RSS Feed for Thị trường điện: Việt Nam có thể học gì từ nước Anh? (Kỳ 2) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 05/01/2025 12:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thị trường điện: Việt Nam có thể học gì từ nước Anh? (Kỳ 2)

 - Mô hình thị trường điện được gắn với Luật Điện năm 1989 của nước Anh đã hạn chế sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, cũng như giữa các công ty phân phối và sự độc quyền ban đầu là khá trầm trọng. Một số chuyên gia tin rằng, thị trường này đã tạo ra kẽ hở cho những lạm dụng xấu có ảnh hưởng đến thị trường điện, vì vai trò thực tế của phần lớn các công ty sản xuất trong việc hình thành giá điện công bằng là không đáng kể.


Thị trường điện: Việt Nam có thể học gì từ nước Anh? (Kỳ 1)




II. HOÀN THIỆN THỊ TRƯỜNG ĐIỆN

Các hộ tiêu dùng điện được phép tham gia thị trường bán buôn đã nhận được khả năng hoặc là tự mua điện (tức là trở thành thành viên của thị trường), hoặc mua điện qua một trong số các công ty bán điện. Trong khuôn khổ của thị trường đã diễn ra sự hình thành giá điện cho từng 30 phút của ngày tiếp theo, trên cơ sở của cơ chế cạnh tranh để chọn những giá điện chào bán rẻ nhất. Trên thị trường, các giao dịch mua bán điện được chia thành 48 phân đoạn “nửa giờ”.

Cơ quan Điều hành hệ thống (một chi nhánh của Công ty Lưới điện Quốc gia) dự báo nhu cầu điện cho từng 30 phút. Trước đó một ngày (24h), các công ty sản xuất điện đã phải đăng ký sản lượng điện mà họ dự kiến sẽ bán lên lưới (trên thị trường) với giá xác định và được phân ra từng phân đoạn 30 phút.

Cơ quan điều hành hệ thống sẽ xếp các đơn hàng chào bán theo thang giá từ rẻ nhất đến đắt nhất, đồng thời cũng tính được các công suất phát điện tối thiểu để đáp ứng nhu cầu đã được dự báo và lập biểu đồ điều độ hoạt động cho các nhà máy phát điện. Khí đó giá mua của thị trường đối với tất cả các nhà sản xuất sẽ là giá cao nhất được công ty sản xuất cuối cùng đề xuất để đáp ứng đơn vị nhu cầu cuối cùng.

Khi hình thành giá điện bán trên thị trường, ngoài giá mua vào của thị trường còn tính bổ sung thêm các chi phí liên quan đến giới hạn về năng lực của lưới cũng như chi phí của các dịch vụ bổ sung mà thị trường cung cấp cho các bên tham gia. Trong đó có chi phí duy trì công suất dự phòng của hệ thống, chi phí điều tần và điều áp, chi phí đảm bảo khả năng phục hồi của hệ thống điện sau các sự cố.

Để quản lý các rủi ro xuất hiện trong quá trình vận hành của thị trường điện, người ta đã tạo ra cho các bên tham gia khả năng ký kết các hợp đồng tài chính song phương. Giá của các hợp đồng này được cố định cho một khoảng thời gian nhất định (các hợp đồng phòng ngừa rủi ro - hedging contracts). Trên thực tế, có đến 85% sản lượng điện được cung cấp theo loại hợp đồng này, chỉ có 15% - theo các giá của thị trường giao ngay. 

III. ÁP DỤNG “TRÌNH TỰ KINH DOANH ĐIỆN NĂNG MỚI” - NETA

Sự kết thúc của thập niên 90 của thế kỷ XX được đánh dấu ở Vương quốc Anh bởi sự thay đổi trong cách tiếp cận hoạt động của thị trường điện bán buôn. Mô hình hoạt động mới của thị trường được củng cố bằng Luật Dịch vụ công (Utilities Act) được thông qua vào năm 2000. Trên cơ sở của Luật Dịch vụ công, Chính phủ đã ban hành Trình tự Kinh doanh Điện năng Mới (New Electricity Trading Arrangement - NETA).

