Ngành than Indonesia và những vấn đề Việt Nam cần tham khảo
08:14 | 07/05/2018
Than Indonesia trong cân bằng năng lượng Việt Nam
Thị trường than ASEAN và những rủi ro của Việt Nam
Nhập khẩu than của Việt Nam: Hiện trạng và xu thế
Thị trường than Việt Nam viết năm 2016
Ai đang phá vỡ thị trường than của Việt Nam?
TS. ĐỒNG THỊ BÍCH - ĐẠI HỌC MỎ - ĐỊA CHẤT
PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Than của Indonesia, theo tiêu chí nhiệt năng khô (ADB, kcal/kg) được phân thành 4 nhóm: nhiệt năng rất cao (>7.100); nhiệt năng cao (6.100÷7.100); nhiệt năng trung bình (5.100÷6.100); nhiệt năng thấp (<5.100).
Các chỉ tiêu sản lượng khai thác, xuất khẩu, tiêu thụ và giá than nhiệt của Indonesia từ năm 2008 đến 2017 được nêu ở Bảng 1.
Bảng 1. Sản lượng khai thác, xuất khẩu, tiêu thụ và giá than nhiệt của Indonesia giai đoạn 2008 - 2017.
Chỉ tiêu |
2008 |
2009 |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
Sản lượng khai thác, 106 tấn |
240 |
254 |
275 |
353 |
412 |
474 |
458 |
461 |
456 |
477¹ |
Sản lượng xuất khẩu, 106 tấn |
191 |
198 |
210 |
287 |
345 |
402 |
382 |
323 |
308 |
369¹ |
Tiêu thụ nội địa,106 tấn |
49 |
56 |
65 |
66 |
67 |
72 |
76 |
76 |
91 |
108¹ |
Giá than nhiệt (HBA),USD/tấn |
n.a |
70,7 |
91,7 |
118,4 |
95,5 |
82,9 |
72,6 |
60,1 |
61,8 |
85,9 |
Mục tiêu của Chính phủ Indonesia [1].
Nguồn: Hiệp hội khai thác than Indonesia (APBI) và Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia.
Qua số liệu ở bảng 1 trên đây cho thấy: từ năm 2008 đến 2017 sau 10 năm sản lượng than của Indonesia đã tăng gấp đôi từ 240 triệu tấn lên 477 triệu tấn. Trong đó, sản lượng than xuất khẩu tăng từ 191 triệu tấn lên 369 triệu tấn (tăng 1,93 lần), chiếm 77,4% tổng sản lượng than sản xuất, sản lượng than tiêu thụ trong nước tăng từ 49 triệu tấn lên 108 triệu tấn (tăng hơn 2,2 lần), chiếm 22,6% tổng sản lượng than sản xuất.
Như vậy, sản lượng than của Indonesia thời gian qua gia tăng vì cả 2 mục tiêu: đáp ứng nhu cầu than trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng cao. Đến năm 2017 sản lượng than tiêu thụ trong nước của Indonesia đã cao gấp đôi sản lượng than tiêu thụ trong nước (bao gồm từ nguồn than khai thác trong nước và than nhập khẩu) của Việt Nam.
Các nhà sản xuất than lớn của Indonesia chủ yếu là các công ty nước ngoài theo hình thức Hợp đồng khai thác than (Coal Contract of Work - CCoW) và các công ty khai thác than nội địa lớn, gồm: PT Adaro Indonesia, PT Arutmin Indonesia, PT Asmin Coalindo Tuhup, PT Berau Coal, PT Indominco Mandiri, PT Insani Bara Perkasa, PT Jorong Barutama Grestone, PT Kaltim Prima Coal, PT Kideco Jaya Agung, PT Lanna Harita Indonesia, PT Mahakam Sumber Jaya, PT Mandiri Inti Perkasa, PT Multi Harapan Utama, PT Multi Tambang Jaya Utama, PT Riau Bara Harum, PT Santan Batubara, PT Tanito Harum, PT Singlurus Pratama, PT Teguh Sinar Abadi, PT Trubaindo Coal Mining, PT Wahana Baratama Mining [2].
