RSS Feed for Điện hạt nhân Việt Nam: 30 năm trước và thế hệ hôm nay | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 04:01
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện hạt nhân Việt Nam: 30 năm trước và thế hệ hôm nay

 - Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận hiện nay có sự đóng góp lớn của một thế hệ đã qua và đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề cho các thế hệ mới, cho các ngành, các cấp và lớp người hiện nay trong nhiệm vụ xây dựng và làm chủ nhà máy điện hạt nhân an toàn, bảo đảm một nguồn điện quan trọng của đất nước.

>> Điện hạt nhân Ninh Thuận: "Tác động sóng thần là rất nhỏ"
>> IAEA giúp Việt Nam đánh giá cơ sở hạ tầng điện hạt nhân
>> Hoàn thành báo cáo khả thi điện hạt nhân Ninh Thuận trong năm 2013

 

Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt 

30 năm: công sức của một thế hệ

Bước khởi đầu chính thức của con đường phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam được đánh dấu bởi những điểm mốc thời gian quan trọng sau đây.

Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” vào đầu năm 2006 và phê duyệt tiếp “Quy hoạch tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” vào giữa năm 2010.

Nhưng những sự kiện quan trọng mang tính lịch sử đối với sự phát triển điện hạt nhân nước ta chính là Quốc Hội thông qua Luật Năng lượng nguyên tử giữa năm 2008 và tiếp ngay sau đó Nghị quyết về “Quyết định cho phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận, dự kiến vận hành tổ máy số 1 vào năm 2020” vào cuối năm 2009.

Tuy nhiên, để đi đến bước khởi đầu có ý nghĩa lịch sử nói trên, trong suốt 30 năm trời một lớp chuyên gia hạt nhân thuộc các thế hệ đi trước dẫn đầu bởi Giáo sư Nguyễn Đinh Tứ đã tiến hành những công việc chuẩn bị công phu và kiên trì, ở Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà lạt, Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, Viện Công nghệ Xạ hiếm ở Hà Nội, ở Phòng Điện nguyên tử (thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử quốc gia, sau đó trở thành Trung tâm Năng lượng hạt nhân thuộc Viện KH&KTHN), qua các Chương trình Nhà nước KC-09 và nối tiếp bởi Chương trình KHCN-09 hoặc một số đề tài, dự án độc lập.

Trong giai đoạn đầu, với tình hình rất khó khăn và phức tạp sau vụ Chernobyl, các chuyên gia của Việt Nam vẫn kiên trì hợp tác với IAEA tính toán quy hoạch chương trình điện hạt nhân quốc gia. Bước đầu tiên là xây dựng một trung tâm máy tính vào năm 1987 và tiếp nhận phần mềm quy hoạch dài hạn điện hạt nhân WASP kết hợp trong mô hình đánh giá nhu cầu năng lượng MAED.

Giai đoạn tiếp theo, tập thể đề tài nghiên cứu KC-09-17 đã tiến hành những nghiên cứu có hệ thống về nhu cầu phát triển điện hạt nhân ở nước ta và vào năm 1996 đi đến nhận định rằng: đến năm 2015 nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam sẽ vượt khả năng cung ứng của các nguồn phát nội địa.

Vì vậy, dựa trên quan điểm phối hợp hài hòa các nguồn phát điện khác nhau đáp ứng an ninh năng lượng cho phát triển nền kinh tế quốc dân, đề tài lần đầu tiên đưa ra kết luận quan trọng là: đến giai đoạn đó, ngoài việc nhập một phần điện năng (nhập than và điện lưới), Việt Nam cần phải triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Một phương án được dự báo là từ năm 2017 cần có tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành.

Sau khi kết thúc Chương trình KC-09, từ năm 1997 đến năm 2000 có thêm một số nghiên cứu chung về điện hạt nhân Đề tài cấp nhà nước KHCN-09-04 do Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam chủ trì và Dự án Nghiên cứu phát triển điện hạt nhân do Bộ Công Nghiệp (nay là Bộ Công Thương) chủ trì. Các nghiên cứu đều đưa đến kết luận về nhu cầu tất yếu phải bổ sung nguồn điện hạt nhân vào lưới điện quốc gia với thời điểm bắt đầu hòa mạng trong khoảng năm 2018 đến 2020, trong đó đã tính đến kết hợp nhập than, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và kết hợp các biện pháp tiết kiệm điện.

