RSS Feed for Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 8]: Điện than ‘công nghệ mới nhất’ cũng gặp khó | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 19:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 8]: Điện than ‘công nghệ mới nhất’ cũng gặp khó

 - Hội nghị thượng đỉnh 7 nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (Hội nghị thượng đỉnh G7) được tổ chức tại Anh (từ ngày 11 - 13/6). Để ứng phó với biến đổi khí hậu, các nước đã nhất trí trong năm nay sẽ chấm dứt hỗ trợ xuất khẩu mới của chính phủ đối với nhiệt điện than - nguồn điện không thể thực hiện được các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) vốn thể hiện rõ quan điểm tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu đã buộc phải thay đổi chính sách chỉ trong 3 tuần.


Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 1]: Thiếu điện và những thách thức trong cơ cấu nguồn điện

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 2]: Nhìn lại 10 năm sau sự cố Fukushima

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 3]: Vấn đề xử lý nước thải tại Fukushima số 1

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 4]: Tái khởi động nhà máy điện hạt nhân U40

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 5]: Thách thức giảm phát thải carbon

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 6]: Xu hướng của điện hạt nhân


Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 7]: Cập nhật diễn tiến tái khởi động điện hạt nhân



Vào tháng 12/2020, Chính phủ Nhật Bản đã đặc cách cho các nhà máy nhiệt điện than có hiệu suất phát điện cao làm đối tượng được hỗ trợ xuất khẩu, nhưng nếu không thực hiện được các biện pháp giảm phát thải thì không thể hỗ trợ chỉ vì hiệu suất cao.

Nếu thực hiện được các biện pháp giảm phát thải thì có thể hỗ trợ, nên Nhật Bản cũng đã xem xét một số vấn đề để tiếp tục xuất khẩu. Tuy nhiên, ví dụ điển hình về biện pháp giảm phát thải cũng chỉ có công nghệ thu thập - sử dụng - lưu trữ khí CO2 (phương pháp CCUS) hiện chưa thể áp dụng vào thực tế.

3 tuần trước mọi việc đã khác. Vào cuối tháng 5, tại Hội nghị bộ trưởng môi trường và khí hậu G7 (trước Hội nghị thượng đỉnh), các nước đã nhất trí “trong năm nay sẽ đưa ra chính sách cụ thể đối với việc dừng hỗ trợ xuất khẩu mới cho các dự án nhiệt điện than không thực hiện được các biện pháp giảm phát thải”. METI lúc đó đã tuyên bố vẫn tiếp tục chính sách hiện tại, có thể hỗ trợ xuất khẩu nhiệt điện than hiệu suất cao.

Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6 đã quyết định “trong năm nay sẽ chấm dứt hỗ trợ xuất khẩu mới nhiệt điện than không thực hiện được các biện pháp giảm phát thải”. Sau khi nước chủ nhà Anh liên tục nhấn mạnh, Mỹ cũng tán thành và đưa ra biểu quyết cuối cùng.

Tương lai, sau khi nâng cao hiệu suất phát điện, cần nỗ lực trong việc khử các-bon, chẳng hạn như thu thập khí thải CO2 và lưu trữ dưới lòng đất.

Đương nhiên, chi phí sẽ tăng lên, lợi thế của nhiệt điện than - sản xuất điện với chi phí thấp sẽ mất đi, và nhu cầu mới sẽ khó dự đoán. Về nhiệt điện than, ngoài những khó khăn vốn có, nhu cầu mới dường như cũng không nhiều, vậy tại sao METI lại muốn tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu?

Ở các nước châu Á đang phát triển, nhu cầu về nhiệt điện than rất lớn. Theo METI, hiện có 3 kế hoạch tại Việt Nam, Indonesia liên quan đến Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Kế hoạch nào cũng chủ trương tiếp tục hỗ trợ. Các nước đang phát triển sẽ không dừng điện than, nếu Nhật Bản dừng hỗ trợ, có thể họ sẽ phụ thuộc thiết bị vào Trung Quốc. Kết quả là Trung Quốc sẽ nắm quyền kiểm soát mọi thứ từ nhà máy điện đến lưới điện, và sẽ có ảnh hưởng lớn đến mạng lưới cung cấp điện của châu Á. METI đang lo ngại tình hình đó.

Không chỉ vậy, METI cảnh báo: “Sau khi chấm dứt hỗ trợ ở nước ngoài, thì kêu gọi bãi bỏ nhà máy nhiệt điện than ở Nhật Bản sẽ tăng lên”.

Nhật Bản là quốc gia G7 duy nhất không đưa ra thời hạn bãi bỏ nhiệt điện than. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7, Anh cũng đã yêu cầu Nhật Bản đặt ra mục tiêu cho việc này.

