RSS Feed for Năng lượng rất nóng ở COP26 và thế kẹt của Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 03:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng rất nóng ở COP26 và thế kẹt của Việt Nam

 - Mong ước tạo bước ngoặt của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (sau này trở thành Hiệp định Paris) về Biến đổi khí hậu COP26 tại Glasgow đã thành hiện thực một nửa vào đêm 13/11/2021. Một nửa còn lại được các đảo quốc và các nước đã phát triển coi là giấc mơ tan vỡ. Hiệp ước Glasgow về khí hậu là một văn kiện thỏa hiệp cân bằng giữa 197 nước tham gia.
COP26 có là bước ngoặt cho Biến đổi khí hậu? COP26 có là bước ngoặt cho Biến đổi khí hậu?

Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, hay còn gọi là Hội nghị Các bên (COP) tham gia Công ước Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (nay là Hiệp định Paris 2015) lần thứ 26, đúng ra phải được tổ chức năm 2020. Nhưng đại dịch Covid-19 đã đẩy lùi Hội nghị sang năm nay, vẫn tại Thành phố Glasgow của xứ Scotland, nước Anh. Hội nghị dự tính kéo dài từ 31/10 đến ngày 12/11, với chương trình nghị sự đồ sộ. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu COP26 có là bước ngoặt cho Biến đổi khí hậu? Tổng hợp, phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.


Cốc nước đầy một nửa, hay vơi một nửa hoàn toàn tùy thuộc ở người nhìn nó. Nhưng cốc nước ở COP26 lại biến thiên trước khi về 50%, dù người nhìn là ai đi chăng nữa. Lúc mở đầu Hội nghị là một loạt diễn văn của các lãnh đạo quốc gia khoe thành tích chống Biến đổi khí hậu với những lời hứa rất to lớn, đầy tính lạc quan. Chỉ mấy nước đảo quốc là kêu khóc ngay từ đầu. Lúc bấy giờ, cả thế giới nghĩ việc hạn chế tăng nhiệt độ Trái Đất trong giới hạn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp hoàn toàn trong tầm tay và Glasgow sẽ đi vào lịch sử như địa điểm loài người thay đổi nhận thức. Một cơn bão nhỏ là lãnh đạo Bolivia đã gọi chính sách các nước giàu bắt các nước nghèo hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch là "Chủ nghĩa thuộc địa carbon".

Đi vào các phiên thảo luận mọi việc ngày càng trở nên rõ ràng hơn và cũng khó hơn. Tài chính thì các ngân hàng, tổ chức tài chính sẵn sàng cam kết đến trời xanh, nhưng không nói khi nào và điều kiện nào họ sẽ chi tiền. Thỏa thuận về bảo tồn rừng nhằm chấm dứt nạn phá rừng và đảo ngược xu thế mất rừng vào năm 2030 được hơn 100 nước ký, trong đó có cả Brazil với rừng Amazon đang chảy máu.

Đến năng lượng bắt đầu có bất đồng. Ngày 4/11 một số nước đã đưa ra Tuyên bố toàn cầu Chuyển đổi từ Than sang điện lượng sạch. Tuyên bố cho biết các nước ký tên sẽ chuyển từ nhiệt điện than không chôn lấp CO2 sang các nguồn năng lượng sạch vào năm 2030 đối với nước giàu và 2040 đối với các nước còn lại. Các thành viên EU và nhiều nước đã ký, trong có nước xuất khẩu than là Indonesia. Việt Nam cũng ký. Nhưng các nước sản xuất và tiêu thụ than khác như: Mỹ, Trung Quốc, Australia, Nam Phi, Ấn Độ... không ký. Chỉ có một thành phố của Australia ký và vài bang của Mỹ ký với tư cách chính quyền bang. Ba Lan đã ký, nhưng chỉ mấy giờ sau đó tuyên bố không bỏ than cho đến năm 2045. Nhưng than sẽ đi vào Hiệp ước Glasgow về Khí hậu vài ngày sau đó như cột mốc đáng ghi nhớ.

