Khủng hoảng năng lượng: Dấu hiệu chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch (?)
06:43 | 18/10/2021
Mất điện diện rộng ở Trung Quốc và một góc nhìn cho hệ thống điện Việt Nam Từ những nguyên nhân thiếu điện của Trung Quốc thời gian gần đây đã lưu ý Việt Nam cần phải xác định những gì về cơ cấu nguồn điện trong hiện tại và tương lai tới? Tổng hợp, phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam. |
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu phủ bóng Hội nghị COP26?
Vào cuối tháng này tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh khí hậu quốc tế COP26 với sự tham dự của gần 200 quốc gia trên thế giới với nỗ lực cam kết nhằm hạn chế phát thải nhà kính. Hãng tin Reuters (ngày 12/10) cho biết: Tính đến ngày 12/10 giá dầu tăng ngày thứ 4 liên tiếp, khiến tình trạng thiếu năng lượng ở các nền kinh tế lớn trở nên phức tạp.
Cụ thể, dầu thô Brent tăng 21 cent (0,3%) lên 83,86 USD/thùng lúc 6 giờ 32 GMT, mức cao nhất trong 3 năm, sau khi tăng 1,5% (ngày 11/10). Dầu Mỹ tăng 13 cent tương đương 0,2% lên 80,65 USD/thùng, mức cao nhất trong 7 năm, cũng đã tăng 1,5% trong phiên trước đó.
Giá khí đốt và than đá cũng tăng mạnh, khiến người ta phải chuyển đổi sang dầu mỏ để sản xuất điện. Các nhà phân tích ước tính việc chuyển từ dầu sang khí đốt tự nhiên để sản xuất điện có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thô toàn cầu tăng từ 250.000 đến 750.000 thùng mỗi ngày.
Giá dầu biến động làm cho giá điện tăng theo, khiến tình trạng thiếu năng lượng ở châu Á, châu Âu và Mỹ càng thêm trầm trọng. Chi phí khí đốt tự nhiên tăng cao và thiếu than đã khiến giá điện tăng gấp ba lần so với năm 2020 tại một số quốc gia châu Âu. Viễn cảnh về một mùa đông lạnh giá với hóa đơn sưởi ấm tăng vọt có thể đè nặng lên tâm trí của nhiều người dân tại khu vực này và càng xa vời để hướng dẫn hành động khí hậu. Lượng khí đốt dự trữ ở khu vực châu Âu đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây và việc tìm thêm cũng không dễ khi giá đã tăng 600% kể từ đầu năm.
Sức nóng từ giá nhiên liệu tăng khiến hóa đơn tiền điện luôn luôn biến động. Giá năng lượng tại khu vực này tăng với mức chóng mặt. Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh... giá năng lượng tăng tới gần 300%. EU cảnh báo viễn cảnh “mất điện” có thể diễn ra bất cứ lúc nào tại các nhà máy ở khu vực do khủng hoảng năng lượng chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Tại Trung Quốc, các khu vực công nghiệp lớn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu điện, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tự do hóa hoàn toàn thị trường nhiệt điện của nước này. Giá than nhiệt giao sau cũng tăng trở lại tại Trung Quốc, tăng hơn 10%. Do giá khí đốt tự nhiên tăng cao đã đẩy giá than và dầu lên cùng. Ấn Độ - quốc gia vẫn phụ thuộc rất nhiều vào than cho hay: Có tới 63 trong số 135 nhà máy nhiệt điện than của nước này đang rơi vào khủng hoảng nhiên liệu trầm trọng.
Khủng hoảng năng lượng tạo ra hội chứng domino, lan sang nhiều thị trường khác. Nó làm tăng thêm áp lực lạm phát ở các nền kinh tế đang phục hồi. Lạm phát bán buôn của Nhật Bản ở mức cao nhất trong 13 năm (vào tháng 9/2021). Cuộc khủng hoảng năng lượng đang rình rập ở châu Á, châu Âu, thậm chí cả Mỹ nữa. Đây là kết quả của một loạt các yếu tố phức tạp, từ sự sụt giảm về năng lượng thủy điện và năng lượng gió đến sự gia tăng nhu cầu năng lượng khi các ngành công nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại sau khi suy thoái do đại dịch gây ra.
