RSS Feed for Nhu cầu than cho sản xuất điện và giải pháp thực hiện (Kỳ 2) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 19:36
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhu cầu than cho sản xuất điện và giải pháp thực hiện (Kỳ 2)

 - Nhu cầu than của nền kinh tế nói chung và cho sản xuất điện nói riêng có thể được đáp ứng từ 2 nguồn: nguồn than trong nước và nguồn than nhập khẩu từ nước ngoài. Cả hai nguồn than này tuy sẵn có về tiềm năng, nhưng đều có những điểm nghẽn nghiêm trọng.

Nhu cầu than cho sản xuất điện và giải pháp thực hiện (Kỳ 1)

KỲ 2: KHẢ NĂNG ĐÁP ỨNG NHU CẦU THAN CHO SẢN XUẤT ĐIỆN

Theo Quy hoạch điều chỉnh "Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030" (phê duyệt theo Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ - sau đây viết tắt là QH 403/2016), sản lượng than thương phẩm trong giai đoạn đến năm 2030 dự kiến là: năm 2020: 47-50 triệu tấn; năm 2025: 51-54 triệu tấn; năm 2030: 55-57 triệu tấn. Trong đó, sản lượng than chủ yếu cho sản xuất điện. 

Cụ thể là: năm 2020: 39,0 triệu tấn; năm 2025: 38,9 triệu tấn; năm 2030: 44,4 triệu tấn.

Phần nhu cầu than cho sản xuất điện còn lại sẽ được đáp ứng từ nguồn than nhập khẩu và đầu tư khai thác than ở nước ngoài đưa về phục vụ trong nước, với mức sản lượng dự kiến là: đến năm 2020: 24 triệu tấn, năm 2025 triệu tấn: 56,5 triệu tấn và đến 2030: 84 triệu tấn.

Cả hai nguồn than trong nước và nhập khẩu tuy sẵn có về tiềm năng, nhưng đều có những điểm nghẽn nghiêm trọng.

Một là: Về nguồn than trong nước.

Việc khai thác than trong nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nếu không có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ sẽ khó có thể đạt được mức sản lượng đề ra trong Quy hoạch 403/2016. Chẳng hạn, sản lượng đề ra cho năm 2016 là 41-44 triệu tấn, nhưng thực tế chỉ đạt 38,5 triệu tấn [6], khi đó lại càng thiếu than cho đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là nhu cầu than cho sản xuất điện.

Thứ nhất: Nguồn tài nguyên than có tiềm năng trung bình, nhưng mức độ thăm dò còn rất hạn chế, độ tin cậy rất thấp, đặc biệt tại các vùng mỏ truyền thống đã có dấu hiệu bước vào thời kỳ suy giảm. Theo Quy hoạch 403/2016, tổng tài nguyên than đã được điều tra đánh giá và thăm dò tính đến 31/12/2015 là 48,88 tỉ tấn. Trong đó, trữ lượng (TL) là 2,26 tỉ tấn (chiếm 4,62%), tài nguyên (TN) chắc chắn: 161 triệu tấn (chiếm 0,33%) và TN tin cậy là 1.137 triệu tấn (chiếm 2,33%). Tổng cộng là 7,23%, còn lại là TN dự tính là 2,7 tỉ tấn (chiếm 5,5%), TN dự báo 42,6 tỉ tấn (chiếm 87,2%), tổng cộng là 92,77%. Trong khi đó, việc đầu tư thăm dò nâng cấp trữ lượng có nhiều rào cản từ việc cấp phép, chồng lấn quy hoạch của địa phương nên thực hiện chậm so với tiến độ đề ra trong Quy hoạch 403/2016.

Tuy nhiên, than vẫn là nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp giữ vai trò quan trọng nhất trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chỉ riêng phần trữ lượng và tài nguyên chắc chắn + tin cậy có thể đảm bảo khai thác trên 50 năm với mức sản lượng 50 triệu tấn/năm.

