RSS Feed for Vai trò ngành năng lượng trong việc kìm chân mức tăng nhiệt độ Trái đất (dưới 1,5 độ C) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 15/01/2025 12:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vai trò ngành năng lượng trong việc kìm chân mức tăng nhiệt độ Trái đất (dưới 1,5 độ C)

 - Hội nghị COP28 đưa ra mục tiêu kìm chân mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là cơ hội “cuối cùng” nhân loại phấn đấu thông qua nhiều giải pháp, trong đó có chiến lược chuyển đổi năng lượng xanh.
Điện hạt nhân - Nguồn làm mát biến đổi khí hậu, gợi ý cho trường hợp Việt Nam Điện hạt nhân - Nguồn làm mát biến đổi khí hậu, gợi ý cho trường hợp Việt Nam

Vấn đề khí nhà kính đã, đang và sẽ tiếp tục gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, biến đổi khí hậu - là thách thức lớn của loài người. Các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng nhiều và dữ dội (từ bão tố, lũ lụt, đến nắng nóng, hạn hán, băng tan nhanh, hệ sinh thái bị huỷ hoại nhiều nơi trên toàn cầu). Tuy nhiên, đang và sẽ có nhiều giải pháp căn cơ để cứu hành tinh và nhân loại. Tổng hợp, phân tích và đề xuất, kiến nghị của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Thực trạng triển khai kế hoạch thực hiện cam kết Net zero của Việt Nam và các kiến nghị Thực trạng triển khai kế hoạch thực hiện cam kết Net zero của Việt Nam và các kiến nghị

Những cam kết, hành động khí hậu đều là những nỗ lực của Việt Nam hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững. Đề cập về vấn đề này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin giới thiệu bài viết của Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) dưới đây để bạn đọc tham khảo.

Khủng hoảng khí hậu ngày càng tăng chứ không giảm:

Kể từ khi biến đổi khí hậu (BĐKH) trở thành mối quan tâm toàn cầu vào những năm 1970, các nhà khoa học đã cố gắng dự đoán tác động của các mức tăng nhiệt độ khác nhau. Đến năm 1990, khi Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) của Liên Hợp Quốc công bố đánh giá đầu tiên, các tác giả đã định nghĩa, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu là 2 độ C (so với mức tăng từ năm 1850 đến năm 1900) là “giới hạn cao mà nếu vượt quá, nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái và con người”.

Theo Báo cáo hiện trạng khí hậu 2024 (The 2024 state of the climate report: Perilous times on planet Earth) do NXB Đại học Oxford thay mặt Viện Khoa học Sinh học Hoa Kỳ công bố mới đây, thì loài người đang trên ở bờ vực của một thảm họa khí hậu không thể đảo ngược. Phần lớn cấu trúc của sự sống trên Trái đất đang bị đe dọa. Nói cách khác, chúng ta đang bước vào một giai đoạn khó lường của cuộc khủng hoảng khí hậu. Trong nửa thế kỷ trở lại đây, tình trạng nóng lên toàn cầu đã được dự đoán chính xác không chỉ bởi các nhà khoa học hàn lâm độc lập mà còn bởi các công ty nhiên liệu hóa thạch. Bất chấp những cảnh báo này, chúng ta vẫn đang đi sai hướng, lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.

Bằng chứng trong tháng 7 năm 2024 đã có tới 3 ngày nóng nhất. Loài người đang chứng kiến ​​thực tế nghiệt ngã của các dự báo khi tác động của khí hậu leo ​​thang, tạo ra những cảnh tượng thảm họa chưa từng có trên khắp mọi miền thế giới.

Cũng theo báo cáo của IPCC: Ngay cả khi các nước đạt được mục tiêu giảm phát thải thì thế giới vẫn có thể ấm lên thêm 2,7 độ C - tức là gần gấp 2 so với mục tiêu của Thỏa thuận Paris, giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C. Mỗi năm, các nhà khoa học theo dõi 35 dấu hiệu quan trọng nhất của sự biến đổi trên Trái đất (từ biển đến rừng). Năm nay, 25 trong số 35 dấu hiệu đó đã phá kỷ lục theo hướng tiêu cực.

Chúng ta vẫn chưa giải quyết vấn đề trọng tâm, đó là thường xuyên đốt nhiên liệu hóa thạch. Nồng độ các khí nhà kính trong khí quyển, nhất là methane và carbon dioxide, vẫn tiếp tục tăng. Tháng 9/2023, carbon dioxide trong khí quyển lên đến mức kỷ lục là 418 ppm, một năm sau, con số này tăng lên 422 ppm. Methane - một khí nhà kính có tiềm năng gây ấm lên toàn cầu rất cao, đang tăng với tốc độ báo động bất chấp các cam kết quốc tế nhằm hạn chế phát thải.