Giải pháp và dự báo ngắn hạn về năng lượng:
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều chính phủ trên thế giới đang cố gắng hạn chế tác động đến người tiêu dùng, nhưng thừa nhận khó có thể không ngăn được hóa đơn tăng đột biến. Khủng hoảng làm phức tạp thêm bức tranh đang gia tăng áp lực lên các chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. “Ưu tiên trước mắt cần là giảm thiểu tác động xã hội và bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương” - Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) cảnh báo.
Về lý thuyết, Nga và Đức có thể tăng cường đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2), dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga đến châu Âu, sẽ giảm bớt căng thẳng đáng kể. Riêng tại Anh - nơi có nguy cơ cao nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Âu về tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông năm nay. Tóm lại, cuộc khủng hoảng năng lượng mà thế giới đang đối mặt không có giải pháp nào được xem là dễ dàng.
Tuy chưa có nhiều thông tin liên quan đến thời điểm khủng hoảng năng lượng chấm dứt, nhưng đầu tháng 9/2021, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã công bố dự báo có tên Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn tháng 9 (STEO).
Theo báo cáo: Do đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, nên sự phục hồi trong lĩnh vực năng lượng vẫn chưa định hình cụ thể. STEO giả định GDP của Mỹ tăng trưởng 6,0% vào năm 2021 và 4,4% vào năm 2022. Kỳ vọng năm 2022 sẽ tăng trưởng sản lượng từ OPEC và do cách quản lý dầu mỏ chặt của Mỹ, cũng như các nước bên ngoài OPEC có thể làm cho giá dầu Brent giảm xuống mức trung bình hàng năm là 66 USD/thùng.
Tổng sản lượng dầu thô của Mỹ đạt trung bình 11,3 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2021. Dự báo tăng lên mức trung bình 11,7 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Giá bán lẻ xăng thông thường của Mỹ trung bình ở mức 3,16 USD/gallon (1 gallon Mỹ = 3,79 lít) trong tháng 8, mức giá trung bình hàng tháng cao nhất kể từ tháng 10 năm 2014. Dự báo giá xăng bán lẻ sẽ ở mức trung bình 3,14 USD/gal (trong tháng 9) trước khi giảm xuống mức trung bình 2,91 USD/gal (trong quý 4/2021).
Về khí tự nhiên, vào tháng 8, giá khí tự nhiên giao ngay tại Henry Hub trung bình là 4,07 USD/một triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu), tăng so với mức trung bình của tháng 7 là 3,84 USD MMBtu. Dự đoán giá giao ngay trung bình là $ 4,00/MMBtu trong quý 4/2021 và sang năm 2022 đạt mức bình quân hàng tháng là 4,25 USD/MMBtu vào tháng Giêng và sau đó giảm, trung bình 3,47 USD/MMBtu trong cả năm. Lượng khí đốt tự nhiên tồn kho của Mỹ kết thúc vào tháng 8/2021 ở mức 2,9 nghìn tỷ bộ khối (Tcf), thấp hơn 7% so với mức trung bình của 5 năm (2016 - 2020) tính đến thời điểm tháng 9/2021.
Về điện, than, năng lượng tái tạo, STEO cho rằng: Tỷ trọng sản xuất điện từ khí đốt tự nhiên của Mỹ đạt mức trung bình 35% vào năm 2021 và 34% vào năm 2022, giảm từ 39% vào năm 2020. Thị phần khí tự nhiên làm nhiên liệu phát điện cũng giảm vào năm 2022 do các nguồn tái tạo tăng. Do giá khí tự nhiên dự kiến cao hơn, tỷ lệ dự báo sản xuất điện từ than tăng từ 20% vào năm 2020 lên khoảng 24% trong cả hai năm 2021 và 2022. Việc bổ sung mới công suất phát điện từ năng lượng mặt trời và gió được bù đắp phần nào do giảm sản lượng từ thủy điện trong năm nay, dẫn đến tỷ trọng dự báo của tất cả các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất điện của Mỹ sẽ tăng lên 22% vào năm 2022. Tỷ trọng điện hạt nhân trong sản xuất điện của Mỹ giảm từ 21% trong 2020 xuống 20% vào năm 2021 và 19% vào năm 2022 do một số nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động.
Riêng công suất phát điện từ gió và năng lượng mặt trời của Mỹ năm 2021 và 2022 sẽ tăng mạnh. Dự báo ngành điện của Mỹ sẽ được bổ sung 17,6 GW công suất gió mới năm 2021 và 6,3 GW vào năm 2022. Về công suất năng lượng mặt trời quy mô tiện ích bổ sung là 15,9 GW cho năm 2021 và 16,3 GW cho năm 2022.
