RSS Feed for COP26 có là bước ngoặt cho Biến đổi khí hậu? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 04:01
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

COP26 có là bước ngoặt cho Biến đổi khí hậu?

 - Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, hay còn gọi là Hội nghị Các bên (COP) tham gia Công ước Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (nay là Hiệp định Paris 2015) lần thứ 26, đúng ra phải được tổ chức năm 2020. Nhưng đại dịch Covid-19 đã đẩy lùi Hội nghị sang năm nay, vẫn tại Thành phố Glasgow của xứ Scotland, nước Anh. Hội nghị dự tính kéo dài từ 31/10 đến ngày 12/11, với chương trình nghị sự đồ sộ. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu COP26 có là bước ngoặt cho Biến đổi khí hậu? Tổng hợp, phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Vì sao năng lượng tái tạo chỉ đảm bảo một nửa mục tiêu Net Zero? Vì sao năng lượng tái tạo chỉ đảm bảo một nửa mục tiêu Net Zero?

Xu thế thế giới hiện nay là chuyển đổi năng lượng để dẫn đến trung hòa carbon (Net Zero CO2), nhưng theo các chuyên gia năng lượng, cho dù năng lượng tái tạo đang rất sôi động, nhưng nó vẫn chỉ trả lời được một vế của vấn đề, nếu không hiện đại hóa mạng lưới điện. Để trả lời cho câu hỏi: Vì sao năng lượng tái tạo chỉ là một nửa của giải pháp Net Zero? Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có bài viết tổng hợp, bình luận dưới đây.

Một số nguồn năng lượng được coi là ‘sạch’, liệu có thực sự sạch và bền vững? Một số nguồn năng lượng được coi là ‘sạch’, liệu có thực sự sạch và bền vững?

Thế giới đang trong cuộc đua chuyển đổi năng lượng (từ bỏ nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang các dạng năng lượng sạch, tái tạo). Tuy nhiên, các dạng năng lượng tái tạo cũng có những tác động tiềm ẩn đối với môi trường và con người hiện tại, cũng như các thế hệ mai sau. Vậy, hãy thử phân tích, đánh giá những tác động xấu của một số công nghệ năng lượng tái tạo phổ biến hiện nay xem chúng có thực sự bền vững và sạch hay không?


Mục tiêu của Hội nghị lần này là:

Thứ nhất: Đảm bảo thế giới giảm phát thải đáng kể vào năm 2030 nhằm đạt trung hòa carbon (net zero) vào năm 2050 và nhờ đó giữ mức tăng nhiệt độ bề mặt trái đất trong giới hạn 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thứ hai: Thích ứng với Biến đổi khí hậu để bảo vệ các cộng đồng và sinh cảnh tự nhiên.

Thứ ba: Huy động ít nhất 100 tỷ USD hàng năm cho tài chính khí hậu giúp các nước tiến tới net zero.

Thứ tư: Đoàn kết cùng nhau hành động bằng những quy tắc chung chi tiết cho Hiệp định Paris.

Chương trình Hội nghị bao gồm hai ngày họp Thượng đỉnh, sau đó là đi vào đàm phán từng chủ đề. Các chủ đề bao gồm: Tài chính, năng lượng, trao quyền cho thanh niên và công chúng, hệ sinh thái tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, đánh giá thiệt hại, bình đẳng giới, giao thông, thành phố và môi trường được xây dựng.

Các nhà đàm phán phải thống nhất được nội dung của báo cáo Cam kết quốc gia (NDC), trong đó mỗi nước phải thể hiện được một số chỉ tiêu nhất định, và các quy tắc để theo dõi việc thực hiện NDC. Nước đã phát triển phải cam kết cắt giảm khí nhà kính tuyệt đối, nước đang phát triển phải cam kết cắt giảm tương đối so với kịch bản phát triển thông thường. Hiện nay mỗi nước viết NDC một kiểu nên khó tập hợp số liệu, từ đó khó theo dõi việc thực hiện cam kết NDC.

