RSS Feed for Việt Nam hội đủ các yếu tố để phát triển thành công điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 22/01/2025 23:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam hội đủ các yếu tố để phát triển thành công điện hạt nhân

 - Xoay quanh các vấn đề: từ kinh nghiệm xây dựng, đến các thiết bị, công nghệ, an toàn hạt nhân, suất đầu tư, đào tạo nhân lực, kinh nghiệm truyền thông, vận động cộng đồng... Tòa soạn Năng lượng Việt Nam/ NangluongVietnam.vn đã có các cuộc phỏng vấn với hai chuyên gia đầu ngành về điện hạt nhân Nga là ông Sergey Kondratyev - Trưởng bộ môn Khoa Kinh tế - Viện Sáng lập Quỹ Năng lượng - Tài chính và ông Valeriy Kedrov - Phó kỹ sư trưởng của Viện Nghiên cứu Khoa học - Thiết kế Atomenergoproekt tại Saint Peterburg (SPbAEP) thuộc Viện OAO Golovnoy VNIPIET (Viện nghiên cứu Khoa học - Thiết kế công nghệ Năng lượng hàng đầu Đông Âu).

>> Nga sẽ giao công nghệ điện hạt nhân an toàn nhất cho Việt Nam
>> Rosatom hỗ trợ kiến thức cho sinh viên ngành điện hạt nhân Việt Nam
>> Chuẩn bị phương án công nghệ cho dự án ĐHN Ninh Thuận 1
>> Ký ghi nhớ cung cấp dịch vụ tài chính cho điện hạt nhân Ninh Thuận 1

"Việt Nam có tất cả các khả năng để phát triển thành công năng lượng điện hạt nhân. Điều đó sẽ tạo điều kiện để Việt Nam củng cố nền tảng công nghiệp của quốc gia, giúp giảm chi phí trong dài hạn cho các doanh nghiệp sản xuất và người dân khi sử dụng các nguồn năng lượng khác", ông Sergey Kondratyev.

Việt Nam có tất cả các khả năng phát triển thành công năng lượng điện hạt nhân

PV: Theo ông, một quốc gia có trình độ phát triển ở mức nào (ví dụ như: GDP, công nghiệp, văn hóa công nghiệp vv...) thì phát triển điện hạt nhân thích hợp?

Ông Sergey Kondratyev: Thực tế cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã theo đuổi một chính sách công nghiệp tập trung hơn 40 năm qua. Nếu xét ở cấp độ văn hóa công nghiệp và giá trị định lượng của các chỉ số kinh tế vĩ mô tại Việt Nam hiện nay thì điều kiện để phát triển năng lượng hạt nhân của các bạn đang cao hơn so với giai đoạn đầu phát triển hạt nhân năng lượng ở Hàn Quốc và Pakistan (nơi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng lại vào năm 1971).

Vì vậy, theo tôi, Việt Nam có tất cả các khả năng để phát triển thành công năng lượng điện hạt nhân. Điều đó sẽ tạo điều kiện để Việt Nam củng cố nền tảng công nghiệp của quốc gia, giúp giảm chi phí trong dài hạn cho các doanh nghiệp sản xuất và người dân khi sử dụng các nguồn năng lượng khác.

PV: Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của Nga trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và nhà máy điện hạt nhân mới nhất?

Ông Sergey Kondratyev: Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên (NMĐHN) của Nga được đưa vào hoạt động từ đầu năm 1954. Sau hơn 40 năm, nhà máy này đã ngừng hoạt động vào năm 2002. Vì vậy, Nga có kinh nghiệm độc đáo trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và cũng là quốc gia tiên phong trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình.

Hơn 60 năm qua, ngành công nghiệp hạt nhân của Nga đã đi một chặng đường dài. Từ tổ máy phát điện đầu tiên của NMĐHN Obninsk, với công suất 5 MW được xây dựng vào năm 1954, tới dự án VVER- TOI với công suất 1.250 MW, đáp ứng được tất cả các yêu cầu về độ tin cậy và an toàn hiện đại. Sự phát triển của công nghệ lò phản ứng nơtron nhanh là một dự án khác hết sức quan trọng. Về lĩnh vực xây dựng các tổ máy sản xuất điện công nghiệp ứng dụng công nghệ này, hiện nay Nga là quốc gia dẫn đầu thế giới, tổ máy phát điện BN- 600 (với công suất 600 MW) đang hoạt động tại NMĐHN Beloyarsk và một lò BN- 800 khác có công suất lớn hơn (với công suất 800 MW) đang được xây dựng.