Thị trường than xuất khẩu thời gian qua của Indonesia chủ yếu là các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia, Hồng Kông, Thái Lan, Philipin, Tây Ban Nha. Trong thời gian tới, thị phần than xuất khẩu của Indonesia sẽ có sự thay đổi. Trong đó, Ấn Độ sẽ trở thành nhà nhập khẩu than Indonesia lớn nhất (với thị phần khoảng 38%), thị phần của Trung Quốc (kể cả Đài Loan và Hồng Kông) sẽ giảm từ 40% xuống còn 31%, Hàn Quốc sẽ là nhà nhập khẩu than lớn thứ 3 sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Để phục vụ xuất khẩu than và quản lý hiệu quả xuất khẩu than, Indonesia đã quy hoạch và xây dựng các cụm cảng đồng bộ gồm 14 cảng như sau: 4 cảng ở Đông Kalimantan (gồm các cảng: Balikpapan, Adang, Berau và Maloy); 3 cảng ở Nam Kalimantan (gồm các cảng: Tobaneo/Pulau Laut, Sungai Danau và Batu Licin); 1 cảng ở Đông Java (Lampung-Tarahan); 6 cảng ở Sumatra (gồm các cảng: Tanjung Api Api, Bengkulu, Jambi, Riau, Padang và Aceh Selatan).
Việc xuất khẩu than phải tuân thủ các quy định sau:
Thứ nhất: Việc trung chuyển than được thực hiện xung quanh các cảng chính, được nhìn thấy trực tiếp từ cảng và cách đất liền không quá 2 km.
Thứ hai: Đối với các dự án than mới, trong giai đoạn chuyển tiếp việc trung chuyển than ngoài biển không qua cảng chính cho phép tối đa không quá 3 năm.
Thứ ba: Các cảng than chính phải có địa chỉ cụ thể.
Thứ tư: Việc xuất khẩu than phải qua cảng chính.
Việc khuyến khích tăng nguồn thu của ngân sách nhà nước từ xuất khẩu than luôn được đặt lên hàng đầu. Theo đó, Chính phủ ban hành các quy định về: định giá xuất khẩu than; thu nộp ngân sách; các doanh nghiệp được đăng ký xuất khẩu than; quy trình đàm phán và trình tự sửa đổi các hợp đồng khai thác. Các giải pháp đảm bảo nguồn thu ngoài thuế của ngân sách được thực thi gồm: xem xét tăng mức tô mỏ trong các giấy phép kinh doanh than; thu tô mỏ trước khi giao hàng xuống tàu; thu phí cấp giấy chứng nhận xuất khẩu.
Về than tiêu thụ trong nước. Theo số liệu ước tính của Chính phủ Indonesia, sản lượng than tiêu thụ trong nước năm 2018 của Indonesia sẽ tăng lên 115,51 triệu tấn, tăng khoảng 7% so với năm 2017. Mặc dù than cho các nhu cầu khác trong nước tăng cao, song sản lượng than cho sản xuất điện vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản lượng than tiêu thụ nội địa.
Năm 2018 dự kiến sản lượng than cho sản xuất điện sẽ là 89,75 triệu tấn, chiếm gần 78% tổng sản lượng than tiêu thụ trong nước, đứng ở vị trí thứ hai là than cho sản xuất xi măng, ước tính khoảng 15,6 triệu tấn và vị trí thứ ba là than cho công nghiệp giấy ước tính khoảng 3,18 triệu tấn.
Tuy nhiên, ông Hendra Sinadia - Phó giám đốc điều hành Hiệp hội khai thác than Indonesia (APBI) cho rằng, ước tính tiêu thụ than trong nước năm 2018 của chính phủ là quá lạc quan. Theo ông sự tăng trưởng sẽ không đáng kể, một phần do những trở ngại (ví dụ như khó khăn về thu hồi đất) trong các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới.
Còn ông Supangkat Iwan Santoso - Giám đốc Mua sắm tại Công ty tiện ích nhà nước (Director of Procurement at state-owned utilities firm) Perusahaan Listrik Negara (PLN), cho biết tổng lượng tiêu thụ than của các nhà máy điện ở Indonesia đạt 76 triệu tấn trong năm 2017, tăng so với 70 triệu tấn trong năm 2016.
Trái ngược với nhận định của ông Sinadia, ông Supangkat Iwan Santoso hy vọng sẽ có sự tăng trưởng đáng kể tiêu thụ than trong nước năm 2018 do nhu cầu điện năng đang tăng ở Indonesia. Cho nên, các nhà máy điện hiện hữu tiếp tục tăng sản lượng điện và do đó đòi hỏi tiêu thụ nhiều than hơn.
