RSS Feed for Phản biện, kiến nghị giải pháp phát triển hạ tầng ngành Than đến năm 2020 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 06:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phản biện, kiến nghị giải pháp phát triển hạ tầng ngành Than đến năm 2020

 - Năng lượng là một trong những nhu cầu cấp thiết với bất kỳ một quốc gia nào, trong đó Việt Nam là một nước đang phát triển nên vấn đề năng lượng đối với đất nước ta còn cao hơn nữa. Trong khi đó, vấn đề năng lượng ở Việt Nam nói chung và ngành Than nói riêng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cần phải có những giải pháp tích cực và hữu hiệu phù hợp với đặc thù riêng của ngành trong thời gian hiện tại cũng như chiến lược phát triển lâu dài. Phản biện, kiến nghị về vấn đề này, NangluongVietnam.vn giới thiệu bài phân tích của Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển, Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc.

Công trường khai thác than ở TX. Cẩm Phả, thuộc Tổng công ty Đông Bắc (ảnh: Hoàng Hà)
 

Ngày 9/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 tại Quyết định số 60/QĐ-TTg. Theo đó, mục tiêu sản xuất than thương phẩm của toàn ngành năm 2012 từ 45 - 47 triệu tấn, năm 2015 đạt 55 - 58 triệu tấn và đến năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn.

Đây là cơ sở quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng ngành Than, bao gồm: mở rộng, nâng công suất các mỏ hiện có, từng bước đầu tư phát triển các mỏ mới, cũng như đẩy mạnh phát triển dự án than Đồng bằng sông Hồng.

Tuy nhiên, để đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia, trước mắt phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên nguồn vốn để phát triển các dự án khai thác than. Bên cạnh đó là có chế độ ưu đãi về cơ chế, chính sách trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, cấp đất, đồng thời triển khai công tác bảo vệ và phục hồi môi trường.

Đầu tư phát triển hạ tầng ngành Than

Tại thời điểm hiện nay, hiện trạng cơ sở hạ tầng ngành Than chưa đáp ứng được nhiệm vụ phát triển theo quy hoạch của Chính phủ, từ hệ thống giao thông liên lạc nội mỏ, hệ thống điện phục vụ sản xuất, cho đến hệ thống kho tàng bến bãi, hệ thống cảng biển đến các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và nâng công suất khai thác than.

Do đó, Nhà nước cần phải có sự quan tâm đúng mức để cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng ngành Than thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng ngày càng lớn của đất nước.

Nâng công suất các mỏ than hiện có

Việc nâng công suất các mỏ than đang khai thác cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức không nhỏ, đó là các mỏ than lớn hiện nay khai thác ngày càng xuống sâu, nguồn tài nguyên hiện có trong khu vực khai thác ngày càng hạn hẹp, điều kiện khai thác phức tạp hơn, thiết bị kỹ thuật phục vụ khai thác chưa đồng bộ.

Do đó, để đáp ứng được yêu cầu nâng công suất các mỏ than liệu có cần chú trọng đầu tư bổ sung để đồng bộ hóa dây chuyền thiết bị khai thác, thiết bị vận tải phục vụ sản xuất trên nền hạ tầng mỏ đã được đầu tư, duy trì sản xuất để đảm bảo cho các mỏ hoạt động đạt năng suất, tăng công suất đáp ứng được nhu cầu sản lượng quy hoạch phát triển và nâng công suất các mỏ của ngành Than.

Ngoài ra, để có điều kiện thuận lợi cho phát triển và nâng cao công suất các mỏ ngành Than, Nhà nước cũng cần phải có cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác được phép khảo sát, thăm dò ở các khu vực nằm ngoài phạm vi ranh giới được giao quản lý và bảo vệ nhằm mở rộng nguồn tài nguyên chuẩn bị phục vụ mục đích khai thác.

Phát triển các mỏ than mới

Việc phát triển các mỏ than mới, theo quy hoạch của Chính phủ đã phê duyệt, để đáp ứng được nhu cầu sử dụng than trong giai đoạn sau năm 2015 là một thách thức không nhỏ đối với ngành Than hiện nay. Ngoài khó khăn về đầu tư còn phải triển khai đồng bộ rất nhiều công việc khác cho công tác chuẩn bị đầu tư mới.

