RSS Feed for Vietinbank: Vốn đầu tư cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 24/04/2024 07:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vietinbank: Vốn đầu tư cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách

 - Mặc dù thời gian qua, ngành điện đã nhận được sự khuyến khích và hỗ trợ rất nhiều từ phía các ngân hàng nhưng nguồn vốn cho ngành vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, xuất phát từ nhiều nguyên nhân do đặc thù ngành điện, năng lực của các doanh nghiệp cũng như cơ chế chính sách của ngành.

Thạc sĩ Phạm Huy Thông, Phó Tổng giám đốc
Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam

Kính thưa các Quý vị đại biểu,

Tôi rất vinh dự được mời tham dự và phát biểu tại buổi hội thảo do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức, với chủ đề “Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách” ngày hôm nay. Chúng tôi tin tưởng rằng buổi hội thảo này là cơ hội tốt để các cơ quan chức năng, các ngân hàng và doanh nghiệp được gặp gỡ, trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc về vốn cho ngành điện, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển của ngành điện nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Kính thưa Quý vị,

Điện phải đi trước một bước. Đó là quan điểm đúng đắn được đề ra rất sớm trong các nghị quyết của Đảng. Từ xuất phát điểm rất thấp, gần như từ con số 0, chỉ với 5 nhà máy điện cũ nát với tổng công suất 31,5MW, sản lượng điện khoảng 53 triệu kWh, đến nay, ngành điện đã vững vàng, tự hào đi lên với hệ thống điện trải dài từ Bắc - Nam. 9 tháng đầu năm 2013, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 97,841 tỷ kWh, tăng 9,47% so với cùng kỳ năm 2012, điện thương phẩm ước thực hiện 86,026 tỷ kWh, tăng 9,61%. Riêng tháng 9, sản lượng đạt 10,786 tỷ kWh, sản lượng huy động bình quân 359,5 triệu kWh/ngày. Dự kiến, đến hết tháng 9/2013, EVN hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 là đưa vào vận hành 6 tổ máy với tổng công suất 1.420 MW, gồm: nhiệt điện Nghi Sơn 1 (2x300MW), thủy điện Bản Chát (2x110MW), tổ máy 2 - nhiệt điện Quảng Ninh 2 (300MW) và tổ máy 1 nhiệt điện Hải Phòng 2 (300MW).        

Đối với ngành điện, ngay cả trong giai đoạn nền kinh tế ổn định, thì ngành cũng vẫn gặp nhiều khó khăn do áp lực đầu tư lớn trong khi nguồn vốn hạn chế, vừa phải đảm bảo sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước giao, lại vừa phải gánh vác các nhiệm vụ xã hội, giá điện chưa thể thực hiện được theo nguyên tắc thị trường đầy đủ...

Theo Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), phải xây dựng 52 nhà máy gồm nhiệt điện chạy than, chạy khí, thủy điện và cả 2 nhà máy điện hạt nhân, đồng bộ với hệ thống nguồn là hệ thống truyền tải và phân phối điện trên phạm vi cả nước. Tổng vốn đầu tư cho các dự án vào khoảng 50 tỷ USD cho giai đoạn 2011- 2020 và 75 tỷ USD cho giai đoạn 2021 - 2030.

Như vậy, nhu cầu vốn cho các dự án điện của đất nước là rất lớn, trong khi nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh đó, đồng vốn của ngân hàng đóng một vai trò quan trọng.

