá chặt, đầu tư không có lãi không một ai đầu tư.

Thứ tư, khi chúng ta mở được vấn đề giá có tính cạnh tranh thì chúng ta mới có thể dần chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Hiện nay nhà nước đang có chính sách để sử dụng nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích đầu tư việc sử dụng năng lượng tái tạo. Nhà nước cần có cơ chế chính sách đưa năng lượng  tái tạo vào càng nhanh và chấp nhận có sự hỗ trợ, lấy điện không tái tạo để hỗ trợ cho điện tái tạo. Có như thế vừa phát triển được ngành điện vừa làm cho ngành điện xanh-sạch và đẹp hơn.

Những vấn đề này tôi nêu ra chỉ mang tính gợi mở để chúng ta có thể thảo luận nhằm tìm hướng đi mới cho ngành điện, hạn chế quản lý quá truyền thống ngành Điện suốt thời gian dài qua. Hiện nay, Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình, những khoản vay ODA sẽ càng giảm, sau nay sẽ bị cắt và những khoản vay của chúng ta sẽ cao hơn rất nhiều. Vì vậy, chúng ta không thể dựa dẫm mãi được kể cả trong ngành Điện. Tại sao không để người khác đầu tư với một cơ chế thông thoáng phù hợp hơn, đẩy nhanh tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo để đảm bảo cho ngành điện không gây hậu quả nghiêm trọng về mặt môi trường.

Ông Nguyễn Văn Thụ - Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam: “Ngành điện có vốn thì cũng chính là giải quyết vấn đề vốn của ngành cơ khí”

Tôi đón nhận thông tin Hội thảo này bằng một nhiệt tình vì ngành năng điện phát triển thì chính đầu ra của ngành sản xuất cơ khí. Hơn nữa đối với Chủ tịch VEA và tôi là những người trực tiếp lăn lộn trên những công trình điện kể cả công trình đường dây, công trình nhà máy nhiệt điện, chúng tôi thấu hiểu nếu như ngành Điện giải quyết được vốn, phát triển được các ngành năng lượng thì bản thân những người làm cơ khí cũng rất vui.

Chính vì tình cảm cũng như năng lực của ngành cơ khí Việt Nam sẽ đáp ứng thế nào trong thời gian tới đây mà bản thân tôi rất hào hứng hội thảo này để những ý kiến của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam sẽ được cơ quan nhà nước thấu hiểu hoàn cảnh của ngành cơ khí.

Theo tôi, đầu tư cho ngành Điện là cần thiết. Nếu như trong 54 nhà máy nhiệt điện hiện nay chỉ cần 35 nhà máy mà chúng ta tự đầu tư thì vốn cho nó khoảng 45 tỷ USD. Nhưng thiết bị phụ trợ mà chúng ta có khả năng làm được cũng chiếm khoảng gần 10 tỷ USD. Vậy thì tại sao để giải quyết nguồn vốn chúng ta chỉ làm theo công thức EPC, điều này đồng nghĩa tại nhiều dự án nguồn những người làm cơ khí trong nước sẽ ra ngoài rìa. Bởi vì EPC tổng thầu  thì 85% vốn ấy thuộc các nhà cung cấp thiết bị và chúng ta không được gì. 15 năm trước khi chúng tôi làm nhiệt điện Phả Lại hoặc ở Phú Mỹ thì năng lực thiết kế của chúng tôi đã đạt được 70-80% khối lượng kết cấu thép. Nhưng nếu như giải quyết vấn đề vốn mà chỉ có nghĩ đến EPC thì chúng ta sẽ không có gì hết, chúng ta thua ngay trên sân nhà, chúng ta chỉ là người làm thuê mà cũng không được làm. Rõ ràng đây là thách thức rất lớn đối với đầu ra của ngành cơ khí trong nước hiện nay.

Thứ nhất, phương thức gói thầu EPC thường có quy mô lớn như thế năng lực quản lý dự án của nhà đầu tư cũng không thể nâng cao được.

