RSS Feed for Hiện trạng ngành năng lượng Úc và kinh nghiệm cho Việt Nam [Kỳ 2] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 13:02
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiện trạng ngành năng lượng Úc và kinh nghiệm cho Việt Nam [Kỳ 2]

 - Như Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã đề cập trong kỳ trước, trong hơn một thập kỷ vừa qua, nước Úc đã thông qua một chính sách làm tăng mạnh chi phí năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Chính sách đó đã phá hủy niềm tin của các nhà đầu tư, làm cho họ trở nên ngại ngần phải cam kết thực hiện các dự án không được hưởng lợi từ những khoản hỗ trợ khuyến khích của chính phủ, những khoản hỗ trợ này xét cho cùng do chính người tiêu dùng phải trả. Tác động tiêu cực đến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng dễ nhận thấy nhất chính là việc làm và các nguồn vốn đầu tư đã bị chuyển dần ra nước ngoài... Dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu xem vì sao thị trường năng lượng Úc đang thất bại? Và đâu là nguyên tắc để đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng tin cậy, với giá cả phù hợp trong tương lai?...

Hiện trạng ngành năng lượng Úc và kinh nghiệm cho Việt Nam [Kỳ 1]

KỲ 2: VÌ SAO THẤT BẠI VÀ CON ĐƯỜNG NÀO CHO THỊ TRƯỚC NĂNG LƯỢNG ÚC?

Thị trường năng lượng Úc đang thất bại

Cung cấp điện, khí đốt không đảm bảo nhu cầu phụ tải đỉnh và không được giao dịch với mức giá rẻ nhất có thể. Hơn nữa, thị trường đang không mang lại những lợi ích về môi trường dự kiến ​​trong các hiệp định quốc tế một cách có hiệu quả về mặt chi phí.

Các doanh nghiệp và người tiêu dùng đang chịu áp lực không thể chấp nhận, với giá điện dân dụng tăng 63% (chưa tính đến lạm phát) kể từ 2007-2008.

Độ tin cậy của nguồn cung đang bị đe dọa bởi nhu cầu phụ tải đỉnh tăng cao, các nhà máy phát điện phụ tải nền ngừng hoạt động và sự khan hiếm của nguồn khí khả dụng.

Không rõ khi nào cân bằng cung cầu sẽ bị phá vỡ vì sự bất cẩn về chính sách đã làm giảm sự tự tin của nhà đầu tư. Trong 10 năm tới, sẽ có nguy cơ độ tin cậy cung cấp điện giảm sút, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và trong trường hợp có sự cố trên lưới điện, hoặc trong các nhà máy.

Lựa chọn kịch bản: "Chi phí cao", hoặc "chi phí thấp"

Để giải quyết những thách thức này sẽ đòi hỏi một sự lựa chọn thực tiễn giữa hai kịch bản: chi phí cao và chi phí thấp.

1/ Kịch bản "chi phí cao" được đặc trưng bởi:

Thứ nhất: Các mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng khiến giá điện tăng, độ tin cậy cung cấp điện giảm, doanh nghiệp đóng cửa và người tiêu dùng phải đấu tranh.

Thứ hai: Các mục tiêu chính trị đảng phái ngắn hạn và lợi ích nhóm làm gia tăng tính không chắc chắn/bất định trong đầu tư.

Thứ ba: Sự phụ thuộc nặng nề vào trợ cấp để đạt được mục tiêu chính trị, làm giảm năng suất, khuyến khích "các thủ đoạn" (Gaming), làm gián đoạn nguồn cung và dẫn đến giá năng lượng không cạnh tranh trên bình diện quốc tế.

Thứ tư: Kịch bản này mang lại lợi ích cho các đơn vị tham gia thị trường năng lượng, nhưng bất lợi đối với người tiêu dùng.

2/ Kịch bản "chi phí thấp" được đặc trưng bởi:

Thứ nhất: Thuận theo các nguyên lý vật lý, kỹ thuật và kinh tế để tạo ra các kết quả tốt nhất.

Thứ hai: Một chính sách trung lập về mặt công nghệ.

Thứ ba: Một thị trường năng lượng dựa trên các nguyên tắc đảm bảo rằng, lợi ích lâu dài của người tiêu dùng là được sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.