Thứ hai: Hiện nay phần trữ lượng than có điều kiện khai thác thuận lợi đã cạn kiệt, hầu hết các mỏ than đều khai thác xuống sâu và đi xa hơn nên mức độ nguy hiểm và rủi ro ngày càng tăng. Cạnh đó, hệ số bóc đất đá và cung độ vận chuyển ở các mỏ khai thác lộ thiên bình quân toàn ngành tăng lên 10,6 m3/tấn và hơn; cung độ vận chuyển đất đá thải tăng lên trên 4 km; ở các mỏ hầm lò, ngày càng xuống sâu dưới mực nước biển, tới -450m, điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp do áp lực mỏ lớn, phay phá, khí, nước nhiều dẫn đến suất đầu tư tăng (suất đầu tư/tấn công suất mỏ than hầm lò từ gần 50 USD/tấn đã tăng lên khoảng 150¸180 USD/tấn).

Ngoài ra, chính sách thuế, phí đối với than tăng cao cũng làm cho giá thành than ngày càng tăng cao. Hiện nay, mức thuế suất thuế tài nguyên than cộng với tiền cấp quyền khai thác của nước ta vào loại cao nhất thế giới. Cụ thể là, theo tính toán của Quy hoạch than 403/2016 thì giá thành than bình quân toàn ngành giai đoạn 2016-2030 là:

 

2016

2017

2018

2019

2020

2025

2030

b/q

Giá thành SX (103 đ/tấn)

1.532

1.568

1.580

1.595

1.611

1.718

1.918

1.702

 

Giá thành than nêu trên nếu tính thêm thuế tài nguyên than từ 1/7/2016 tăng thêm 3% so với trước thì còn cao hơn nữa và cao hơn nhiều giá bán than bình quân thực tế của TKV năm 2015 (1.522 ngàn đồng/tấn) và năm 2016 (1.471,5 ngàn đồng/tấn).

Thứ ba: Giá thành than ngày càng tăng cao, dẫn đến nguy cơ thua lỗ, trong khi nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển rất cao và chịu nhiều tác động bất lợi của thị trường. Theo dự tính trong Quy hoạch 403/2016 từ năm 2016 đến 2030 toàn ngành than cần tổng nhu cầu vốn đầu tư là 269.006 tỷ đồng (bình quân 17.934 tỷ đồng/năm). Với tình trạng giá thành than cao hơn giá bán như đã nêu trên cho thấy, ngành than sẽ có nguy cơ thiếu vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển.

Thứ tư: Thời gian tới chuyển sang khai thác hầm lò là chủ yếu. Đây là loại hoạt động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhiều rủi ro, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người lao động, gây ra nhiều bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, cho nên rất khó thu hút lao động, trong khi thời gian đào tạo công nhân hầm lò tương đối dài (2-3 năm).

Ngoài ra, việc đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác hầm lò nói chung và nâng cao mức độ cơ giới hóa nói riêng, nhất là cơ giới hóa đồng bộ gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2016 tỉ lệ than khai thác bằng cơ giới hóa đồng bộ mới chỉ đạt khoảng 5-6% tổng sản lượng than khai thác hầm lò. Vì thế năng suất lao động còn thấp, tỷ lệ tổn thất than trong khai thác và giá thành cao.

Thứ năm: Chịu áp lực cạnh tranh gay gắt của nguồn than nhập khẩu hiện có giá thấp hơn trong ngắn hạn, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi việc thực hiện hợp đồng cung cấp - mua bán than trong nước còn nhiều bất cập, một số hộ tiêu thụ than trọng điểm, nhất là nhiệt điện than chưa chấp hành nghiêm chỉnh hợp đồng mua bán than dài hạn đã ký kết, mà đang chạy theo lợi ích "giá thấp" trước mắt, nhưng ẩn chứa nhiều bất định, chưa vì lợi ích đảm bảo cung cấp than ổn định trong lâu dài với giá cả hợp lý - hai bên cùng có lợi.

Thứ sáu: Việc sử dụng than còn chưa hoàn toàn đảm bảo hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là than antraxit đang chủ yếu làm chất đốt có giá trị gia tăng thấp thay vì lẽ ra dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất, luyện kim, vv... có giá trị gia tăng cao hơn nhiều lần.