Sản lượng than dự báo là 601 triệu tấn (MT) vào năm 2021, tăng thêm 66 MT so với năm 2020. Dự báo nhu cầu về than từ ngành điện sẽ tăng 100 MT vào năm 2021 do giá khí đốt tự nhiên cao và xuất khẩu than tăng 21 MT. Dự báo năm 2022, kỳ vọng sản lượng than sẽ tăng 47 MT, lên 648 MT, bất chấp hạn chế về sản xuất và vận chuyển.
Khủng hoảng năng lượng - dấu hiệu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch (?)
Những người hoài nghi về chương trình nghị sự khí hậu của Hội nghị thượng đỉnh COP26 cho rằng: Đây là lời cảnh báo cho các chính phủ về những rủi ro cố hữu của quá trình chuyển đổi năng lượng hiện nay. Cũng có ý kiến cho rằng: Các cường quốc coi sự kiện COP26 là thời điểm để “đưa than vào lịch sử”.
Theo trang tin Bloomberg News của Mỹ: Cuộc khủng hoảng năng lượng cho thấy, việc chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đang đến gần, nhưng nó không hề đơn giản.
Ví dụ, Trung Quốc đang thúc đẩy nhu cầu về than khi họ cố gắng đảm bảo nhiên liệu để giữ cho đèn chiếu sáng và các nhà máy hoạt động. Châu Âu, nơi vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, đang chứng kiến các công ty của họ tìm kiếm nhiều than hơn để phát điện trước mùa đông với giá khí đốt ở mức cao kỷ lục và nguồn cung khó có thể tiếp cận.
Tại Trung Quốc, các nhà chức trách đã yêu cầu phân bổ nguồn cung điện tại một số tỉnh của đất nước. Các dự báo cảnh báo, sự sụt giảm sản lượng công nghiệp tiếp theo có thể xáo trộn nền kinh tế toàn cầu vốn đang gặp khó khăn bởi dịch bệnh và các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Theo chuyên gia phân tích năng lượng Brenda Shaffer viết trên tờ Foreign Policy, Mỹ: Ủy ban châu Âu hiện tại đã biến chính sách năng lượng thành một tập hợp con của chính sách khí hậu, mà ít chú ý đến an ninh cung cấp, hoặc khả năng chi trả cho năng lượng. Trong khi các nguồn khí tự nhiên mới nổi được tìm thấy gần châu Âu như Đông Địa Trung Hải là một ví dụ. Giới lãnh đạo châu Âu lại thỏa hiệp trước áp lực của các nhà sản xuất chứ không nghiêm túc theo đuổi bất kỳ nguồn năng lượng có sẵn.
Còn với những người ủng hộ hành động khí hậu coi sự bất ổn hiện tại là bằng chứng cho thấy sự cần thiết của việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. “Về lâu dài, nền kinh tế đang tách khỏi sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải nắm bắt được sự suy giảm có định hướng của của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch để có hành động thiết thực và hiệu quả hơn” - Tom Sanzillo - chuyên gia năng lượng ở Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) Ấn Độ cho hay.
Dữ liệu cho thấy, năng lượng tái tạo dưới nhiều dạng khác nhau đang trở nên rẻ, thân thiện hơn và đã giúp giảm hàng chục tỷ đô la hóa đơn khí đốt của Anh và EU trong những năm gần đây. Vì vậy, khủng hoảng năng lượng có thể là “hàn thử biểu” cho biết dấu hiệu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đang đến gần.
Các chính trị gia hàng đầu châu Âu chuẩn bị cho COP26 cũng đồng tình. Họ tin rằng, việc chuyển sang năng lượng tái tạo về lâu dài sẽ giúp bảo vệ các khách hàng châu Âu khỏi sự biến động của thị trường dầu khí và đã đến lúc không nên ‘câu giờ’ bởi nó hại nhiều hơn lợi./.
KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
(THEO: REUTERS/WP/CNN/EIA)
Link tham khảo:
2/ https://www.washingtonpost.com/world/2021/10/08/global-energy-crisis-cop26/
3/ https://edition.cnn.com/2021/10/07/business/global-energy-crisis/index.html