RSS Feed for Đề nghị Ban KTTW, Bộ Công Thương nghiên cứu phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 09:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đề nghị Ban KTTW, Bộ Công Thương nghiên cứu phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam

 - Ngày 18/5/2020, Văn phòng Trung ương Đảng có Văn bản số: 12159-CV/VPTW đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương nghiên cứu các phản biện, kiến nghị của TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM về "Những giải pháp thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam".


Thủ tướng giao BCT nghiên cứu phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam




Trước đó, ngày 11/5/2020, các chuyên gia, cán bộ khoa học - kỹ thuật trong Hội đồng Phản biện Khoa học của Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị một số kiến nghị tâm huyết về những công việc cụ thể mà các cơ quan quản lý Nhà nước có thể xem xét thực hiện để sớm đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045” (NQ55) vào cuộc sống. Cụ thể như sau:

I. Sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả:

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đang là “chìa khóa vàng” để giải quyết vấn đề mất cân bằng năng lượng đang ngày một trầm trọng của nền kinh tế Việt Nam. NQ55 đã chỉ rõ: “Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 420-460 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 375-410 kgOE/1.000 USD GDP”. Để đạt được mục tiêu này:

1/ Cần cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng ít tiêu dùng năng lượng. Theo đó, cần sắp xếp/qui hoạch lại các ngành sản xuất trong nước theo hướng hạn chế tối đa các ngành tiêu hao nhiều năng lượng (đã, đang hưởng lợi không hợp lý từ giá năng lượng thấp). Đồng thời, cần hạn chế tối đa (và tiến tới cấm) việc xuất khẩu các sản phẩm tiêu hao nhiều năng lượng - đó cũng là những sản phẩm có hàm lượng khoa học thấp, nhưng gây ô nhiễm môi trường cao như luyện kim, phân hóa học, xi măng, vật liệu xây dựng v.v...

2/ Cần ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng thứ cấp (điện năng) để thay thế cho các nguồn năng lượng sơ cấp (than, xăng, dầu, khí đốt) theo hướng “điện khí hóa toàn quốc” như V.I. Lê Nin đã đặt ra trong “Chính sách kinh tế mới”.

3/ Tăng cường việc kiểm soát của Nhà nước về việc sử dụng và nhập khẩu các công nghệ tiên tiến, ít tiêu hao năng lượng trong tất cả các ngành sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải. Cương quyết cấm nhập khẩu các công nghệ/thiết bị lạc hậu, để không biến các doanh nghiệp Việt Nam thành các “bãi thải công nghệ”.

4/ Cần khuyến khích (bằng các công cụ kinh tế) việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả điện năng, đặc biệt trong khu vực dân cư và các tòa nhà công sở.

5/ Tuyên truyền để người dân hiểu: Việt Nam là một quốc gia tiêu hao nhiều năng lượng trên mức cần thiết, trong khi đó, chúng ta là một quốc gia nghèo về nguồn tài nguyên năng lượng (rất nghèo so với mức bình quân của thế giới).

II. Phát triển tối ưu các nguồn năng lượng truyền thống trong nước:

 Phát triển tối ưu các nguồn năng lượng truyền thống trong nước trên cơ sở nắm chắc tiềm năng của các nguồn tài nguyên năng lượng, theo hướng:

1/ Đầu tư có trọng điểm cho công tác thăm dò, tìm kiếm các nguồn tài nguyên năng lượng: than, dầu mỏ, khí đốt, uranium (đặc biệt là việc khảo sát, thăm dò, khai thác các nguồn dầu mỏ và khí đốt trên thềm lục địa, kết hợp với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo). Trên cơ sở đó, việc qui hoạch phát triển các ngành năng lượng cần phải (và chỉ nên) dựa vào các nguồn tài nguyên, trữ lượng chắc chắn, tin cậy, khả thi, tránh tình trạng “đếm cua trong hang”.

2/ Đồng thời, Nhà nước cần chủ động đánh giá lại và đánh giá chính xác tính khả thi về mặt kinh tế của các nguồn năng lượng tái tạo (thủy năng, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, năng lượng địa nhiệt) để qui hoạch phát triển các nguồn năng lượng này một cách có cơ sở khoa học, kinh tế. Tránh tình trạng “hô khẩu hiệu suông” và gây khó khăn cho việc huy động nguồn vốn của tư nhân như hiện nay.