Từ năm 2002 đến 2005 một Tổ công tác do Thủ tướng Chính phủ chỉ định đã chủ trì lập Chiến lược phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình của Việt Nam và nghiên cứu tiền khả thi dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Chính các kết quả nghiên cứu trên là cơ sở quan trọng để Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội ra các quyết sách quan trọng nói trên và tiếp theo là ký kết với các đối tác Nhật và Nga những hiệp định liên quan việc triển khai xây dựng các Nhà máy Điện hạt nhân số 1 và số 2 ở Ninh Thuận.

Rõ ràng, việc nước ta chính thức bước vào con đường xây dựng nền công nghiệp điện hạt nhân (kể từ năm 2006) với việc tiến hành chuẩn bị xây dựng hai nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận hiện nay chính là sự tiếp nối, sự thừa hưởng công lao đóng góp quý giá của lớp người đi trước trong chặng đường 30 năm trước đó (1976 - 2006).

Công lao của cả một thế hệ như vậy hẳn sẽ được ghi nhận xứng đáng.

Mô hình một nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản được giới thiệu tại một hội thảo của Việt Nam.

Mô hình Nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam

Hiện tại: Nhiệm vụ to lớn

Xây dựng văn bản pháp lý:

Quyết định bước vào con đường xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nước ta đặt ra những nhiệm vụ nặng nề và đồ sộ cho nhiều ngành, nhiều cấp liên quan.

Trước hết là xây dựng và hoàn chỉnh khung pháp lý hạt nhân. Bước cơ bản quan trọng là việc Quốc Hội đã ban hành Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008. Nhưng sau 4 năm, một số điều trong bộ luật này đã không còn thích hợp với những biến đổi trong thực tế, đòi hỏi phải bổ sung hoặc hoàn chỉnh.

Trong nhiệm vụ của mình, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang triển khai một kế hoạch soạn thảo các văn bản pháp quy hạt nhân và quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể. Đây là một khối lượng công việc rất lớn và cấp bách, vì vậy phải đặt thứ tự ưu tiên.

Các văn bản được soạn thảo đều dựa trên hướng dẫn chung của IAEA, kết hợp học hỏi quy phạm pháp luật của các nước đối tác sẽ xây dựng hai nhà máy đầu tiên ở Ninh Thuận là Nga và Nhật, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các nước khác.

Từ cuối năm 2011 đến nay nhiều văn bản về đánh giá lựa chọn địa điểm đã tiếp tục được ban hành. Vừa qua Chính phủ Việt Nam cũng đã hoàn tất thủ tục phê duyệt tham gia Công ước quốc tế về bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (bao gồm cả phê chuẩn phần bổ sung công ước này) và thủ tục phê chuẩn Nghị định thư bổ sung Hiệp định thanh sát hạt nhân.

Kiểm tra địa điểm NMĐHN Ninh Thuận:

Trong báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi trình ra Quốc Hội năm 2009, địa điểm tại Ninh Thuận chỉ mới được đánh giá bước đầu. Riêng về vấn đề địa chấn, sóng thần, theo nhận xét của các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu Hà Nội, lãnh thổ Việt Nam nằm gần chính tâm cách đều vành đai lửa Thái Bình dương (đi qua Tây Philippin) và vành đai Ấn Độ dương (đi qua Tây Sumatra), nhờ vậy các địa điểm dự kiến xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận được che chắn (từ phía Tây) có khoảng cách an toàn tốt hơn so với nhiều nước khác.

Nơi động đất và sóng thần mạnh nhất có thể tác động trực diện đến Viêt Nam là vực Manila, từ đây giả thiết mức siêu động đất cấp 9 độ Richter có thể gây sóng thần lan tỏa qua biển Đông đến Việt Nam sẽ có đỉnh cực đại cao 10 mét ở mỏm Quảng Ngãi và đỉnh sóng cao nhất tại Ninh Thuận có thể đến 5 mét. Các phân tích dự báo dài hạn về động đất ở vùng Ninh Thuận đều dưới mức 6,8 độ Rich-te.

Nói chung địa điểm như vậy được đánh giá là ở mức độ khả quan có thể khắc phục được những biến động do địa chấn, sóng thần gây ra. Nhiệm vụ tiếp theo hiện nay là phải khảo sát cụ thể và toàn diện hơn, chẳng hạn về mặt địa chấn phải rà soát để loại trừ khả năng có các đứt gãy nhỏ còn hoạt động ngay trong khu vực địa điểm NMĐHN tương lai.

