RSS Feed for PVcomBank: Vốn và một số vấn đề cấp bách cho các dự án nhiệt điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 22:07
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

PVcomBank: Vốn và một số vấn đề cấp bách cho các dự án nhiệt điện

 - PVcomBank, tiền thân là Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) đã được thành lập với nhiệm vụ chủ chốt là thu xếp, tạo lập nguồn vốn cho các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên.

>> Hội thảo khoa học "Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách"

 

Ông Nguyễn Bùi Công, Trưởng phòng phát triển khách hàng, Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn - Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam

Trước hết, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam PVcomBank xin trân trọng gửi tới các đồng chí đại biểu khách quý và toàn thể Hội thảo lời chào nồng nhiệt nhất!

Kính thưa Hội nghị!

Đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn do PVcomBank thu xếp thành công cho các dự án trong ngành Dầu khí đã lên tới hơn 55 nghìn tỷ đồng. Sự chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty tài chính sang ngân hàng TMCP cũng là cơ hội để chúng tôi có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho các dự án. Với việc thu xếp thành công 904 triệu USD cho Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 vào năm 2011, và 931 triệu USD thu xếp cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 được ký kết vào ngày 9 tháng 12 vừa qua đã tạo đà cho PVComBank trong quá trình thu xếp vốn các dự án nói chung và các dự án điện nói riêng.

Nói tới các dự án điện tại Việt Nam, chúng ta hiểu rằng phạm vi này khá rộng. Bên cạnh các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than truyền thống, chúng ta đã và đang triển khai các nhà máy nhiệt điện tuabin khí, điện gió… Trong khuôn khổ của bài tham luận này, chúng tôi xin phép chỉ tập trung vào mảng các dự án nhiệt điện, những vấn đề cấp bách khi triển khai thực hiện các dự án nhiệt điện tại Việt Nam.

Kính thưa Hội nghị!

Theo kế hoạch đầu tư giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ đầu tư 5 dự án điện than với tổng mức đầu tư trung bình cho mỗi dự án là khoảng 1,7 tỷ USD, bao gồm các dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Long Phú 1, Sông Hậu 1. Cho đến nay, dự án Vũng Áng 1 đã bước vào giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị chạy thử, dự án Thái Bình 2 cũng đang được triển khai đúng theo tiến độ, dự kiến vốn sẽ bắt đầu giải ngân trực tiếp cho các nhà thầu vào đầu quý 2/2014.

Đặc điểm chung của các dự án nhiệt điện thường có tổng mức đầu tư lớn, bắt buộc phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng/tổ chức tín dụng xuất khẩu nước ngoài. Trong quá trình triển khai, PVComBank nhận thấy nguồn vốn phù hợp nhất đối với các dự án này là phương án vay tín dụng xuất khẩu (ECA) kèm theo vay thương mại hợp vốn. Chúng ta đều biết, phần lớn các dự án nhiệt điện đòi hỏi máy móc, thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là các nước G7 và Trung Quốc. Việc tranh thủ được nguồn vốn tín dụng xuất khẩu với chi phí thấp, thời hạn vay dài (phổ biến là 13 năm) rất có lợi cho Chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Các dự án nhiệt điện lớn tại Việt Nam chủ yếu được tài trợ từ các nguồn tín dụng xuất khẩu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức … Tuy nhiên, để có cơ hội nhận được tài trợ từ các nguồn này, bên vay phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc Equator theo quy định của Công ty tài chính quốc tế (IFC- International Finance Corporation) về các vấn đề liên quan đến môi trường, xã hội và an toàn sức khỏe của dự án. Theo đó, bên vay cần phải xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý nhằm giảm thiểu các tác động của dự án đối với môi trường và xã hội trong suốt đời dự án. Các ngân hàng sẽ không tài trợ cho dự án khi bên vay không cam kết tuân thủ các quy trình, quy định của IFC.

Ngoài việc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường, xã hội, việc thu xếp vốn vay từ nguồn ECA cũng như thương mại nước ngoài còn vấp phải khó khăn từ phía các cơ quan quản lý bộ, ngành. Thông thường, một trong những điều kiện để các ngân hàng đồng ý tài trợ cho dự án là phải nhận được bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam cho các khoản vay. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cần thiết tham gia vào quá trình đàm phán hợp đồng vay ngay từ giai đoạn đầu dẫn đến việc sắp xếp thời gian hợp lý cho tất cả các bên liên quan tương đối khó khăn. Thêm vào đó, chính sách của Chính phủ thường xuyên có sự thay đổi, nên mất nhiều thời gian đàm phán mới có thể thống nhất được nội dung các điều khoản trong hợp đồng vay.

Một khó khăn nữa đối với Chủ đầu tư liên quan đến các thỏa thuận về giá than và giá điện. Để đạt được sự chấp thuận của Bộ Tài chính cho việc bảo lãnh, Chủ đầu tư cần có được văn bản đồng ý mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam với quy định cụ thể về mức giá mua điện năm đầu vận hành. Trong khi thông thường tại Việt Nam, chỉ đến khi nhà máy chuẩn bị vận hành (thậm chí đi vào vận hành) thì các thỏa thuận này mới được ký kết. Điều này gây cản trở rất lớn trong quá trình thu xếp vốn để thực hiện dự án.

Kính thưa Hội nghị!

Trên đây là một số vấn đề cấp bách trên cơ sở thực tế đã triển khai thu xếp vốn cho các dự án nhiệt điện mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư. Rất mong Hội nghị cho ý kiến đóng góp để việc thu xếp vốn cho các dự án điện được thuận lợi hơn, đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời vốn giúp cho việc triển khai dự án đúng tiến độ.

Cuối cùng, một lần nữa kính chúc Hội nghị thành công, chúc các đồng chí đại biểu khách quý sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt !

Xin trân trọng cảm ơn!

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động