III. Về ngành công nghiệp than:

Để ngành công nghiệp than Việt Nam duy trì được sản lượng, cần thực hiện các giải pháp tháo gỡ ở tầm vĩ mô. Theo đó:

1/ Các trữ lượng than đã được thăm dò cần được ưu tiên để qui hoạch phát triển ngành than trước khi qui hoạch phát triển các công trình trên mặt đất. Hạn chế tối đa việc bỏ lại vĩnh viễn trong lòng đất những vỉa than còn có khả năng khai thác hiệu quả bằng các công nghệ hầm lò hiện có (tới độ sâu -1000 mét).

2/ Giấy phép thăm dò cần được Nhà nước cấp theo chiều sâu tầng chứa than để doanh nghiệp chủ động công tác thăm dò, tránh phải khoan thăm dò lại từ đầu để giảm chi phí thăm dò; Quyền khai thác than cũng cần được cấp hết theo chiều sâu của tầng chứa than (cấp phép đến đáy tầng chứa than) để doanh nghiệp chủ động trong công tác đầu tư tái sản xuất mở rộng. Xóa bỏ tình trạng cấp phép theo kiểu “băm nhỏ” các khoáng sàng than như hiện nay.

3/ Đổi mới chính sách thuế, phí theo hướng giảm, nhằm khuyến khích việc khai thác tận thu tối đa tài nguyên than vốn rất có hạn và tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành than.

4/ Khôi phục việc dự trữ than quốc gia bắt buộc để kịp thời đối phó với những rủi ro trong việc nhập khẩu than đang ngày càng tăng nhanh và những biến động cực đoan của thời tiết.

IV. Về ngành công nghiệp dầu khí:

“Nút thắt” cơ bản trong phát triển dầu khí của Việt Nam chủ yếu liên quan đến đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước. Trên cơ sở cân nhắc các khía cạnh địa - chính trị, Nhà nước cần sớm điều chỉnh đồng bộ Luật Dầu khí, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, cũng như các luật liên quan phù hợp với tình hình mới của ngành dầu khí trong nước và ngành dầu khí trên thế giới. Theo đó:

1/ Luật Dầu khí điều chỉnh toàn bộ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, đầu tư trong nước, cũng như của nước ngoài, dành ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài, nhằm tìm kiếm các đối tác chiến lược quốc tế sẵn sàng chia sẻ, hợp tác lâu dài với Dầu khí Việt Nam.

2/ Các luật khác điều chỉnh sao cho đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực dầu khí được chủ động, linh hoạt, phản ứng kịp thời với biến động thị trường và điều kiện tài nguyên dầu khí. Cần tách biệt chức năng bảo toàn, phát triển vốn với điều hành sản xuất, kinh doanh và khuyến khích các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư vào dầu khí.

3/ Khung pháp lý cần tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và chức năng sản xuất, kinh doanh; tách bạch các trách nhiệm xã hội với nhiệm vụ bảo toàn vốn, phát triển doanh nghiệp cùng với chính sách tài chính, thuế, phí hợp lý.

4/ Tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có quyền tự chủ cần thiết và có đủ nguồn vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và chế biến dầu khí.

V. Về các nguồn năng lượng tái tạo:

Cần được qui hoạch phát triển phù hợp với các điều kiện kinh tế - kỹ thuật của hệ thống điện Việt Nam (sức mua của các hộ dùng điện và nhu cầu vận hành ổn định của hệ thống điện). Theo đó:

1/ Về thủy điện: Theo tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế, tiềm năng nước ngọt (tính theo đầu người) của Việt Nam thấp hơn mức bình quân của thế giới. Trong đó, 70% phụ thuộc vào các nguồn nước tại lưu vực các sông của nước ngoài. Vì vậy, việc phát triển thủy điện của Việt Nam - một quốc gia được coi là nghèo về nước ngọt, cần kết hợp hai mục tiêu: Đảm bảo “an ninh năng lượng” và “an ninh nước ngọt”. Theo đó:  

a) Các dự án thủy điện lớn (>100 MW) đã được đầu tư chủ yếu bằng vốn Nhà nước đã và đang phát huy vai trò chủ đạo trong việc cung cấp điện cho nền kinh tế với giá thành điện thấp và tham gia điều tiết lũ, cũng như chủ động cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp rất hiệu quả.

b) Các dự án thủy điện vừa (>30MW) được xây dựng (chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa) trên các sông ở cả 3 miền, ít bị phụ thuộc vào các lưu vực nước ngoài đang góp phần khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước có hạn và tham gia vào việc cung cấp điện thông qua thị trường bán buôn.

c) Các dự án thủy điện nhỏ (<30MW) với tiềm năng đáng kể (hơn 900 dự án, với tổng công suất hơn 7.000 MW, phân bố ở 32 tỉnh trên miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên), có khả năng khai thác rất hiệu quả nguồn nước, có giá thành thấp, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư của tư nhân và có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cấp điện có hiệu quả cho vùng sâu, vùng xa. 

