RSS Feed for Đức và châu Âu đang tìm kiếm nguồn nhập than cho sản xuất điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 07:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đức và châu Âu đang tìm kiếm nguồn nhập than cho sản xuất điện

 - Trong bối cảnh thế giới đang cố gắng thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thì khủng hoảng năng lượng xuất hiện, khiến nhiều quốc gia châu Âu phải tìm giải pháp tình thế, dùng than để sản xuất điện... Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.
Khủng hoảng năng lượng: Dấu hiệu chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch (?) Khủng hoảng năng lượng: Dấu hiệu chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch (?)

Ngoài đại dịch Covid-19, biến động giá dầu và khủng hoảng năng lượng đang là chủ đề được dư luận quan tâm. Đây cũng là dấu hiệu không mấy vui trước ngày khai mạc COP26. Những người hoài nghi cho rằng: Đây là “lời cảnh báo cho các chính phủ về những rủi ro cố hữu của quá trình chuyển đổi năng lượng hiện nay”. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: Đây là thời điểm để “đưa than vào lịch sử”. Còn theo Bloomberg News: Việc “chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đang đến gần, nhưng nó không hề đơn giản”... Để trả lời cho câu hỏi: Liệu khủng hoảng năng lượng lần này có phải là dấu hiệu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hay không? Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có bài viết tổng hợp dưới đây.

Mất điện diện rộng ở Trung Quốc và một góc nhìn cho hệ thống điện Việt Nam Mất điện diện rộng ở Trung Quốc và một góc nhìn cho hệ thống điện Việt Nam

Từ những nguyên nhân thiếu điện của Trung Quốc thời gian gần đây đã lưu ý Việt Nam cần phải xác định những gì về cơ cấu nguồn điện trong hiện tại và tương lai tới? Tổng hợp, phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.


Châu Âu quay lại dùng than để sản xuất điện:

Theo Reuters, nhu cầu năng lượng tăng cao khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, khiến giá dầu, khí đốt, than đá tăng theo, phát sinh áp lực lạm phát và làm suy yếu nỗ lực cắt giảm nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.

Sự siết chặt nguồn khí đốt của châu Âu đã khiến Nga chú ý, nước này chiếm 1/3 nguồn cung của khu vực, khiến các chính trị gia châu Âu đổ lỗi cho Moscow vì đã không bơm đủ.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Khi thế giới tăng cường đầu tư cho năng lượng tái tạo, trong lúc khí đốt tăng giá sẽ buộc các nước châu Âu phải kiềm chế tham vọng loại bỏ dần nhiên liệu than đá. Việc thiếu hụt nguồn cung khí đốt nhập khẩu là do đường ống ‘Dòng chảy phương Bắc 2’ (Nord Stream 2) bị cấm, khiến châu Âu phải mua thêm than đá đối phó, nhất là khi mùa đông đang đến gần.

Theo Reuters, hôm thứ Tư (13/10/2021), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay: Nga không sử dụng khí đốt làm vũ khí, sẵn sàng giúp giảm bớt tình trạng khủng hoảng năng lượng của châu Âu khi EU kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp để giải quyết tình trạng giá tăng vọt.

Ông Putin nói tại hội nghị năng lượng ở Moscow rằng: Thị trường khí đốt không cân bằng, hoặc không thể dự đoán được, đặc biệt là ở châu Âu, nhưng do Nga vẫn đang đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng đối với khách hàng nên sẵn sàng tăng nguồn cung nếu được yêu cầu.

Ông Putin cũng bác bỏ cáo buộc rằng: Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí mà chỉ trích này chỉ mang tính “nhảm và mang động cơ chính trị không có cơ sở”.

Châu Âu sẽ quay lại thời kỳ đào than để sản xuất điện? Câu hỏi đang được dư luận quan tâm. Theo Natasha Tyrina - nhà phân tích nghiên cứu tại Wood Mackenzie Ltd., nói với Bloomberg: “Nếu tất cả các công ty điện lực ở châu Âu chuyển sang sử dụng than, nó sẽ dẫn đến nhu cầu than tăng vọt, như vậy một mình Nga không thể cung cấp than cho châu Âu được mà cần tới nguồn cung từ các quốc gia khác, chẳng hạn như Mỹ và các nước khác”.