Phát thải tăng khiến nhiệt độ tăng, trong khi làm mát thì giảm. Các hạt sol khí lơ lửng trong khí quyển sinh ra từ tự nhiên và từ hoạt động của con người có lợi ích hạ nhiệt cho Trái đất thì nay đang suy giảm. Không có hiệu ứng làm mát này, tốc độ ấm lên toàn cầu tiếp tục tăng nhanh. Hiện nay các đặc điểm của sol khí vẫn chưa được giám sát đầy đủ.

Một vấn đề khác cũng góp phần làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu là nạn chặt phá rừng ở nhiều nơi. Ví dụ như vùng Amazon đang làm Trái đất mất dần khả năng hấp thụ carbon một cách tự nhiên. Carbon làm Trái đất ấm lên, ấm lên lại làm cây chết, cây chết khiến carbon không được hấp thụ… đó là một cái vòng luẩn quẩn.

Thêm vào đó, băng tan cũng là một thảm họa. Băng tan, hoặc không thể hình thành làm lộ ra thêm những diện tích nước biển sẫm màu. Băng phản xạ ánh sáng mặt trời còn nước biển lại hấp thụ ánh sáng đó. Càng tăng diện tích nước biển tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thì tốc độ ấm lên cũng tăng theo. Trong vài chục năm tới, mực nước biển dâng sẽ tiếp tục là mối đe dọa cho các cộng đồng sinh sống ven biển, đẩy hàng triệu người vào nguy cơ mất nơi sinh sống.

Sự khác biệt khi nhiệt độ Trái đất tăng nửa độ:

Theo đánh giá của IPCC: Nếu trái đất nóng thêm một nửa độ C là sẽ rất lớn nếu tăng tiếp lên 2 độ. Dưới đây là phân tích của IPCC về những khác biệt giữa 1,5˚ và 2˚C:

Hệ lụy

Khi nhiệt độ tăng 1,5˚C

Khi nhiệt độ tăng 2˚C

Mức chênh giữa 2 mức nhiệt độ

- Nhiệt độ cực cao theo tần suất 5 năm 1 lần

14%

27%

Tăng 2,6 lần

- Biển-Bắc Cực không băng: Số lượng mùa hè không băng

Ít nhất cứ 100 năm 1 lần

Ít nhất cứ 10 năm 1 lần

Tăng 10 lần

- Mực nước biển dâng vào năm 2100

0,40m

0,46m

Tăng thêm 0,06m

- Mất loài: Thực vật mất ít nhất một nửa

8%

16%

Tăng 2 lần

- Mất loài: Côn trùng mất ít nhất một nửa

6%

18%

Tăng 3 lần

- Hệ sinh thái: Diện tích đất trên hành tinh nơi hệ sinh thái sẽ chuyển thành quần thể sinh vật mới

7%

13%

Tăng 1,86 lần

-

4,8 triệu km2

6,6 triệu km2

Tăng 38 lần

- Năng suất cây trồng: Giảm sản lượng ngô thu hoạch ở vùng nhiệt đới

3%

7%

Tăng 2 ,3 lần

- Rạn san hô: Tiếp tục suy giảm

70-90%

99%

Tăng tới 29%

- Sự suy giảm trong nghề cá biển

1,5 triệu tấn

3 triệu tấn

Tăng 2 lần

Trái đất đã đạt ngưỡng nóng lên 1,5 độ chưa?

Câu trả lời rất phức tạp, có thể là có và không. Các nhà khoa học về khí hậu đồng ý hành tinh đã nóng lên ít nhất 1,1 độ C. Tuy nhiên, con số này hiện vẫn đang tranh luận.

Vì nhiệt độ tự nhiên dao động theo từng năm, nên IPCC không chỉ xem xét dữ liệu gần đây nhất để đưa ra đánh giá. Thay vào đó, IPCC tính toán nhiệt độ trung bình trong 20 năm qua. Một số nhà khoa học về khí hậu đề xuất một phương pháp tiếp cận mới, phương pháp này sẽ xem xét nhiệt độ chỉ trong 10 năm qua cộng với nhiệt độ dự kiến ​​trong thập kỷ tới, sau đó lấy mức bình quân. Điều này sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách đánh giá nhanh hơn liệu các nỗ lực chống phát thải hiện tại của họ có đạt yêu cầu hay không.

Chúng ta cũng phải xem xét bản chất chưa từng có của cuộc khủng hoảng khí hậu. Điều đó có nghĩa là vẫn còn rất nhiều điều mà các nhà khoa học chưa biết. Nhiệt độ đất liền và biển tăng đột biến vào năm 2023 đã vượt xa dự đoán của các mô hình khí hậu, cho thấy những khoảng cách còn tồn tại trong hiểu biết chung của chúng ta về cách tính khí gia tăng có thể ảnh hưởng đến các hệ thống phức tạp và các vòng phản hồi chi phối sự sống như chúng ta biết trên hành tinh này.