Hội nghị có tới gần 200 nước tham gia và rất nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ. Hội nghị thượng đỉnh trong hai ngày đầu có 120 nguyên thủ có mặt tại chỗ và một số tham gia qua video trực tuyến. Các nguyên thủ lần lượt phát biểu, mỗi người được 4 phút để nói, nhưng thường là vượt quá thời gian. Ngoài đường phố, trên các quảng trường ở Glasgow có rất nhiều các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động khí hậu tiến hành các cuộc biểu tình sôi nổi.

Việc hoãn lại Hội nghị một năm có tác dụng lớn nhất không chỉ với Mỹ - nước có phát thải CO2 lớn nhất trong lịch sử. Năm 2020 nước Mỹ đã không tham gia Hiệp định Paris nên gần như thiếu vắng một tiếng nói lãnh đạo chung cho các nước đã phát triển. Năm nay nước Mỹ quay trở lại và Tổng thống Joe Biden đã cam kết mục tiêu trung hòa carbon (hay còn gọi là net zero) vào năm 2050, tương đương với các nước EU. Theo tính toán của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu - IPCC: Thế giới phải đạt net zero vào năm 2050 thì mới có thể hạn chế nhiệt độ bề mặt trái đất chỉ tăng 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức nhiệt độ đó là có thể chấp nhận được, cao hơn nữa sẽ gây ra những hệ lụy trái đất, không thể kiểm soát. Mỹ đã cử đặc sứ đi từng nước chưa tham gia cam kết net zero vào năm 2050 để thuyết phục họ cam kết cùng nước Mỹ. Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson cũng gọi điện đến nhiều nước để thuyết phục mục tiêu net zero vào năm 2050. Việt Nam và Thái Lan tuyên bố mục tiêu đạt net zero vào năm 2050 nếu được các nước phát triển giúp đỡ về tài chính, công nghệ.

Không phải ở đâu, Mỹ và nước chủ nhà cũng thành công. Có hai nguyên thủ quan trọng bậc nhất với chủ đề Biến đổi khí hậu là Trung Quốc và Nga không trực tiếp tham gia COP26 mà chỉ cử đoàn đi dự. Trung Quốc là nước phát thải khí CO2 lớn nhất hiện nay, chiếm 29% toàn bộ lượng CO2 toàn cầu hàng năm. Còn Nga đứng thứ năm về phát thải CO2. Trước đó, cả Trung Quốc lẫn Nga đã tuyên bố sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2060 và điều đó không có gì để đàm phán cả. Nước phát thải CO2 lớn thứ tư là Ấn Độ cũng tuyên bố từ trước COP26 là họ sẽ cố gắng đạt trung hòa carbon vào năm 2070. Indonesia cũng tuyên bố tại Hội nghị là họ đặt mục tiêu net zero vào năm 2060. Những nước không cam kết net zero vào năm 2050 hiện chiếm khoảng 50% lượng phát thải khí CO2 vào khí quyền.

Gần 50% phát thải còn lại thuộc về các nước cam kết đạt net zero vào năm 2050. Tổng hợp lại, có trên 130 nước đã tuyên bố mục tiêu đạt net zero vào năm 2050, trong đó có 13 nước đã đưa trung hòa carbon vào luật. Những nước đó đa số là nước đã phát triển, hoặc có những thuận lợi nhất định trong phát triển năng lượng tái tạo.

Các nước đảo quốc tuy đóng góp phần rất nhỏ bé cho phát thải khí CO2 nhưng lại là những nước hứng chịu hậu quả thảm khốc nhất nếu không giới hạn mức tăng nhiệt độ trong vòng 1,5oC. Một số nước đơn giản sẽ biến mất khỏi bản đồ. Vì thế, tại Hội nghị họ thường kêu gọi các nước khác hành động ngay với những cam kết ở mức cao nhất. Thủ tướng Mia Mottley của đảo quốc Barbados đã chỉ ra hàng loạt những khoản chi khổng lồ của các nước phát triển để giải cứu nền kinh tế của mình mà chỉ một phần của khoản chi đó có thể ngăn chặn biến đổi khí hậu và giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngay trong những nước đã cam kết mục tiêu 2050 cũng có những con đường khác nhau. Ba Lan yêu cầu điện hạt nhân phải được coi là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, trong khi Áo chống điện hạt nhân và Đức muốn bỏ điện hạt nhân. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đương nhiên yêu cầu điện hạt nhân phải là một giải pháp tiến tới net zero. Có quá nhiều kế hoạch net zero dựa vào những công nghệ mà ngày nay còn chưa được thương mại hóa, thậm chí còn chưa hình dung ra được.

