RSS Feed for Đầu tư vốn tín dụng hỗ trợ ngành điện vượt qua khó khăn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 22/01/2025 22:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đầu tư vốn tín dụng hỗ trợ ngành điện vượt qua khó khăn

 - Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh, theo chức năng nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động nắm bắt nhu cầu vốn của EVN nói riêng và các doanh nghiệp ngành điện nói chung và tìm hướng tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án điện.

>> Đang trực tuyến Hội thảo khoa học "Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách"

ÔNG CÁT DƯƠNG DUANG, Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 

 

Kính thưa quý vị đại biểu,

Trong năm 2013, mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng những nỗ lực tái cơ cấu, bình ổn kinh tế vĩ mô của nước ta trong thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan, được cộng đồng quốc tế nhìn nhận tích cực, qua đó củng cố thêm lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bức tranh phục hồi của nền kinh tế, có thể xem ngành điện mà tiêu biểu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang từng bước vượt qua khó khăn thử thách để phát triển theo đúng định hướng của Chính phủ.

Trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh của khối các doanh nghiệp gặp khó khăn, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm điều hành thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động, lành mạnh hóa hệ thống tài chính doanh nghiệp. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định số 1782/QĐ-TTg, ngày 23/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính. Với những giải pháp tái cơ cấu đồng bộ, đến nay mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng có thể khẳng định EVN đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, năng lực tài chính và khả năng cung ứng điện cho phát triển KT-XH và phục vụ đời sống nhân dân đã được nâng cao một bước. Các dự án, công trình cấp bách đảm bảo được tiến độ yêu cầu hoàn thành nhiều công trình nguồn và lưới điện, bổ sung công suất cho hệ thống điện quốc gia; tình trạng thiếu điện phải cắt điện luân phiên đã giảm; tình trạng quá tải đường dây và trạm biến áp đang từng bước được khắc phục.

Có được kết quả trên, trước hết thể hiện sự nỗ lực cố gắng nội lực của EVN nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn; tuy nhiên, không thể không kể đến sự hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế chính sách của Chính phủ, các bộ ngành; trong đó sự sát cánh của ngành ngân hàng trong việc tài trợ vốn cho các dự án điện, góp phần đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện và lưới điện theo quy hoạch, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện rất lớn khoảng 929.700 tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD, tính bình quân mỗi năm ngành điện cần khoảng 4,9 tỷ USD. Tuy nhiên, thời gian qua việc thu xếp cho các doanh nghiệp ngành điện tại các tổ chức tín dụng gặp một số khó khăn như:

Thứ nhất, vốn đầu tư cho các dự án điện rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên tính hấp dẫn chưa cao; ngành điện chưa thu hút được nhiều vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiệm vụ đầu tư phát triển ngành điện vẫn phần lớn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên gánh vác. Trong khi đó vốn tự có của EVN và các đơn vị thành viên chỉ có thể thu xếp được khoảng từ 20% đến 30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện; còn lại chủ yếu là vốn vay.

Thứ hai, mặc dù Chính phủ đã có nhiều cải cách về chính sách giá điện trong thời gian qua nhưng chính sách giá điện hiện nay chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào ngành điện. Mặt khác, tỷ suất lợi nhuận thấp dẫn đến khả năng trả nợ gốc và lãi không cao, hoặc tổ chức tín dụng phải cho vay với thời gian quá dài, tiềm ẩn rủi ro.

Thứ ba, việc cho vay đối với các dự án điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ trong những năm gần đây bộc lộ nhiều rủi ro, khó khăn, gây tổn thất cho các tổ chức tín dụng.