Mặc dù IPCC thừa nhận các công nghệ loại bỏ carbon có thể đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ lượng khí thải trong quá khứ khỏi khí quyển, nhưng việc làm như vậy sẽ không đột nhiên xóa bỏ các tác động đã có, đặc biệt là nếu các điểm tới hạn đã bị phá vỡ. Điều này đồng nghĩa việc đạt đến mức nóng lên 1,5 độ không giống như việc bật công tắc. Mỗi phần mười, hoặc phần trăm độ ấm lên mà chúng ta ngăn chặn sẽ tạo ra sự khác biệt - cứu vô số sinh mạng, duy trì hoạt động của các hệ sinh thái quan trọng, ngăn chặn sự tuyệt chủng và đảm bảo khả năng trồng trọt thực phẩm mà chúng ta cần.

Đối với nhiều cộng đồng, mỗi sự gia tăng nhỏ của sự nóng lên tránh được có thể tạo nên sự khác biệt giữa một cuộc đời phải di dời, hoặc khả năng thích nghi, duy trì các truyền thống văn hóa và ở lại quê hương bản quán. Vì vậy, các chiến lược thích ứng với khí hậu cũng sẽ đóng vai trò then chốt trong khả năng ứng phó với những thay đổi sắp tới của chúng ta.

Vai trò ngành năng lượng để duy trì ngưỡng nhiệt độ tăng 1,5˚C:

Để mục tiêu dài hạn 1,5 độ, hay mức 2˚C sẽ tránh được nhiều tác động thảm khốc từ biến đổi khí hậu. Các quốc gia cần cắt giảm đáng kể lượng khí thải vào năm 2030 để đưa chúng ta đi đúng hướng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào khoảng năm 2050. Tin tốt lành là chúng ta đã biết phải làm gì để đạt được mục tiêu đó. Con người phải nhanh chóng chuyển đổi nguồn điện để chạy bằng năng lượng sạch và cải tạo các tòa nhà để sử dụng ít năng lượng hơn. Chúng ta phải giảm nạn phá rừng và khôi phục các hệ sinh thái giúp hấp thụ carbon, cũng như làm vùng đệm cho bão. Chúng ta phải cắt giảm lượng khí thải mê-tan từ nông nghiệp và bãi chôn lấp. Đồng thời, phải chuẩn bị cho các kiểu thời tiết thay đổi mà chúng ta biết sắp xảy ra để giảm thiểu tác hại mà chúng sẽ gây ra. Và chúng ta phải chăm sóc hàng triệu người sẽ phải gánh chịu hậu quả của thời tiết khắc nghiệt, mực nước biển dâng, bất ổn chính trị và nỗi lo lắng, đau buồn về khí hậu sau đó.

Giảm việc sử dụng thường xuyên các nhiên liệu hóa thạch, có các biện pháp hạn chế đối với các nước giàu gây nhiều phát thải, thực hiện ngay và mạnh các chính sách ngăn chặn phát thải methane vì methane có tiềm năng ấm lên toàn cầu cao, nhưng thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn, nhanh chóng giảm phát thải methane sẽ nhanh chóng làm chậm tốc độ ấm lên.

Các giải pháp khí hậu tự nhiên như khôi phục rừng và cải tạo đất sẽ tăng hấp thụ, lưu giữ carbon trong rừng, đất, kết hợp với các biện pháp phòng cháy rừng, hạn hán ở những khu vực dễ xảy ra thiên tai, bởi trồng rừng mà để bị cháy thì không ích gì.

Các chính sách nghiêm ngặt hơn về sử dụng đất để giảm tốc độ khai hoang, tăng đầu tư vào quản lý rừng nhằm giảm nguy cơ cháy rừng nghiêm trọng trên diện rộng và khuyến khích sử dụng bền vững quỹ đất.

Chúng ta không được bỏ qua công lý khí hậu. Các nước kém phát triển hơn là những nước phát thải ít hơn, nhưng lại chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất do các tai họa khí hậu, vì vậy duy trì tính công bằng là rất quan trọng.

Các nước phát triển phải cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các nước kém hơn thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời với việc cắt giảm phát thải. Ví dụ như đầu tư vào năng lượng tái tạo, cải thiện cơ sở hạ tầng và tài trợ cho các chương trình chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thảm họa.

Đã quá muộn để ngăn biến đổi khí hậu không xảy ra, nhưng muộn vẫn còn hơn không. Tai họa này đang ngự trị và có thể sẽ diễn biến ngày một xấu nếu chúng ta không hành động. Bằng cách cắt giảm phát thải, thúc đẩy các giải pháp tự nhiên và hướng tới công bằng khí hậu, cộng đồng toàn cầu có thể chống lại viễn cảnh tương lai tồi tệ nhất của loài người.

Cam kết giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5 độ C cần được tôn trọng và thực hiện mạnh mẽ hơn. Nếu không, thế giới sẽ đối mặt với tình trạng nhiệt độ tăng khoảng 2,7 độ C ngay trong thế kỷ này./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Link tham khảo:

1. https://oeco.org.br/wp-content/uploads/2024/10/Ripple-et-al.-2024.pdf

2. https://www.nrdc.org/stories/15-degrees-global-warming-are-we-there-yet

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động