RSS Feed for Ngành sắt thép, xi măng sẽ thế nào nếu vắng bóng than? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 14:44
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ngành sắt thép, xi măng sẽ thế nào nếu vắng bóng than?

 - Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm nay (COP26), với hơn 40 quốc gia đã cam kết loại bỏ dần than khỏi ngành điện. Tuy nhiên, ngoài điện, các ngành công nghiệp nặng như xi măng, sắt thép của thế giới và châu Á sẽ ra sao nếu không có than?
Năng lượng rất nóng ở COP26 và thế kẹt của Việt Nam Năng lượng rất nóng ở COP26 và thế kẹt của Việt Nam

Mong ước tạo bước ngoặt của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (sau này trở thành Hiệp định Paris) về Biến đổi khí hậu COP26 tại Glasgow đã thành hiện thực một nửa vào đêm 13/11/2021. Một nửa còn lại được các đảo quốc và các nước đã phát triển coi là giấc mơ tan vỡ. Hiệp ước Glasgow về khí hậu là một văn kiện thỏa hiệp cân bằng giữa 197 nước tham gia.

Lộ trình 5 bước ngành năng lượng hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050 Lộ trình 5 bước ngành năng lượng hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050

Nhằm hạn chế tác động tồi tệ do biến đổi khí hậu gây ra, sớm đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và đề xuất do COP26 nhằm đưa khí thải ròng về 0, hay Net Zero, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố lộ trình và giải pháp 5 bước để đạt mục tiêu này. Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Đức và châu Âu đang tìm kiếm nguồn nhập than cho sản xuất điện Đức và châu Âu đang tìm kiếm nguồn nhập than cho sản xuất điện

Trong bối cảnh thế giới đang cố gắng thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thì khủng hoảng năng lượng xuất hiện, khiến nhiều quốc gia châu Âu phải tìm giải pháp tình thế, dùng than để sản xuất điện... Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.


Thế kẹt của ngành thép, xi măng châu Á trong bối cảnh nhu cầu thị trường tăng cao:

Một trong những điểm nổi bật của Hội nghị COP26 với hơn 40 quốc gia đã cam kết loại bỏ dần than khỏi ngành điện. Tuy nhiên, ngoài điện, một số ngành công nghiệp phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng, nhất là sắt thép, xi măng và bê tông... cũng là những ngành quan trọng tác động không nhỏ tới khát vọng phát triển của châu Á.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong khi các nước phát triển đã chuyển từ nền kinh tế thứ cấp (sản xuất) sang nền kinh tế bậc 3 (dịch vụ), các nước đang phát triển lại chứng kiến ​​sự tăng trưởng nhanh chóng của các dự án cơ sở hạ tầng. IEA lưu ý thêm, khi dân số và GDP tăng ở các nước đang phát triển ở Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi, nhu cầu về thép, xi măng và bê tông ngày càng lớn.

Theo dự báo, nhu cầu thép toàn cầu sẽ tiếp tục tăng hơn một phần ba cho đến năm 2050, do các nền kinh tế mới nổi như ở Nam và Đông Nam Á, nơi dân số cao cần cho xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng nhiều hơn. Các dự báo cho hay, nhu cầu xi măng toàn cầu sẽ tăng 12 - 23% vào năm 2050 so với năm 2014 và nhu cầu thép có thể tăng 15 - 40% vào năm 2050.

Chuyển đổi sang năng lượng sạch và loại bỏ than đá là trọng tâm của COP26 để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C như Thỏa thuận Paris đã đề ra. Trong khi lĩnh vực điện và năng lượng được quan tâm, thì nguồn phát thải carbon lớn thứ hai trong ngành công nghiệp nặng là sắt thép, xi măng lại ít được dư luận quan tâm.

Nhắc lại mối quan tâm của nhiều nước đang phát triển, đại biểu Bangladesh tại COP26, Jarin Tasneem Oyshi - chuyên gia môi trường và nhà nghiên cứu tại Đại học BRAC cho biết: “Bangladesh là một quốc gia đang phát triển và có những hạn chế về ngân sách. Chính phủ rất khó đầu tư vào công nghệ xanh vì phải vật lộn để cung cấp các dịch vụ xã hội và cơ sở vật chất thiết yếu cho người dân”.