Hai là, các tổ chức tư vấn thiết kế thông qua dự án cũng không thể có cơ hội tham gia công đoạn thiết kế công nghệ và doanh nghiệp cơ khí trong nước cũng không thể tham gia thiết kế kết cấu thép. Trong khi đó, nhà thầu nước ngoài còn đưa cả lao động phổ thông làm hết phần việc của lao động trong nước. Nhiều nhà thầu EPC đưa cả kết cấu thép sang, tỷ lệ trong nước thường rất thấp nên dẫn đến tình trạng nhập siêu. Ngoài EPC còn một số các nhà thầu PC nước ngoài trình độ cũng không cao ngoài việc có họ nguồn vốn.

Chính vì những điều này mà Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam rất bức xúc vì 20 năm trước chúng tôi là những người đã từng được làm các nhà máy nhiệt điện. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây hầu như các dự án nguồn đều vào tay nước ngoài thông qua EPC. Ngành cơ khí thực sự cần có đầu ra, do đó tháng 3/2011 chúng tôi đã có bản kiến nghị với nhà nước về cơ chế chính sách áp dụng cho nhà máy nhiệt điện.

Có thể nói với một nhà máy nhiệt điện với rất nhiều các thiết bị chính như tuốc bin, máy phát, lò hơi, nếu chúng tôi không làm được nhưng có thể trích ra được từ 20-30% hạng mục khối lượng kết cấu thép mà các doanh nghiệp trong nước có thể thực hiện được. Điều này không hoàn toàn là lý thuyết. Chúng tôi thấy bất hợp lý, trong khi chúng ta kích cầu nhưng lại kích cầu nước ngoài chứ không kích cầu ngành cơ khí trong nước.

Với thị trường gần 70 tỷ USD, nếu chúng tôi chỉ cần làm 20% thôi, ngành cơ khí cũng đã có khoảng 20 tỷ USD. Như vậy thì ngành mới có cơ hội phát triển về thiết kế, chế tạo và lắp đặt. Một khi nắm được công nghệ trong nhà máy nhiệt điện thì tham gia đấu thầu sẽ nắm được bản chất của toàn bộ thiết bị nước ngoài cung cấp, nếu ngành cơ khí trong nước cứ ở tình trạng “ra rìa” như thế này thì đây là thảm cảnh, nghịch lý rất cần tiếng nói.

Tại các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện, nếu bóc tách 11 phần việc như: hệ thống cung  cấp than, toàn bộ hệ thống băng tải từ cảng đến nhà máy, nhà máy xử lý nước thải, lọc bụi tĩnh điện, nhà máy khử lưu huỳnh, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống cung cấp dầu, ống khói, đường nước tuần hoàn là công nghiệp của kết cấu thép… đều là những phần việc mà các doanh nghiệp cơ khí trong nước đều có thể đảm nhiệm được nhưng phần lớn hiện nay chúng ta đều dành cho doanh nghiệp nước ngoài làm.

Theo tôi, nếu tất cả các phần việc này chúng ta được làm khoảng 30% thì sẽ nâng cao được khả năng thiết kế, chế tạo cũng như lắp đặt cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Cùng đó, nuôi sống được hàng ngàn người lao động và quan trọng hơn là trình độ quản lý dự án của các doanh nghiệp chúng ta ngày càng phát triển.

Ví dụ như Quyết định 1791 của Chính phủ giao cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước đảm nhiệm việc thiết kế chế tạo thiết bị tại 3 nhà máy: nhiệt điện Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1 và Quỳnh Lập 1.  Với tâm huyết để phát triển ngành cơ khí, chúng tôi thấy đây là cơ hội để làm cho một số nhà máy cụ thể. Nhưng hơn một năm qua, mọi chủ trương chính sách đã xong nhưng vấn đề vốn không giải quyết được. Vì vậy, Hội thảo hôm nay có ý nghĩa rất lớn cho ngành cơ khí. Ngành điện có vốn thì cũng chính là giải quyết vấn đề vốn của ngành cơ khí.

Thực tế, cơ chế quản lý ngành điện vẫn nặng nề và bao cấp. Nếu như chúng ta cứ để tình trạng bao cấp độc quyền kéo dài thì thực sự không thể phát triển được ngành. Có thể nói một khi khai thác được một nguồn vốn cho ngành điện thì được tham gia một phần trong những hạng mục của ngành điện cũng là mong muốn của những doanh nghiệp cơ khí. Vấn đề là làm thế nào để phát huy tối đa cơ chế xã hội hóa và khai thác được tiềm năng cơ khí trong việc thực hiện các dự án được hiện nay.

