RSS Feed for Trung Quốc trước sức ép thiếu hụt nguồn năng lượng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 17:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trung Quốc trước sức ép thiếu hụt nguồn năng lượng

 - Trung Quốc hiện đã vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới (với mức độ tiêu thụ gần 10 triệu thùng/ngày). Với tốc độ tiêu thụ năng lượng như vậy, Trung Quốc sẽ gặp phải những vấn đề an ninh năng lượng gì khi dân số sẽ tăng lên và nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước tăng cùng với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế?

 

TS PHẠM SỸ THÀNH

Trước nhu cầu tìm hiểu ngày càng nhiều hơn về nền kinh tế Trung Quốc với tư cách một lực lượng toàn cầu mới, đồng thời là một nước láng giềng có liên quan mật thiết đến quyền lợi và rủi ro kinh tế của Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES). Ngày 22.8.2012, VCES đã tổ chức hội thảo “Trung Quốc: những thách thức đối với mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay” tại Hà Nội.

Dưới đây là một phần tham luận liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc, do Giám đốc chương trình, TS Phạm Sỹ Thành trình bày.

 

Khai thác, sản xuất và tiêu thụ dầu của Trung Quốc (1965 - 2011).

Theo báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới 2030 của BP (1.2012), đến năm 2030, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Trong khi đó, theo đánh giá của cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra năm 2007, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới không lâu sau năm 2010.

Những đánh giá này hoàn toàn có cơ sở (dù thời gian để trở thành hiện thực có khác nhau) khi chúng ta theo dõi mức độ tăng chóng vánh về tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc, kể từ khi nước này tiến hành cải cách mở cửa năm 1978. So với các nước khác trong BRICS (tổ chức của các nước có nền kinh tế mới nổi), mức độ tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Trung Quốc đã tăng từ 522 triệu tấn dầu quy đổi (mtoe) (năm 1985) lên 2,61 tỉ tấn dầu quy đổi (năm 2011).

Theo báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới 2030 của BP (1.2012), đến năm 2030, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.

Trong khi quốc gia có quy mô dân số tương đương là Ấn Độ chỉ tiêu thụ hết 559 mtoe vào năm 2011 (tương đương mức tiêu thụ của Trung Quốc năm 1985). Trung Quốc hiện đã vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới (với mức độ tiêu thụ gần 10 triệu thùng/ngày). Với tốc độ tiêu thụ năng lượng như vậy, Trung Quốc sẽ gặp phải những vấn đề an ninh năng lượng gì khi dân số sẽ tăng lên và nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong nước tăng cùng với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế?

Thách thức đầu tiên đối với Trung Quốc trong việc đảm bảo an ninh năng lượng là phải cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Cường độ sử dụng năng lượng (Energy Intensity - EI) được sử dụng để đánh giá mức độ sử dụng năng lượng có hiệu quả hay không. Số liệu về EI cho thấy, năm 2010, để có được 1 tỉ USD GDP, Trung Quốc phải tiêu hao 204 triệu tấn dầu, trong khi Ấn Độ và Brazil chỉ tiêu hao hết 117 triệu tấn, còn mức trung bình của thế giới là 129 triệu tấn. Điều này có nghĩa là Trung Quốc tiêu thụ năng lượng lãng phí gần gấp đôi so với hai nước trên, và cao hơn 30% so với mức trung bình của thế giới.

Tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng than đá và trở thành quốc gia nhập siêu than sẽ làm tăng thêm những khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề môi trường. Là quốc gia có trữ lượng than đá lớn thứ ba trên thế giới (với trữ lượng đã xác định của năm 2011 là 114,5 tỉ tấn), than đá là dạng năng lượng sơ cấp được tiêu thụ mạnh nhất ở Trung Quốc với 1,84 tỉ tấn vào năm 2011 (tương đương 70% tổng mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp trong nước).

Trung Quốc hiện là nước xuất siêu than nhưng tình hình sẽ thay đổi khiến nước này phải nhập siêu than vào năm 2030. Nguyên nhân là do vì than đá là năng lượng sơ cấp chủ yếu được dùng để sản xuất điện năng. Đặc biệt, khi giá dầu và gas thế giới tăng mạnh từ năm 2000 đến nay, cùng với kỹ thuật khai thác than được cải thiện đã làm tăng sản lượng khai thác. Trong khi đó, điện hạt nhân và thuỷ điện chiếm chưa đầy 8% tổng mức sản xuất năng lượng sơ cấp tại Trung Quốc. Nguyên nhân thứ hai là kết cấu tiêu thụ năng lượng của một quốc gia thường ổn định trong một thời gian dài. Như vậy, đến năm 2030, tiêu thụ than đá vẫn chiếm tỷ trọng 55% - 65% tổng mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Trung Quốc. Do tiêu thụ than đá tiếp tục tăng mạnh trong tương lai, ước tính đến 2030, mỗi năm Trung Quốc sẽ thải ra 12 tỉ tấn CO2.

