RSS Feed for Trước nguy cơ thiếu điện [tạm kết]: Nhận diện rủi ro và giải pháp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 05:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trước nguy cơ thiếu điện [tạm kết]: Nhận diện rủi ro và giải pháp

 - Sự chậm trễ, rủi ro trong xây dựng các nguồn điện phía Nam hiện nay và sắp tới đã làm cho việc vận hành hệ thống điện hết sức khó khăn, tăng thêm chi phí về nhiên liệu đắt tiền và tăng tổn thất truyền tải từ miền Bắc, miền Trung vào Nam. Trong ngắn hạn, ngành điện, mà trách nhiệm trực tiếp là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn có thể tìm mọi phương cách để không thiếu điện cho nền kinh tế, nhưng trong trung và dài hạn, còn nhiều thách thức phải vượt qua.

Trước nguy cơ thiếu điện [kỳ 1]: Nguồn cung trong điều kiện bất thường
Trước nguy cơ thiếu điện [kỳ 2]: Bất cập lưới truyền tải cho điện mặt trời
Trước nguy cơ thiếu điện [kỳ 3]: Thách thức tích hợp nguồn điện tái tạo
Trước nguy cơ thiếu điện [kỳ 4]: Giải pháp điện mặt trời trên mái nhà


TẠM KẾT: NHẬN ĐỊNH VÀ KIẾN NGHỊ



Qua những phân tích (trong các kỳ trước) về các bất cập trong công tác quy hoạch đồng bộ nguồn và lưới điện, về điều hành phát triển nguồn điện, về phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, cũng như tiến độ xây dựng các nhà máy điện chậm trễ, dẫn đến xuất hiện nguy cơ thiếu điện trong ngắn hạn, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin tóm tắt lại với một số nhận định, đề xuất như sau:

Thứ nhất: Gần đây các nguồn điện đang và chuẩn bị xây dựng tại miền Nam bị chậm trễ do nhiều nguyên nhân, dẫn tới việc vận hành hệ thống điện của EVN gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay và các năm tới điện năng hầu như phải chuyển từ miền Bắc, miền Trung vào Nam. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn về cấp than, hoặc ngừng cấp khí đều có thể xảy ra rủi ro về thiếu điện - nhất là lại trùng thời gian các hồ thủy điện rơi vào năm kiệt, không thể phát huy công suất như cuối năm 2018 tại khu vực miền Trung.

Mặc dù EVN có thể huy động thêm dầu FO, DO đắt tiền để tạm thay thế trong trường hợp khẩn cấp, nhưng các đường dây truyền tải điện Bắc - Trung - Nam không thể vận hành an toàn khi liên tục mang tải ở mức quá cao. Vì vậy, rất cần sự phối hợp đồng bộ, ăn ý và có các giải pháp dự phòng hiệu quả giữa EVN và các Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong việc đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than và khí đốt cho các nhà máy nhiệt điện. Nhưng giải pháp căn cơ vẫn là bằng mọi cách thúc đẩy các dự án nhà máy nhiệt điện ở miền Nam hoàn thành và đưa vào vận hành trong các năm tới.

Thứ hai: Chính phủ cần sớm phê duyệt quy hoạch điện mặt trời (ĐMT) toàn quốc và các tỉnh để Tổng công ty Truyền tải Quốc gia và các tổng công ty điện lực vùng, miền lập kế hoạch chủ động xây dựng, nâng cấp lưới điện, đảm bảo truyền tải hết và cung cấp an toàn, tin cậy công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo tới phụ tải.

Từ đó, Bộ Công Thương cần sớm ban hành cơ chế phân vùng giá điện từ ĐMT để khuyến khích dự án tại các khu vực lưới điện đủ năng lực, hoặc hạn chế phát triển ồ ạt quá nhiều dự án nguồn ĐMT, điện gió tại các vùng lưới điện chưa thể kịp phát triển, tạo bước phát triển hợp lý, tránh lãng phí và rủi ro.