Cần lưu ý rằng, các lò phản ứng dựa trên các nơtron nhiệt là một lĩnh vực khác mà Nga đang giữ vị thế hàng đầu thế giới. Ngoài ra, 8 tổ máy phát điện tại chỗ và 2 NMĐHN dạng nổi đang được xây dựng ở Nga. Bên cạnh đó, Tập đoàn Rosatom chiếm khoảng một phần tư thị trường xây dựng NMĐHN toàn cầu (các dự án Rosatom đã và đang thực hiện tại Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ…).

Công tác xây dựng các NMĐHN Kudankulam đã được triển khai ở bang Tamil Nadu miền Nam Ấn Độ. Đây là dự án có các đặc điểm và điều kiện tương tự như địa điểm được chọn để xây dựng NMĐHN tại Việt Nam (một trong những dự án mới nhất mà Nga đang thực hiện ở nước ngoài).

NMĐHN Kudankulam đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất về sự an toàn và độ tin cậy, chẳng hạn như sự cố xảy ra tại NMĐHN Fukushima không thể xảy ra tại NMĐHN Kudankulam, bởi hệ thống an toàn thụ động sẽ làm giảm nhiệt các lò phản ứng và đảm bảo dừng lò một cách an toàn.

Hơn nữa, Tập đoàn Rosatom liên tục nỗ lực cải tiến công nghệ cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của các lò sản xuất điện được thiết kế, độ tin cậy và an toàn hoạt động của các lò phản ứng. Hiện nay, Tập đoàn Rosatom một mặt đảm bảo tính kế thừa liên tục giữa các thế hệ lò phản ứng khác nhau, mặt khác có sự cải tiến mới nhất để đảm bảo sự an toàn và độ tin cậy tối đa của các tổ máy sản xuất điện mới.

Hơn 60 năm qua, ngành công nghiệp hạt nhân của Nga đã đi một chặng đường dài. Từ tổ máy phát điện đầu tiên của NMĐHN Obninsk, với công suất 5 MW được xây dựng vào năm 1954, tới dự án VVER- TOI với công suất 1.250 MW, đáp ứng được tất cả các yêu cầu về độ tin cậy và an toàn hiện đại.

PV: Việc phát triển thành công năng lượng nguyên tử rất cần sự đồng thuận từ đông đảo người dân, ông có thể cho biết điều này đã được thực hiện như thế nào tại Nga?

Ông Sergey Kondratyev: Kinh nghiệm từ Nga cho thấy, để nhận được sự đồng thuận từ người dân trong việc phát triển năng lượng nguyên tử là phải tiếp xúc với những người dân sống gần các cơ sở nguyên tử thường theo nhiều hướng khác nhau. Trước hết, tất cả các công dân quan tâm có thể tham quan các NMĐHN, xem cách thức sản suất năng lượng nguyên tử để hiểu tại sao sản xuất lại an toàn và mang lại hiệu quả kinh tế to lớn. Thứ hai, mọi người có thể theo dõi chế độ đang vận hành, môi trường/phông bức xạ gần các cơ sở nguyên tử và so sánh nó với môi trường/phông bức xạ tự nhiên. Bằng cách này để người dân có thể thấy hầu hết mức bức xạ tại các NMĐHN Nga thấp hơn so với mức bức xạ tự nhiên.

Cùng với đó, phải cho người dân hiểu năng lượng nguyên tử còn tạo ra một động lực kinh tế to lớn cho sự phát triển kinh tế của các vùng lân cận. Đơn cử như ở Nga (và không chỉ ở Nga) mức lương trong ngành năng lượng nguyên tử đang cao hơn từ 1,5 - 1,8 lần so với mức trung bình của các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Ngân sách địa phương cũng được gia tăng từ tiền thuế thu được tại các NMĐHN. Do đó, cơ sở hạ tầng xã hội cũng có điều kiện phát triển. Đây cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thái độ của người dân đối với năng lượng nguyên tử.