Theo báo cáo thường niên Power Barometer của Eurelectric - hiệp hội đại diện cho lợi ích chung của ngành điện châu Âu công bố (tháng 9/2021): Để giải quyết khủng hoảng năng lượng, EU phải hành động ngay, như tăng trưởng nhập khẩu điện than đá từ các nước thứ ba. Lý do, sản lượng điện than của châu Âu đang giảm mạnh hơn dự đoán, dự báo sản lượng than của EU trong năm 2021 là 387 TWh so với 618 TWh của năm 2018. Chín quốc gia thành viên hiện không có than và sẽ có thêm 12 quốc gia nữa vào năm 2030, gồm: Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Phần Lan, Hà Lan, Đan Mạch, Ireland, Phần Lan, Hungary, Hy Lạp và Slovakia, tương đương 2/3 công suất than của EU.

Rõ ràng, EU cần phải tăng thêm nguồn cung năng lượng sạch bằng cách nhập khẩu thêm, hoặc tự tìm kiếm nguồn cung mới. Trong hai cách này thì cấp phép cho Nord Stream 2 sẽ là cách nhanh nhất để EU “tự cứu mình” trước khi mùa đông lạnh giá đang đến gần. Nhưng ngay cả kịch bản đáng buồn là EU phải tăng cường nhập khẩu than đá từ bên ngoài để củng cố cho mùa đông sắp tới cũng là điều khó tránh. Theo Euracoal và Statista, năm 2020, sản lượng than của EU là 56 triệu tấn, ít hơn 80% so với 277 triệu tấn của năm 1990. Nhập khẩu than vào EU lên tới 44,2 megaton trong sáu tháng đầu năm 2020. Mức tiêu thụ than nâu năm 2020 ở EU ước tính đạt 246 triệu tấn, ít hơn 33% so với hai năm trước năm 2018.

Hiện tại, Nga vẫn là nhà cung cấp chính của EU về dầu thô, khí đốt tự nhiên và nhiên liệu hóa thạch rắn. Trong năm 2019, gần 2/3 lượng dầu thô nhập khẩu ngoài EU đến từ Nga (27%), Iraq (9%), Nigeria và Saudi Arabia (8%) và Kazakhstan và Na Uy (gồm 7%). Một phân tích tương tự cho thấy, gần 3/4 lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU đến từ Nga (41%), Na Uy (16%), Algeria (8%) và Qatar (5%), trong khi hơn 3/4 là nhiên liệu rắn (chủ yếu là than đá) nhập khẩu có xuất xứ từ Nga (47%), Hoa Kỳ (18%) và Úc (14%).

Giải pháp dùng than để sản xuất điện của người Đức:

Theo Reuters, dự kiến trung tuần tháng 10/2021, các nhà lãnh đạo EU sẽ nhóm họp để bàn thảo các giải pháp giảm thiểu những tác động của giá nhiên liệu tăng, trong đó có nhóm phương án mang tên Toolbox (hộp công cụ) mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cho phép các nước thành viên EU áp dụng các biện pháp tình thế ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng dễ bị tổn thương vì khủng hoảng năng lượng. Riêng điện năng ở Đức ít gay gắt hơn do các hợp đồng điện với giá cố định hàng năm vẫn còn hiệu lực.

Cũng phải nói thêm rằng, than là nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa lớn nhất của Đức, nhưng mức tiêu thụ đã giảm đáng kể từ năm 2019 và những tháng đầu năm 2020. Đức vẫn khai thác than non (hoặc than nâu) từ các mỏ lộ thiên để sản xuất điện trên quy mô lớn - 166,3 triệu tấn vào năm 2018 và nhập khẩu rất ít. Đức là nước sản xuất than non lớn nhất thế giới - thứ thải ra mức CO2 đặc biệt cao và vẫn còn trữ lượng lớn. Lignite bao phủ khoảng 9% việc sử dụng năng lượng chính của Đức vào năm 2019. Phần lớn được dùng để phát điện (19% tổng sản lượng điện của Đức vào năm 2019), hoặc sưởi ấm cho các gia đình.