Mặc dù chính phủ Indonesia sẵn sàng cắt giảm sản xuất than để bảo đảm đủ nguồn cung cho các thế hệ tương lai (đồng thời khuyến khích tiêu thụ than trong nước hơn là chỉ xuất khẩu than đơn thuần sang các quốc gia khác), ông Bambang Gatot - Tổng cục trưởng Tổng cục Than và Khoáng sản thuộc Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia nói rằng, chính phủ sẽ cho phép tăng sản lượng than năm 2018 với mức 5% so với mức sản lượng than thực hiện trong năm trước. Các công ty khai thác than được khuyến khích sản xuất nhiều than hơn khi giá than tăng nhanh kể từ nửa cuối năm 2016.
Hơn nữa, tại Indonesia nhiều công ty khai thác than mới hiện đang bắt đầu hoạt động. Hiện tại có khoảng 2.000 công ty được cấp giấy phép khai thác mỏ (theo tiếng Indonesia: Izin Usaha Pertambangan, IUP) đã hoàn thành nghiên cứu khả thi, hoặc thi công xây dựng tại cơ sở của họ và sẵn sàng bắt đầu đi vào sản xuất. Khi sản lượng than được ước tính tăng trong năm 2018, sản lượng than xuất khẩu sẽ tăng tương ứng do nhu cầu của châu Á-Thái Bình Dương.
Theo tài liệu [1], tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Indonesia năm 2016 là 175 triệu TOE (tấn dầu quy đổi). Trong đó, dầu 72,6 triệu TOE (chiếm 41,5%), khí đốt thiên nhiên 33,9 triệu TOE (chiếm 19,4%), than 62,7 triệu TOE (chiếm 35,8%), thủy điện 3,3 triệu TOE (chiếm 1,9%) và năng lượng tái tạo 2,6 triệu TOE (chiếm 1,5%).
Như vậy, than là một trong 3 loại nhiên liệu hóa thạch giữ vai trò chính trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Indonesia. Trong đó, than chiếm vị trí thứ 2 với tỷ trọng 35,8% tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp năm 2016 (sau dầu với tỷ trọng 41,5%).
Hiện nay, ngoài than, Indonesia còn xuất khẩu khí đốt, nhưng nhập khẩu dầu. Năm 2016 sản lượng dầu nhập khẩu là 29,6 triệu TOE, chiếm 40,8% tổng sản lượng dầu tiêu thụ, sản lượng khí xuất khẩu là 28,8 triệu TOE, chiếm 45,9% tổng sản lượng khí sản xuất. Tuy nhiên, sản lượng dầu và khí đốt của Indonesia đang có chiều hướng suy giảm, cho nên đó có thể là lý do khiến Indonesia tăng cường khai thác và tiêu thụ than đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.
Để đảm bảo yêu cầu ưu tiên đáp ứng đầy đủ than cho các nhu cầu trong nước, Chính phủ Indonesia đã đề ra các giải pháp như: không chấp nhận việc chuyển đổi hạn ngạch than (mua đi bán lại) trong nước; kiểm soát kế hoạch sản lượng và chất lượng than; ngăn chặn khả năng xảy ra khan hiếm than; kế hoạch ứng phó các tình huống khẩn cấp về than (gián đoạn trong khai thác và/hoặc cung ứng) trong nước; khi trong nước có nhu cầu tăng lên phải ưu tiên bán/cung cấp than đáp ứng nhu cầu trong nước theo giá thị trường; khuyến khích khai thác, chế biến sâu và sử dụng tối ưu các nguồn than nhằm tối đa hóa giá trị, đặc biệt là đối với các nguồn than chất lượng thấp.
Giá chuẩn của than nhiệt ở Indonesia giai đoạn 2012 - 2017 được nêu ở Bảng 2. Qua đó cho thấy giá than nhiệt có sự biến động tăng, giảm thường xuyên qua hàng tháng trong năm và có xu hướng giảm từ năm 2012 đến 2015-2016, từ nửa sau năm 2016 đến nay lại có xu hướng tăng lên. Giá than cao nhất vào tháng 4/2012, lên tới 105,61 USD/tấn và giảm thấp nhất vào nửa đầu năm 2016. Trong đó, tại tháng 2 chỉ còn 50,92 USD/tấn, bằng 48,2% giá tháng 4/2012. Điều này cho thấy giá than ở Indonesia đã thực sự vận hành theo cơ chế thị trường.