Một số nước đã đi xa hơn, thành lập một Liên minh chấm dứt sử dụng dầu khí (BOGA). Đó là Costa Rica, Đan Mạch, Pháp, Thụy Sỹ, Greenland, Ireland, Thụy Điển và một số thành viên không phải là quốc gia. Liên minh này vẫn còn nhỏ và mong manh, chưa đưa được chủ đề của mình vào nghị trình COP26.

Một dự thảo về thị trường carbon đã được thông qua, đặt nền móng cho việc đánh thuế và mua bán hạn ngạch carbon. Nhưng khi tương lai Net zero đã đặt ra thì việc mua bán phát thải carbon không còn nhiều ý nghĩa.

Mỹ và EU đặt vấn đề khí methane và thành lập nhóm đối tác nhằm cắt giảm phát thải khí methane vào năm 2030. Mặc dù khí methane đóng góp tới 30% vào BĐKH nhưng từ trước đến nay CO2 vẫn được chú ý nhiều hơn nên khí methane dường như bị quên. Một phần do cắt giảm khí methane cũng khó hơn. Việt Nam đã đồng ý tham gia và cam kết cắt giảm 30% phát thải khí methane vào năm 2030.

Điều ngạc nhiên lớn nhất là Tuyên bố chung Mỹ - Trung tại Glasgow về Đẩy mạnh hành động khí hậu trong thập kỷ 2020. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê bình Chủ tịch Tập Cận Bình không đến họp COP26 vì Trung Quốc là nước hiện đang phát thải lớn nhất thế giới. Trung Quốc phê Mỹ là nước có phát thải lịch sử lớn nhất thế giới mà không có hành động gì cụ thể để giảm phát thải. Hai nước đang trong giai đoạn quan hệ ngoại giao rất xấu nên ít người nghĩ là Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác được về vấn đề gì đó. Nhưng đặc phái viên về BĐKH của Mỹ - ông John Kerry và đối tác Trung Quốc - ông Xie Zhenhua đã nói chuyện với nhau và ra tuyến bố chung. Đây là tiến bộ đáng kinh ngạc trong quan hệ giữa hai bên khiến cho Mỹ và Trung Quốc có thể là hai nước "hưởng lợi" nhiều nhất từ COP26. Một vài câu chữ của tuyên bố này đã trở thành điểm chốt tranh cãi trong ngày cuối cùng của COP26 trong Hiệp ước Glasgow. Đó là cụm từ "Giảm điện than" - "Phase down coal".

Hai ngày cuối là hai ngày căng thẳng nhất khi Hội nghị tiến tới thảo luận văn kiện của Hội nghị - Hiệp ước Glasgow về Khí hậu. Chủ tịch và ban soạn thảo phải làm việc qua đêm để ra bản dự thảo, nhưng cả ngày 12/11 không thông qua nổi bản dự thảo sửa đổi. Chủ tịch buộc phải tuyên bố sẽ sửa qua đêm và Hội nghị sẽ kéo dài thêm một ngày nữa (ngày 13/11). Cả buổi trưa Hội nghị quên cả ăn trưa để thảo luận rất gay gắt. Có thể chia làm ba nhóm ý kiến. Nhóm thứ nhất là các nước phát triển, khá hài lòng với dự thảo Hiệp ước trưa ngày 13/11 vì đã cam kết giữ nhiệt độ trong giới hạn 1,5 độ C và là bước đi đúng hướng để tiếp tục hành động. Nhóm thứ hai là các đảo quốc, thất vọng với dự thảo, nhưng vẫn chấp nhận. Nhóm thứ ba là các nước đang phát triển với Trung Quốc, Ấn Độ, Venezuela, Bolivia, Nam Phi. Nhóm này kiên quyết không thông qua dự thảo nếu không có một số sửa đổi.