Ngoài ra, để xây dựng một cơ sở hạt nhân mới, ngoài hoàn tất các thủ tục pháp lý do cơ quan quản lý cấp phép thì cần thiết xem xét các ý kiến đóng góp từ người dân, thông qua các câu hỏi mà họ quan tâm. Nếu ý kiến của họ phản ánh tiêu cực thì sẽ không tiến hành xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

PV: Ông có những gợi ý gì cho Việt Nam trong việc tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích cũng như vấn đề an toàn điện hạt nhân hiện nay? Vấn đề này sẽ được Tập đoàn Rosatom được thực hiện như thế nào tại Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Sergey Kondratyev: Nga rất chú trọng đến sự an toàn của năng lượng nguyên tử. Trong 25 năm qua, kể từ khi sự cố tại NMĐHN Chernobyl, Nga đã thay đổi hoàn toàn các tiêu chuẩn và các quy định về sự an toàn của các cơ sở hạt nhân. Do đó, hiện nay nhiều thông số kỹ thuật về độ an toàn đã được quy định chặt chẽ hơn so với ở các nước khác. Tập đoàn Rosatom luôn quan tâm đến sự tiếp xúc với công chúng (đặc biệt tại những địa điểm đặt các cơ sở hạt nhân), cải thiện tính minh bạch và sự kiểm soát độc lập của ngành công nghiệp. Theo đó, trong 2 năm gần đây, năng lượng nguyên tử của Nga chưa từng ghi nhận bất kỳ sự cố đáng kể nào liên quan đến sự an toàn của các NMĐHN và việc tăng sản xuất điện tại các NMĐHN giúp tiết kiệm hàng triệu tấn nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính, nhờ đó cải thiện được tình hình môi trường.

Từ kinh nghiệm của Nga cho thấy, năng lượng nguyên tử là một nguồn năng lượng an toàn, hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường. Tôi tin tưởng Chính phủ Việt Nam luôn đặt mình trong mục tiêu chung là phát triển năng lượng nguyên tử vì hòa bình. Tập đoàn Rosatom có thể cung cấp các giải pháp hiện đại, an toàn và độc đáo cho Việt Nam từ khâu thiết kế các NMĐHN, đào tạo nhân lực cần thiết đến cung cấp nhiên liệu và xử lý nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng cũng như tiến hành nghiên cứu trong những lĩnh vực liên quan như: y học hạt nhân, kiểm soát không phá hủy, công nghệ hạt nhân trong nông nghiệp… để có thể tạo ra những nguồn lực mới cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Hiện nay, Tập đoàn Rosatom một mặt đảm bảo tính kế thừa liên tục giữa các thế hệ lò phản ứng khác nhau, mặt khác có sự cải tiến mới nhất để đảm bảo sự an toàn và độ tin cậy tối đa của các tổ máy sản xuất điện mới.

Việt Nam sở hữu một tiềm năng đ lớn trong lĩnh vực điện hạt nhân

PV: Được biết, Nga dự kiến sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 cho Việt Nam với phương án AES-91 của Viện nghiên cứu Khoa học thiết kế Công nghệ Năng lượng Nga, tương tự như công nghệ được sử dụng tại nhà máy ở Điền Loan, Giang Tây, Trung Quốc. Ông có thể cho biết, công nghệ sử dụng tại Việt Nam có gì tiến bộ hơn so với Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề an toàn?

Ông Valeriy Kedrov:  Đúng vậy, phương án AES -91 mà chúng tôi dự kiến sẽ áp dụng tại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại Việt Nam tương tự như phương án thuộc giai đoạn đầu tiên (tổ máy số  1 và 2) NMĐHN Điền Loan tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Có thể xem đó là "anh em sinh đôi". Tuy nhiên, như tất cả các "cặp song sinh" vẫn có sự khác biệt về "tính cách”.

Dự án thuộc giai đoạn đầu tiên NMĐHN Điền Loan được thực hiện theo nhiệm vụ kỹ thuật đối với các NMĐHN phù hợp với thời kỳ 1996-1997. Quá trình thiết kế và xây dựng NMĐHN Điền Loan, chúng tôi đã tích lũy được kinh nghiệm lớn và sau đó được áp dụng để phát triển các phiên bản hiện đại hơn.