Một trong những lý do chính cho những thay đổi trong chính sách của nhà nước liên quan đến ngành điện là sự linh hoạt thấp trong việc quản lý thị trường điện, điều này đã ngăn cản việc thực hiện những thay đổi cần thiết trong hoạt động của thị trường điện. Mô hình thị trường điện được gắn với Luật Điện năm 1989 của nước Anh đã hạn chế sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất, cũng như giữa các công ty phân phối và sự độc quyền ban đầu là khá trầm trọng. Một số chuyên gia tin rằng, thị trường này đã tạo ra kẽ hở cho những lạm dụng xấu có ảnh hưởng đến thị trường điện, vì vai trò thực tế của phần lớn các công ty sản xuất trong việc hình thành giá điện công bằng là không đáng kể.

Việc thông qua Trình tự Kinh doanh Điện năng Mới đã loại bỏ thông lệ định giá hiện có, trong đó các nhà sản xuất có bản chào giá đã được chấp nhận được phục vụ ở mức giá chào tối đa trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này đã tạo ra một động lực mạnh mẽ cho các nhà sản xuất lớn đưa ra mức giá tăng cao trong các bản chào của mình. Vì vậy, trong quá trình vận hành của thị trường, nhu cầu tham gia vào hình thành giá rất hạn chế. Điều này đã dẫn đến việc thiết lập giá công bằng chỉ dựa trên các bản chào của các công ty sản xuất.

Trong tình trạng như vậy, giá điện đã cao hơn so với các mức giá có cơ sở kinh tế.

Nguyên tắc chủ đạo trong Trình tự Kinh doanh Điện năng Mới NETA là: Tất cả những người muốn mua, hoặc muốn bán điện đều có quyền tham gia vào bất kỳ mối quan hệ hợp đồng nào với nhau.

Các hình thức kinh doanh điện mới dựa trên các hợp đồng mua - bán điện song phương và gồm:

1/ Hợp đồng ký trước và hợp đồng tương lai cho giai đoạn từ vài giờ đến vài năm.

2/ Các thỏa thuận trao đổi ngắn hạn cho phép các bên tham gia điều chỉnh các hợp đồng của mình phù hợp với thông tin hiện thời.

3/ Cơ chế cân bằng mà Cơ quan điều hành hệ thống chấp nhận các bản chào bán và chào mua điện năng trong thời gian thực để đảm bảo cân bằng cung - cầu.

4/ Các hợp đồng dịch vụ phụ trợ.

NETA là một cơ chế để tính toán các mất cân bằng. Khi thực hiện các tính toán này, lượng điện mua, hoặc bán theo hợp đồng được so sánh với kết quả kế toán thương mại về khối lượng sản xuất và tiêu thụ vật lý. Theo kết quả so sánh này, giá trị mất cân bằng được tính toán.

Ở Anh, do kết quả kết toán thương mại về sản xuất và tiêu dùng được xác định sau mỗi 30 phút, việc tính toán các mất cân bằng trong NETA cũng được thực hiện sau mỗi 30 phút. Ngoài việc tính toán các mất cân bằng, NETA còn cho phép vận hành một cơ chế hiệu chỉnh các mức mong muốn của sản xuất và nhu cầu trong chế độ thời gian thực. 

IV. XÁC LẬP LẠI VỊ THẾ VÀ CHỨC NĂNG CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ

Luật Điện năm 1989 đã củng cố các cơ sở cho những qui định của nhà nước trong lĩnh vực điện năng. Đặc biệt, Luật đã quy định rõ các nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp và Tổng Giám đốc về Cung cấp Năng lượng, gồm:

1/ Đảm bảo nhu cầu hợp lý của người tiêu dùng điện.

2/ Cung cấp cơ sở tài chính cho các hoạt động của các doanh nghiệp điện lực.

3/ Đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cạnh tranh trong các lĩnh vực sản xuất và cung cấp điện.

4/ Đảm bảo việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng điện liên quan đến giá điện và các điều kiện cung cấp điện khác.

5/ Đảm bảo cung cấp điện ổn định và liên tục.