Thứ bảy: Chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh than và tiêu thụ, sử dụng than còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa phù hợp với kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước gắn liền với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, cơ chế sản xuất than trong nước đang theo nguyên tắc kế hoạch hóa (theo quy hoạch và kế hoạch hàng năm) nhưng việc tiêu thụ than và giá cả lại đang theo cơ chế "nửa vời" nhập nhằng giữa kế hoạch hóa và thị trường. Thậm chí "thả nổi, thao túng" theo kiểu mạnh ai nấy quyết - vì lợi ích ngắn hạn, làm biến dạng thị trường than, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển ổn định, bền vững của ngành than, cũng như của các doanh nghiệp sản xuất than lớn hiện nay.

Cụ thể là chúng ta chưa tạo khung pháp lý cho việc vận hành và quản lý thị trường than trong nước theo yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Chính sách không nhất quán, lại luôn thay đổi - nhất là chính sách thuế, phí ngày càng tăng cao theo hướng tận thu tài chính cho ngân sách Nhà nước, đi ngược lại với chính sách khai thác tận thu khoáng sản, ảnh hưởng đến mục tiêu khai thác tận thu, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản được coi là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chưa xác định rõ vai trò, nhiệm vụ cụ thể của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh than nói chung và trong nhập khẩu than, đầu tư khai thác than ở nước ngoài theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước gắn liền với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Hai là: Về nguồn than nhập khẩu từ nước ngoài:

Tiềm năng tài nguyên than trên thế giới rất lớn. Đến hết năm 2016 tổng trữ lượng than toàn thế giới là 1.139.331 triệu tấn, trong đó than antraxít và bitum 816.214 triệu tấn (chiếm 71,6%), than ábitum và than non 323.117 triệu tấn (chiếm 28,4%), với mức sản lượng năm 2016 có thể còn khai thác trong 153 năm [5]. Xét trên mọi phương diện thì có 4 nước là Indonesia, Australia, Nga và Nam Phi được đánh giá cao nhất về khả năng cung cấp than nhiệt cho sản xuất điện của Việt Nam trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu than và đầu tư khai thác than ở nước ngoài đưa về phục vụ trong nước với khối lượng lớn hàng chục triệu tấn đến gần 100 triệu tấn mỗi năm là vô cùng phức tạp, khó khăn, khó lường và có nhiều rào cản.

Thứ nhất: Chưa có chính sách "ngoại giao" năng lượng nói chung và than nói riêng với các nước có tiềm năng về tài nguyên năng lượng sơ cấp và tài nguyên than để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tăng cường hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực khai thác và kinh doanh than ở nước ngoài.

Thứ hai: Chưa có chính sách đồng bộ giữa việc nhập khẩu than và tiêu thụ, sử dụng than nhập khẩu, cũng như cho việc mua mỏ và đầu tư khai thác than ở nước ngoài đưa về nước.

Thứ ba: Hệ thống hậu cần phục vụ nhập khẩu than (bao gồm vận chuyển quốc tế, chuyển tải, kho bãi, vận chuyển nội địa, vv...) còn nhiều yếu kém, bất cập; việc giao nhận than tại các cơ sở sử dụng than, nhất là tại các nhà máy nhiệt điện than còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ tư: Tổ chức các đơn vị nhập khẩu than còn phân tán, dàn trải, chưa có sự hợp lực, hợp tác với nhau cũng như chưa có sự hợp lực, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị sử dụng than nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp các nguồn lực trong nước, trong khi cơ sở vật chất, kinh nghiệm, năng lực tài chính còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Thứ năm: Chưa có chính sách đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ than quốc gia trong bối cảnh nhu cầu than tăng cao, nhập khẩu than khối lượng lớn, thị trường than thế giới có nhiều biến động mạnh, khó đoán định.

