RSS Feed for Đề xuất giải pháp phát triển bền vững các phân ngành năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 04/12/2024 01:40
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đề xuất giải pháp phát triển bền vững các phân ngành năng lượng Việt Nam

 - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; các bộ liên quan, với nội dung “đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm bảo đảm phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam”. Dưới đây Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin đăng nguyên văn nội dung kiến nghị của VEA.
Giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho ngành năng lượng Việt Nam trong đại dịch Covid-19 Giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho ngành năng lượng Việt Nam trong đại dịch Covid-19

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường về việc “Báo cáo ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất, kinh doanh của các DN ngành năng lượng và đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ”. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin đăng nội dung các kiến nghị nêu trên.


Trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam luôn phát triển nhanh với tốc độ tăng GDP bình quân đạt hơn 6%/năm trong đó, ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng. Việc tiếp cận với nguồn năng lượng ổn định với chi phí hợp lý là yếu tố hàng đầu bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng là một trong những vấn đề được ưu tiên trong chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam.

Đất nước ta trong những năm trở lại đây, đầu tư cho ngành năng lượng suy giảm, đa số dự án năng lượng lớn chậm nhiều năm so với dự kiến. Điều này đã tạo ra khoảng trống, gây áp lực lớn lên an ninh năng lượng của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.

Thực hiện chức năng phản biện xã hội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cùng với các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các tập đoàn, các tổng công ty cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các chuyên gia kinh tế kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực năng lượng đã phối hợp, bàn bạc kỹ về những dự án cấp bách, trọng điểm trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (nay chuyển sang Quy hoạch điện VIII), còn chậm tiến độ, cần phải có các giải pháp khắc phục khẩn cấp… Với tính chất đó, Hiệp hội đã lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, các đơn vị, tổng hợp và trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét theo các nội dung sau đây:

Những vấn đề kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam và các đơn vị khác về các dự án chậm tiến độ trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đến nay chưa được khắc phục, hầu hết các dự án chậm trên 10 năm kể từ khi được phê duyệt đầu tư:

I. Các dự án của EVN:

1. Các dự án nhiệt điện than của EVN, bao gồm: Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (1.200 MW) và Quảng Trạch 2 (1.200 MW) đã vay được vốn, nhưng đến nay triển khai còn chậm, Nhiệt điện Quảng Trạch 1 không thể đưa vào vận hành năm 2024 theo kế hoạch. Cần được khắc phục.

2. Dự án chuỗi khí điện Lô B - Ô Môn đã kéo dài hơn 20 năm, nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay vấn đề sử dụng vốn ODA Nhật Bản cho dự án Nhiệt điện Ô Môn 3 chưa được khắc phục do vướng mắc tại Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan cần khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2020/NĐ-CP như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới có thể giải quyết dứt điểm, xây dựng các nhà máy điện đồng bộ với tiến độ đưa khí vào bờ năm 2025.

3. Về các dự án mở rộng thủy điện khác như: Hòa Bình, Hàm Thuận - Đa Mi, Yali, Trị An, những dự án đã thu xếp vốn, đã khởi công như Thủy điện Hòa Bình và các dự án khác… EVN cần đẩy nhanh tiến độ, như kế hoạch được giao.

4. Dự án Thủy điện Tích năng Bắc Ái hiện nay mới hoàn thành phần cửa nhận nước hạ du. Vai trò dự án thủy điện tích năng này rất quan trọng, tạo điều kiện tích hợp cho các nguồn điện gió, điện mặt trời với tỷ lệ cao vào hệ thống. EVN cần khắc phục khó khăn đẩy nhanh tiến độ để dự án hoàn thành đúng kế hoạch, dự kiến vào năm 2028.

II. Các dự án của PVN bao gồm:

1. Chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh kéo dài hàng chục năm do vướng mắc giữa nhà thầu ExxonMobil và PVN. Mặc dù Hợp đồng mua bán khí giữa ExxonMobil và PVN đã được ký từ năm 2017, nhưng các khâu tiếp theo tiến triển rất chậm. Hiện nay ExxonMobil không đưa dự án Cá Voi Xanh vào danh mục ưu tiên đầu tư. Cần tổ chức trao đổi cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Mỹ để đưa dự án trở lại danh mục ưu tiên đầu tư của ExxonMobil; thể hiện thái độ dứt khoát về triển khai dự án này để Việt Nam biết, nếu ExxonMobil của Mỹ không đầu tư nữa thì Việt Nam sẽ lựa chọn nhà thầu khác; lúc đó các dự án Dung Quất 1, 3 nêu trên của EVN và PVN mới được giải quyết theo kế hoạch Chính phủ đã giao để có dòng khí vào bờ từ năm 2025 - 2026.

