Thủy điện Hố Hô trong lũ Hương Khê (Bài 2)
14:21 | 17/09/2017
Thủy điện Hố Hô trong lũ Hương Khê (Bài 1)
BÀI 2: YẾU TỐ ĐỊA HÌNH HƯƠNG KHÊ
Theo địa hình thì toàn huyện Hương Khê là một thung lũng lòng chảo hướng Đông Nam - Tây Bắc với một bên là dãy Trường Sơn (biên giới Lào - Việt) ở Tây Nam có những đỉnh núi cao 1100 - 1400m, phía Đông Bắc là dãy núi Trà Sơn có các đỉnh núi cao 300 - 400m, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Sông Ngàn Sâu chạy dọc theo thung lũng Hương Khê. Phía Bắc thung lũng là dải đồi thấp chắn ngang thuộc ranh giới hai huyện Hương Khê và Vũ Quang tạo nên một nút thắt cổ chai, sông Ngàn Sâu nhiều đoạn bị uốn khúc quanh co, làm giảm nhịp độ dòng chảy của nó xuống các huyện: Vũ Quang, Đức Thọ.
Xã Phương Mỹ là xã cuối của thung lũng Hương Khê nằm vào nút cổ chai này với địa hình một nửa là đồi, một nửa là địa hình thấp thường bị ngập lũ.
Khi bão, hay áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào khu vực Hương Khê - Hà Tĩnh, gặp phải dãy núi Trường Sơn cản lại tạo ra đới hội tụ dày đặc, gây ra các trận mưa lớn trong khu vực này. Khi mưa lớn xảy ra trên diện rộng, tất cả các nhánh sông suối trên địa bàn từ các nhánh sông suối từ Vườn Quốc gia Vũ Quang ở phía Bắc, các nhánh suối từ Khu bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ ở phía Đông, các nhánh suối biên giới Lào - Việt ở phía Tây và nhánh hồ Thủy điện Hố Hô ở phía Nam cùng đổ xuống thung lũng. Khi tất cả các nhánh suối đều đổ dồn về sông Ngàn Sâu cùng một thời điểm, thì mực nước dâng lên rất nhanh và tập trung dồn về Phương Mỹ sau đó thoát sang huyện Vũ Quang.
Vì vậy, Phương Mỹ luôn luôn có mực nước dâng cao nhất và kèm theo mức độ thiệt hại lớn nhất mỗi khi có lũ Hương Khê.
Từ các dữ liệu trên cho thấy, sự kết hợp giữa hai yếu tố địa hình và khí tượng thủy văn gây mưa lớn là nguyên nhân chính dẫn đến lũ ở Hương Khê.
Để hiểu rõ hơn bản chất của lũ Hương Khê và đánh giá mức độ ảnh hưởng của từng khu vực, từng diện tích trên địa bàn này đến độ cao mực nước lũ hàng năm, có thể phân tích hai yếu tố thu nước và thoát nước của các lưu vực phụ đổ sông Ngàn Sâu trên địa bàn Hương Khê mỗi khi mưa xuống.
Yếu tố thu nước: Các phụ Lưu vực sông Ngàn Sâu và vùng ảnh hưởng của nó đến lũ Hương Khê.
Toàn huyện Hương Khê thuộc lưu vực thu nước của sông Ngàn Sâu với tất cả các mạng sông suối nhỏ đều đổ về con sông này với một cửa thoát duy nhất tại xã Phương Mỹ để sang huyện Vũ Quang.
Dựa vào yếu tố địa hình và mạng lưới sông suối ở Hương Khê, và hệ thống các hồ chứa xung quanh có thể chia ra các diện tích lưu vực phụ thu nước đổ xuống thung lũng sông Ngàn Sâu. Từ đó tính ra lượng nước mưa đổ xuống lưu vực đó và đánh giá mức độ ảnh hưởng của từng lưu vực phụ đó qua lượng nước đến nước lũ sông Ngàn Sâu.
Bản đồ mô hình địa hình Hương khê, các lưu vực phụ và hướng các dòng chảy về sông Ngàn Sâu.
Màu đỏ: địa hình núi cao, màu vàng xanh lam địa hình đồi, màu xanh đậm là địa hình trũng.
Theo lịch sử lũ lụt, thì tất cả các trận lũ lớn ở Hương Khê đều liên quan đến các trận bão hoặc áp thấp nhiệt đới đem theo lượng mưa lớn từ biển vào.
Mức độ tàn phá của cơn lũ và độ cao mực nước dâng lên hoàn toàn phụ thuộc vào lượng mưa mà các cơn bão đem đến.
Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Liên hợp quốc (UNITAR), trận lũ tháng 10 năm 2010, trong 7 ngày (từ ngày 1 đến ngày 7) có lượng mưa ở Hương Khê nằm trong khoảng 500 - 625mm. (Xem bản đồ dưới)
Còn trận lũ tháng 10 năm 2016, theo ghi nhận của Tổ chức Khí tượng Liên hợp quốc (World Meteorlogy Organization - WMO) lượng mưa chỉ trong 4 ngày 13-16 ở Hà Tĩnh là 800mm, trong đó ngày 14-15 có lượng mưa lên tới 526mm.