Thứ tư, một số dự án điện có yêu cầu công nghệ, kỹ thuật phức tạp vượt quá khả năng thẩm định của các tổ chức tín dụng như: dự án điện hạt nhân, điện mặt trời…

Ngoài ra một số nguyên nhân khác như: năng lực nhà thầu thi công hạn chế, chủ đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư dự án điện, thiếu kinh nghiệm quản lý đầu tư, vận hành dự án; thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng dự án điện; tài sản đảm bảo là các tài sản có tính đặc thù có tính chuyên môn hóa cao hầu như không có giao dịch mua bán trên thị trường; mức cho vay của các ngân hàng đối với khách hàng đã rất lớn và vượt giới hạn cấp tín dụng theo quy định…

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động nắm bắt nhu cầu vốn của EVN nói riêng và các doanh nghiệp ngành điện nói chung và tìm hướng tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án điện.

1. NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) bố trí đủ vốn để cho vay các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Đối với dự án thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, NHNN đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Tổng số tiền các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank đã cam kết tài trợ lên tới 17.500 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN còn hỗ trợ rất lớn về ngoại tệ để dự án nhập khẩu thiết bị nước ngoài và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù áp dụng riêng cho dự án thủy điện Sơn La. Trong suốt quá trình triển khai dự án, ngành ngân hàng luôn đảm bảo đủ vốn cho dự án triển khai đúng tiến độ, kể cả khi việc huy động vốn trên thị trường căng thẳng, khó khăn. Đối với dự án thủy điện Lai Châu, NHNN đã chỉ đạo Vietcombank là đầu mối thu xếp đủ 14.500 tỷ đồng. Chỉ tính riêng hai dự án trên, số vốn các ngân hàng huy động để cho vay đã là 32.000 tỷ. Đây là lượng vốn rất lớn, thể hiện sự nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc chung tay hiện thực hóa các công trình quan trọng của đất nước.

2. Trong giai đoạn thị trường tiền tệ có nhiều biến động, lãi suất tăng cao, việc huy động vốn của cả doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đều trở nên khó khăn, căng thẳng; đã phát sinh những bất đồng lớn về mức lãi suất cho vay giữa ngân hàng và EVN, dẫn tới nguy cơ phải dừng giải ngân đối với nhiều hợp đồng tín dụng cho các dự án điện quan trọng do lãi suất huy động thực tế của các ngân hàng cao hơn mức lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp bàn cùng các ngân hàng thương mại và EVN để tìm cách tháo gỡ khó khăn.

Trên quan điểm các NHTMNN là những trụ cột của hệ thống ngân hàng; tuy là những đơn vị kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận bằng cách đi vay để cho vay nhưng trong lúc nền kinh tế khó khăn cần thể hiện hơn nữa vai trò đầu tàu, tiên phong vì nhiệm vụ chính trị của đất nước; hơn nữa EVN là tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, là khách hàng truyền thống lâu năm của ngành ngân hàng, bản thân cũng phải gánh vác nhiệm vụ chính trị cao cả là đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế, cung cấp điện cho hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số do đó cần có sự chia sẻ, hỗ trợ vì mục tiêu chung; NHNN đã chỉ đạo các NHTMNN cùng EVN bàn bạc thống nhất trên tinh thần sẻ chia, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; kết quả là đã các ngân hàng thương mại đã hưởng ứng nhiệt tình, chia sẻ, đồng hành cùng EVN, giữ mức lãi suất cho vay ổn định.

Trong giai đoạn thị trường khan vốn, lãi suất tăng cao, các NHTMNN đã không điều chỉnh tăng lãi suất cho vay và chia sẻ một phần lợi ích; tuy nhiên, trong giai đoạn mặt bằng lãi suất hạ, cũng với quan điểm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các hợp đồng đã ký. Nhiều doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp điện lực được các NHTM xem xét miễn giảm lãi suất và gia hạn nợ theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước để từng bước phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.

