RSS Feed for An ninh năng lượng và vai trò ngành Dầu khí Quốc gia [Kỳ 1] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 10:07
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

An ninh năng lượng và vai trò ngành Dầu khí Quốc gia [Kỳ 1]

 - Vai trò ngành Dầu khí Việt Nam được thể hiện trong cơ cấu tiêu dùng năng lượng của nền kinh tế. Cùng với than, dầu khí là nguồn năng lượng chính bảo đảm cho nhu cầu của nền kinh tế. Với cơ cấu kinh tế hiện nay, cho dù chúng ta đang thúc đẩy chuyển dịch sang phát triển theo chiều sâu, song việc tiêu thụ nguồn năng lượng dầu - khí vẫn tiếp tục tăng. Cùng với khai thác tại Việt Nam, ngành Dầu khí Việt Nam cũng đã mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư khai thác bên ngoài, gia tăng lợi nhuận. Điều này không chỉ khẳng định sự phát triển của ngành dầu khí mà còn đưa Việt Nam vào danh sách các nhà xuất khẩu dầu khí trên thế giới.

Giai đoạn khủng hoảng của PVN sẽ sớm khép lại
Thời gian khó của Người lao động Dầu khí rồi sẽ qua
Dầu khí Việt Nam trước thách thức chưa từng có trong lịch sử
Petrovietnam lại một thời gian khó!
Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho trường hợp Việt Nam

PGS, TS. VŨ VĂN HÀ - PHÓ TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ CỘNG SẢN

KỲ 1: AN NINH NĂNG LƯỢNG VÀ ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG

An ninh năng lượng chính là việc bảo đảm đầy đủ những nguồn cung cho nhu cầu sản xuất và đời sống. Tất nhiên, ở các góc nhìn khác nhau có những lý giải xuất phát từ mục đích của hoạt động. Đối với các quốc gia xuất khẩu năng lượng sẽ nhấn mạnh khía cạnh "bảo đảm nguồn cầu" trong hoạt động xuất khẩu của mình. Đối với các quốc gia nhập khẩu lại quan tâm đến mức giá, nguồn cung. Có những quốc gia như Mỹ lại hướng đến bảo đảm sự độc lập trong nguồn cung cấp và tiêu dùng năng lượng.

Trong những thập niên 60 của thế kỷ XX trở về trước, nhu cầu về năng lượng của các quốc gia nhìn chung được bảo đảm tương đối ổn định qua thị trường. Tình trạng các sản phẩm công nghiệp chế biến luôn có giá so sánh cao hơn giá nguyên nhiên liệu. Thời kỳ tồn tại tình trạng "giá cánh kéo" đã đem lại lợi nhuận cho các nước tư bản phát triển. Với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào độc lập dân tộc, việc khai thác thuộc địa trở nên khó khăn, việc tranh chấp các nguồn tài nguyên ngày càng quyết liệt. Đó cũng là chất xúc tác đẩy đến cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973-1974. Thời kỳ này, "an ninh năng lượng" được hiểu theo nghĩa hẹp - đồng nghĩa với "an ninh dầu mỏ" - tức là bảo đảm khả năng tự cung cấp dầu ở mức cao nhất, đồng thời giảm mức nhập khẩu dầu và kiểm soát được những nguy cơ đi kèm việc nhập khẩu.

Sau cuộc khủng hoảng này, nhiều quốc gia đã có chuyển đổi trong cơ cấu tiêu dùng năng lượng, giảm bớt dầu khí, phát triển các nguồn năng lượng mới. Đặc biệt từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, quá trình liên kết, hội nhập quốc tế được thúc đẩy, toàn cầu hóa kinh tế trở thành xu thế trong nền kinh tế thế giới. Bối cảnh này đã làm cho quan niệm về an ninh nói chung và an ninh năng lượng nói riêng có sự chuyển dịch, mở rộng. An ninh trong bối cảnh này chính là an ninh tương tác, việc bảo đảm các điều kiện cho sản xuất và đời sống của các quốc gia, của những nước xuất khẩu, hay nhập khẩu đều gắn bó ràng buộc lẫn nhau.

Mặc dù các quốc gia đã có sự điều chỉnh trong cơ cấu kinh tế, song cùng với sự gia tăng về tổng lượng kinh tế, mức tiêu dùng năng lượng của nhân loại tăng lên nhanh chóng trong những thập niên vừa qua. Từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, mỗi năm bình quân một người tiêu thụ khoảng 1,6 tấn dầu quy đổi (tức là gấp khoảng 25 lần trọng lượng của bản thân). Tuy nhiên, mức tăng tiêu dùng năng lượng có sự khác biệt khá lớn giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại các nước kinh tế phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ và những nước có thu nhập cao có mức tiêu dùng năng lượng bình quân theo đầu người ở mức cao nhất. Cũng chính vì vậy, mức tiêu dùng năng lượng của nhóm này chiếm hơn một nửa tổng số năng lượng được sản xuất ra trên thế giới. Trong khi đó, những nước nghèo ở châu Phi và Nam Á có mức tiêu dùng năng lượng thấp nhất, và tính chung tổng mức tiêu thụ của các nước đang phát triển chiếm 1/3 tổng mức tiêu dùng năng lượng thế giới.