Hiện nay, dự án AES -91 áp dụng cho thời điểm 1996-1997 tại Trung Quốc không được chúng tôi triển khai nữa. Mà phương án AES -91 ngày nay bao gồm các kinh nghiệm từ việc thiết kế, xây dựng, chạy thử và vận hành thuộc giai đoạn đầu tiên của NMĐHN Điền Loan, quá trình xây dựng nhà máy Leningrad AES- 2 (dự án AES- 2006) và những kinh nghiệm thu được từ sự cố tại NMĐHN Fukushima.

Sau những sự cố tại NMĐHN Fukushima, công cuộc hiện đại hóa đã được thực hiện ở tất cả các lĩnh vực khác để đảm bảo sự an toàn cho dự án AES -91, bao gồm các hệ thống di động được cung cấp bổ sung sao cho các hệ thống này hoàn toàn độc lập và tự xử lý. Trong trường hợp sự cố xảy ra,  các thiết bị vẫn đảm bảo cho NMĐHN chuyển sang trạng thái an toàn và có một khoảng thời gian đủ để khôi phục lại hệ thống NMĐHN hoạt động trở lại bình thường.

Ngoài ra, dự án AES -91 hiện nay có thể cung cấp rất nhiều sự lựa chọn theo hợp đồng như: Các hệ thống bổ sung cho việc xả khẩn cấp hỗn hợp khí hơi nước từ ngăn chứa lò phản ứng; Thực hiện hệ thống thụ động bổ sung mà không làm thay đổi cấu hình thiết kế ngăn chứa; Có tính đến các tác động bổ sung từ bên ngoài và các kết hợp khác như tai nạn máy bay, sóng thần, các vụ nổ, vận tốc gió, động đất…; Bảo đảm sự tự hoạt động của NMĐHN từ tác động của các nguồn bên ngoài (quá 24 giờ hoặc 72 giờ); Mức tự động hóa NMĐHN tăng lên, thực hiện các yếu tố đổi mới trong việc kiểm soát các hệ thống một cách an toàn và các hệ thống này đảm bảo NMĐHN hoạt động bình thường…

Dự án AES -91 của Rosatom dự kiến cung cấp tại Việt Nam hiện nay có thể được gọi một cách chính xác là: "Dự án AES-91/2014".

PV: Ông đánh giá thế nào về nguồn nhân lực điện hạt nhân của Việt Nam hiện tại? Chúng ta cần phải làm gì để đẩy nhanh công việc này?

Ông Valeriy Kedrov: Với tôi, thật khó để đánh giá một cách khách quan về nguồn nhân lực điện hạt nhân mà Việt Nam hiện có, nhưng tôi chắc chắn rằng, đất nước các bạn sở hữu một tiềm năng đủ lớn trong lĩnh vực này. Theo kinh nghiệm của tôi, trong những năm tới, Việt Nam sẽ khá khó khăn  vì NMĐHN đòi hỏi rất nhiều nhân lực được đào tạo tốt. Đây là lý do tại sao công tác đào tạo cán bộ nhân viên (kể cả cán bộ nghiên cứu không phải là người trực tiếp tham gia vào vận hành NMĐHN) tại các cơ sở giáo dục đại học của Nga sẽ là lựa chọn tối ưu.

Tuy nhiên, trên cơ sở phát huy được mối quan hệ truyền thống tốt đẹp trong lĩnh vực giáo dục đại học và khoa học giữa hai nước, đến lúc Việt Nam sẽ tự đào tạo các chuyên gia tại các cơ sở đào tạo của mình. Nhưng điều quan trọng nhất, phải hiểu rằng, ngành công nghiệp nguyên tử không chỉ bao gồm năng lượng nguyên tử. Việc đào tạo nhân lực làm việc tại NMĐHN không thể thực hiện được khi không có một trường đào tạo tốt trong lĩnh vực khoa học cơ bản, vật lý, toán học và khoa học kỹ thuật. Nói đúng hơn đó mới là điều quyết định sự thành công trong việc đào tạo người lao động có trình độ chuyên môn.

PV: Theo ông, các cơ sở pháp lí về điện hạt nhân của Việt Nam hiện nay đã đạt yêu cầu chưa? Theo kinh nghiệm của Nga cần cần bổ sung thêm những gì?

