RSS Feed for Nhu cầu than của Việt Nam [Kỳ 1]: Dự báo đến năm 2035 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 20:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhu cầu than của Việt Nam [Kỳ 1]: Dự báo đến năm 2035

 - Đến năm 2030 nhu cầu than của Việt Nam được dự báo tương đương khoảng 80,4 triệu Toe, bình quân đầu người khoảng 0,73 Toe/người (tương ứng với dân số khi đó được dự báo là 110 triệu người). Theo tính toán của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, so với bình quân đầu người của thế giới thì nhu cầu than của Việt Nam đến năm 2030 cao hơn, song so với nhiều nước vẫn còn thấp hơn nhiều, nhất là so với Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản và một số nước giàu tài nguyên than.


Đề nghị Ban KTTW, Bộ Công Thương nghiên cứu phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam


KỲ 1: DỰ BÁO NHU CẦU THAN CỦA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2035


PGS, TS. NGUYẾN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Theo dự báo trong Quy hoạch điều chỉnh “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030” (phê duyệt theo Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ - sau đây viết tắt là QH 403/2016) nhu cầu than của Việt Nam, đặt biệt là nhu cầu than cho sản xuất điện ngày càng tăng cao. Cụ thể là (triệu tấn): Năm 2020: 86,4 (cho điện 64,1); năm 2025: 121,5 (cho điện 96,5); năm 2030: 156,6 (cho điện 131,1) [1].

Theo cập nhật mới trong tài liệu [2] nhu cầu than cho điện sẽ vẫn tăng cao nhưng giảm so với dự báo trong QH403/2016 nêu trên. Theo đó, nhu cầu than nói chung theo dự báo mới sẽ là (triệu tấn): Năm 2020: 81,3 (cho điện 59,5); năm 2025: 110,9 (cho điện 86,0); năm 2030: 144,7 (cho điện 119,4) và năm 2035: 153,1 (cho điện 127,5) - xem Hình 1.

Như vậy, đến năm 2030 - 2035 nhu cầu than cho điện sẽ cao gấp trên dưới 3 lần so với năm 2017.

 

TT

Danh mục

2020

2025

2030

2035

A

Nhiệt điện

59.470

86.008

119.368

127.502

B

Xi măng

5.719

6.604

6.676

6.676

C

Luyện kim

5.276

7.189

7.189

7.189

D

Phân bón, hóa chất

5.023

5.023

5.023

5.023

F

Các hộ khác

5.796

6.092

6.403

6.729

 

Tổng cộng

81.285

110.916

144.658

153.119

Hình 1. Tổng hợp dự báo nhu cầu sử dụng than trong nước.


Nhu cầu than gia tăng nêu trên của Việt Nam nói chung, cũng như cho sản xuất điện nói riêng là cần thiết và hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với một nước đang phát triển xét trên mọi phương diện: Nhu cầu điện, mức sử dụng than, vai trò của than trong đảm bảo an ninh năng lượng và mức phát thải khí nhà kính (CO2) của nước ta, cũng như sự phù hợp với xu thế phát triển than, nhiệt điện than trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực.

Chẳng hạn, theo tài liệu [3] năm 2018 tiêu thụ than toàn cầu tăng 1,4% so với năm 2017 (chủ yếu cho phát điện), gấp đôi mức tăng trưởng trung bình 10 năm 2007 - 2017 (0,7%/năm), trong đó tăng cao nhất là Ấn Độ (tăng 36 triệu Toe) và Trung Quốc (tăng 16 triệu Toe). Sản lượng than toàn cầu tăng 162 triệu Toe, tương ứng tăng 4,3% (gấp 3,3 lần mức tăng trung bình trong 10 năm 2007 - 2017), trong đó Trung Quốc tăng cao nhất (82 triệu Toe) và Indonesia đứng thứ hai (tăng 51 triệu Toe).

Nhiệt điện than vẫn giữ vị trí cao nhất trong ngành điện thế giới, chiếm tỷ trọng 38% và đóng góp tới 31% vào mức tăng trưởng ròng của sản lượng điện toàn cầu (năng lượng tái tạo đóng góp 33% và khí tự nhiên 25%). Mức phát thải khí CO2 tăng 2%, mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.

Năm 2019, tiêu thụ than thế giới tuy có giảm 0,5% so với năm 2018, chủ yếu do giảm ở Bắc Mỹ 14,4%, châu Âu 12,1%, song tại các khu vực khác và nhiều nước vẫn tăng.