Thiếu hụt dầu mỏ của Trung Quốc trong tương lai sẽ trở nên trầm trọng hơn và mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài sẽ tăng mạnh. Năm 1993 là năm trung quốc chính thức nhập siêu về dầu mỏ. Kể từ đó đến nay, mức độ mất cân bằng giữa cung (supply) và cầu (demand) về dầu của Trung Quốc ngày càng bị nới rộng (biểu đồ).

Năm 2011, sản lượng khai thác dầu của Trung Quốc là 4,09 triệu thùng/ngày trong khi mức tiêu thụ là 9,76 triệu thùng/ngày. Điều đó khiến Trung Quốc mỗi ngày phải nhập khẩu khoảng 5,7 triệu thùng. Theo ước lượng, đến năm 2030, mỗi ngày Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu 12,6 triệu thùng. Ước lượng về lượng dầu nhập khẩu năm 2030 của BP (1.2012) là 8 triệu thùng/ngày, của IEA (2007) là 13 triệu thùng/ngày. Với việc phải nhập khẩu dầu từ bên ngoài ngày càng nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, thì mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ (tính bằng tỉ trọng dầu nhập khẩu trên tổng mức tiêu thụ trong nước) của Trung Quốc đã tăng mạnh từ 6,7% (năm 1993), lên 55,2% (năm 2011), và có thể tăng lên 64,5% vào năm 2020.

Ngoài ra, việc phải nhập khẩu nhiều dầu mỏ hơn nữa cũng đặt kinh tế Trung Quốc trước nhiều khó khăn hơn. Trước hết, đó là việc phải chi tiêu cho nhập khẩu dầu nhiều hơn. Số liệu về tỷ trọng chi tiêu để nhập khẩu dầu mỏ/GDP của Trung Quốc đã tăng mạnh từ 1,55% GDP (năm 2000) lên 2,72% GDP (năm 2011); với giá trị nhập khẩu tăng từ 16,7 tỉ USD (2000) lên 196,6 tỉ USD (năm 2011) do (i) giá dầu biến động mạnh (tăng 65 USD) và (ii) lượng nhập khẩu tăng. Tiếp theo, việc tiêu thụ dầu mỏ nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chịu tác động mạnh hơn khi giá dầu tăng cao. Tính toán của IMF (năm 2000) cho thấy, giá dầu thô tăng 5 USD/thùng, sẽ làm GDP thực tế của nước đang phát triển và nhập siêu dầu thô suy giảm 0,3%.

Phụ thuộc vào nguồn cung dầu từ Trung Đông đã làm gia tăng các rủi ro. Năm 2011, Trung Quốc nhập khẩu từ Trung Đông 137,8 triệu tấn dầu (xấp xỉ 980 triệu thùng), chiếm 42% lượng dầu nhập khẩu từ bên ngoài. Số liệu thống kê cho thấy, trong các năm trước gần 50% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ các nước Trung Đông - nhiều thứ hai trên thế giới chỉ sau Nhật Bản, trong khi tỷ trọng này của Mỹ chỉ có khoảng 12 - 15%. Điều này khiến việc đảm bảo an ninh năng lượng dầu mỏ của Trung Quốc gặp phải thách thức lớn nếu khu vực Trung Đông xảy ra những bất ổn. Để hạn chế điều này, Trung Quốc đã chuyển hướng sang nhập khẩu dầu mỏ nhiều hơn từ Nga, vùng Trung Á, Nam Mỹ và Canada.

Nhìn chung, những thách thức đối với vấn đề an ninh năng lượng đòi hỏi Trung Quốc phải thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu bằng cách nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành công nghiệp trong GDP (ngành sử dụng đến 80% năng lượng cuối cùng ở Trung Quốc), nhằm giảm bớt mức độ tăng trưởng về sử dụng năng lượng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng phải đầu tư nhiều hơn nữa cho việc thay đổi công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tránh lãng phí, giảm ô nhiễm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần hình thành cơ chế hợp tác năng lượng ít gây xung đột với các quốc gia và khu vực khác, nhằm đạt được mục đích đa dạng hoá và ổn định.

 (Nguồn: SGTT)

 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động