Do đó, cần đầu tư hệ thống hạ tầng của mỏ hoàn chỉnh theo hướng hiện đại hóa phù hợp với công suất mỏ, đầu tư dây chuyền sản xuất cần phải liên tục và đồng bộ từ khâu khai thác đến các dây chuyền vận tải, chế biến, tiêu thụ than - đặc biệt cần chú trọng đến công tác đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống cán bộ, công nhân viên và người lao động.

Căn cứ vào quy hoạch và phát triển các mỏ than mới theo hướng hiện đại hóa, Nhà nước cũng cần phải quy hoạch lại các khu dân cư để tạo không gian mỏ hoạt động độc lập, không chịu tác động khác của xã hội, môi trường đối với dân cư trong vùng, nhằm duy trì khai thác mỏ ổn định và bền vững.

Song song với đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, thì Nhà nước cũng cần phải chú trọng đến công tác khảo sát, thăm dò tài nguyên phục vụ khai thác.

Đây là một trong những khâu then chốt, tạo yếu tố tiên quyết phục vụ mục đích nâng cao nguồn năng lượng đất nước. Do đó, Nhà nước cũng cần phải có những cơ chế ưu tiên đặc biệt trong công tác khảo sát, thăm dò tài nguyên phục vụ khai thác mỏ mới về nguồn vốn, chính sách đất đãi, những chế độ ưu tiên về thuế trong những năm đầu phát triển mỏ mới.

Việc khai thác và tận thu nguồn tài nguyên có trong vườn đồi, nhà dân tại các khu vực có các lộ vỉa than cũng đem lại nguồn tài nguyên đáng kể nhằm nâng cao sản lượng khai thác phục vụ đất nước.

Vì vậy, Nhà nước cần có những cơ khế chính sách phù hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp và đặc biệt là sự phối kết hợp giữa chính quyền địa phương sở tại trong việc giải phóng, đền bù các hộ dân nằm trong vùng có nguồn tài nguyên than.

Phát triển Dự án than vùng Đồng bằng sông Hồng

Nguồn tài nguyên tiềm năng ở Đồng bằng sông Hồng có điều kiện địa chất rất phức tạp, không ổn định, các vỉa than đều nằm sâu dưới lòng đất và đặc biệt là nằm trong khu vực dân cư và khu vực canh tác của dân.

Do đó, việc lựa chọn công nghệ và  phương pháp khai thác là một trong những yếu tố quan trọng cần được quan tâm đúng mức, việc đầu tư khai thác cần phải đầu tư lớn cho công tác nghiên cứu khoa học thì mới thực hiện được Dự án có hiệu quả. Việc quy hoạch các khu dân cư, công tác đền bù giải phóng mặt bằng trước khi đi vào khai thác cũng cần phải được chú trọng.

Nhập khẩu than

Đây là một việc làm còn mới đối với nước ta. Vì vậy, trong những năm đầu Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu than về thuế nhập khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác hiện trường nhập khẩu than.

Do than nhập khẩu thường có chất lượng kém hơn than ở trong nước, vì vậy Nhà nước cần phải có những định hướng tiêu thụ ở một số thị trường sử dụng than có chất lượng thấp với số lượng nhiều như các dự án nhiệt điện. Noài ra, để có được nguồn than nhập khẩu ổn định, cần khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư thăm dò khai thác khoáng sản ra nước ngoài.

Kết luận và kiến nghị

Khai thác tài nguyên khoáng sản là một ngành công nghiệp đặc thù - Nhà nước cần có chính sách phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thực hiện mục đích quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: vấn đề giải quyết hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản với các doanh nghiệp của ngành kinh tế khác, vấn đề vốn đầu tư cho phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển nghiên cứu khoa học.

Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển
 

Kỳ tới: NangluongVietnam.vn giới thiệu bài phản biện, kiến nghị của PGS. TS. Đặng Đình Thống về “Phát triển ứng dụng năng lượng tái tạo, góp phần cân bằng năng lượng Việt Nam”




 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động