Thứ tư: Mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, tạo ra thị trường cạnh tranh cho những đơn vị tham gia thị trường.

Các kết quả cần tìm kiếm để đạt được

Khả năng chi trả và độ tin cậy là điều tối quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích lâu dài của người tiêu dùng. Những mục tiêu này phải được ưu tiên hơn các mục tiêu chính sách khác.

Thị trường năng lượng nên được kiến tạo để mang lại lợi ích cho khách hàng, chứ không phải là các nhà bán lẻ năng lượng, máy phát điện, hoặc những doanh nghiệp được nhận hỗ trợ xanh (green subsidies).

Thị trường phải ổn định và cạnh tranh để đưa ra lợi thế đầu tư cho việc nâng công suất, tạo ra dự phòng nguồn cung và giảm giá bán buôn.

Mục tiêu chính sách về năng lượng và khí hậu cần đạt được thông qua thị trường, chứ không phải ngoài thị trường. Nó phải được thực hiện thông qua hệ thống hợp đồng, áp lực cạnh tranh và thay đổi chi phí công nghệ hơn là các cơ chế phức tạp được áp đặt từ bên ngoài.

Sự méo mó do sự can thiệp vào thị trường điện quốc gia phải chấm dứt. Cần phải thừa nhận rằng, trình độ điều tiết kém sẽ làm tăng chi phí. Chi phí cuối cùng sẽ đánh vào các hộ kinh doanh, doanh nghiệp và người tiêu dùng do giá cả tăng cao, mất tiện nghi, mất lợi thế và mất việc làm.

Về mặt quản trị: Tình trạng hiện tại của thị trường năng lượng quốc gia là kết quả của các đánh giá sai lệch chính sách nghiêm trọng kết hợp với quản trị kém.

Cơ quan ra quyết định tối cao - Hội đồng Năng lượng Úc, đã không nhìn thấy cuộc khủng hoảng đang phát triển và do đó không thực hiện hành động/biện pháp để chuẩn bị cho nó. Hội đồng đã cho phép mình trở thành chủ thể của lợi ích nhóm làm giảm lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, phải kết luận rằng, cơ cấu quản trị hiện nay, dựa vào chia sẻ trách nhiệm giữa các bang, vùng lãnh thổ và khối thịnh vượng chung, nên được duy trì, và được cải thiện nhờ các trách nhiệm của cơ quan Bảo đảm Năng lượng Quốc gia (NEG). Hội đồng An ninh Năng lượng mới sẽ hỗ trợ bằng cách cung cấp tư vấn và chuyên môn độc lập. Điều đó cũng có nghĩa rằng, Hội đồng Năng lượng và các cơ quan khác cần tập trung vào nghĩa vụ của họ.

Cụ thể, họ cần phải nâng cao chất lượng báo cáo chiến lược và tập trung vào nhiệm vụ điều hành thị trường năng lượng chứ không phải là bị bóp méo bởi các mục tiêu chính sách khác. Nếu họ không làm như vậy, hậu quả cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ rất nghiêm trọng.

Nguyên tắc để đảm bảo cung cấp năng lượng tin cậy, giá cả phù hợp

Việc tìm kiếm các giải pháp hiệu quả phải bắt đầu bằng cách thừa nhận hai hạn chế sau đây.

Đầu tiên là sự hạn chế về mặt kiến thức. Dự báo về cung cấp điện và nhu cầu và kết quả tác động kinh tế chắc chắn là không chính xác tuyệt đối. Vì rằng, tốc độ thay đổi công nghệ và quỹ đạo của chi phí luôn không chắc chắn. Hành vi và sở thích của người tiêu dùng có thể thay đổi, và các yếu tố bên ngoài nền kinh tế của Úc có thể có những tác động bất ngờ và không lường trước được.

Thứ hai, phải thừa nhận những hạn chế của chính phủ. Những thất bại thị trường phần lớn, nếu không phải là hoàn toàn, là do chính phủ, cần phải ngăn ngừa khả năng xảy ra những sai lầm tiếp theo và sửa chữa những sai lầm đã mắc phải.