Thứ ba: Cần có các cơ chế, quy định phù hợp để tăng cường năng lực dự báo về biến động hàng ngày, hàng tuần của các nguồn ĐMT, điện gió, tăng cường các công cụ kết nối, tuyền dẫn, giám sát thông tin và điều khiển trên hệ thống điện, đảm bảo sự điều độ - vận hành tối ưu khi tăng tỷ lệ tích hợp các loại nguồn điện năng lượng tái tạo.

Mặt khác, Bộ Công Thương cần cho nghiên cứu, tính toán mô phỏng cụ thể để làm cơ sở cho phép đầu tư thêm các nguồn dự phòng, nâng cấp lưới và các thiết bị ổn định lưới khi phát triển mạnh các nguồn ĐMT, điện gió, mặc dù đầu tư thêm nguồn và lưới truyền tải trong trường hợp này là không có hiệu quả kinh tế.

Thứ tư: Học kinh nghiệm từ các nước đã phát triển mạnh nguồn ĐMT, điện gió, thay vì tập trung phát triển các trang trại ĐMT, điện gió quy mô lớn, đòi hỏi đầu tư nhiều lưới truyền tải cao áp. Trước mắt cần khuyến khích mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo với quy mô nhỏ (chẳng hạn nguồn điện mặt trời áp mái tại các thành phố lớn và khu công nghiệp) để đấu nối vào hệ thống điện qua lưới hạ áp, trung áp. Định hướng này sẽ thúc đẩy phát triển các nguồn điện tái tạo mạnh mẽ, trong khi huy động được nguồn vốn xã hội hóa (do quy mô phù hợp với năng lực vốn), giảm, hoặc thậm chí không tốn đất đai, giảm đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho các hệ thống dự phòng, tích trữ để bảo đảm vận hành hệ thống điện an toàn.

Trên thực tế, với sự nỗ lực tuyên truyền, quảng bá và đi tiên phong lắp đặt các nguồn ĐMT áp mái của EVN, sự nhạy bén nhận thức cơ hội của nhiều doanh nghiệp và hộ dân, đến cuối năm 2018 cả nước đã có 1.800 hộ lắp đặt, vận hành trên 30 MWp công suất ĐMT trên mái nhà.

Trong thời gian sắp tới, để phấn đấu mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 7% hàng năm, vươn lên thoát bẫy thu nhập trung bình, dự báo nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội nước ta vẫn tăng trưởng trên dưới 10%/năm trong ngắn hạn và 7 - 8%/năm trong thập kỷ 20. Từ đó, theo Quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch điện VII, từ nay đến năm 2030 hàng năm cần xây dựng thêm khoảng 7.000 MW công suất các nguồn điện mới, và công suất nguồn điện cần tập trung trên dưới 50% ở khu vực miền Nam và khoảng 40% ở miền Bắc.

Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, sự chậm trễ, rủi ro trong xây dựng các nguồn điện phía Nam hiện nay và sắp tới đã làm cho việc vận hành hệ thống điện hết sức khó khăn, tăng thêm chi phí về nhiên liệu đắt tiền, cũng như tăng tổn thất truyền tải từ miền Bắc, miền Trung vào Nam. Trong ngắn hạn, ngành điện, mà trách nhiệm trực tiếp là EVN vẫn có thể tìm mọi phương cách để không thiếu điện cho nền kinh tế, nhưng trong trung và dài hạn, còn nhiều thách thức phải vượt qua, do đó, rất cần sự quyết liệt trong điều hành, hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự ủng hộ của người dân.

Đồng thời, với chủ trương đúng đắn để thúc đẩy, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần phát triển bền vững, cũng rất cần các cơ chế và sự điều hành hợp lý của Nhà nước. Không thể vì mục tiêu kinh tế mà lại đi theo con đường "phi kinh tế".

THS. NGUYỄN ANH TUẤN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động