Ông Valeriy Kedrov: Điều quan trọng nhất là phát triển và áp dụng các chuẩn mực trong việc vận hành NMĐHN phải bao gồm cả các quy định về sự an toàn và độ tin cậy trong việc vận hành NMĐHN. Điều này cũng đòi hỏi một số thay đổi cụ thể đối với các quy định hoạt động trong hệ thống năng lượng Việt Nam (vì NMĐHN cần phải có một chương trình hoạt động ổn định). Chắc chắn, kinh nghiệm của Nga sẽ rất hữu ích cho Việt Nam. Nhưng cũng cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm vận hành NMĐHN tại Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc bởi vì điều kiện khí hậu tại Việt Nam khác với Nga.

Phương án AES -91 ngày nay bao gồm các kinh nghiệm từ việc thiết kế, xây dựng, chạy thử và vận hành thuộc giai đoạn đầu tiên của NMĐHN Điền Loan, quá trình xây dựng nhà máy Leningrad AES- 2 (dự án AES- 2006) và những kinh nghiệm thu được từ sự cố tại NMĐHN Fukushima.

PV: Ông có thể cho biết mức đầu tư cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 dự kiến khoảng bao nhiêu USD/ 1MW? Việt Nam có thể đóng góp gì để giảm chi phí đầu tư?

Ông Valeriy Kedrov: Hiện nay, mọi con số đưa ra của chuyên gia đều chỉ dừng lại ở ước tính sơ bộ, thậm chí các con số còn sẽ thay đổi trong quá trình xây dựng của dự án. Chi phí sẽ được xác định bởi toàn bộ các thông số phức hợp. Ngoài chi phí xây dựng nhà máy, còn bao gồm một số chi phí phát sinh như: công tác chuẩn bị kế hoạch phát điện và xây dựng cơ sở hạ tầng khác cần thiết cho công tác vận hành NMĐNHN.

Nếu đem so sánh giữa một nhà máy điện chạy bằng khí đốt và một NMĐHN, thì chi phí cho NMĐHN sẽ cao hơn. Tuy nhiên, sẽ là không chính xác nếu chỉ xét nguồn vốn đầu tư, bởi vì giá điện không chỉ được xác định do chi phí xây dựng (một NMĐHN sẽ hoạt động trong 60 năm, trong khi đó một đơn vị phát điện của một trạm khí đốt hoạt động nhiều nhất là từ 30 đến 35 năm), chi phí nhiên liệu và chi phí vận hành của nhà máy sản xuất điện bằng khí đốt thường cao hơn nhiều (đặc biệt là các nhà máy điện đốt than). Đối với một NMĐHN ở điều kiện Việt Nam, tổng chi phí sẽ thấp hơn nhiều so với một nhà máy điện đốt khí và một nhà máy điện đốt than.

Việt Nam có thể giảm chi phí xây dựng NMĐHN bằng một số biện pháp:

Thứ nhất, hiệu quả đầu tư đóng một vai trò quan trọng trong nền công nghiệp nguyên tử, khi khối lượng xây dựng tăng lên. Ví dụ, xây dựng 4 tổ máy sản xuất điện thay vì 2 tổ máy, chi phí cụ thể sẽ giảm bởi vì cơ sở hạ tầng chung xây dựng cho các tổ máy phát điện đầu tiên sẽ được sử dụng một phần.

Thứ hai, là nội địa hóa, đó là sự tham gia của các nhà thầu địa phương trong công tác xây dựng, lắp đặt và cung cấp các thiết bị phụ trợ. Tuy nhiên, để tuân thủ tất cả quy định về sự an toàn của cơ sở đang được xây dựng, các doanh nghiệp nội địa tham gia phải có sự chuẩn bị nhất định để có thể đáp ứng các yêu cầu của công nghệ nguyên tử và điều này tùy thuộc hoàn toàn vào Việt Nam.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

LÊ MỸ (thực hiện)/ NangluongVietnam.vn

(Cấm sao chép nội dung thông tin bài viết này dưới mọi hình thức, nếu chưa có sự chấp thuận của Tòa soạn Năng lượng Việt Nam bằng văn bản)

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Kịch bản về một cuộc chiến khủng khiếp nhất trong lịch sử
Triều Tiên "phá băng" mối quan hệ với Hoa Kỳ
Thông điệp của Tập Cận Bình vẫn là "giấc mơ Trung Quốc"
Suy ngẫm về thông điệp đầu năm của Thủ tướng

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động