Kính thưa Quý vị đại biểu,

Đối với ngành điện nói chung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng, Vietinbank luôn xác định đây là lĩnh vực ưu tiên để cho vay. Trong suốt hơn 25 năm đồng hành và phát triển, Vietinbank đã chứng minh cho các khách hàng thấy khả năng thu xếp nguồn tài chính lớn, nhanh chóng với những điều kiện ưu đãi cho ngành điện. Yên tâm với đồng vốn đầu tư đúng chỗ, Vietinbank luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp này có được sự phục vụ chu đáo, nhiệt tình và các dịch vụ tốt nhất. Sự phối kết hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và khách hàng đã mang lại những lợi ích to lớn cho cả 2 phía. Đến nay, Vietinbank đã đầu tư và cam kết đầu tư trên 60.000 tỷ đồng xây dựng nhiều nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, công trình lưới điện và trạm biến áp... Nhiều dự án thủy điện, nhiệt điện được Ngân hàng Công thương tài trợ đã hoàn thành, đi vào hoạt động như: thủy điện Sơn La, thủy điện Bản Vẽ, thủy điện A Vương, nhiệt điện Uông Bí, nhiệt điện Hải Phòng, nhiệt điện Quảng Ninh... góp phần tăng sản lượng điện của quốc gia, đảm bảo sự ổn định của đời sống và sản xuất.

Cùng với việc đầu tư các dự án nguồn điện, Vietinbank cũng rất quan tâm đầu tư vốn cho các dự án lưới điện và trạm biến áp của các đơn vị thành viên của EVN. Có thể kể ra đây dự án đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, các dự án đường dây và trạm biến áp của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TP HCM... Từ những đồng vốn góp sức của Vietinbank, hệ thống lưới điện của EVN ngày càng được nâng cấp hiện đại và mở rộng, góp phần rất lớn để hệ thống điện quốc gia vận hành đồng bộ, hiệu quả hơn.

Không chỉ cung cấp tín dụng, Ngân hàng Công thương Việt Nam còn cung cấp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng khác như tài trợ thương mại, thanh toán xuất nhập khẩu, sản phẩm tiền gửi đa dạng, mua bán ngoại tệ, sản phẩm thẻ, dịch vụ thanh toán tiền điện qua ngân hàng... Đây chính là cơ sở để thu hút khách hàng cũng như tạo sự gắn bó của khách hàng, đồng thời cũng thuận lợi cho người tiêu dùng.

Kính thưa quý vị,

Mặc dù thời gian qua, ngành điện đã nhận được sự khuyến khích và hỗ trợ rất nhiều từ phía các ngân hàng nhưng nguồn vốn cho ngành vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, xuất phát từ nhiều nguyên nhân do đặc thù ngành điện, năng lực của các doanh nghiệp cũng như cơ chế chính sách của ngành. Có thể kể ra đây một số khó khăn vướng mắc khi cấp tín dụng đối với ngành điện như sau:

Về phía doanh nghiệp:

Yêu cầu về kinh nghiệm: Ngoài EVN, PVN và TKV là 3 tập đoàn lớn chủ lực đầu tư cho ngành điện, hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đầu tư các dự án điện đều thiếu kinh nghiệm quản lý đầu tư, vận hành dự án. Các doanh nghiệp này chủ yếu chuyển sang từ lĩnh vực xây dựng sau khi là nhà thầu thi công một số công trình liên quan đến ngành điện. Do vậy, khi thẩm định đánh giá năng lực của chủ đầu tư, các ngân hàng thương mại khá quan ngại về khả năng đầu tư đúng tiến độ và quản lý vận hành dự án của các nhà đầu tư này.

Yêu cầu về vốn: Các dự án điện thường có tổng mức đầu tư tương đối lớn. Theo quy định của Ngân hàng, doanh nghiệp buộc phải có vốn tự có tham gia vào dự án đối ứng với vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, việc chứng minh số vốn tự có tham gia của các doanh nghiệp thường thiếu cơ sở chắc chắn và tính khả thi, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam hầu như không lập được kế hoạch dòng tiền trong 3 năm, báo cáo tài chính không được kiểm toán hoặc kiểm toán với nhiều yếu tố loại trừ.

Về phía Ngân hàng:

Về hệ thống văn bản chế độ: Ngành điện là ngành đặc thù, việc thẩm định các dự án điện tương đối phức tạp do các dự án phải tuân thủ quy hoạch ngành, có tính chất kỹ thuật, công nghệ cao và đặc biệt là quy mô vốn rất lớn. Hiện tại, hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn về định mức tính toán đối với ngành điện còn rất hạn chế. Các ngân hàng thương mại hiện vẫn phải tham khảo một số văn bản do Bộ Công nghiệp ban hành từ năm 2007, nhiều thông tin đã tương đối lạc hậu, không cập nhật.