Ở Nhật Bản, tỷ lệ nhiệt điện than chiếm trong nguồn cung cấp điện thời điểm năm 2019 là 32%, cao nhất trong các nước G7. Trong quá trình điều chỉnh tuyên bố ở cấp văn phòng, đã có đề xuất thiết lập thời hạn bãi bỏ các nhà máy nhiệt điện than trong nước, nhưng Nhật Bản đã phản đối và gác lại.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã quyết định đến năm 2030 sẽ làm mới hoặc bãi bỏ các nhà máy nhiệt điện than cũ hiệu suất thấp. Tuy nhiên, quyết định được đưa ra vào tháng 4 năm 2021 và gần đây chủ trương sau năm 2030 vẫn tiếp tục sử dụng hơn 43% thiết bị hiện có.

Quyết định này có khả năng cao sẽ đem đến áp lực trong Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Anh vào tháng 11 tới.

Áp lực ngày càng tăng đối với các công ty liên quan đến nhiệt điện than và các tổ chức tài chính đầu tư cho vay. Tại cuộc họp cổ đông của Tập đoàn Sumitomo tổ chức vào ngày 18/6/2021, một tổ chức phi chính phủ (NGO) về môi trường của Úc đã đưa ra đề xuất cổ đông về việc sửa đổi các điều lệ để tăng cường biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù đề xuất bị phủ quyết, nhưng đã thu được 20% số phiếu tán thành. Một cổ đông NGO khác cho biết tập đoàn Sumitomo đang có kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện than tại Bangladesh. Tuy nhiên, một số lãnh đạo của tập đoàn này đã trả lời rằng: “Nếu dự án không phù hợp với những quy định trong Thỏa thuận chung Paris 2015 về biến đổi khí hậu, thì chúng tôi sẽ không tham gia”.

Ngoài ra, Tập đoàn Tài chính Mitsubishi UFJ vào tháng 4 và Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui vào tháng 5 năm nay đã thông báo rằng họ sẽ ngừng cấp vốn cho các dự án xây mới và mở rộng nhà máy nhiệt điện than từ tháng 6. Tập đoàn Tài chính Mizuho cũng đã tuyên bố vào tháng 5 rằng họ sẽ thắt chặt đầu tư và cho vay đối với việc xây mới và mở rộng các nhà máy nhiệt điện than. Tuy nhiên, nếu hoạt động hỗ trợ xuất khẩu, xây mới và mở rộng nhiệt điện than đồng loạt bị dừng lại, thì việc phát triển kỹ thuật nhiệt điện than hiệu suất cao mà Nhật Bản đã tích lũy được từ trước đến nay chắc chắn sẽ đứt đoạn. Kết quả là giá điện sẽ tăng và có thể dẫn đến sự suy thoái của ngành công nghiệp. Năng lực cạnh tranh và tình hình việc làm ở Nhật Bản cũng có thể nhận ảnh hưởng xấu.

Tại cuộc họp Tiểu ban chính sách cơ bản của Nhóm nghiên cứu tài nguyên năng lượng toàn diện thuộc Cục Tài nguyên Năng lượng Nhật Bản, thảo luận về cơ cấu nguồn điện trong tương lai được tổ chức vào tháng 5 năm nay, cơ quan nghiên cứu đã chỉ ra và mở rộng phân tích: Nếu năm 2050 áp dụng 100% năng lượng tái tạo, thì chi phí phát điện hiện tại từ 13 Yên/1kWh ước tính sẽ tăng lên khoảng 4 lần là 53,4 Yên/1kWh.

Nhân viên của Tổ chức xúc tiến năng lượng tái tạo cũng chỉ trích sự ước tính này là “cực đoan”. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc mở rộng áp dụng năng lượng tái tạo sẽ gây thêm áp lực tăng giá điện. Thực tế, gánh nặng kinh tế gia đình bởi chính sách giá FIT (cho năng lượng tái tạo) đang tăng lên qua từng năm. Theo thông báo của METI vào tháng 3 năm nay, gánh nặng kinh tế gia đình bởi chính sách giá FIT năm nay ước tính là 10.476 yên/hộ tiêu chuẩn và là lần đầu tiên vượt mức10.000 yên/hộ. Việc tăng giá điện như vậy sẽ gây ảnh hưởng lớn, đặc biệt với những hộ gia đình có thu nhập thấp.

Tại Nhật Bản, việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân không tiến triển, năng lượng tái tạo cũng khó mở rộng do những hạn chế như vị trí… Tình hình thiếu điện vào mùa hè và mùa đông, giá điện hiện nay cũng cao hơn các nước khác. METI vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm ra giải pháp hiệu quả thay thế nhiệt điện than - nguồn điện đang đóng vai trò bổ sung điểm yếu cho nguồn cung của Nhật Bản.

(Đón đọc kỳ tới...)

NGUYỄN HOÀNG YẾN (TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH)

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động