6/ Đảm bảo chất lượng các dịch vụ được cung cấp bởi các tổ chức cung cấp năng lượng.

7/ Hỗ trợ tiết kiệm năng lượng, hiệu quả và kinh tế cho hoạt động của các tổ chức truyền tải năng lượng, cũng như tổ chức cung cấp năng lượng.

8/ Đảm bảo sự an toàn cho xã hội và bảo vệ xã hội khỏi những rủi ro phát sinh trong các hoạt động của các tổ chức sản xuất, truyền tải, cung cấp điện.

9/ Tính đến lợi ích của một số nhóm người tiêu dùng nhất định (ví dụ, ở khu vực nông thôn), người khuyết tật, hoặc người trong độ tuổi nghỉ hưu.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp, cũng như Cơ quan Điều tiết Điện lực có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người dùng điện có kết nối với mạng lưới phân phối bằng các biện pháp tăng cường sự cạnh tranh trên thị trường. Chức năng giám sát ngành điện của Vương quốc Anh được giao cho Ủy ban về Độc quyền và Sáp nhập. Ủy ban này có thẩm quyền tiến hành các cuộc điều tra chống độc quyền - có ảnh hưởng chính trị đáng kể. Văn phòng Thương mại Công bằng (the Office of Fair Trade), có chức năng hỗ trợ và bảo vệ lợi ích kinh tế của người tiêu dùng, cũng cung cấp một số giám sát gián tiếp trong ngành điện.

Công cụ điều tiết chính trong ngành điện ở Anh và xứ Wales theo Luật Điện lực là cấp phép sản xuất, truyền tải, phân phối và bán điện. Thành phần quan trọng nhất của giấy phép cho các hoạt động độc quyền (dịch vụ truyền tải, hoặc phân phối điện) là quy định về các điều kiện hoạt động của người được cấp phép. Đồng thời, quy định giá được thực hiện bằng cách ấn định công thức và các tham số để tính mức trung bình của các chi phí truyền tải và phân phối.

Luật Dịch vụ công (Utilities Act) năm 2000 đã đưa ra các sửa đổi thành phần của các cơ quan quản lý ngành điện. Cụ thể đã loại bỏ các tổ chức và chức danh như tổng giám đốc về cung cấp điện và tổng giám đốc về cung cấp khí đốt. Chức năng của họ được chuyển giao cho Cơ quan Thị trường Điện và Khí đốt (the Gas and Electricity Markets Authority), có chủ tịch và các thành viên được bổ nhiệm bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp.

Luật Dịch vụ Công năm 2000 cũng thiết lập một cơ quan mới - Hội đồng Tiêu dùng Điện và Khí (The Gas and Electricity Consumer Council). Cơ quan quản lý chính trong ngành điện và khí (theo Luật Dịch vụ công) là Dịch vụ Thị trường Điện và Khí (Gas and Electricity Market Service). Dịch vụ này đã thay thế Cơ quan Điều tiết Điện lực và Cơ quan Điều tiết Khí đốt.

Dịch vụ Thị trường Điện và Khí đã trở thành cơ quan quản lý chính của các thị trường khí và điện năng. Bốn (4) nhiệm vụ hàng đầu của Dịch vụ Thị trường Điện và Khí gồm:

Thứ nhất: Đảm bảo sự cạnh tranh có hiệu quả trong lĩnh vực cung cấp khí đốt và điện năng vì lợi ích của người tiêu dùng.

Thứ hai: Hỗ trợ việc hình thành trên thị trường các điều kiện cho việc thiết lập giá điện cạnh tranh và việc truy cập không phân biệt đối xử (non - discriminatory access) cho tất cả các nhà sản xuất điện.

Thứ ba: Hỗ trợ chính phủ trong việc thông qua các giải pháp về bảo vệ môi trường với những tổn thất thấp nhất đối với người tiêu dùng điện.

Thứ tư: Hỗ trợ quá trình đầu tư dài hạn vào ngành công nghiệp điện của Anh.