3. Thiếu điện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Do đó ngành ngân hàng đã ưu tiên bố trí vốn cho vay đối với các dự án, công trình điện, đặc biệt các dự án, công trình cấp bách, các dự án đảm bảo điện cho TP. Hà Nội và đảm bảo điện cho khu vực phía Nam như: Trạm biến áp 220kV Thành Công, 220kV Tây Hồ, đường dây 220kV Hà Đông-Thành Công, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3, dự án cảng biển trung tâm điện lực Duyên Hải, dự án trạm biến áp 220kV Bảo Thắng và đường dây 220kV trung tâm điện lực Duyên Hải - Trà Vinh, đường dây 220 kV Đắk Nông -Phước Long - Bình Long... và rất nhiều các dự án khác. Việc giải quyết vốn cho các dự án điện luôn được NHNN đặt lên hàng đầu nhằm đáp ứng nhu cầu điện của nền kinh tế.

4. Bên cạnh việc tài trợ cho các nhu cầu vốn dài hạn, để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy điện như mở L/C, cấp bảo lãnh, nhập khẩu máy móc thiết bị, mua dầu… Hàng năm, các ngân hàng cũng tài trợ một lượng vốn lưu động lớn để đảm bảo hoạt động cho các nhà máy điện.

5. Ngoài ra, ngành ngân hàng không chỉ tài trợ cho các dự án điện quan trọng, cấp bách của quốc gia do Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư mà còn cho vay, cấp bảo lãnh và cấp tín dụng khác đối với các dự án điện do các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác là chủ đầu tư như các dự án điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà...

Không chỉ tài trợ cho các dự án điện trong nước, thời gian vừa qua các ngân hàng đã sát cánh cùng chủ đầu tư các dự án nguồn điện để đầu tư các dự án điện tại Lào như: Dự án Xekaman 1, Xekaman 3.

Ngành điện là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Để thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước thì ngành điện phải đi trước một bước. Hiện nay, Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia thiếu điện, sản lượng điện bình quân trên đầu người ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân tăng rất nhanh, trung bình khoảng 15%/năm. Vì vậy, đáp ứng đủ nhu cầu điện ngày một tăng cao của nền kinh tế là một nhiệm vụ hết sức khó khăn của ngành điện nói chung và EVN nói riêng; cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của các bộ, ngành. Xác định tầm quan trọng của ngành điện đối với nền kinh tế, thời gian qua ngành ngân hàng đã luôn đồng hành cùng ngành điện trong việc thu xếp vốn để đạt được các mục tiêu phát triển điện lực đã đề ra. Tính đến 30/9/2013, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với EVN là 144.000 tỷ đồng. Đây là mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Đồng thời, để góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc huy động vốn của các dự án điện về phía Ngân hàng Nhà nước đề xuất một số giải pháp như sau:

(i). Bộ Công Thương thực hiện rà soát, đánh giá lại quy hoạch điện, cân đối tiến độ đầu tư của dự án đảm bảo an toàn với môi trường xã hội, đời sống nhân dân, phù hợp với năng lực tài chính và khả năng triển khai của doanh nghiệp; tránh đầu tư dàn trải, dừng các dự án công trình điện không hiệu quả. Đồng thời, thực hiện thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các dự án mà chủ đầu tư chậm tiến độ, không đủ năng lực để triển khai tiếp.

(ii). Việc lựa chọn chủ đầu tư phải được đánh giá một cách kỹ lưỡng, chỉ giao các dự án điện cho các chủ đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư xây dựng quản lý trong lĩnh vực điện năng. Các chủ đầu tư cần nỗ lực hơn trong việc nâng cao năng lực tài chính, xây dựng phương án đầu tư phù hợp với năng lực công nghệ và nhân lực để tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng.

(iii). Các bộ, cơ quan có liên quan hỗ trợ trong việc đẩy nhanh thủ tục về đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định để đảm bảo tiến độ các dự án điện, thu hút các ngân hàng thương mại cho vay đối với các dự án điện.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp, tháo gỡ các khó khăn trong việc cho vay của các ngân hàng đối với các dự án ngành điện. Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành thu xếp vốn cho các dự án điện trong tất cả các khâu từ sản xuất, truyền tải và phân phối điện, đặc biệt là các dự án điện cấp bách, quan trọng quốc gia, các dự án sử dụng nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời... nhằm góp phần tạo điều kiện cho EVN và ngành điện thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động