RSS Feed for Từ COP26 đến COP29 - Những vấn đề chung toàn cầu và sự khác biệt giữa các quốc gia | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 28/01/2025 00:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Từ COP26 đến COP29 - Những vấn đề chung toàn cầu và sự khác biệt giữa các quốc gia

 - Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (sau này trở thành Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu) được tổ chức hàng năm, với hàng chục nghìn đại biểu tham dự. Việt Nam bắt đầu có cam kết mạnh mẽ từ COP26 tại Glasgow năm 2021. Tạp chí Năng lượng Việt Nam điểm lại diễn biến chính, kèm theo một số bình luận về các hội nghị (từ COP26 đến COP29) dưới đây để bạn đọc cùng tham khảo.
Vai trò điện hạt nhân trong ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu và các kiến nghị cho Việt Nam Vai trò điện hạt nhân trong ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu và các kiến nghị cho Việt Nam

Vấn đề khí nhà kính đã, đang và sẽ tiếp tục gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, biến đổi khí hậu là thách thức lớn của loài người. Tuy nhiên, đang và sẽ có nhiều giải pháp căn cơ (trong đó có giải pháp điện hạt nhân) để cứu hành tinh của chúng ta. Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có phản biện, kiến nghị dưới đây. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các cơ quan hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

Lộ trình Net zero của Việt Nam - Một số nghiên cứu và khuyến nghị từ quốc tế Lộ trình Net zero của Việt Nam - Một số nghiên cứu và khuyến nghị từ quốc tế

McKinsey - một trong ba công ty tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới (Big Three) của Hoa Kỳ vừa cập nhật báo cáo tựa đề “Hoạch định lộ trình hoàn thành mục tiêu phát thải Net zero cho Việt Nam” (Charting a path for Vietnam to achieve its Net-zero goals). Tạp chí Năng lượng Việt Nam tóm tắt các nghiên cứu và khuyến cáo chính của McKinsey liên quan đến lĩnh vực năng lượng để chúng ta tham khảo.

Hội nghị COP26 diễn ra tháng 11/2021 (tại Glasgow, Scotland, Anh) khi thế giới đang dần thoát ra khỏi đại dịch Covid-19. Sự kiện lớn nhất ở COP26 là việc các nước tuyên bố thời hạn đạt phát thải ròng khí nhà kính bằng không. Các nước đã phát triển tuyên bố thời hạn cụ thể là năm 2050 phải đạt phát thải ròng khí nhà kính bằng không. Còn các nước đang phát triển thì chọn thời gian khác nhau (năm 2060, hay 2070).

Cũng có một số nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam cam kết năm 2050 (với điều kiện phải được sự hỗ trợ của các nước đã phát triển). Một số nước chỉ cam kết phát thải ròng khí CO2 bằng không, chứ không phải tất cả khí nhà kính.

Thuật ngữ Net zero ra đời từ COP26 để chỉ việc phát thải ròng tất cả các chất khí nhà kính bằng không. Lý do các nước đã phát triển cam kết Net zero vào năm 2050 là do báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) chỉ ra muốn giữ được mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C như Hiệp định Paris năm 2015 thì toàn thế giới phải đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Thỏa thuận cuối cùng là Hiệp ước Khí hậu Glasgow đã trải qua những cuộc tranh cãi gay gắt buộc COP26 phải kéo dài thêm. Các nước đã phát triển cùng các đảo quốc đấu tranh đòi “từ bỏ than”, nhưng các nước đang phát triển do Trung Quốc và Ấn Độ dẫn đầu muốn thay bằng “giảm than”. Đã có những giọt nước mắt trong phòng họp, nhưng cuối cùng nhóm các nước “giảm than” đã thắng.

COP27 diễn ra tháng 11 năm 2022 (ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập). Lần này ít nguyên thủ tham gia hơn so với COP26, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đích thân đến dự, đọc diễn văn và cam kết đóng góp 100 triệu USD cùng các hành động chuyển dịch năng lượng trong nước Mỹ. COP27 đã thỏa thuận được về “Quỹ mất mát và thiệt hại”. Số tiền Mỹ cam kết 100 triệu USD đóng góp cho quỹ thật là nhỏ bé so với những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Hội nghị COP27 xem xét cam kết giảm phát thải tự nguyện (NDC) các nước đã nộp và nhận ra nếu làm theo đúng cam kết (một việc rất khó) thế giới sẽ chỉ giảm 5-10% phát thải vào năm 2030, trong khi để đạt 1,5 độ C thì cần giảm 30-45% phát thải khí nhà kính.