Từ đó tính toán được lượng nước mưa rơi xuống diện tích các lưu vực trên Hương Khê qua số liệu trên như sau:
STT | Lưu vực | Diện tích (ha) | Lượng nước mưa trong trận lũ (1-7/10/2010 (625mm) M3 | Lượng nước mưa trong trận lũ năm 13-16/10/2016 (800mm) | Bao gồm các xã |
1 | Lv Thủy điện Hố Hô | 28,260 | 1,766,250,000 | 2,260,800,000 | Hương Liên, Hương Vĩnh, Hương Lâm |
2 | Lv Trung tâm Hương Khê | 22,510 | 1,406,875,000 | 1,800,800,000 | Thị trấn, Phương Điền, Phúc Đồng, Hương Long, Gia Phố |
3 | Lv Hòa Hải | 14,510 | 906,875,000 | 1,160,800,000 | Hòa Hải |
4 | Lưu vực Phú Gia | 18,290 | 1,143,125,000 | 1,463,200,000 | Phú Gia, Hương Bình |
5 | Lv Phương Mỹ | 8,960 | 560,000,000 | 716,800,000 | Phương Mỹ, Hà Linh |
6 | Lưu vực Phúc Trạch | 7,510 | 469,375,000 | 600,800,000 | Hương Xuân, Hương Trà, Phúc Trạch, Hương Đô |
7 | Lưu vực Lộc Yên | 20,220 | 1,263,750,000 | 1,617,600,000 | Lộc Yên, Hương Thủy, Hương Giang |
8 | Lưu vực Hương Trạch | 11,580 | 723,750,000 | 926,400,000 | Hương Trạch |
| Tổng lượng nước mưa (m3) |
| 8,240,000,000 | 10,547,200,000 |
|
Với tính toán như trên có thể thấy lượng nước mưa xuống Hương Khê của cơn lũ năm 2016 (trong 4 ngày) lớn hơn ~2.3 tỷ m3 so với lượng mưa của cơn lũ năm 2010 (trong 7 ngày).
Một phần lớn của lượng nước này được thấm xuống đất và phần còn lại chảy tràn qua hệ thống khe, suối và dồn về sông Ngàn Sâu.
Về diễn biến lượng mưa, theo số liệu WMO cho biết, ngày 14-15 lượng mưa tăng đột biến từ 118mm lên 526mm, nó đúng theo diễn biến thực tế mực nước tăng đột ngột chiều tối ngày 14 sang ngày 15, khiến nhiều người dân trở tay không kịp.
Do vậy, trận lũ năm 2016 lên cao hơn và đột ngột hơn năm 2010 hoàn toàn là do lượng mưa lớn hơn với cường độ mạnh hơn trong thời gian ngắn hơn.
Từ các số liệu tính toán về diện tích thu nước có thể đánh giá sự tác động của lượng nước các phụ lưu vực lên lũ Hương Khê như sau:
Phụ lưu Thủy điện Hố Hô: 21%.
Phụ lưu Hương Trạch: 9%.
Phụ lưu Phúc Trạch: 6%.
Phụ lưu Lộc Yên: 15%.
Phụ lưu Trung tâm Hương Khê: 17%.
Phụ lưu Hòa Hải: 11%.
Phụ lưu Phú Gia: 14%.
Phụ lưu Phương Mỹ - Hà Linh: 7%.
Trong giới hạn của bài viết, không có số liệu về thổ nhưỡng, thảm thực vật để đánh giá mức độ lưu giữ, thấm nước xuống đất, độ dốc địa hình ở từng lưu vực cũng như lượng mưa đo được từ mỗi khu vực trong mỗi trận lũ ở Hương Khê. Các con số trên đây là đánh giá để có góc nhìn sơ bộ mức độ ảnh hưởng của từng lưu vực lên độ dâng cao của mực nước lũ trên sông Ngàn Sâu. Từ đó xác định được lũ Hương Khê là tổng hợp các nguồn nước từ các lưu vực đổ về chứ không chỉ một mình lượng nước từ Hố Hô.
Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, đánh giá bằng cảm tính qua hình ảnh xả lũ của Thủy điện Hố Hô và Đập Đá Hàn ở xã Hòa Hải trong cùng một thời điểm ngày trong trận lũ tháng 10/2016 có thể thấy lượng nước xả lũ từ Đập Đá Hàn tương đương với lượng nước từ Thủy điện Hố Hô.
Thủy điện Hố Hô xả lũ ngày 14/10/2016.
Đập Thủy lợi Đá Hàn ở xã Hòa Hải xả lũ ngày 14/10/2016.
Hình 2. Bản đồ Hương Khê với mạng lưới sông suối, hồ thủy lợi, thủy điện và các lưu chảy về sông Ngàn Sâu.
Bản đồ lượng mưa cơn lũ tháng 10, 2010 ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Huế của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Liên hợp quốc (UNITAR).
Kỳ tới: Đập Thủy điện Hố Hô có lợi, hay có hại?
PHẠM HỒNG PHONG, HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo phòng chống lụt bão của Tỉnh Hà Tĩnh 2009,
Báo cáo phòng chống lụt bão của Tỉnh Hà Tĩnh 2010
Báo cáo nhanh Bão số 10 năm 2013
Kế hoạch phòng chống lụt bão Hà Tĩnh 2015
Kế hoạch phòng chống lụt bão Hà Tĩnh 2016-2020
http://floodlist.com/asia/vietnam-deadly-floods-october-2016
http://www.sonongnghiephatinh.gov.vn/category26/Phong-chong-lut-bao.htm
Tài liệu trên internet