Về nhận TSBĐ: Về nguyên tắc, khi cho vay, các ngân hàng cần có TSBĐ để đảm bảo cho dư nợ. Việc nhận TSBĐ là công trình, thiết bị ngành điện là các tài sản đặc thù, có tính chuyên môn hóa cao, không thể tách rời để xử lý. Trong trường hợp có thể tách rời thì hầu như không có giao dịch mua bán trên thị trường nên rất khó chuyển nhượng. Do vậy, việc nhận bảo đảm bằng các tài sản này về phía Ngân hàng chỉ như một biện pháp bảo đảm bổ sung để ràng buộc thêm trách nhiêm của khách hàng đối với các tài sản có sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng.

Về mức cấp tín dụng: Mức giới hạn tín dụng quy định theo Luật các tổ chức tín dụng đối với 01 khách hàng là 15% vốn tự có và khách hàng, người có liên quan là 25% vốn tự có. Vốn tự có của Vietinbank tính đến thời điểm hiện tại là hơn 50.000 tỷ đồng, lớn nhất trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam hiện nay. Với mức vốn đó, mức cấp tín dụng tối đa đối với 1 khách hàng của Vietinbank là hơn 7.500 tỷ đồng và mức cấp tín dụng tối đa đối với khách hàng và người có liên quan là 12.500 tỷ đồng. Hiện nhu cầu vốn của EVN và các đơn vị thành viên là rất lớn nhưng bất cứ nhu cầu vốn nào phát sinh tăng hoặc phát sinh đối với khách hàng mới, dù chỉ là 1 đồng, Vietinbank đều phải trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Kính thưa quý vị,

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành điện có thể tiếp cận đồng vốn ngân hàng, Vietinbank đề xuất một số giải pháp sau:

Về phía ngành điện: Thường xuyên ban hành, cập nhật định mức tính toán đối với ngành điện, hướng dẫn nội dung tính toán phân tích kinh tế, tài chính đầu tư và khung giá mua bán điện các dự án nguồn điện.

Về phía các doanh nghiệp ngành điện: Cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao năng lực tài chính, đặc biệt là công khai và minh bạch tình hình tài chính, hạch toán kế toán theo đúng chuẩn mực kế toán, chủ động hơn nữa trong việc xây dựng dự án, phương thức đầu tư phù hợp với năng lực, công nghệ và nhân lực để tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng:

Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh các quy định của Luật các TCTD số 47 (điều 128) như quy định bắt buộc về việc phải thu xếp cho vay hợp vốn đối với các dự án có nhu cầu vay vốn thấp và cho vay vốn lưu động để tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong quá trình tài trợ vốn cho các khách hàng là tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Kính thưa Hội nghị,

Cầu ngành điện luôn vượt quá cung trong khi mức độ cạnh tranh còn yếu, là cơ hội phát triển lớn cho các doanh nghiệp phát triển các dự án nguồn điện. Việt Nam còn nhiều tiềm năng về thủy điện, điện năng lượng tái tạo… chưa được khai thác hết. Với tốc độ tiêu thụ điện năng lớn trong điều kiện nguồn cung điện chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước là cơ hội phát triển lớn cho các doanh nghiệp phát triển các dự án nguồn điện.

Để các doanh nghiệp ngành điện có thể nắm bắt tốt cơ hội đó, Vietinbank chúng tôi cam kết hợp tác và hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp ngành điện, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tiếp cận được với nguốn vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng tốt nhất, hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam phát triển, vì hiệu quả và sự thành đạt của doanh nghiệp.

Một lần nữa chúng tôi tin tưởng rằng, buổi hội thảo ngày hôm nay sẽ là cơ hội quý giá để ngân hàng và các doanh nghiệp ngành điện xích lại gần nhau hơn, trao đổi về các cơ hội hợp tác, đồng thời tìm ra các giải pháp nhằm tăng cường sự hợp tác có hiệu quả, hai bên cùng có lợi.

Cuối cùng, xin chúc toàn thể Quý vị sức khoẻ, hạnh phúc, thành đạt, chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động