 

Ông Nguyễn Văn Thạo - Trợ lý Chủ tịch nước: “Sử dụng đồng vốn có mang lại hiệu quả thực sự”

Hội thảo hôm nay đề cập đến một vấn đề rất lớn và có thể nói là hệ trọng. Tôi xin trích câu nói của Lê Nin : “Chủ nghĩa xã hội là chính quyền Xô Viết cộng với điện khí hóa toàn quốc”. Nếu ngành Điện phát triển được thì đó vừa là cơ hội vừa là tạo ra cung vừa tạo ra cầu cho ngành cơ khí nữa. Chắc chắn ngành Điện có nhiều chuyện, đặc biệt là vấn đề vốn là đại sự.

Theo ý kiến của các đại biểu trước đó, hiện nay ngành Điện thiếu vốn nghiêm trọng. Nhu cầu rất lớn mà khả năng đáp ứng là khó khăn. Với sơ đồ Điện VII cứ khó khăn là điều chỉnh thì nhanh quá. Điều này khiến chúng ta đặt vấn đề là phải chăng trước đây ta làm cao quá không sát thực tế. Mà bây giờ lại điều chỉnh và liệu có đáp ứng nổi nhu cầu của nền kinh tế sẽ tăng trưởng cao trong thời gian tới hay không.

Theo tôi, để tháo gỡ khó khăn về vốn, cần phải hiểu nguyên nhân vì sao thiếu vốn, có thật sự thiếu không. Có phải thiếu một cách tuyệt đối như vậy không hay là thiếu một cách tương đối, bởi vì nó ra chỗ khác mà nó không vào chỗ này. Tôi cho rằng, nếu có cách làm đúng thì không thiếu vốn. Thiếu vốn là do mình và do cách làm của mình. Nếu như tôi, với tư cách người cho vay, thì bao giờ tôi cũng phải xem xét lựa chọn chỗ “Trông giỏ bỏ thóc”. Đầu tư cái gì cũng phải thu hồi được vốn, có lãi và phải an toàn thì người ta mới đầu tư. Theo tôi có 2 nguồn:

Một là cho vay, đi vay hoặc là có người khác trực tiếp đầu tư. Đều phải có lãi, đều phải an toàn. Như đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nói, với nguồn tài chính hiện nay của EVN rất nhiều người ngại và không muốn cho vay. Còn các nhà đầu tư khác thì không muốn vào vì không bán được với cái giá điện mà người ta có thể thu hồi vốn. Chính điều này mà EVN muốn đi vay thêm cũng không đủ độ tin cậy. Trong khi đó có những nhà đầu tư muốn vào nhưng thấy dự án kinh doanh không khả năng, không khả thi và không có hiệu quả. Vì vậy ngành Điện thiếu vốn là điều dễ hiểu. Theo tôi phải mổ xẻ nguyên nhân kỹ hơn. Mà cái gốc tích của nó là hiệu quả đầu tư, sử dụng đồng vốn có mang lại hiệu quả thực sự.

Hai là do cơ chế, như ý kiến mọi người đã nói về giá điện, cơ chế như hiện nay là bất khả kháng đối với nhà sản xuất. Cho nên hiện nay cứ lẫn lộn giữa 2 nguyên nhân, ngành Điện  bức xúc về giá điện, nhưng với tư cách là người tiêu dùng điện người ta lại rất bức xúc về tính công khai, minh bạch. Do đó, cần phải làm rõ ràng cơ chế tính giá điện cho người dân biết và hiểu. Ngành Điện cần chỉ ra nguyên nhân nào là do khách quan, do công tác quản lý của chúng ta, cái nào là do cơ chế chính sách, để có thể bóc tách cụ thể.

Về định hướng phát triển ngành Điện, tôi cho rằng cần có từng bước chuyển, tất nhiên là khó hơn, thì chậm hơn, từng bước đi hơn và nhất định phải chuyển qua cơ chế thị trường. Ngành Điện sang được cơ chế thị trường sớm ngày nào thị hiệu quả cao ngày ấy. Cho nên vấn đề hiện nay là chúng ta phải đổi mới, tái cơ cấu lại cả ngành Điện chứ không riêng gì Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sau đó là cả tập đoàn theo cơ chế thị trường thì chúng ta sẽ có lời giải. Nếu cứ loay hoay thế này tôi nghĩ cũng rất là khó.