 Tuy nhiên, vừa qua việc phân cấp quản lý cho các tỉnh đối với các dự án thủy điện “nhỏ hạt tiêu” này đã dẫn đến nhiều bất cập, gây lãng phí nguồn tài nguyên nước.

2/ Về điện gió: Các dự án điện gió cần được qui hoạch trên cơ sở đã điều tra đánh giá chính xác tốc độ bình quân của gió ở các độ cao và vị trí khác nhau. Điện gió ưu việt hơn điện mặt trời (vì ít ảnh hưởng đến biểu đồ phụ tải của hệ thống, không phụ thuộc vào ngày/đêm, chiếm ít diện tích hơn điện mặt trời), nhưng việc thi công xây dựng và bảo trì khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, giá FIT mua điện gió, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi (có tiềm năng lớn) cần được khuyến khích mua cao hơn giá điện mặt trời và thời hạn khuyến khích cũng nên kéo dài hơn.

3/ Về điện mặt trời: Điện mặt trời cần được phát triển trên cơ sở ưu tiên: 

Thứ nhất: Sử dụng các tấm pin mặt trời (PV) thuộc thế hệ gần nhất (có các thông số kỹ thuật cao và có thể nhận bức xạ từ cả hai mặt) để hạn chế tối đa diện tích chiếm đất.

Thứ hai: Sử dụng các thiết bị chuyển đổi điện (từ “một chiều” sang “xoay chiều”) và thiết bị lưu trữ có hiệu suất cao để giảm giá thành điện năng.

Thứ ba: Lắp đặt trên các mái nhà (điện mặt trời áp mái), để tận dụng các nguồn vốn của dân cư và của các tổ chức. Đây là nguồn điện phân tán tại nơi tiêu thụ, phân tán vốn đầu tư trong xã hội, thời gian triển khai nhanh, chủ yếu sử dụng tại chỗ, hạn chế gây áp lực lên hệ thống lưới truyền tải, cũng như hạn chế sử dụng đất tập trung ở quy mô lớn.

4/ Về năng lượng sinh khối: Cần có chính sách khuyến khích sử dụng các chất thải trong nông nghiệp và lâm nghiệp để sản xuất điện kết hợp với bảo vệ môi trường. Cụ thể: 

Thứ nhất: Tận dụng khối lượng lớn rơm rạ (trong canh tác lúa), trấu (trong chế biến gạo), mùn cưa và củi gỗ vụn (trong chế biến lâm nghiệp) để phát điện tại chỗ bằng các công nghệ tiên tiến đã có sẵn.

Thứ hai: Sử dụng phân gia súc của các cơ sở chăn nuôi lợn, trang trại bò sữa, và các hộ gia đình để sản xuất khí tổng hợp bằng công nghệ hầm dùng cho phát điện tại những nơi có qui mô lớn, hoặc đun nấu tại hộ gia đình nhằm kết hợp bảo vệ môi trường.

Thứ ba: Khuyến khích việc xây dựng các nhà máy sử dụng nguồn nhiên liệu từ rác thải cho các thành phố, đô thị lớn để giải quyết tình trạng chôn lấp rác thải, gây ô nhiễm môi trường như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… diễn ra nhiều năm nay.

VI. Phân bố hợp lý, đồng bộ, cân đối nguồn, lưới điện trên 3 miền:

Thực tế đã cho thấy, trong thời gian vừa qua, việc phát triển các nguồn điện của Việt Nam thiếu cân đối trên 3 miền. Mặc dù trong Quy hoạch điện đã phê duyệt các nguồn đưa vào là tối ưu, phù hợp với mức tăng nhu cầu điện hàng năm trên cả 3 miền của đất nước, nhưng sự chậm trễ của hàng loạt dự án nguồn điện tại miền Nam đang đe dọa đến an toàn cung cấp điện trong các năm tới và gây ra hệ lụy tăng cao chi phí sản xuất điện.