Do đó, các nguyên tắc hợp lý, chứ không phải là các giả định cả tin, sẽ là định hướng tốt nhất cho một chiến lược dài hạn với mục tiêu cung cấp năng lượng tin cậy với giá cả có thể chấp nhận được.

Sáu nguyên tắc được đề nghị áp dụng cho chính sách năng lượng như sau:

Thứ nhất: Tôn trọng các trở ngại vật lý của hệ thống năng lượng.

1/ Các hệ thống điện phải đảm bảo cân bằng cung với nhu cầu ở mức +/-1% trong từng giây của từng ngày trong từng năm.

2/ Một hỗn hợp các công nghệ phát điện đa dạng, chấp nhận những điểm mạnh và điểm yếu của mỗi công nghệ là cách an toàn nhất để đạt được điều này.

3/ Tiêu chuẩn về độ tin cậy của hệ thống là 99,998%, tiêu chuẩn đã được đáp ứng trước khi có sự cố mất điện toàn bang Nam Úc (South Australia) năm 2016.

Thứ hai: Áp dụng lý thuyết kinh tế để đạt được hiệu quả thị trường.

1/ Các can thiệp của chính phủ làm biến dạng thị trường và hầu như luôn luôn mang lại những hậu quả không mong đợi.

2/ An toàn, độ tin cậy và tính bền vững môi trường không phải là miễn phí. Chúng làm tăng chi phí hệ thống và chi phí kinh tế. Do đó cần cẩn trọng cân nhắc trong việc đánh đổi giữa chúng để đảm bảo đạt được sự hợp lý nhất.

3/ Thị trường cạnh tranh đòi hỏi những đối thủ cạnh tranh phải thực sự cạnh tranh. Các thị trường non yếu sẽ thúc đẩy sự can thiệp của chính phủ nhiều hơn.

Thứ ba: Độ tin cậy của lưới điện và khả năng chi trả của hộ gia đình, doanh nghiệp.

1/ Nếu cái gì đó không bền vững về mặt kinh tế, nó sẽ không bền vững.

2/ Độ tin cậy, giá cả phải chăng và năng lượng bền vững là những mục tiêu xung đột lẫn nhau. Luôn có sự hi sinh điều này để đạt được điều kia.

3/ Việc cố gắng đạt được tất cả ba mục tiêu đồng thời, hoặc từ chối sự cần thiết phải đánh đổi, đều sẽ dẫn đến không đạt được bất cứ điều gì trong số đó.

Thứ tư: Công nghệ trung lập.

1/ Chính sách năng lượng công bằng là chính sách không ưu tiên cho một công nghệ nào.

2/ Các gói hỗ trợ sẽ bóp méo thị trường dẫn đến hậu quả không mong muốn, tăng giá điện và áp đặt chi phí kinh tế lớn hơn cho nền kinh tế.

3/ Chính sách trung lập về công nghệ sẽ đạt được kết quả tốt nhất cho nền kinh tế.

Thứ năm: Thực hiện thực sự và trung thực các mục tiêu về biến đổi khí hậu.

1/ Sự đánh đổi giữa giảm phát thải, độ tin cậy và giảm chi phí phải được minh bạch.

2/ Các chi phí của chính sách để đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu phải được tính toán đầy đủ. Các giả định về lợi ích nên được kiểm tra nghiêm ngặt.

3/ Các nguồn hỗ trợ cần phải được điều chỉnh kịp thời khi chi phí công nghệ giảm.

Thứ sáu: Tránh rủi ro chủ quyền.

1/ Chính sách phải được xây dựng và thực hiện theo cách không tạo ra rủi ro chủ quyền/nợ quốc gia.

2/ Các nhà đầu tư hiện tại không nên bị rơi vào thế bất lợi bởi các chính sách mới.

3/ Rủi ro chủ quyền ngăn cản đầu tư cần thiết để giảm giá bán buôn.

(Đón đọc kỳ tới...)

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.aemo.com.au/Electricity/National-Electricity-Market-NEM/Planning-and-forecasting/Generation-information.

2. Power off power on: Rebooting the national energy market. The Shepherd Review, Dec. 2017 (Báo cáo của MENZIES Research Centre).

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động