Việt Nam cần tăng cường chính sách khuyến khích phát triển điện gió
17:05 | 25/11/2013
>> Liên hợp quốc kêu gọi phát triển năng lượng sạch
>> IEA dự báo năng lượng tái tạo sẽ phát triển nhanh trên toàn cầu
>> Tập đoàn Đức muốn đầu tư dự án điện gió ở Sóc Trăng
>> Điện gió Bạc Liêu cung cấp lên lưới điện Quốc gia 3 triệu kWh
Hội thảo “Phát triển năng lượng điện gió tại các nền kinh tế APEC” do Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) tổ chức sáng ngày 25/11, tại Hà Nội
NGUYỄN TÂM
Theo ông Heymi Bahar - Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), dự báo đến năm 2016 nhu cầu nguồn năng lượng tái chế sẽ vượt qua nguồn năng lượng truyền thống, trong đó, năng lượng gió sẽ chiếm tỷ trọng thứ hai sau thủy điện. Năm 2018, năng lượng gió sẽ tăng trưởng tương đương với năng lượng thủy điện và đến năm 2020, năng lượng gió sẽ đạt đạt mục tiêu mà IEA đề ra là chiếm 30% tổng các nguồn năng lượng.
Đại diện IEA cho biết, chính vì sự thay đổi nhanh chóng này mà hiện nay, các quốc gia trên thế giới bắt đầu tập trung phát triển năng lượng gió, với nhiều vấn đề được đặt ra như: nhu cầu phát triển điện gió; cần bao nhiêu tiền để đầu tư; vấn đề trợ cấp của chính phủ; công nghệ phát triển, phát triển năng lượng mới này có tạo ra nhiều công ăn việc làm… “Trả lời được các câu hỏi trên thì sẽ thấy, đây cũng chính là bối cảnh chung của toàn cầu. Tuy nhiên, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, do đang trong quá trình công nghiệp hóa nên nhu cầy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong đó năng lượng gió cũng sẽ cao hơn”, ông Heymi Bahar khẳng định.
Số liệu từ Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch - Viện Năng lượng Việt Nam cho biết, mục tiêu phát triển năng lượng gió đã được Chính phủ đưa vào Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, năng lượng gió tại Việt Nam sẽ chiếm 5,6% tổng lượng điện sản xuất trong nước, tương đương 1.000MW. Đến năm 2030 thì năng lượng gió chiếm khoảng 9,4% tương đương 6.200MW.
Hiện nay, với sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế từ các nước phát triển, Việt Nam đã lắp đặt thiết bị đo tốc độ gió, cũng như lập bản đồ tốc độ gió trên cả nước. Kết quả cho thấy, Việt Nam có tiềm năng phát triển gió rất cao. Cùng đó, nhu cầu về điện trong thời gian tới tại Việt Nam cũng rất cao, do đó, đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam có thể phát triển năng lượng gió để thay thế các nguồn năng lượng khác hiện có.
Đồng tình quan điểm, bà Phạm Quỳnh Mai - Vụ phó Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, việc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế vận hành trơn tru trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt, giá cả dao động bất ổn, bị trầm trọng thêm bởi khủng hoảng kinh tế và sự gián đoạn thương mại do các nguy cơ khủng bố, thiên tai thảm họa… trở thành nhu cầu và điều kiện quan trọng để duy trì sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió trở thành nguồn năng lượng thay thế tiềm năng, góp phần đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững cho các nền kinh tế.
Theo một số nghiên cứu gần đây, có thể sản xuất đủ năng lượng từ gió đáp ứng nhu cầu của thế giới về năng lượng. Hơn nữa, năng lượng gió cũng chứng tỏ một số thế mạnh so với các nguồn năng lượng truyền thống khác như: nguồn cung dồi dào, có thể tái tạo được, bền vững và thân thiện với môi trường, giá cả cạnh tranh nếu được sản xuất trên quy mô lớn.
Tuy nhiên, theo bà Mai, để hiện thực hóa đưa năng lượng gió vào sản xuất và sử dụng phổ biến trên quy mô rộng, vẫn còn rất nhiều thách thức cần được giải quyết thấu đáo. Năng lượng gió có đặc tính không ổn định, chỉ thích hợp phát triển ở những khu vực có nhiều đất rộng rãi, nhưng lại thưa người nên không đơn giản để áp dụng trên quy mô lớn. Chi phí đầu tư, duy trì, bảo dưỡng thường cao, trong khi chưa đảm bảo có thể cung cấp với số lượng lớn. Công nghệ sản xuất thường phức tạp, đòi hỏi đầu tư lớn, trong khi điều kiện về vốn, hỗ trợ tài chính chưa thực sự khuyến khích nhà đầu tư.
Ngoài ra, khó tiếp cận vốn vay, với mức lãi suất hợp lý; kinh nghiệm quản lý phát triển năng lượng gió còn hạn chế; Chính phủ vẫn đang trợ cấp giá than, điện; nhiều chồng chéo trong quy hoạch đất, quy trình thủ tục còn yếu kém chưa đồng bộ… cũng đang là thách thức để Việt Nam có thể phát triển nguồn năng lượng gió trong tương lai.
Theo các chuyên gia năng lượng, để giải quyết những thách thức nêu trên, các nền kinh tế APEC, trong đó có Việt Nam cần đóng vai trò chủ động nhằm đưa ra đường lối, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng gió nói riêng, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư vào năng lượng gió. Với quy mô khu vực và toàn cầu, các nền kinh tế APEC cần hợp tác chặt chẽ và cam kết mạnh mẽ hơn, nhằm phát triển năng lượng gió thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo thay thế hiệu quả, bền vững và ổn định.
NangluongVietnam.vn
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Ông Vũ Đức Đam và đường đến "Sao Mai chính trường"
Quốc tế bình luận về chuyến thăm Việt Nam của ông Putin
Trật tự quân sự châu Á-TBD và chính sách thực dụng của Mỹ
Những tướng bại trận dưới tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sự khác biệt giữa Cam Ranh và Subic tạo vị thế Việt Nam