Tại COP27 không có cảnh tranh luận gay gắt, vì tuyên bố cuối cùng gần như copy của Hiệp ước Khí hậu Glasgow.

COP28 diễn ra tháng 12/2023 (tại Dubai, UAE) - một đất nước khai thác dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới. UAE đón tiếp đại biểu rất long trọng và tổ chức khai trương nhà máy điện mặt trời khổng lồ công suất 2 GW với giá điện rẻ bất ngờ để hy vọng mọi người quên là đất nước này đang có mức phát thải CO2/đầu người vào loại cao nhất thế giới (trên 20 tấn/đầu người/năm).

Thành tích lớn nhất tại COP28 là một nhóm nước sử dụng năng lượng hạt nhân, đứng đầu là Mỹ tuyên bố sẽ nâng công suất điện hạt nhân lên gấp 3 lần hiện nay vào năm 2050. Điều kỳ lạ là liên minh này không có Trung Quốc và Nga - hai nước đang xây nhiều nhà máy điện hạt nhân nhất (bằng toàn bộ phần còn lại của thế giới).

Cũng tại COP28, liên minh hơn 100 nước tuyên bố sẽ tăng gấp ba lần công suất điện năng lượng tái tạo vào năm 2030 so với 2023. Việt Nam cũng đưa ra Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) cho gói vốn có tên “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)”.

Quỹ mất mát và thiệt hại được thành lập và có ngay 100 triệu USD từ nước chủ nhà UAE. Quỹ thích ứng với biến đổi khí hậu cũng huy động được 187 triệu USD.

COP28 lại chứng kiến các cuộc tranh luận xuyên đêm về thỏa thuận cuối, gọi là Báo cáo kiểm kê toàn cầu (lần thứ nhất). Một số nước không đồng ý với câu “loại bỏ nhiên liệu hóa thạch” trong khi các nước đảo quốc nhỏ lại tiếp tục đề nghị nêu rõ “loại bỏ điện than”. Nhưng OPEC, Ấn Độ, Trung Quốc kiên quyết không chấp nhận “loại bỏ điện than”.

Văn bản được điều chỉnh lại để có những nhượng bộ: “Chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng theo cách có lý, có trình tự, công bằng, tăng tốc hành động trong thập kỷ này sao cho có thể đạt Net zero vào năm 2050 và phù hợp với khoa học”. Và điện than vẫn chỉ là “giảm sử dụng” chứ không “loại bỏ”.

Trong phiên họp cuối cùng, Chủ tịch COP28 - tiến sĩ Sultan Al Jaber tuyên bố: “Không có nước nào phản đối và thông qua dự thảo cuối”. Tất cả các đại biểu đều vỗ tay sung sướng, vì lần đầu tiên thế giới đồng thuận chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch.

COP29 được tổ chức tại Baku, Azerbaijan tháng 11/2024 với chủ đề chính là tài chính cho biến đổi khí hậu, với khẩu hiệu “Đoàn kết cho thế giới xanh”. Nhưng COP29 chưa khai mạc đã bị phủ bóng đen từ kết quả bầu cử ở Mỹ (ngày 5/11/2024). Cả thế giới biết Tổng thống đắc cử Donald Trump là người không tin vào biến đổi khí hậu và đã từng rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris ở nhiệm kỳ trước. Khả năng Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris lần nữa và từ bỏ hết các cam kết đóng góp cho các quỹ liên quan đến biến đổi khí hậu có thể xẩy ra.

Đoàn Việt Nam lần này khá khiêm tốn (khoảng 40 người) do một thứ trưởng dẫn đầu.

Tại COP29, có thêm 6 quốc gia tham gia vào nhóm điện hạt nhân, nâng nhóm này lên thành 31 nước, nhưng chưa thấy Việt Nam tỏ ý tham gia.

Ngay từ hôm khai mạc, sau những lời lẽ đẹp đẽ của ông Mukhtar Babayev - Chủ tịch COP29 là bắt đầu tranh luận về chương trình nghị sự. Nhóm nước Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi đại diện cho các nước đang phát triển đã nêu yêu cầu phải đưa vào nghị trình việc các nước đã phát triển mượn cớ “biến đổi khí hậu” để đặt ra các rào cản thương mại. Cụ thể là CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) của EU. Nhóm nước đã phát triển phản đối gay gắt và yêu cầu đưa chủ đề đó sang hội nghị WTO.