 

Ông Nguyễn Cảnh Nam - Trợ lý Chủ tịch HĐTV Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam: “Đổi mới tư duy và phương pháp lập quy hoạch mới cho phù hợp”

Chúng ta phải xác định là cần bao nhiêu vốn, mà muốn xác định cần bao nhiêu vốn cho điện thì phải xác định đúng nhu cầu điện năng là bao nhiêu. Thực tế cho thấy, năm 2011 Chính phủ ban hành quyết định 1208 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện, năm 2012 Hội đồng Khoa học Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, quy hoạch như vậy không đúng nhu cầu điện. Như vậy, vấn đề tư duy và phương pháp luận lập quy hoạch của chúng ta lâu nay vẫn còn truyền thống, là phương pháp không đúng.

Tôi muốn nói rằng, để xác định nhu cầu, chúng ta phải có một  phương pháp luận lập quy hoạch theo kiểu miền giá trị (trong toán học). Tức là miền tăng trưởng nhỏ nhất (min) và giới hạn tăng trưởng lớn nhất (max). Khi đó chúng ta sẽ biết min, max sẽ ở giá trị nào. Phương án cơ sở sẽ là phương án trung bình và chúng ta sẽ có kịch bản cụ thể. Nếu đi về min thì chúng ta bỏ cái gì, nếu đi về max chúng ta hủy độ tin cậy gì. Lúc đó, chúng ta có bộ giải pháp điều chỉnh khi có biến động so với trung bình (xuống min hay lên max). Như vậy bao giờ chúng ta cũng chủ động để điều hành quy hoạch. Chứ không phải cứ mỗi năm hoặc vài ba năm chúng ta lại làm lại quy hoạch. Hoặc đầu năm lập, cuối năm chúng ta lại nói không đúng. Như vậy để xác định đúng nhu cầu điện năng, chúng ta phải đổi mới tư duy và phương pháp lập quy hoạch mới cho phù hợp với giai đoạn mới. Nhất là trong giai đoạn hòa nhập hiện nay, nền kinh tế có nhiều biến động liên tục, không lường trước được.

BTV Lê Thị Mỹ, Giám đốc Trung tâm Đối ngoại Tòa soạn Năng lượng Việt Nam

Xin cảm ơn các ý kiến góp ý, phản biện, kiến nghị tâm huyết, khách quan của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học!

Tiếp theo chương trình xin trân trọng kính mời ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lên kết luận Hội thảo ngày hôm nay.

Xin trân trọng kính mời ông!

 

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Rất nhiều ý kiến của các đồng chí đại biểu đóng góp cho hội thảo đã làm sáng tỏ được rất nhiều vấn đề, ở đây tôi muốn đề cập tới một số vấn đề có tính chất cốt lõi.

1. Vấn đề quan trọng đầu tiên các đơn vị hoạt động trong ngành Điện như EVN, PVN, TKV và các doanh nghiệp khác hoạt động sản xuất, kinh doanh phải thường xuyên có lãi, trong số lãi đó giành một phần lớn cho việc đầu tư vào các dự án điện, kể cả xây dựng nguồn điện, phát triển lưới điện, cải tạo mở rộng nâng cấp hệ thống điện từ nhà máy đến hệ thống đường dây và trạm …

2. Vấn đề vốn đối ứng là vấn đề hết sức khó khăn, ví dụ: năm 2011 đến 2020, yêu cầu vốn đầu tư cho điện là 48, 8 tỷ USD, chúng ta cần tới 14, 64 tỷ USD làm vốn đối ứng, giai đoạn 2021 đến 2030 cần 75 tỷ USD, thì số vốn đối ứng là 22, 5 tỷ USD.

Vấn đề đặt ra là hoạt động tài chính, trong đó có tỷ suất lợi nhuận phải tốt để các ngân hàng trong và ngoài nước cùng các nhà đầu tư khác tin tưởng cho vay vốn.