Tổng thống Mỹ cam kết net zero vào năm 2050, nhưng chính tại quốc gia này kế hoạch chống biến đổi khí hậu vẫn bị đẩy qua đẩy lại giữa lưỡng viện, được điều chỉnh liên tục mà chưa biết bao giờ mới được phê duyệt. Đợt khủng hoảng năng lượng hóa thạch vừa qua khiến cuộc họp G20 ngay trước COP26 một mặt kêu gọi chấm dứt đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, mặt khác lại chỉ trích Nga và Arập Xê út không tăng lượng cung dầu và khí để làm dịu khủng hoảng.

Vấn đề lớn tiếp theo là các nước cam kết net zero sau 2050 chiếm 50% phát thải khí CO2 nhưng lại là nửa đang tăng trưởng mạnh của thế giới vì họ còn nghèo, trong khi nửa kia đã dừng lại trên sự sung túc. Do đó, có thể dễ dàng nhìn thấy viễn cảnh hạn chế 1,5oC không khả thi.

Ngay trước Hội nghị COP26, Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA đã đánh giá những cam kết của các quốc gia còn chưa đủ để đạt net zero vào năm 2050. Điều đó cho thấy mục tiêu net zero của COP26 đặt ra, tuy là đúng về mặt lý thuyết, nhưng lại quá cao về kinh tế và kỹ thuật.

COP26 có là bước ngoặt cho Biến đổi khí hậu?
Phân tích của IEA về phát thải CO2 theo các cam kết, chính sách và phần còn thiếu để đạt net zero vào năm 2050.

Vì những mâu thuẫn như trên, nên sau hai ngày Hội nghị Thượng đỉnh hoành tráng của các lãnh đạo sẽ là những ngày đàm phán hết sức vất vả. Hàng chục kỳ Hội nghị COP từ trước Paris 2015 đến nay đã chứng kiến các đoàn đại biểu phải đàm phán qua đêm mà cuối cùng vẫn không tìm ra được tiếng nói chung.

COP26 rất có thể không tạo ra được bước ngoặt như mong đợi về việc hạn chế tăng nhiệt độ ở mức 1,5oC, nhưng một số quyết định có thể thấy ngay sau ngày đầu Hội nghị COP26 như việc chấm dứt cho vay đối với dự án nhiệt điện chạy than mà không có hấp thụ và chôn lấp khi CO2. Công nghệ này, đáng tiếc là vẫn chưa thương mại hóa vì giá vẫn còn cao và phụ thuộc vào các cấu trúc địa chất không phải ở đâu cũng có sẵn. Tiếp đó là giá khí hóa lỏng LNG có thể tăng cao đến mức phá tan tành các dự án điện LNG ở các nước có thu nhập trung bình thấp.

Như vậy, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng cả do tác động của Biến đổi khí hậu lẫn do cam kết chống Biến đổi khí hậu. Nước biển vẫn dâng và thời tiết cực đoan vẫn gia tăng vì COP26 không đạt được mục tiêu. Điện hạt nhân đã dừng thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội. Nhiệt điện than thì không có nguồn tài chính nữa. Điện khí nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ. Điện năng lượng tái tạo mà chưa có thủy điện tích năng, tăng cường lưới điện và hệ thống lưu trữ điện thì điện khí cũng không phát huy được công suất. Lưu trữ điện bằng ắc quy vẫn là công nghệ khá đắt hiện nay. Lưu trữ hydrogen vẫn chủ yếu ở mức nghiên cứu, thử nghiệm. Rất nhiều khó khăn còn nằm phía trước buộc rất nhiều thứ chúng ta phải làm để chủ động thích ứng với Biến đổi khí hậu trong kế hoạch dài hạn, dài hơn nhiều so với việc sau vài năm đi họp COP để nghe những lời hứa./.

ĐÀO NHẬT ĐÌNH - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động