Tại Việt Nam, giá thép tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt, giá mặt hàng thép xây dựng trong nước đã tăng lên đến 45 - 50% so cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng nên nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2 - 3%, dự tính khoảng 27 triệu tấn. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh ổn định, giá thép sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu.

Thực tế, với giá thép đang tăng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến công nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ, bởi thép là nguyên liệu tối quan trọng trong lĩnh vực sản xuất các nguồn vật liệu này. Việc giá mặt hàng thép xây dựng trong nước tăng mạnh lên 45 - 50% sẽ có nhiều tác động đến giá chung của các nguyên vật liệu phụ trợ cho xây dựng trong thời gian tới. Điều này có thể dẫn đến chậm tiến độ thực hiện công trình, dự án đầu tư công với các hợp đồng có ràng buộc về giá.

Báo cáo ngành vật liệu xây dựng từ VIRAC Research cho biết: Dự báo giá xi măng, thép xây dựng sẽ tăng tiếp trong năm 2022. Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng giá trị thực xây dựng nhà ở và không để ở dự kiến đạt 7,9% trong năm 2021, cao hơn 1,7% so với con số tăng trưởng 6,2% ước tính cho năm 2020. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng tăng trưởng dân số 0,9% mỗi năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Giá thép trong nước cũng bị ảnh hưởng theo xu hướng tăng giá của giá thép thế giới: Nhu cầu nhập khẩu sắt, thép của Trung Quốc tăng đã tác động tăng giá sắt, thép toàn cầu. Ngoài ra, tại châu Âu và Mỹ, việc thiếu hụt nguồn cung sắt, thép do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời gian giao hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kéo dài cũng là nguyên nhân chính khiến giá sắt, thép tăng mạnh.

Với mặt hàng xi măng, VIRAC dự báo xuất khẩu clinker và xi măng 9 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng 19% so với cùng kỳ về sản lượng, tăng trưởng mạnh trở lại kể từ quý 3/2021.

Để giải quyết triệt để tình trạng giá thép tăng phi mã như hiện nay, cần có một chiến lược tổng thể với đồng bộ hàng loạt giải pháp về quy hoạch, về chính sách thuế, về nguồn tài chính, nhân lực… và cần có độ trễ về thời gian cho việc hoạch định, thực hiện chiến lược đó nếu có.

Xi măng, sắt thép và hóa dầu là những ngành đứng đầu về phát thải trong ngành công nghiệp nặng:

Theo Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC): Sau ngành điện, công nghiệp nặng là nguồn phát thải carbon lớn nhất, chiếm 27% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu. Trong ngành công nghiệp nặng, chất thải lớn nhất là xi măng, tiếp theo là sắt thép và hóa dầu. Bốn vật liệu nổi bật trong phát triển cơ sở hạ tầng - thép, xi măng, nhôm và hóa chất - là nguyên nhân gây ra 60% lượng khí thải ngành công nghiệp hiện nay. Theo IPCC, chỉ riêng lĩnh vực xây dựng toàn cầu sẽ chịu trách nhiệm thải ra 470 tỷ tấn carbon dioxide vào năm 2050.

Nhu cầu thép toàn cầu dự đoán, sẽ tăng 12 - 23% vào năm 2050 so với năm 2014. Sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất thép có những thách thức riêng của nó. Theo ông Hemant Mallya - Giám đốc Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước, có trụ sở tại Delhi, Ấn Độ cho biết: “Ấn Độ đã sản xuất 111 triệu tấn thép vào năm 2019. Để sản xuất một lượng thép xanh tương đương, chúng tôi sẽ cần 264 GW năng lượng mặt trời, Ấn Độ có công suất lắp đặt chỉ hơn 100 GW năng lượng tái tạo, chủ yếu cho ngành điện. Tổng thể, mỗi tấn thép xanh cần đầu tư 3 tỷ USD, đặc biệt là cho quá trình khử cacbon, tạo ra những rào cản không hề nhỏ”.