Do điều kiện địa chất không thuận lợi, than cứng (hard coal) của Đức không đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và việc khai thác than cứng được trợ cấp đã kết thúc vào năm 2018. Trong khi vẫn đang khai thác ở hai mỏ - hiện đã đóng cửa - 2,6 triệu tấn trong năm 2018, Đức hiện phải nhập khẩu toàn bộ lượng than cho nội địa tiêu thụ. Chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực năng lượng và sản xuất thép. Sản lượng than của Đức đạt khoảng 980 petajoules vào năm 2020, giảm 17,9% so với năm 2019.

Năm 2018, Đức nhập khẩu 46,6 triệu tấn than, chiếm 94% lượng than cứng mà nước này tiêu thụ. Các nhà cung cấp than hàng đầu là Nga (40,8%), Hoa Kỳ (20,9%) và Colombia (8,1%). Than cứng bao phủ 9% nhu cầu sử dụng năng lượng chính của Đức vào năm 2019. Phần lớn được đốt để phát điện (9% tổng sản lượng điện vào năm 2019). Trước đó, Đức công bố kế hoạch cắt giảm 42,7% thuế tiêu thụ điện cho người tiêu dùng, nhằm thúc đẩy các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo. Kế hoạch này vừa giảm thiểu rủi ro vì phải phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Theo nhóm các nhà nhập khẩu than Đức (VDKi): Nhập khẩu than cứng của Đức có thể tăng lên 35 - 36 triệu tấn vào năm 2021. Vào tháng 1/2021, VDKi dự báo nhập khẩu than sẽ giảm xuống còn 26,7 triệu tấn trong năm nay do các nhà sản xuất thép sử dụng than thấp hơn trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và cạnh tranh về giá trong sản xuất điện với khí đốt và năng lượng tái tạo. Ước tính mới nhất cho cả năm của VDKi sẽ tăng từ 10% đến 13,2% so với 31,8 triệu tấn được ghi nhận vào năm 2020. Con số này dựa trên mức tăng nhập khẩu 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5. Tuy nhiên, theo VDKi, nhu cầu trong 6 tháng cuối năm là rất khó dự đoán do khủng hoảng năng lượng xuất hiện.

Ví dụ, vào tháng 7/2021, VDKi cho hay: Việc đốt than để sản xuất điện đã tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước, do thời tiết lạnh và tốc độ gió thấp hơn đã làm tăng nhu cầu sản xuất nhiệt để bù đắp sự thiếu hụt điện gió.

Sự gia tăng nhập khẩu than vào năm 2021 sẽ phá vỡ mô hình 5 năm giảm liên tiếp hàng năm, cho dù xu hướng chung đẩy than ra khỏi sản xuất điện ở Đức vẫn còn. Ngoài ra, Đức cũng đang loại bỏ công suất than cứng hiện có khỏi thị trường thông qua đấu thầu đóng cửa có trợ cấp, trong khi một chương trình khác với mức bù cố định áp dụng cho các nhà máy sản xuất than nâu khai thác trong nước./.

KHẮC NAM (THEO: REUTERS/EE/DW/SC/FYC/SC/EEE-10/2021)


Link tham khảo:

1/ https://www.eureporter.co/world/russia/2021/10/15/russia-can-help-europe-and-country-not-using-gas-as-a-weapon-says-putin/?__cf_chl_jschl_tk__=pmd_f51sWXIx5b9uGXAUMyQwz0RHsWA2bywDyONYWnnCQWk-1634687254-0-gqNtZGzNApCjcnBszQi9

2/ https://www.spglobal.com/platts/en/market-insights/latest-news/coal/091420-eu-must-act-on-growth-in-coal-based-electricity-imports-eurelectric

3/ https://finance.yahoo.com/news/europe-turns-russia-more-coal-190000162.html

4/ https://www.reuters.com/article/us-germany-coal-vdki-idUSKBN2FA16R

5/ https://energypost.eu/germany-2021-coal-generation-is-rising-but-the-switch-to-gas-should-continue/

6/ https://www.dw.com/en/germany-coal-tops-wind-as-primary-electricity-source/a-59168105

7/ https://www.statista.com/statistics/265462/coal-production-in-germany-since-1998/

8/ https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/IP_21_5204

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động