Đặc biệt, cách thức triển khai Quy hoạch nguồn điện còn nhiều bất cập. Thực tế cho thấy, lâu nay, các nhà đầu tư đều tìm đến các địa phương có điều kiện thuận lợi để xin chủ trương đầu tư, sau đó kết hợp với địa phương trình Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét phê duyệt dự án. Nhưng trong đó có những dự án thực sự chưa cần thiết đối với địa phương/khu vực đó (tại thời điểm dự kiến đầu tư), trong khi tại những khu vực trọng điểm về nhu cầu điện cao (không thuận lợi về đất đai, cảng nhiên liệu) lại không có chủ trương khuyến khích cụ thể, dẫn đến thiếu vắng các nhà đầu tư có năng lực. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị:

1/ Không phân giao các dự án có vai trò quan trọng về an ninh năng lượng cho các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, tư nhân, hoặc đầu tư nước ngoài.

2/ Kiên quyết triển khai các dự án nguồn điện theo từng miền, trên cơ sở Quy hoạch điện đã được duyệt. Tránh việc thúc đẩy các dự án ở các miền này để bù đắp sự chậm trễ ở miền kia, dẫn đến gây tăng chi phí truyền tải, lãng phí nguồn lực và kém an toàn cung cấp điện.

3/ Ngoài những danh mục dự án/công trình điện có vai trò quan trọng về an ninh quốc gia, các dự án khác cần được phê duyệt theo phương thức: Trên cơ sở Quy hoạch điện đã được duyệt về quy mô công suất và khu vực có nhu cầu dự án điện, Bộ Công Thương cùng địa phương có dự án tiềm năng công bố quy mô, phạm vi, yêu cầu tiến độ và tính chất kỹ thuật của dự án. Đặc biệt, cơ chế đầu tư dự án cần phải thực hiện đấu thầu cạnh tranh. 

4/ Về lưới điện: Để đáp ứng tiêu chí N-1 đối với các vùng phụ tải quan trọng và N-2 với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng, khối lượng đường dây, trạm biến áp đầu tư mới sẽ rất lớn, do đó, cần thiết phải có sự chỉ đạo, định hướng các địa phương về quỹ đất cho phát triển hệ thống điện, cũng như trách nhiệm về đền bù giải phóng mặt bằng.

5/ Cùng với việc thúc đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành năng lượng, phát triển hạ tầng lưới điện thông minh, cần quan tâm tới an ninh bảo mật để hạn chế tối đa các hành vi đột nhập, truy cập vào hệ thống điều khiển nhà máy điện, trạm điện, trung tâm điều độ để thực hiện các hành vi can thiệp mang tính gián điệp, phá hoại… trong bối cảnh nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, phát triển hệ thống điện.

VII. Chuẩn bị các tiền đề cần thiết để phát triển điện hạt nhân:

Chuẩn bị các tiền đề cần thiết để phát triển điện hạt nhân trên quan điểm và nhận thức như sau:

1/ Điện hạt nhân (ĐHN) - có chức năng phát điện theo “phụ tải nền”, là giải pháp nâng cao tính ổn định của hệ thống cung cấp điện, làm nền tảng cho việc phát triển các dạng năng lượng tái tạo (có chức năng phát điện theo “phụ tải đỉnh”), và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính (các nhà máy ĐHN trên thế giới với khoảng 400 lò phản ứng đang giúp loài người giảm 3,4 tỷ tấn khí CO2 thải vào khí quyển hàng năm).

2/ Vấn đề an toàn của ĐHN đã và đang ngày càng được hoàn thiện bởi các nước công nghiệp phát triển xuất phát từ yêu cầu của chính họ. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các sự cố đã xẩy ra, các hệ thống an toàn “chủ động” và “thụ động”, các “bẫy phóng xạ” và đặc biệt là các thế hệ lò phản ứng mới (thế hệ III+ và IV) đã được áp dụng và ngày càng hoàn thiện.

3/ Nguồn nhiên liệu hạt nhân (uranium) trên thế giới gần như vô tận (trữ lượng của uranium lớn gấp 20 lần tổng trữ lượng của dầu mỏ, khí thiên nhiên, và than đá). Nhiên liệu cho ĐHN và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng được quản lý theo các Công ước quốc tế. Chất thải của ĐHN được lưu trữ tại các quốc gia xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân.

