RSS Feed for Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - Đồng hành cùng ngành Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 08:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - Đồng hành cùng ngành Năng lượng Việt Nam

 - Năm 2021, Thường trực Ban chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã có nhiều hoạt động nghiên cứu, phản biện, kiến nghị tới các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhằm xây dựng chính sách trong lĩnh vực năng lượng, tháo gỡ khó khăn cho các thành viên, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Phát huy những thành quả đạt được. Bước sang năm 2022, ngoài việc bám sát hoạt động của các hội viên để nắm bắt những khó khăn, trăn trở, qua đó kịp thời động viên, chia sẻ, VEA sẽ tiếp tục kiến nghị những vấn đề còn vướng mắc giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên phát triển - song hành cùng ngành Năng lượng Việt Nam.
Đề xuất giải pháp phát triển bền vững các phân ngành năng lượng Việt Nam Đề xuất giải pháp phát triển bền vững các phân ngành năng lượng Việt Nam

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; các bộ liên quan, với nội dung “đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm bảo đảm phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam”. Dưới đây Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin đăng nguyên văn nội dung kiến nghị của VEA.

Giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho ngành năng lượng Việt Nam trong đại dịch Covid-19 Giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho ngành năng lượng Việt Nam trong đại dịch Covid-19

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường về việc “Báo cáo ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất, kinh doanh của các DN ngành năng lượng và đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ”. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin đăng nội dung các kiến nghị nêu trên.

Kiến nghị điều chỉnh đơn giá, định mức đường dây tải điện trên không Kiến nghị điều chỉnh đơn giá, định mức đường dây tải điện trên không

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương về việc “kiến nghị điều chỉnh đơn giá, định mức đường dây tải điện trên không”. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin đăng nguyên văn kiến nghị nêu trên.

Kiến nghị đưa dự án điện gió ThangLong Wind vào Quy hoạch điện VIII Kiến nghị đưa dự án điện gió ThangLong Wind vào Quy hoạch điện VIII

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc “đề nghị đưa Dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind vào danh mục các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII”. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin đăng nguyên văn nội dung kiến nghị của VEA.


Tiếp nối kết quả đã đạt được của năm 2020, những tháng đầu năm 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định và bắt đầu khởi sắc. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước tình hình đó, với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước vẫn tiếp tục phát triển, nhất là từ khi có Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Dự báo Việt Nam là một trong số không nhiều quốc gia vẫn có tăng trưởng dương trong năm 2021, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tính tăng khoảng 2 - 3%.

Trong năm 2021, ngành năng lượng Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Sản lượng của các mỏ dầu khí đang khai thác suy giảm, trong khi các dự án mới chưa đưa vào kịp thời, dẫn đến sản lượng khai thác suy giảm liên tục trong 5 năm gần đây; do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu điện giảm, nhất là tại khu vực miền Nam, trong khi nguồn năng lượng tái tạo biến đổi (điện gió, điện mặt trời) phát triển nhanh, dẫn đến phải giảm công suất phát của các nhà máy này trong nhiều thời điểm; sản lượng khí và điện sản xuất từ các nhà máy điện sử dụng khí đốt cũng giảm thấp so với dự kiến. Nhu cầu than trong nước tăng cao, trong khi năng lực sản xuất than của các mỏ đã đến giới hạn; điều kiện khai thác ngày càng khó khăn hơn do tài nguyên than xuống sâu hơn.

Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; sự nỗ lực của các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, CN Than - Khoáng sản Việt Nam và các doanh nghiệp, ngành năng lượng Việt Nam về cơ bản đã bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến cuối năm 2021, tổng công suất nguồn điện Việt Nam khoảng 78 nghìn MW, tăng hơn 8 nghìn MW so với năm 2020; trong đó nguồn điện gió, điện mặt trời có tổng công suất khoảng 20 nghìn MW, chiếm 27% tổng công suất nguồn. Ước tính năm 2021, sản lượng điện toàn hệ thống đạt khoảng 256 tỷ kWh, tăng 3,6% so với năm 2020; toàn ngành than khai thác khoảng 47 triệu tấn, trong đó Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam khai thác được 40,3 triệu tấn than sạch, Tổng công ty Than Đông Bắc khai thác được 7,6 triệu tấn; ngành dầu khí khai thác 9,72 triệu tấn dầu, bao gồm 7,99 triệu tấn dầu thô trong nước và 1,67 triệu tấn dầu khai thác từ nước ngoài. Các tập đoàn chủ chốt trong ngành năng lượng đều hoàn thành vượt kế hoạch được giao.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của hàng trăm tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hoặc liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Hiệp hội đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần vào thành tựu chung của ngành năng lượng. Các hoạt động của Hiệp hội trong năm 2021 và định hướng hoạt động trong những năm tiếp theo được đánh giá như sau:

I. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU TRONG NĂM 2021:

1. Công tác phát triển hội viên và không ngừng quan tâm lợi ích hội viên:

Công tác phát triển Hội viên: Công tác phát triển hội viên đã được chú trọng theo hướng nâng cao về chất, kết nạp hội viên là những doanh nghiệp có nhiệt tình, tự nguyện tham gia hoạt động Hiệp hội; đã tổ chức kết nạp 30 đơn vị thành viên, đưa số thành viên của Hiệp hội đến cuối năm 2021 là 445 và 15 thành viên liên kết là Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài. Hoạt động của Hiệp hội đã có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong toàn quốc; trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI.

Không ngừng quan tâm đến lợi ích hội viên: Hiệp hội đã làm tốt nhiệm vụ đại diện cho hội viên kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các khó khăn vướng mắc. Trước tính hình dịch Covid-19 lan rộng, Hiệp hội đã có văn bản gửi các đơn vị thành viên, đề nghị báo cáo những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; Hiệp hội đã tổng hợp gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan để có giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp trong ngành năng lượng. Các đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết hoặc chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết.

2. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội:

Hoạt động tư vấn phản biện vẫn luôn là công tác trọng tâm của Hiệp hội. Năm 2021, Hiệp hội đã thực hiện các công việc:

- Nghiên cứu đề xuất, góp ý vào dự thảo Quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Báo cáo của Hiệp hội đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện đề án.

- Hiệp hội đã có văn bản gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm bảo đảm phát triển bền vững ngành điện lực Việt Nam. Trong báo cáo đã đề cập đến một số nội dung chính: (i) Các thách thức trong việc đảm bảo cung cấp điện, gồm rủi ro trong việc cung cấp đủ nhiên liệu sơ cấp; giá nhiên liệu tăng cao, rủi ro trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện với giá bán điện hợp lý; nhiều quy định quy phạm pháp luật chậm tháo gỡ, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển các dự án điện; (ii) Các giải pháp bảo đảm cung cấp điện; (iii) Các đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan.

- Có báo cáo gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm bảo đảm phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam. Báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương có các giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ các dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Nhiệt điện Quảng Trạch I, Quảng Trạch II; Ô Môn III; Dung Quất I, Dung Quất III; các dự án mở rộng Thủy điện Hòa Bình, Hàm Thuận - Đa Mi, Ialy và Thủy điện tích năng Bác Ái. Các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Các chuỗi Dự án khí - điện Cá Voi Xanh, Lô B; dự án Nhiệt điện Long Phú I. Đề xuất xem xét bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Dầu khí. Trong báo cáo còn đề xuất các giải pháp thu xếp đủ vốn cho phát triển các dự án điện trong Quy hoạch điện VIII; đẩy nhanh chế tạo thiết bị năng lượng trong nước; đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu (than, khí đốt) cho sản xuất điện.

- Hiệp hội đã cử nhiều chuyên gia tham dự, đóng góp ý kiến tại các buổi Hội thảo về năng lượng được tổ chức bởi Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tạp chí Nhà quản trị doanh nghiệp,…

- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là qua Tạp chí Năng lượng Việt Nam/ NangluongVietnam online, Hiệp hội đã tổ chức các phản biện trong lĩnh vực năng lượng, nhất là các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, như: Giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ còn nhiều bất hợp lý; việc giảm huy động từ các dự án điện gió, điện mặt trời; vấn đề về tài chính, công nghệ, thể chế cho đầu tư phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam; vấn đề về giá điện, phát triển điện hạt nhân, nhiệt điện than, năng lượng tái tạo,… Nhìn chung trong công tác phản biện, những tham luận và các ý kiến đóng góp của Hiệp hội được các cơ quan liên quan và dư luận xã hội đánh giá có chất lượng cao.