Hướng đi tình thế để giảm thải ngành công nghiệp xi măng, sắt thép:

Trong quá trình diễn ra hội nghị COP26, Liên minh Người đi đầu (FMC) đã được ra mắt, có nhiệm vụ khai thác sức mua của các công ty toàn cầu nhằm thúc đẩy nhu cầu thị trường đối với công nghệ carbon thấp. Trong một diễn biến khác của COP26, các ngành công nghiệp nặng thế giới đã cho ra đời công bố “Bước đột phá Glasgow”. Thực chất đây là thỏa thuận đa phương với mục tiêu thúc đẩy công nghệ sạch, gồm ngành thép, vận tải đường bộ, nông nghiệp, hydro và điện.

Johanna Lehne - cố vấn cấp cao của tổ chức E3G (Chủ nghĩa môi trường thế hệ ba - Third Generation Environmentalism), tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu hoạt động để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu sang một tương lai carbon thấp cho biết: “Bước đột phá Glasgow” là một giải pháp hướng tới tương lai xanh sạch, nhưng vẫn còn rất nhiều điều cần phải thảo luận. “Người ta nói đến hydro, hiện nó đắt gấp 3 lần khí đốt tự nhiên và 7 lần so với than đá tính cho một đơn vị năng lượng. Có thể mất một thập kỷ trước khi hydro xanh có thể cạnh tranh về chi phí, như ở Ấn Độ chẳng hạn” - Johanna Lehne nói.

Theo dự báo của tổ chức Phân tích khí hậu (Climate Analytics) có trụ sở tại Đức thì các nhà máy hydro thương mại vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm ngay cả ở các nước phát triển. Những công nghệ như vậy chỉ có thể có mặt trên thị trường sớm nhất vào năm 2025 hoặc 2026. các nước đang phát triển có thể là nhà cung cấp các loại nhiên liệu sạch rất tiềm năng nhưng phải đợi vài năm nữa cho đến khi đầu tư kích thích đủ động lực.

“Hiện tại có hai lựa chọn đáng tin cậy, trước khi chúng ta chuyển sang các công nghệ tiên tiến. Hoặc tiếp tục sử dụng than, hoặc chuyển sang một loại nhiên liệu rõ ràng hơn - tức là khí tự nhiên, với một kế hoạch rõ ràng về quá trình chuyển đổi sau này. Khí tự nhiên là nhiên liệu hóa thạch, nhưng lại có lượng khí thải carbon ít hơn 40% nếu so sánh với than trong sản xuất thép. Quá trình chuyển đổi nhanh sang khí tự nhiên, sau đó là chuyển đổi sang hydro sẽ giúp khử cacbon trong lĩnh vực này” - Matthew Gidden cho hay.

“Chúng ta có nhiều con đường để đạt được mục tiêu về khí hậu, trong đó các công nghệ mới là then chốt, chuyển đổi nhanh chóng của ngành điện, thứ hai là lĩnh vực giao thông, thứ ba là các lĩnh vực công nghiệp. Hệ thống năng lượng thay đổi nhanh sẽ tạo ra thế cân bằng, mở đường cho các lĩnh vực khác trong đó có xi măng, sắt thép phát triển theo” - Matthew Gidden phân tích.

Để thực hiện được quá trình chuyển đổi thành công, các nước phát triển sẽ cần làm nhiều hơn nữa để giúp mục tiêu trung hòa carbon trở nên khả thi, đồng thời giúp các quốc gia đang phát triển giải quyết tốt “cái ăn, cái mặc”, thoát khỏi đói nghèo, sau đó đến mục tiêu Net Zero.

Cụ thể hơn, các nước giàu cần thực hiện tốt cam kết tài chính khí hậu, đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm, có như vậy thì mục tiêu về khí hậu như nêu trong Hiệp ước khí hậu Glasgow mới có thể trở thành hiện thực được./.

KHẮC NAM (THEO: THEDIPLOMAT/SCT/DVN/NCVN-11/2021)


Link tham khảo:

1/ https://thediplomat.com/2021/11/without-coal-what-happens-to-cement-steel-iron-and-asias-path-to-development/

2/ https://staging.taktikz.com/without-coal-what-happens-to-cement-steel-iron-and-asias-path-to-development/

3/ https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/gia-thep-tang-cao-he-luy-tu-bai-toan-cung-cau-580352.html

4/ https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/du-bao-gia-xi-mang-thep-xay-dung-se-tang-tiep-trong-nam-2022-3572456.html

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động