Cụ thể, Trung và Nam Mỹ 3,7%, châu Phi 1,5%, châu Á - TBD 2,2%, Trung Quốc 2,3%, Indonesia 20,0%, Philipin 6,6%, Ấn Độ 0,3%, v.v...

Sản lượng than thế giới năm 2019 đạt 8.103 triệu tấn, tăng 1,5%, cao hơn mức tăng bình quân trong giai đoạn 2008 - 2018 là 1,4%/năm. Các nước có sản lượng than cao trên 100 triệu tấn gồm (triệu tấn): Trung Quốc: 3.827 (tăng 4,8% so với 2018), Ấn Độ: 756 (giảm 1,6%),  Mỹ: 640 (giảm 6,6%), Indonesia: 614 (tăng 11,2%), Úc: 507 (4,5%), Nga: 439 (không tăng), Nam Phi: 254 (không tăng), Đức 134 (giảm 20%), Kazăcxtan: 115 (giảm 2,5%), Ba Lan 112 (giảm 8,2%).

Riêng Canada - một trong 3 nước khởi xướng thành lập “Liên minh chống sử dụng than đá” năm 2019 vẫn khai thác than với sản lượng hơn 50 triệu tấn, chỉ giảm 4 triệu tấn so với năm 2018 [7].

Sản lượng điện than thế giới năm 2019 tuy có giảm hơn 2,6% so với năm 2018, nhưng vẫn là nguồn điện chiếm tỷ trọng cao nhất: 36,4% tổng sản lượng điện, vượt xa nguồn điện khí chiếm 23,3%.    

Như vậy, cái gọi là “thế giới từ bỏ than”, trong đó có Trung Quốc chỉ là câu chuyện tuyên truyền mang động cơ không bình thường. 

Năm 2019 tiêu thụ than bình quân đầu người của Việt Nam là 21,43 EJ/người, rất thấp so với nhiều nước trên thế giới và khu vực như (EJ/người): Kazăcxtan (90,03), Úc (70,61), Đài Loan (68,54), Hàn Quốc (67,16), Nam Phi (65,05), Séc (56,0), Ba Lan (50,38), Nhật Bản (38,71), Hồng Kông (35,0), Mỹ (34,11) [7]. Trong khi mức phát thải CO2 từ ngành năng lượng bình quân đầu người năm 2019 (Tấn/người): của Úc 17,0, Mỹ 15,09, Kazăcxtan 12,93, Hồng Kông 12,75, Hàn Quốc 12,47, Đài Loan 11,72, Nga 10,5, Séc 9,22, Nhật Bản 8,86, Đức 8,19, Nam Phi 8,17, Ba Lan 8,02, Trung Quốc 6,85, còn Việt Nam là 2,96 [7].

Đến năm 2030 nhu cầu than của Việt Nam được dự báo tương đương khoảng 80,4 triệu Toe, bình quân đầu người khoảng 0,73 Toe/người (tương ứng với dân số khi đó được dự báo là 110 triệu người).

Theo dự báo trong Kịch bản thông thường của JEEI Outlook 2018 (tháng 10/2017) [6] đến năm 2030 nhu cầu than bình quân đầu người của thế giới (Toe/người) là: 0,5; trong đó của Trung Quốc: 1,48; Nhật Bản: 0,93; Hàn Quốc:1,74; Đài Loan: 1,75; Malaixia: 0,86; Thái Lan: 0,35; Mỹ: 0,78; Úc: 1,18.

Như vậy, so với bình quân đầu người của thế giới thì nhu cầu than của Việt Nam đến năm 2030 cao hơn, song so với nhiều nước vẫn còn thấp hơn nhiều, nhất là so với Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Nhật Bản và một số nước giàu tài nguyên than.

KỲ TỚI: NGUỒN CUNG THAN TRONG NƯỚC VÀ NHẬP KHẨU


Tài liệu tham khảo:

[1] Điều chỉnh “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030” được phê duyệt theo Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg ngày 14/3/2016.

[2] Viện Năng lượng – Bộ Công Thương, 2016, “Quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam đến 2025, có xét đến 2035" (dự thảo).

[3] BP Statistical Review of World Energy 2019.

[4] Nguyễn Cảnh Nam: Than, điện than tăng trưởng trong sự phân hóa theo xu thế tất yếu. NangluongVietnam Online 05:53 |25/09/2019.

[5] Niên giám Thống kê Việt Nam 2017.

[6] Energy, Environment and Economy: Prospects and Challenges until 2050 - IEEJ Outlook 2018. The Institute of Energy Economics, Japan – IEEJ, October 2017.

[7] BP Statistical Review of World Energy 2020.

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động