2. Các dự án nhiệt điện tua bin khí hỗn hợp miền Trung 1 (750 MW) và Miền Trung 2 (750 MW) của PVN liên quan đến chuỗi cung cấp khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh; do quan hệ giữa ExxonMobil và PVN chưa được giải quyết, như mục II.1 đã nêu trên.

3. Chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn 3 và Ô Môn 4: Chủ đầu tư là EVN và phối hợp của PVN với vai trò là đầu mối đôn đốc nhà thầu nước ngoài cung cấp khí cho Ô Môn 3 và 4. PVN cần tích cực phối hợp với các nhà thầu để đảm bảo khâu thượng nguồn và trung nguồn khí, để đưa khí vào bờ không để vướng mắc việc cung cấp khí cho các dự án Ô Môn nêu trên.

4. Đối với dự án nhiệt điện than Long Phú 1: Đến nay việc đầu tư xây dựng đã đạt trên 77%. Kiến nghị Chính phủ giúp xem xét tháo gỡ cấm vận của Mỹ đối với Tổng thầu Power Machines, để PVN có phương án tiếp tục đầu tư, hoàn thành dự án vào năm 2025.

III. Luật Dầu khí được ban hành lần đầu vào năm 1993, sửa đổi năm 2000 và 2008, đến nay có một số điểm không còn phù hợp với thực tế và pháp luật có liên quan khác. Đề nghị bổ sung, sửa đổi một số nội dung sau:

1. Bổ sung quy định, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là Công ty dầu khí quốc gia thực hiện hai vai trò: (i) đại diện nước chủ nhà trong việc ký kết hợp đồng dầu khí với tổ chức, cá nhân và quản lý, giám sát việc triển khai hợp đồng dầu khí, và; (ii) tham gia triển khai hoạt động dầu khí với vai trò nhà thầu trong hợp đồng dầu khí.

2. Phân cấp tối đa cho cơ quan quản lý Nhà nước về dầu khí và PVN khi phê duyệt các bước thực hiện dự án dầu khí trong các khâu: Phê duyệt tài nguyên trữ lượng dầu khí, Phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ.

3. Quy định cơ chế đặc thù cho việc quản lý Quỹ tìm kiếm thăm dò trong hoạt động thăm dò dầu khí; do hoạt động tìm kiếm thăm dò có hệ số rủi ro cao, không thể đáp ứng yêu cầu phải bảo toàn vốn nhà nước khi thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư công và Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

4. Quy định đầy đủ các quy trình, thủ tục đầu tư đối với dự án dầu khí trong Luật Dầu khí và các dự án dầu khí chỉ phải thực hiện theo các quy định trong Luật Dầu khí.

5. Nghiên cứu sửa đổi chính sách, khuyến khích đầu tư bao gồm các điều kiện ăn chia và thuế ưu đãi hơn cho nhà đầu tư, nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực thăm dò, khai thác, trong điều kiện lĩnh vực thăm dò, khai thác tại Việt Nam hiện nay không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

IV. Chính sách phát triển nhiệt điện và giá năng lượng:

1. Nhiệt điện than hiện nay chiếm khoảng 30% công suất nguồn và trên 40% sản lượng điện toàn hệ thống. Trong phiên bản dự thảo Quy hoạch điện VIII trình Chính phủ (tháng 11/2020), tuy tỷ trọng sản lượng điện than trong cơ cấu nguồn có xu thế giảm, nhưng về con số tuyệt đối của công suất điện than vẫn tăng lên, từ 24.000 MW hiện nay lên tới 43.000 MW vào năm 2035.

Để bảo đảm an ninh năng lượng, trong thời gian tới năm 2030 Việt Nam vẫn cần duy trì một tỷ lệ điện than thích hợp trong cơ cấu nguồn điện. Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, như Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tại Glasgow - Hội nghị quốc tế về chống Biến đổi khí hậu - COP26 vừa qua.

Vì vậy, Chính phủ nên xem xét chỉ cho đầu tư các nguồn điện than mới khi sử dụng công nghệ giảm thiểu phát thải khí CO2 (Ví dụ: Trộn thêm thành phần biomass vào nhiên liệu; công nghệ cực siêu tới hạn; công nghệ thu giữ Carbon-CCS…); cho dừng các nhà máy điện than cũ, đã lâu năm. Sau năm 2030, cần có phương án không những không tăng thêm, mà sẽ giảm dần các nhà máy điện than, nhất là nhà máy dùng than nhập khẩu. Định hướng tới năm 2045 - 2050 sẽ chuyển một số các nhà máy điện dùng LNG nhập khẩu sang sử dụng Hydrogen “xanh”, có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo. Như vậy, Việt Nam mới có cơ hội tiến tới phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050.