Cuối cùng hai bên thỏa thuận không đưa chủ đề này ra các cuộc họp toàn thể, mà thảo luận ở nhóm. Đại biểu các nước đang phát triển đã tận dụng diễn đàn toàn thể để phê phán CBAM khi được phát biểu.

Phần nhàm chán nhất của COP29 là phát biểu của các nguyên thủ quốc gia. Tuy vậy, Tổng thống chủ nhà Ilham Aliev đã làm mọi người phấn khởi hẳn lên, khi nói: “Dầu khí là quà tặng của Thượng đế”. Ông Aliev cũng mượn diễn đàn để phê phán chế độ thuộc địa của Pháp làm cho Bộ trưởng Môi trường Pháp phải hủy chuyến đi sang Baku để phản đối.

Cảm nhận được bầu không khí ở Baku do tin bầu cử ở Mỹ, ông John Podesta - Đặc sứ về khí hậu của Tổng thống Joe Biden đã an ủi: “Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu lớn hơn rất nhiều so với một kỳ bầu cử ở Mỹ, hay một chu kỳ chính trị của một quốc gia”.

Hội nghị đã đạt được những thỏa thuận khá rõ ràng về chứng chỉ carbon và buôn bán hạn ngạch carbon với hy vọng mở ra thị trường trao đổi chứng chỉ carbon.

Tranh luận căng thẳng nhất là về tài chính khí hậu “Mục tiêu định lượng tập thể mới” viết tắt là NCQG. Ấn Độ đã đứng ra nói hộ các nước đang phát triển về những thất vọng - khi dự thảo ban đầu đưa ra 250 tỷ USD/năm cho đến 2030 và nguồn đó bao gồm cả tài chính của chính phủ, quốc tế, tư nhân, song phương, đa phương, so với nhu cầu của các nước đang phát triển được dự tính là 1.300 tỷ USD/năm.

Thực tế rất khó có thể dùng vốn tư nhân vào chuyển đổi năng lượng khi dự án không đem lại lợi nhuận. Trong khi đó, các nước đã phát triển cho rằng: Con số 250 tỷ hàng năm vào năm 2030 là quá nhiều, vượt khả năng của họ.

Hội nghị buộc phải thảo luận đến đêm 22/11 - dự tính là ngày kết thúc COP29. Sau khi không thể thống nhất được, chủ tọa đồng ý họp thêm một ngày nữa (23/11/2024). Trong dự thảo ngày 23/11 bản thỏa thuận đã đưa con số cao hơn 300 tỷ USD, nhưng lại kéo đến năm 2035. Hội nghị họp xuyên đêm đến sáng ngày 24/11 thì đành phải thông qua, vì “thà có thỏa thuận xấu, còn hơn không có thỏa thuận”.

Cuối cùng, gói thỏa thuận có tên “Hiệp định Đoàn kết Khí hậu Baku” được thông qua.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Ấn Độ - bà Chandni Raina đã nói: “Không thể chấp nhận thỏa thuận lần này, vì nó như một trò đùa, như một ‘ảo ảnh quang học’ với các nước đang phát triển. Các nước đã phát triển phải chịu trách nhiệm chính cho biến đổi khí hậu (nếu tính phát thải lịch sử). Do đó, các nước phát triển phải chi phần lớn tiền, nếu thực sự muốn ngăn chặn biến đổi khí hậu”. Đại biểu các nước đang phát triển đã vỗ tay rất lâu để ủng hộ ý kiến của Ấn Độ.

Hội nghị COP30 sẽ được tổ chức vào năm 2025 ở Brazil. Mỗi kỳ hội nghị, báo cáo của IPCC sẽ cho thấy khoảng cách giữa những gì “loài người đang làm” và “những gì loài người cần làm” để giữ được mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C như trong Hiệp định Paris 2015. Cho đến nay, khoảng cách ấy đang rộng ra, chứ không hẹp lại như các hội nghị COP mong muốn.

Với xu thế đó, tin xấu trước COP30 có thể sẽ là: Trái Đất đã nóng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp./.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động