Thứ sáu: Đến nay Việt Nam mới tham gia thị trường nhập khẩu than nhiệt (steam coal), trong khi thị trường này đã được các tập đoàn tài chính - thương mại lớn trên thế giới hình thành, sắp đặt, chi phối từ lâu. Cho nên Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn than với khối lượng lớn, ổn định, lâu dài; hạn chế về năng lực và kinh nghiệm đầu tư khai thác than ở nước ngoài, vv... Chẳng hạn, hiện nay với việc nhập khẩu (thông qua đấu thầu) vừa nhỏ lẻ (dưới 1 triệu tấn), vừa ngắn hạn (6-9 tháng), các dự án nhiệt điện than của Việt Nam chỉ có thể mua được than từ nguồn trôi nổi theo các hợp đồng giao ngay - "spot" ở Indonesia.

Thứ bảy: Đặc biệt, đối với 4 nước tiềm năng cung cấp than nhiệt cho Việt Nam có một số vấn đề như sau: 

1/ Indonesia là nước có điều kiện thuận lợi nhất: nguồn than chi phí thấp, nằm không xa bờ biển, cảng xuất khẩu than và dịch vụ hậu cần thuận lợi, có vị trí địa lý gần. Song có vấn đề là các mỏ than chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ để khai thác than đưa về cho nước họ. Nhu cầu than cho sản xuất điện của Indonesia sắp tới cũng tăng cao (Indonesia có kế hoạch xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 35.000 MW trong vòng 20 năm tới [9]).

Bên cạnh đó là sự cạnh trạnh rất lớn của các nước nhập khẩu than trong khu vực từ lâu đã thâm nhập thị trường này như: Trung Quốc (hiện chiếm thị phần 25%), Nhật Bản (14%), Ấn Độ (14%), Hàn Quốc (10%), Đài Loan (9%), Malaixia (6%), Hồng Kông (6%),  Thái Lan (4%), Philípin (3%), vv... Trong tương lai, Ấn Độ sẽ gia tăng nhập khẩu than và sẽ trở thành nhà nhập khẩu than Indonesia lớn nhất với thị phần lên tới 38%, trong khi thị phần tổng cộng của Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông sẽ giảm từ 40% xuống còn 31% [8].

2/ Nga và Australia có than chất lượng tốt, giá thành thấp (ở Nga) nhưng có bất lợi là cung độ vận chuyển than từ các mỏ ra cảng biển quá xa, việc đấu nối các khâu: mỏ - đường sắt - cảng và vận tải biển rất khó khăn, vị trí địa lý xa, khí hậu khắc nghiệt (ở Nga). 

3/ Nam Phi có than chất lượng tốt, chi phí thấp, nhưng chính sách không ổn định, cơ sở hạ tầng vận tải còn hạn chế và vị trí địa lý xa. Than của Nga, Nam Phi và Australia có thể pha trộn với than chất lượng thấp của Việt Nam để tạo ra loại than hợp lý cho sản xuất điện. (Đón đọc kỳ tới)

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

Tài liệu tham khảo:

1. Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

2. “Đề án Tái cơ cấu ngành than Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” phê duyệt tại Quyết định số 12750/2015/QĐ-BCT ngày 20/11/2015 của Bộ Công Thương.

3. Điều chỉnh “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030” được phê duyệt theo Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3/2016.

4. Khái quát Quy hoạch than 403/2016 và cập nhật nhu cầu than cho nền KTQD đến năm 2030, những khó khăn và thách thức, đề xuất các giải pháp. Tập thể tác giả. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đáp ứng nhu cầu than của nền kinh tế - Hiện trạng và giải pháp” của Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam. Nhà xuất bản Công Thương, tháng 8/2017.

5. BP Statistical Review of World Energy June 2017.

6. Niên giám Thống kê Việt Nam 2016.

7. PGS.TS. Trương Duy Nghĩa: Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường. Kỷ yếu hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ơe Việt Nam” do Ủy ban KH,CN & MT Quốc hội và Hội KHKT Nhiệt Việt Nam tổ chức ngày 29/8/2017.

8. Phan Ngô Tống Hưng: Than Indonesia trong cân bằng năng lượng Việt Nam. Năng lượng Việt Nam online 13.35h ngày 23/8/2017.

9. Phan Ngô Tống Hưng: Thị trường than ASEAN và những rủi ro của Việt Nam. Năng lượng Việt Nam online 7.3h ngày 18/8/2017.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động