4/ Hiện nay, phần lớn trong số gần 40 quốc gia phát triển ĐHN (ngoại trừ Mỹ và Nga) là để “nhập khẩu” năng lượng (thông qua việc nhập khẩu công nghệ ĐHN và nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân) một cách hiệu quả nhất, thay thế cho nhiệt điện than, góp phần bảo vệ môi trường.

5/ Trong tương lai, để giảm khí phát thải nhà kính trong điều kiện sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, thì ĐHN là giải pháp khả thi hơn cả.

6/ Trước mắt, Việt Nam có thể nghiên cứu triển khai các dự án ĐHN nổi trên biển với qui mô nhỏ (50 MW) để cấp điện cho các đảo và khai thác dầu khí trên thềm lục địa, kết hợp với việc đảm bảo chủ quyền biển đảo. Hiện Nga đang phát triển ít nhất 2 dự án theo hướng này và Trung Quốc cũng dự kiến sẽ phát triển 20 nhà máy ĐHN nổi trên biển.

7/ Công nghiệp ĐHN sẽ tạo điều kiện cần thiết để phát triển và kéo theo sự phát triển các lĩnh vực khoa học - công nghệ cao như: điều khiển học, nhiệt động học, sức bền vật liệu, sản xuất kim loại hiếm, sản xuất vật liệu và nhiên liệu quốc phòng v.v…

8/ Cần tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm nghiên cứu mới về công nghệ hạt nhân tại Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) để thay thế cho Trung tâm hạt nhân Đà Lạt đang bị quá tải và sắp hết tuổi thọ, nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu ứng dụng công nghệ hạt nhân hiện đang được mở rộng trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, giám định nông sản xuất khẩu v.v... 

VIII. Chủ động và tạo điều kiện để nhập khẩu từ nước ngoài:

Nhập khẩu các nguồn năng lượng ‘thứ cấp’ và ‘sơ cấp’, theo hướng:

1/ Xác định tỷ lệ tối đa về công suất, sản lượng điện nhập khẩu trên cơ sở đảm bảo an ninh năng lượng và các yếu tố chính trị, kinh tế có liên quan trong từng giai đoạn.

2/ Ưu tiên nhập khẩu điện năng từ Lào bằng cách chủ động tham gia đầu tư vào các dự án thủy điện trên sông Mê Kông theo phương thức liên doanh với Bạn để kết hợp với việc mua điện, chủ động được một phần trong việc điều tiết nước ngọt cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Mặt khác, có chính sách khuyến khích về giá nhập khẩu điện (bởi đây là nguồn điện “sạch”, không phát sinh chất thải, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng là giải pháp để giữ lại một phần tài nguyên năng lượng sơ cấp cho tương lai) và chủ động xây dựng lưới điện truyền tải để thu gom năng lượng về Việt Nam. Đặc biệt chú trọng với các dự án trên dòng nhánh của sông Mê Kông và hết sức cân nhắc khi tham gia vào dự án thủy điện trên dòng chính.

3/ Khuyến khích tất cả các chủ đầu tư nhà máy điện có đủ năng lực trực tiếp nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp (than, khí hóa lỏng) cho nhu cầu của công trình (tương tự như các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam của các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài).

4/ Đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu than (từ Indonesia, Úc, Nga, Mỹ, Nam Phi, Canada) và khí hóa lỏng - LNG (từ Nga, Mỹ, Quatar). Trên cơ sở đó, cần bổ sung nhiệm vụ cho các hoạt động đối ngoại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác tiềm năng sở tại để hợp tác có hiệu quả.

5/ Dành tối thiểu 3 cảng biển nước sâu trên cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam để phục vụ cho việc nhập khẩu than và khí hóa lỏng.

Hiện nay, ở Việt Nam đang rất thiếu các cảng biển nước sâu có thể tiếp nhận được các tàu chở than (trên 60.000 DWT) và các tàu chở khí hóa lỏng (trên 100.000 DWT). Đây là một thách thức rất lớn cho việc nhập khẩu các nguồn năng lượng (than, khí hóa lỏng) đang ngày một tăng nhanh. Dự kiến, vào năm 2030, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 80 triệu tấn than (gấp 2 lần sản lượng than trong nước) và khoảng 8 tỷ m3 khí hóa lỏng; đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên tương ứng là 95 triệu tấn và 15 tỷ m3.