Sau bữa trưa muộn, vào buổi tối, Hội nghị họp lại phiên toàn thể. Một lần nữa, Ấn Độ và Trung Quốc liên minh với nhau kiên quyết đòi sửa cụm từ "Bỏ điện than" thành "Giảm điện than" và vài từ khác khiến nhiều đại biểu vô cùng thất vọng. Có đại biểu đã nêu lý do thủ tục là không thể thay đổi một chữ nào vào giai đoạn này. Hai đại biểu giơ ảnh của con cháu lên và lo lắng nếu chấp nhận sửa họ sẽ biết nói thế nào khi về gặp chúng. Đại biểu khác tỏ ra cực kỳ thất vọng vì họ đã thất vọng với dự thảo ban sáng nhưng giờ lại lùi tiếp. Lời lẽ gay gắt lại không chứa từ "phản đối" vì họ hiểu cũng không thể lùi được nữa. Cũng không phải nhóm Ấn Độ và Trung Quốc đề nghị sửa đổi vào phút cuối mà họ đã đề nghị từ các phiên họp trước. Đến đêm Chủ tịch đã phải xin ý kiến có ai "phản đối" thì không còn nước nào phản đối nên hai cụm từ sẽ được đưa vào văn kiện.

Rất nhiều tổ chức phi chính phủ đã cảm thấy rất thất vọng. Các tổ chức thanh niên thậm chí muốn thay đổi lãnh đạo thế giới bằng thế hệ trẻ vì thế hệ già không chịu nghĩ đến tương lai. Nhưng ý kiến của Ấn Độ hoàn toàn phù hợp với khả năng, trách nhiệm và công lý khí hậu của các nước nghèo. Họ không thể hứa cái mà họ không thể làm được. Ấn Độ đã tính toán phải đến năm 2070 mới đạt Net zero, họ còn hàng tỉ người nghèo để phải lo toan.

Từ Glasgow trở về, Chính phủ Việt Nam sẽ gặp cả thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi là sự ủng hộ của nhiều nước phát triển đối với lời hứa Net zero của Việt Nam vào năm 2050 và bỏ điện than vào năm 2040. Khó khăn đến từ hai phía. Một là tính toán của các nhà khoa học cho thấy, với những cam kết hiện nay, nhiệt độ bề mặt Trái Đất vẫn sẽ tăng 2,4 độ C vào cuối thể kỷ này chứ không phải 1,5 độ C - tức là BĐKH vẫn sẽ xảy ra và nước ta vẫn là nước sẽ hứng chịu nặng nề. Hai là những cam kết của Việt Nam đưa nước ta vào thế kẹt về kế hoạch phát triển.

Việc soạn thảo Cam kết quốc gia (NDC) bản mới cho COP27 theo cam kết gần như là vô vọng. Từ trước đến nay chúng ta vẫn tuân theo Hiệp định Paris soạn NDC theo kịch bản giảm phát thải so với phương án phát triển bình thường (BAU) chứ không phải là giảm tuyệt đối. Mà không giảm tuyệt đối từ giai đoạn 2025 - 2030 thì không thể đạt Net zero vào 2050. Tiếp đến là Quy hoạch điện 8 cũng sẽ không biết sửa thế nào vì nếu 2040 bỏ điện than, hoặc chôn lấp hoàn toàn CO2 thải ra là bài toán hoàn toàn mới.

Về nguồn lực, chúng ta sẽ ở vào tình thế cực kỳ khó khăn. Vừa phải căng ra để chống BĐKH, vừa phải chấp nhận tăng giá điện vì tổng công suất điện gió và mặt trời sẽ tăng lên. Tăng tỷ lệ điện gió và mặt trời cần có điện khí mạnh nhưng chạy hệ số tải thấp, hoặc lưu trữ siêu lớn để hỗ trợ khi mất gió vào buổi tối. Hai thứ đó đều rất đắt. Cũng như phần lớn các đại biểu, có lẽ chúng ta hy vọng có công nghệ màu nhiệm nào đó ra đời. Nhưng nay là thế kỷ 21, phép màu rất khó xảy ra./.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tham khảo:

Tin tức về Hội nghị COP26 tại https://unfccc.int/

Tin tức về Hội nghị COP26 tại https://ukcop26.org/

Báo Chính phủ. Ứng phó BĐKH, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Ung-pho-BDKH-phuc-hoi-tu-nhien-phai-tro-thanh-uu-tien-cao-nhat-la-tieu-chuan-dao-duc-cao-nhat/451636.vgp

Euro News. COP26 latest: Poland reverses pledge to exit coal by 2030 hours after signing it. https://www.euronews.com/green/2021/11/04/cop26-latest-40-countries-vow-to-phase-out-coal-as-energy-day-kicks-off

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động