2. Theo Quy hoạch điện VIII, giá điện thực hiện từ 11,4 Uscents/kWh tới năm 2030 sẽ tác động tới đầu vào của các ngành sản xuất và ảnh hưởng tới gánh nặng chi trả của người dân. Cần sớm hoàn thành thị trường điện cạnh tranh hiệu quả để giá điện phản ánh đúng quy luật thị trường, đồng thời giá điện để khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia thị trường điện Việt Nam.

V. Năng lượng tái tạo:

1. Việt Nam là nước ở vùng nhiệt đới, quanh năm nắng gió liên tục thuận lợi cho việc phát triển năng lượng tái tạo, có bờ biển dài trên 3.200 km, lưu vực biển rộng lớn, có cảng biển, bãi ngang thuận lợi cho phát triển điện gió ngoài khơi và điện gió trên bờ đây là ưu việt để phát triển năng lượng điện gió.

2. Theo đánh giá của WB và ADB, trên thế giới nhiều nước lấy điện gió ngoài khơi là mục tiêu chính để phát triển năng lượng tái tạo, vì chỉ có điện gió ngoài khơi mới tạo ra nguồn điện lớn có thể thay thế được cho năng lượng hóa thạch (nhiệt điện than, khí LNG…). Vì ngoài khơi tốc độ gió thường xuyên đạt từ 9,5m/s đến 10m/s, lưu lượng gió quanh năm khoảng từ 4.000 đến 5.000h; quay được tua bin cho mỗi trụ gió từ 15 tới 20 MW.

Theo tính toán của Dự án điện gió ThangLong Wind (do Tập đoàn Enterprize Energy Group làm chủ đầu tư) với công suất 3.400 MW; sản lượng điện hàng năm có thể đạt được 14 tỷ đến 15 tỷ kWh, ngang với 2 Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, 2 (mỗi nhà máy có công suất 1.200 MW). Điều đó nói lên điện gió ngoài khơi có thể thay thế được năng lượng hóa thạch. Không những thế, dự án Thang Long Wind còn sử dụng điện từ tua bin gió ngoài khơi để sản xuất ra khí Hydrogen và khí Amoniac (NH3), vừa xuất khẩu và sử dụng cả trong nước, rất có lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.

3. Các loại nguồn điện khác như điện gió trên bờ, điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời áp mái đến nay đã đạt trên 20.300 MW, vượt xa Quy hoạch điện VII đề ra, do đó, trong Quy hoạch điện VIII nên hạn chế, chỉ cho phát triển điện mặt trời áp mái phục vụ cho gia đình và các cơ sở dịch vụ, trong giá điện cũng nên quan tâm ưu tiên giá FIT cho điện mặt trời áp mái. Còn lại điện mặt trời, mặt đất, điện sinh khối và các loại năng lượng tái tạo khác cần tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu thích hợp, đảm bảo phát triển các dự án này một cách hiệu quả và bền vững.

VI. Thu xếp vốn cho các dự án điện trong Quy hoạch điện VIII:

Nhu cầu vốn cần thiết để đầu tư các dự án nguồn và lưới điện giai đoạn 2021 -2030 lên đến 99,3 - 116 tỷ USD, mỗi năm cần 10 tỷ - 11,6 tỷ USD cho phương án cơ sở và còn cao hơn trong phương án phụ tải cao, việc thu xếp khoản tiền này cho mỗi năm vào các dự án điện cực kỳ khó, cần được Chính phủ, Đảng, Nhà nước có cơ chế đặc biệt để hỗ trợ cho các chủ đầu tư.

1. Bảo lãnh Chính phủ cần được ưu tiên cho những dự án cần thiết và quan trọng.

2. Có chính sách ưu tiên cho các nhà đầu tư được vay vốn thương mại với các tổ chức quốc tế với lãi suất ưu đãi.

3. Nới rộng mức trần tín dụng ngân hàng trong nước để các nhà đầu tư các dự án điện dễ vay vốn của các ngân hàng trong nước.