Các qui định của NETA về kinh doanh điện năng ở Anh và xứ Wales được soạn thảo dựa trên nguyên tắc chủ đạo của NETA - tất cả những người muốn mua, hoặc muốn bán điện đều có quyền tham gia vào bất kỳ mối quan hệ hợp đồng nào với nhau. Điều này, theo các nhà soạn thảo NETA, sẽ dẫn đến thực tế là phần lớn điện năng sẽ phải được bán, hoặc mua trên các sàn giao dịch, hoặc theo hợp đồng song phương. Người kinh doanh điện năng không chỉ có các nhà sản xuất và các nhà cung cấp, mà còn có cả các thương nhân phi vật lý (non-physical traders).

Ở đây, vai trò của NETA không phải là quyết định cách bán, hoặc mua điện trên các sàn giao dịch và/hoặc theo hợp đồng song phương. NETA chỉ cung cấp một cơ chế để tính toán sát các mất cân bằng giữa các chủ thể của thị trường (gồm người mua, người bán, người sản xuất và người tiêu dùng).

Trong thực tế, thương nhân có thể mua nhiều hơn, hoặc ít hơn số điện họ bán và các công ty sản xuất có thể sản xuất nhiều hơn, hoặc ít hơn số lượng họ bán. Người tiêu dùng cuối cùng cũng thực sự có thể sử dụng nhiều hơn, hoặc ít điện hơn so với các công ty cung cấp đã mua cho họ. Các qui trình tính các khối lượng điện mất cân bằng và các khoản phí phải trả cho nó được gọi tên là “Imbalance Settlement”.

Nhiệm vụ tính toán mất cân bằng không phải để thiết lập giá bán buôn như trước đây, mà để tính độ lệch giữa kế hoạch và thực tế khi có sự khác nhau tương đối nhỏ giữa các bên tham gia thị trường và tính giá cho độ lệch này (để thu tiền dịch vụ). Quá trình tính toán mất cân bằng đòi hỏi phải so sánh sản lượng điện mua, hoặc bán theo hợp đồng với các kết quả kế toán thương mại về các khối lượng hiện vật của sản xuất và tiêu dùng.

Ngoài việc tính toán các mất cân bằng, NETA còn được thiết kế để vận hành như một cơ chế điều chỉnh các mức mong muốn về công suất của các tổ máy phát điện và công suất tiêu dùng điện trong thời gian thực.

NETA còn cho phép thành lập một “Cơ chế Cân bằng” (Balancing Mechanism). Trong NETA, nhà điều hành hệ thống sẽ xác định những hành động cần thiết để duy trì sự cân bằng giữa tiêu dùng và sản xuất ở cả cấp độ quốc gia (ổn định tần số) và cục bộ (ngăn chặn các sự cố về lưới). Các qui định được đưa ra để tính mất cân bằng và thực hiện cân bằng hệ thống trong NETA dưới tên gọi Luật Cân bằng và Dàn xếp (Balancing and Settlement Code).

“Đóng cổng” thị trường. Khối lượng điện được bán trên các sàn giao dịch trên cơ sở hợp đồng song phương phải được tập hợp trong một “Trung tâm Kế toán bù trừ công suất” để tính toán sự mất cân bằng nhằm xác định giá trị mất cân bằng cho từng người tham gia thị trường. Vì sự mất cân bằng được tính toán sau mỗi 30 phút, khối lượng điện đã được bán theo hợp đồng song phương cần được đưa đến trung tâm thanh toán với cùng tần suất. Khoảnh khắc, mà sau đó không còn có thể tiếp tục thông báo cho Trung tâm về các vị trí của hợp đồng liên quan đến khoảng thời gian nửa giờ nhất định được gọi là “Đóng cổng” (“Gate closure”). Khoảnh khắc đó được diễn ra 3,5 giờ (trước nửa giờ đó). Điều này có nghĩa, việc buôn bán hiện vật điện năng cho từng nửa giờ sẽ đóng cửa trước nửa giờ đó 3,5 giờ./.

Kỳ tới: Vận hành thị trường điện cân bằng

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Nguồn: http://energetika.in.ua/ru/books/book-5/part-4/section-4/4-2

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động