Từ giữa cuối năm 2011 chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các chuyên gia Nhật và Nga bắt đầu tiến hành khảo sát thực địa; các yếu tố tự nhiên như thủy văn, địa chất và các yếu tố nhân tạo như phân bố dân cư, nguy cơ tai nạn máy bay v.v. được đánh giá dựa trên thống kê lịch sử, số liệu khảo sát thực địa và các chỉ tiêu khoa học.

Cho đến nay, chưa phát hiện được các hiện tượng khác biệt lớn nào so với đánh giá trước kia. Dự kiến sau khi có kết quả báo cáo về cả 2 địa điểm ở Ninh Thuận, cuối năm 2013 các hội đồng thẩm định nhà nước sẽ có thể đưa ra kết luận cuối cùng về mức độ chấp nhận địa điểm.

Nỗi lo nguồn nhân lực điện hạt nhân:

Để đảm bảo mục tiêu chương trình năng lượng hạt nhân, Việt Nam hiện đang phải đương đầu với tình trạng thiếu nhân lực có trình độ cao và có đủ văn hóa an toàn.

Trước đây, trong thời gian sau năm 1975 đến 1990, Việt Nam có một đội ngũ hơn 500 cán bộ khoa học và công nghệ hạt nhân được đào tạo trong và ngoài nước. Nhưng sau cuộc khủng hoảng Chernobyl, sự đình trệ kéo dài hơn 20 năm, số chuyên gia nói trên còn không nhiều và chưa có đủ lớp người kế cận thay thế.

Đúng là tại thời điểm này, Việt Nam rất thiếu nhân lực chuyên ngành cho dự án điện hạt nhân. Trong tình hình đó, tháng 8/2010 Chính phủ Việt Nam thông qua Dự án 10 năm ưu tiên đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân với kế hoạch mỗi năm có thêm khoảng 260 học viên chuyên ngành hạt nhân vào học tại 6 trường Đại học và một Trung tâm đào tạo trong nước hoặc gửi ra các nước tiên tiến.

Nhưng chất lượng tuyển chọn các sinh viên này còn là vấn đề. Và trong năm đầu tiên 2010-2011 mới có khoảng 50 sinh viên được đi đào tạo chuyên ngành dài hạn ở Nga và một số khác đi tập huấn ngắn hạn ở Nhật, Pháp.

Các nhà quản lý các dự án NMĐHN hy vọng tình hình về nhân lực sẽ được cải thiện. Tập đoàn Điện lực và các ngành liên quan đang lựa chọn hàng nghìn kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề để chuẩn bị đào tạo nâng cao về các kỹ thuật và công nghệ hạt nhân đặc thù nhằm chuẩn bị một đội ngũ chuyên môn bước đầu đủ về số lượng và chất lượng tối thiểu cần thiết tham gia vào quá trình xây dựng và đáp ứng cho vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2020, đồng thời cung cấp bổ sung nhân lực cho các trung tâm Nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ hạt nhân.

Trong số chuyên gia người Việt Nam đang làm việc trong ngành hạt nhân ở nước ngoài như Mỹ và Châu Âu có những người sẵn lòng về Việt Nam giảng dạy đào tạo hoặc trực tiếp tham gia dự án điện hạt nhân. Nhưng lực lượng chủ yếu vẫn là đội ngũ chuyên gia trong nước, họ phải được nâng cao chất lượng hơn nữa và tích lũy đủ kinh nghiệm để tiến tới thật sự làm chủ công nghệ hạt nhân an toàn và hiệu quả trong tương lai.

Để kết luận phần này, xin nhấn mạnh lại rằng:

Trong sự nghiệp xây dựng nền công nghiệp điện hạt nhân nước ta, sự đóng góp của thế hệ đầu tiên trong 30 năm qua có ý nghĩa quan trọng cần được ghi công.

Và nhiệm vụ đang đặt lên vai thế hệ bây giờ, giao cho các cấp, các ngành và những người có trách nhiệm xây dựng và bào đảm vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam ta cũng rất vinh quang và vô cùng nặng nề.

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Ấn Độ sẽ giúp ASEAN 'vượt bão' ở Biển Đông?
Nga hoàn tất tên lửa xuyên thủng hệ thống phòng thủ Mỹ
Triều Tiên nghi binh để tránh xấu hổ với quốc tế?
Báo quốc tế nói về tân ngoại trưởng Mỹ thân Việt Nam
Liệu ASEAN có thoát khỏi sự vây hãm?
'Tăng lửa' phá 'băng' bất động sản

  Theo: VietNamNet

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động