4. Huy động mạnh mẽ các nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án nguồn điện và các đường dây đấu nối tới lưới truyền tải xương sống, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

VII. Chế tạo thiết bị điện trong nước:

Việt Nam là nước phụ thuộc mua sắm vật tư thiết bị năng lượng chính từ nước ngoài (tấm pin mặt trời, tua bin khí, các thiết bị chính của nhà máy nhiệt điện than…), ta chỉ sản xuất được một số các thiết bị nhỏ như tua bin thủy điện nhỏ, máy biến áp tới 500 kV…; trong lĩnh vực dầu khí chúng ta đã chế tạo được giàn khoan và sắp tới chế tạo được giàn đế của tua bin gió ngoài khơi. Để tiến tới nội địa hóa ngành thiết bị điện chính, Chính phủ sớm có chỉ đạo để các nhà đầu tư trong và ngoài nước phối hợp xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp, tạo ra thiết bị vật tư cho ngành điện, giảm chi phí ngoại tệ nhập khẩu hàng năm, tiết kiệm cho đất nước hàng tỷ USD.

VIII. Đối với việc cung cấp than và khí đốt:

1. Than là nguồn tài nguyên lớn của đất nước nhưng ngày càng cạn kiệt, lại tập trung ở khu vực Quảng Ninh, do vướng mắc ở khâu cấp phép thăm dò để tìm kiếm mỏ mới, do đó vẫn giữ trữ lượng trên dưới 2 tỷ tấn, hiện nay đã khai thác ở độ sâu dưới 500 m, chất lượng than ngày càng thấp, đa số là than cám 6, cám 7, còn than chất lượng tốt hơn (cám 3, 4 và 5) không đủ cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ mới, phải nhập khẩu với số lượng ngày càng tăng.

2. Các mỏ khí đang khai thác, ngày càng cạn kiệt, trong khi các mỏ khí mới chưa tìm kiếm được. Khí đốt có vai trò quan trọng, bổ sung cho các nguồn năng lượng khác như thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và than để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việt Nam cần có các chính sách khuyến khích trong việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí để đảm bảo, cung cấp năng lượng ổn định cho đất nước trong tương lai.

IX. Kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết một số vấn đề sau:

1. Cần có các giải pháp tích cực để giải quyết dứt điểm các dự án trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) nay chuyển sang Quy hoạch điện VIII, bị kéo dài nhiều năm, để sớm đưa vào vận hành trước năm 2030, hạn chế chuyển sang sau năm 2030.

2. Đảm bảo đủ vốn cho các dự án năng lượng là vấn đề vô cùng quan trọng, do đó các dự án thiếu vốn cần được tháo gỡ. Cần có các cơ chế đặc thù cho các dự án năng lượng trọng điểm, như: Bảo lãnh Chính phủ, vay vốn nước ngoài, mở rộng thị trường, bỏ các rào cản, cần có tầm nhìn xa… để triệt để khắc phục tình trạng thiếu vốn.

3. Mạnh dạn cấp phép đầu tư đối với các dự án đã thấy rõ hiệu quả, như điện gió ngoài khơi (ThangLong Wind v.v...); quy hoạch các dự án LNG phù hợp với các phụ tải tập trung, ở khu vực gần cảng biển để thuận lợi cho nhập khẩu LNG, tránh phát sinh đầu tư thêm các đường dây truyền tải.

4. Về quy hoạch, kể cả quy hoạch năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo, ngoài việc giải quyết các dự án còn lại của Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), những dự án trong Quy hoạch điện VIII cần phải sắp xếp ưu tiên theo các vùng phụ tải tập trung để tránh xây dựng các đường dây truyền tải, gây tốn kém cho Nhà nước, nhất là điện mặt trời mặt đất.

5. Về giá điện và giá năng lượng, theo Quy hoạch điện VIII cần xây dựng cơ chế giá điện và năng lượng sát với thị trường nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào thị trường năng lượng một cách tích cực và hiệu quả.

6. Vai trò của các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo ngành điện và ngành năng lượng, cần phải sát sao để tham mưu cho Chính phủ và Trung ương tìm giải pháp tích cực giải quyết khó khăn cho các dự án điện và năng lượng.

7. Về trách nhiệm quản lý chỉ đạo từ cấp trên đến cấp dưới, từng tổ chức cá nhân, từ các ban quản lý, nhà thầu, chủ đầu tư thực hiện các dự án điện, năng lượng từ nay tới năm 2030 và sau năm 2030 cập nhật tiến độ triển khai dứt điểm vướng mắc ở đâu về cái gì, việc gì, báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để khắc phục nhanh chóng không để ùn ứ gây chậm tiến độ, giải quyết dứt điểm để dự án đầu tư hoàn thành đúng kế hoạch./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động