Trong cơ cấu năng lượng của nền kinh tế thế giới, dầu khí là nguồn năng lượng quan trọng bậc nhất đang đóng góp 64% tổng năng lượng đang sử dụng toàn cầu, 36% năng lượng còn lại là gỗ, sức nước, sức gió, địa nhiệt, ánh sáng mặt trời, than đá, và nhiên liệu hạt nhân.

Mặc dù các quốc gia đã triển khai các kế hoạch đa dạng hóa trong cơ cấu tiêu dùng, nhưng nhìn về cơ cấu kinh tế vẫn thể hiện rõ nền kinh tế tiêu thụ nhiều dầu khí. Dầu khí vẫn là mạch máu của nền kinh tế thế giới. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Trung Quốc, cũng đều là những nền kinh tế tiêu thụ dầu khí nhiều nhất.

Có thể nói, trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay, an ninh năng lượng là một trong những vấn đề toàn cầu hết sức bức thiết. Có bảo đảm được an ninh năng lượng cho phát triển sản suất và đời sống hay không nó tác động ngay đến sự ổn định quốc gia và an sinh xã hội. Bảo đảm an ninh năng lượng chính là cơ sở cho phát triển kinh tế bền vững. Và để bảo đảm được an ninh năng lượng trong bối cảnh hiện nay không thể chỉ là sự cố gắng của một quốc gia riêng lẻ nào, mà phải có sự hợp tác, liên kết của cộng đồng, kể cả các quốc gia xuất khẩu cũng như các quốc gia nhập khẩu các nguồn năng lượng. Một khi tình trạng an ninh năng lượng ở một quốc gia bị đe doạ, lập tức sẽ ảnh hưởng ngay đến an ninh năng lượng ở các quốc gia khác. Chính vì vậy, không thể thiếu sự hợp tác giải quyết bảo đảm an ninh năng lượng chung của các nền kinh tế.

Để bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, các quốc gia đã triển khai các giải pháp mang tính chiến lược, tựu chung có thể thấy như sau:

Thứ nhất, các quốc gia đều chú trọng đa dạng hóa nguồn cung cấp. Việc đa dạng hóa tránh phụ thuộc vào một nguồn cung cho phép hạn chế mức thấp nhất sự gián đoạn cung cấp năng lượng cho nền kinh tế, đồng thời tạo điều kiện cho so sánh, giảm giá thành đầu vào

Thứ hai, tập trung xây dựng các cơ sở dự trữ, bảo đảm nguồn cung trong thời gian nhất định khi có khó khăn, thậm chí sự gián đoạn nguồn cung do các yếu tố khách quan như thiên tai, chiến tranh… Bên cạnh đó, cùng với dự trữ trực tiếp các nguồn năng lượng, cần dự phòng các trang thiết bị, vật tư hàng hóa để bảo đảm duy trì hoạt động ổn định của các cơ sở công nghiệp năng lượng.

Thứ ba, mở rộng liên kết và hội nhập trong hoạt động kinh tế nói chung, trong bảo đảm an ninh năng lượng nói riêng. Như trên nói, trong bối cảnh hiện nay, "an ninh quốc gia" được hiểu là "an ninh tương tác", chỉ có mở rộng các quan hệ kinh tế, liên kết hội nhập thông qua các thỏa thuận, hội nhập làm cơ sở cho bảo đảm an ninh kinh tế nói chung, an ninh năng lượng nói riêng.

Thứ tư, cùng nhau thúc đẩy dân chủ hóa và toàn cầu hóa trong tiếp cận các nguồn năng lượng, cùng hợp tác đấu tranh chống độc quyền trong nguồn cung. Tiến tới xây dựng các thỏa ước và định chế quốc tế cùng nhau bảo đảm ổn định nguồn cung, bảo đảm lợi ích của các nhà xuất khẩu, cũng như thuận lợi hóa cho các nhà nhập khẩu năng lượng.

Thứ năm, đi liền đa dạng hóa nguồn cung là đa dạng hóa nguồn năng lượng sử dụng. Các quốc gia đã chủ động cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các quốc gia phát triển, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một dạng năng lượng cụ thể. Bên cạnh đó là sử dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất và đời sống, nâng cao hiệu năng của một đơn vị năng lượng.

Kỳ tới: Nhu cầu năng lượng và vai trò của ngành dầu khí 

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị Quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

2. Vũ Quốc Minh: Đánh giá vai trò của khí đốt tự nhiên trong đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam giai đoạn đến 2015, Đại học Bách khoa Hà Nội, H.2008.

3. TS. Nguyễn Anh Tuấn: Một số giải pháp về an ninh năng lượng Việt Nam, Web: nangluongvietnam.vn, 26/6/2014.

4. TS. Nguyễn Thành Sơn: Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển, Web: Nangluongvietnam.vn, 31/5/2017.

5. Năng lượng Việt Nam: Hiện tại và tương lai, Báo Công Thương, 8/5/2017.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động