3. Công tác thông tin - truyền thông:

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để các thành viên Hiệp hội hiểu rõ về các chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, sinh khối, thủy điện,…), góp phần vào việc giảm sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đã được đẩy mạnh. Nhiệm vụ này được thể hiện qua các hoạt động sau:

- Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng được Hiệp hội phổ biến kịp thời đến các thành viên.

- Tạp chí Năng lượng Việt Nam (bản in và trang điện tử), cơ quan ngôn luận chính thức của Hiệp hội, đã thường xuyên cập nhật các thông tin của các ngành và các lĩnh vực năng lượng; đề xuất, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho ngành năng lượng;… Do có chủ đề phong phú, tin tức được cập nhật thường xuyên, Tạp chí Năng lượng online hàng ngày có khoảng 25 - 30 nghìn người truy cập, được nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao.

4. Tổ chức các hội thảo trong nước và quốc tế:

Trong năm 2021, Hiệp hội đã chuẩn bị tài liệu báo cáo tại nhiều hội thảo trong nước và quốc tế:

- Chuẩn bị tài liệu, trình bày tại “Tọa đàm tháo gỡ điểm nghẽn phát triển năng lượng tái tạo" do Tạp chí Nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Tại Tọa đàm, Hiệp hội đã trình bày chủ đề Năng lượng tái tạo - chìa khóa thực hiện mục tiêu trung hòa khí nhà kính vào năm 2050.

- Chuẩn bị tài liệu, trình bày tại “Tọa đàm đầu tư điện gió trong bối cảnh mới" do Tạp chí điện tử Nhà quản trị, Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam tổ chức. Tại Tọa đàm, Hiệp hội đã trình bày chính sách hỗ trợ và các giải pháp đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

- Chuẩn bị tài liệu, trình bày tại “Diễn đàn về cơ chế thu hút đầu tư phát triển Năng lượng tái tạo bền vững tại Việt Nam" do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Tại Diễn đàn, Hiệp hội đã trình bày chuyên đề "Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo - Xu thế phát triển năng lượng Việt Nam tương lai".

5. Xây dựng và phát triển mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước:

Hiệp hội đã cử lãnh đạo tham gia đầy đủ các cuộc họp tại Bộ Công Thương; tham gia các cuộc họp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để góp ý vào các dự thảo quy định pháp luật để hạn chế đến mức thấp nhất vấn đề bất cập mà các văn bản pháp luật ban hành ra gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

6. Xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế (đa phương và song phương) và trong nước nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức trong nước:

- Trong năm 2021, Hiệp hội tiếp tục liên hệ với các hiệp hội năng lượng của các nước trong khu vực và trên thế giới mà Hiệp hội đã ký Bản ghi nhớ hợp tác để trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hợp tác năng lượng giữa các nước.

- Trong năm 2021, Hiệp hội tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Điện lực Kyushu tiếp tục thực hiện và đánh giá kết quả triển khai dự án Hệ thống thông tin tích hợp vận hành hồ chứa theo thời gian thực cho lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Qua 3 năm thực hiện, đại diện của Tập đoàn Điện lực Kyushu tại Việt Nam (KIV) đã rút ra kết luận: (i) Hệ thống tích hợp vận hành theo thời gian thực rất cần thiết cho việc đảm bảo an toàn và tiết kiệm nước cho hồ chứa; (ii) Cần sớm triển khai các hệ thống quan trắc phục vụ vận hành theo thời gian thực trên từng hồ đập và các hệ thống sông; (iii) Cần triển khai các phần mềm chuyên dụng hỗ trợ tính toán vận hành điều tiết, trước mắt sử dụng các công nghệ dự báo tiên tiến chính xác cao của nước ngoài hỗ trợ vận hành; (iv) Các thử nghiệm của KIV và đối tác cho thấy hoàn toàn có thể triển khai hệ thống tích hợp vận hành trong điều kiện thực tế hiện nay.

II. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRONG NĂM 2022:

Dự báo trong năm 2022, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nền kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ được khôi phục và phát triển, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng nhanh, việc bảo đảm cung cấp đủ năng lượng có ý nghĩa rất quan trọng. Trong tình hình các ngành điện, than, dầu khí vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Thu xếp đủ vốn cho các dự án năng lượng tiếp tục khó khăn; nguồn nhiệt điện vào chậm, cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời đã hết hiệu lực, trong khi các cơ chế mới chậm được ban hành; có thể xảy ra thiếu điện vào các tháng mùa khô nếu gặp năm ít nước. Để góp phần trong việc bảo đảm cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thường vụ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 như sau:

1. Phát triển hội viên và chi hội mới:

Dự kiến năm 2022 phát triển thêm 30 - 40 hội viên mới. Xem xét phát triển các chi hội năng lượng tại các địa phương, nhất là tại các địa phương có nhiều thành viên Hiệp hội.

2. Quan tâm đến lợi ích của hội viên:

- Tham gia cùng các doanh nghiệp thành viên làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm giúp các hội viên vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

- Làm tốt nhiệm vụ đại diện cho hội viên kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng về ban hành mới hoặc bổ sung, sửa đổi các chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành năng lượng. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các trường hợp, vụ việc gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của ngành và của hội viên.

3. Công tác hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội:

Đây là hoạt động trọng điểm, xuyên suốt trong năm, Hiệp hội sẽ là đầu mối quan hệ với các bộ, ngành liên quan để có thể tiếp nhận được những yêu cầu về tư vấn phản biện các vấn đề thuộc về chủ trương đường lối, những vấn đề lớn về năng lượng. Công tác giám định xã hội cần được cụ thể hóa thành các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ cho việc phản biện chính sách trúng và đúng hơn. Chủ động đề xuất phản biện những vấn đề bức xúc trong xã hội có liên quan đến đầu tư, xây dựng phát triển ngành năng lượng.

4. Công tác hoạt động khoa học công nghệ, hội thảo, phổ biến kiến thức:

Các đơn vị thuộc Hiệp hội cần đề xuất các vấn đề cần nghiên cứu để kịp đăng ký hoặc đấu thầu ở các Hội đồng Khoa học theo kênh của các bộ, ngành có liên quan. Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế nhằm tăng cường trao đổi các kinh nghiệm trong hoạt động thuộc lĩnh vực năng lượng, qua đó đề xuất, kiến nghị với các cấp lãnh đạo các giải pháp cấp bách nhằm bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước.

5. Tăng cường hoạt động kiểm tra thực tế:

Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương và các Tập đoàn: EVN, PVN, TKV, thực hiện chương trình đi thực tế để tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh các đơn vị thành viên, nhất là tại các dự án trọng điểm, các dự án năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành và đang được đầu tư xây dựng, các đơn vị đang gặp khó khăn để kịp thời đề xuất với lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

6. Tăng cường mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước:

Hiệp hội sẽ chủ động trong việc truyền đạt nguyện vọng của doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước; chủ động trong việc tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo ra môi trường ngày càng thuận lợi cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Làm việc với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên về tài chính, tín dụng, lãi suất, miễn giảm thuế và các cơ chế đặc thù, ưu đãi khác nhằm giúp các hội viên vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

7. Xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế:

Hỗ trợ các thành viên Hiệp hội trong việc hợp tác với các tổ chức quốc tế mà Hiệp hội đã ký Bản ghi nhớ hợp tác. Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Kyushu thực hiện để đánh giá kết quả thí điểm Chương trình HNT trong vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ tại các nhà máy thủy điện A Vương và Sông Tranh 2; báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng đại trà tại các dự án thủy điện, thủy lợi tại Việt Nam.

8. Công tác thông tin - truyền thông:

Tạp chí Năng lượng Việt Nam (bản in) được xuất bản hàng tháng; Trang thông tin điện tử tổng hợp cập nhật thường xuyên các thông tin mới nhất trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực năng lượng./.

TRẦN VIẾT NGÃI - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động