Bảng 2. Giá chuẩn của than nhiệt ở Indonesia giai đoạn 2012-2017 (HBA) (USD/tấn)
Tháng |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
1 |
109,29 |
87,55 |
81,90 |
63,84 |
53,20 |
86,23 |
2 |
111,58 |
88,35 |
80,44 |
62,92 |
50,92 |
83,32 |
3 |
112,87 |
90,09 |
77,01 |
67,76 |
51,62 |
81,90 |
4 |
105,61 |
88,56 |
74,81 |
64,48 |
52,32 |
82,51 |
5 |
102,12 |
85,33 |
73,60 |
61,08 |
51,20 |
83,81 |
6 |
96,65 |
84,87 |
73,64 |
59,59 |
51,87 |
75,46 |
7 |
87,56 |
81,69 |
72,45 |
59,16 |
53,00 |
78,95 |
8 |
84,65 |
76,70 |
70,29 |
59,14 |
58,37 |
83,97 |
9 |
86,21 |
76,89 |
69,69 |
58,21 |
63,93 |
92,03 |
10 |
86,04 |
76,61 |
67,26 |
57,39 |
69,07 |
93,99 |
11 |
81,44 |
78,13 |
65,70 |
54,43 |
84,89 |
94,84 |
12 |
81,75 |
80,31 |
69,23 |
53,51 |
101,69 |
94,04 |
Bình quân |
95,5 |
82,9 |
72,6 |
60,1 |
61,8 |
85,9 |
Nguồn: Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia (Ministry of Energy and Mineral Resources).
Tóm lại, qua những nội dung trình bày trên đây có thể rút ra một số điều cần tham khảo cho Việt Nam từ ngành than của Indonesia như sau:
Một là: Tiềm năng tài nguyên than tương đối lớn, sản lượng than ngày càng tăng cao để đáp ứng nhu cầu than trong nước và xuất khẩu. Trong thời gian tới, nguồn than xuất khẩu từ Indonesia sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cân bằng năng lượng của các nước châu Á và đặc biệt trong khu vực ASEAN. Đây cũng là nguồn than tiềm năng khả dụng nhất cho việc nhập khẩu than của Việt Nam.
Hai là: Sản xuất, kinh doanh than đã hoàn toàn tuân theo cơ chế thị trường có sự quản lý, kiểm soát của nhà nước theo các mục tiêu: ưu tiên đáp ứng các nhu cầu than trong nước; khuyến khích nâng cao giá trị gia tăng của than và lợi ích của cộng đồng; đảm bảo nguồn thu của ngân sách nhà nước; bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn lao động.
Ba là: Nhà nước quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác, xuất khẩu, kinh doanh than thông qua ban hành đầy đủ hệ thống văn bản pháp luật gồm Luật Mỏ, thông tư, quy chế và các quy định liên quan đảm bảo sự ổn định và minh bạch trong khai thác mỏ, xuất khẩu, tiêu thụ than. Khuyến khích việc đầu tư từ mọi thành phần kinh tế. Thực hiện hiệu quả việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn. Việc cấp giấy phép khai thác được quản lý chặt chẽ và có sự tham gia của các ngành có liên quan. Việc đàm phán các hợp đồng khai thác than được công khai, minh bạch. Đặc biệt là việc cập "Bản đồ thống nhất về khoáng sản" dựa trên hệ thống thông tin địa lý (GIS) có đầy đủ các cơ sở dữ liệu về ngành khai khoáng trên toàn lãnh thổ Indonesia, có thể tích hợp các dữ liệu về khai thác mỏ trên toàn quốc, được các cấp chính quyền thống nhất sử dụng trong quản lý ngành mỏ, tránh được sự chồng chéo hay bỏ sót, phục vụ cho việc theo dõi, cập nhật các dữ liệu liên quan đến khai thác, tích hợp được các số liệu theo không gian, thời gian và cho phép thực hiện các phân tích đánh giá trong thời gian thực.
Tài liệu tham khảo:
[1] Thống kê năng lượng thế giới của BP, tháng 6/2017.
[2] Phan Ngô Tống Hưng - Than Indonesia trong cân bằng năng lượng Việt Nam - Tạp chí Năng lượng Việt Nam online 13:35 |23/08/2017.
[3] Coal Mining Update: Production, Export & Domestic Consumption. Indonesian-Investments, 05 january 2018.