6/ Chỉ đạo, hướng dẫn về mô hình kinh doanh, chia sẻ hạ tầng kho, cảng, đường ống dẫn khí (trên bờ) để tạo điều kiện sử dụng sớm và phổ biến nhiên liệu LNG cho phát điện.

7/ Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí, trong đó có lộ trình phát triển thị trường khí liên kết tới thị trường điện, cũng như cơ chế bao tiêu sản lượng LNG, cơ chế xác định giá khí và chuyển chi phí sang giá điện làm cơ sở để các nhà đầu tư có thể phát triển hạ tầng khí - điện.

IX. Hoàn thiện quản lý Nhà nước về năng lượng:

Đây là giải pháp cần thiết và khả thi nhất hiện nay để phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành năng lượng. Việc hoàn thiện quản lý Nhà nước cần được xem là nhu cầu thường xuyên trước tình hình biến động liên tục của ngành công nghiệp năng lượng thế giới, vốn đã và đang gắn với các biến động địa - chính trị toàn cầu. Theo đó:

1/ Chính phủ cần sớm ban hành các định hướng vĩ mô liên quan đến chiến lược phát triển ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng, bao gồm: (i) Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (ii) Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (iii) Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Đây là 3 căn cứ pháp lý có ý nghĩa quyết định để hiện thực hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045”.

2/ Cần sửa đổi kịp thời Luật Dầu khí, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản và một số luật có liên quan khác theo hướng: 

Thứ nhất: “Đưa cuộc sống vào luật” (thay vì “đưa luật vào cuộc sống”) bằng cách tiếp thu tối đa các ý kiến phản hồi của các chủ thể chịu sự kiểm soát của luật.

Thứ hai: Hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các bộ luật, bằng cách xây dựng sao cho luật chuyên ngành điều chỉnh toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực của chuyên ngành đó. Trên tinh thần đó:

Thứ ba: Nhấn mạnh sự quản lý bằng pháp luật của các cơ quan quản lý Nhà nước và hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước (các bộ, ngành, địa phương) vào lĩnh vực sản xuất của các chủ thể điện, than, dầu khí.

Thứ tư: Hạn chế tối đa các văn bản “diễn giải luật”, cũng như các “thông tư hướng dẫn” của các bộ, ngành. Đặc biệt là: 

Thứ năm: Xác định rõ một đầu mối chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và Nhân dân về an ninh năng lượng quốc gia để đảm bảo thống nhất trong điều hành, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển năng lượng.

Thứ sáu: Có cơ chế rõ ràng và chế tài đủ mạnh để ràng buộc trách nhiệm các bên liên quan trong quá trình chấp hành luật pháp và triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước trong khâu cung - cầu điện. Gắn trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án được giao. Quy định cụ thể trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương về tuân thủ Quy hoạch phát triển điện lực để tránh tình trạng quy hoạch bị phá vỡ xuất phát từ các nguyên nhân mang tính cục bộ.

3/ Thúc đẩy tiến độ hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh, đặc biệt là thị trường điện để thực hiện nghiêm túc các vấn đề đặc biệt quan trọng đã được nêu trong NQ55, đó là: “Phát triển ổn định và bền vững các ngành điện, than, dầu khí; chống mọi hình thức độc quyền; tạo ra sự cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh điện, than, dầu khí; và minh bạch trong quản lý năng lượng”.

(Nếu được, chúng tôi xin phép trình bày cụ thể chuyên đề này với Ban Kinh tế Trung ương).

4/ Đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập, cũng như triển khai thực hiện quy hoạch năng lượng. Gắn trách nhiệm của các bộ quản lý ngành vào tính khả thi của các quy hoạch năng lượng. Chấm dứt tình trạng lập quy hoạch chỉ để “cấp phép”, quản lý quy hoạch theo kiểu “hòa cả làng” và khi quy hoạch bị “vỡ” (như đã liên tục xẩy ra trong các năm vừa qua) thì không ai chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước.

Với những kiến nghị như trên, chúng tôi xin bày tỏ sự tin tưởng Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước sẽ kịp thời chỉ đạo Chính phủ, các cơ quan liên quan để Nghị quyết 55 sớm “đi vào cuộc sống”, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng (kết hợp với đảm bảo an ninh quốc phòng và an ninh nước ngọt) cho sự nghiệp phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai./.

HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động