3. Phát hành trái phiếu, kể cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, đây là một kênh huy động vốn cho ngành Điện, nhưng trái phiếu chính phủ trong nhiều năm qua không đủ cấp cho các ngành như: giao thông, thuỷ lợi, y tế... còn trái phiếu của ngành Điện như EVN, PVN, TKV phát hành không thu được bao nhiêu.

Năm 2013, EVN đã đầu tư được khoảng 95 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD, có nghĩa là EVN cần khoảng 28.500 tỷ đồng vốn đối ứng, trong lúc hoạt động kinh doanh của EVN còn bị lỗ và số nợ còn rất nhiều. Đây là một bài học cần tổng kết rút ra để tiếp tục đầu tư cho các dự án nguồn và lưới điện.

4. Nhà nước cần giảm tối đa việc đầu tư dàn trải vào các dự án kém hiệu quả để hỗ trợ vốn cho ngành Điện.

5. Tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài như, tận dụng tối đa vốn ODA, ngân hàng thế giới WB, ADB, vốn của các nhà đầu tư nước ngoài khác, trong đó có hình thức vay vốn của các nhà tổng thầu EPC như một số dự án EVN đã triển khai.

6. Một vấn đề rất hệ trọng mà trung ương đã đề ra đó là 3 đột phá, đột phá thứ nhất là về thể chế kinh tế, thể chế kinh tế ở đây là kinh tế thị trường, theo một nhà lãnh đạo của nhà nước nói “kinh tết thị trường là cái tinh hoa của nhân loại rồi, nó là cái chung” vấn đề này chúng tôi đề nghị nhà nước cần cho phát triển thị trường năng lượng nói chung và thị trường điện nói riêng một cách mạnh mẽ.

7. Giá điện: theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi có đề cập “giá điện của ta chỉ bằng khoảng 70% giá điện thế giới, thậm chí bán dưới giá thành …”. Do giá điện còn thấp nên nhiều dự án đầu tư bằng hình thức BOT, IPP của nhà đầu tư nước ngoài được bố trí trong Tổng sơ đồ Điện VII, nhưng họ đều không đầu tư, bởi lẽ giá điện thấp, nếu đầu tư sẽ không thu hồi được vốn.

BTV Lê Thị Mỹ, Giám đốc Trung tâm Đối ngoại Tòa soạn Năng lượng Việt Nam

Xin cảm ơn ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam!

Kính thưa các quý vị đại biểu và bạn đọc thân mến!

Sau một buổi sáng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội thảo khoa học về “Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách” đã thành công tốt đẹp! Tại hội thảo này, chúng ta đã được nghe trình bày các tham luận của các bộ, ngành, các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng; cùng nhiều ý kiến đóng góp, phản biện, kiến nghị quan trọng, sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học.

Chúng ta cũng đã được nghe ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kết luận từng nội dung, vấn đề của hội thảo đặt ra. Từ những phân tích, nhận định khách quan, khoa học, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã đưa ra những kiến nghị tới các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ các giải pháp trước mắt, cũng như lâu dài để tạo đủ nguồn vốn đầu tư cho các dự án nguồn nguồn và lưới điện của Việt Nam sẽ được triển khai trong những năm sắp tới.

Kính thưa các quý vị đại biểu và bạn đọc thân mến!

Vì thời gian có hạn, nên có những vấn đề chúng tôi chưa thể giải đáp hết trong buổi sáng nay, xin mời các quý vị đại biểu và bạn đọc gửi ý kiến góp ý, phản biện của mình về cho chúng tôi theo   hòm thư hoithao@nangluongvietnam.vn. Tòa soạn Năng lượng Việt Nam/ NangluongVietnam.vn sẽ đăng tải tất cả các ý kiến gửi về trên Nangluongvietnam.vn, tại chuyên mục "Hội thảo khoa học trực tuyến".

Kính thưa các quý vị đại biểu và bạn đọc thân mến!

Hội thảo khoa học “Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách” đến đây xin được kết thúc. Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, chúng tôi xin được cảm ơn tới các bộ, ban, ngành TW, các nhà tài trợ, các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, các cơ quan thông tin đại chúng, các chuyên gia, nhà khoa học đã quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ cho Ban tổ chức thực hiện thành công Hội thảo.

Một lần nữa, xin kính chúc các quý vị đại biểu cùng bạn đọc gần xa mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động