Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - Kết quả hoạt động 2024 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025
07:26 | 09/01/2025
Mười sự kiện tiêu biểu của ngành năng lượng Việt Nam năm 2024 và những băn khoăn, lo ngại Dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá độc lập từ thông tin, báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp; cũng như các tiêu chí bình chọn (tính đột phá, sự khác biệt, nổi bật, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và phù hợp với xu thế phát triển) của các phân ngành năng lượng, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu, nổi bật trong năm 2024 của ngành năng lượng Việt Nam. Cùng với nhiều điểm ‘sáng’ được chọn là những băn khoăn, lo ngại được nêu ở phần cuối 10 sự kiện. Rất mong nhận được sự chia sẻ của bạn đọc. |
NHIỀU KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC:
Trong năm 2024, nền kinh tế Việt Nam, cũng như thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị trên thế giới, gây nên những căng thẳng đối với chuỗi cung ứng nhiên liệu. Trên thế giới, giá dầu mỏ, khí đốt, than đá vẫn ở mức cao dẫn đến tình hình cung cấp năng lượng biến động phức tạp.
Tại Việt Nam, trong những năm trở lại đây, đầu tư cho ngành năng lượng chậm chạp, chính sách còn nhiều bất định, nhiều dự án năng lượng lớn chậm tiến độ. Về ngành điện, trong năm 2024 chỉ có một dự án nguồn điện quy mô nhỏ được khởi công (Na Dương 2, công suất 110 MW), trong khi tăng trưởng nhu cầu điện tiếp tục nhanh. Hai dự án điện than Vũng Áng 2 (BOT) và Quảng Trạch 1 (EVN) được khởi công năm 2021, dự kiến đưa vào vận hành vào cuối năm 2025 và năm 2026.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và rất nhiều doanh nghiệp khác, ngành năng lượng Việt Nam về cơ bản đã vượt nhiều khó khăn, đạt kết quả tốt trong cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
CÁC THÀNH TỰU CHUNG:
Đến cuối năm 2024, tổng công suất nguồn toàn hệ thống đạt 84.360 MW, tăng hơn 3.800 MW so với năm 2023, trong đó điện than chiếm 32,6%; điện dầu - khí 10,3%; thủy điện 27,9%; năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) chiếm trên 27%; điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 309,4 tỷ kWh, tăng 10,2% so với năm 2023.
Sản lượng khai thác than của TKV đạt trên 49,4 triệu tấn; than tiêu thụ đạt 46,84 triệu tấn; doanh thu toàn Tập đoàn đạt 168.220 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 142% kế hoạch năm.
Sản lượng khai thác dầu thô của PVN trong năm 2024 đạt khoảng 8,02 triệu tấn, sản lượng khai thác khí đạt trên 5,3 tỷ m3.
Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã quyết định chủ trương xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) với chiều dài 519 km, tăng cường truyền tải công suất khoảng trên 2.500 MW từ miền Trung ra hỗ trợ miền Bắc. Đường dây này được khởi công tháng 1/2024 và hoàn thành đóng điện cuối tháng 8/2024.
Với nỗ lực lớn của EVN và các đơn vị thành viên, các công ty xây lắp điện, chế tạo thiết bị trong nước… đường dây đã được hoàn thành với thời gian thần tốc, chứng minh được sự quyết tâm, nỗ lực lớn và năng lực mạnh của EVN, EVNNPT và các nhà thầu chế tạo, xây lắp điện.
An ninh cung cấp điện cho miền Bắc đã được đảm bảo trong các tháng cao điểm nắng nóng năm 2024 và tiếp tục hỗ trợ miền Bắc trong năm 2025. Trong thành tích này có công đóng góp rất lớn của nhiều hội viên VEA.
Năm 2024 là năm có những chủ trương, quy định mới về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) và thị trường điện. Nghị định Chính phủ số 80/2024/ND-CP ngày 1/7/2024 (về DPPA) mở ra cơ hội của thị trường bán lẻ, cho phép các bên mua bán điện trực tiếp NLTT không qua EVN; Nghị định 135/2024/ND-CP về khuyến khích điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ có thể giảm thủ tục hành chính, bán điện dư với mức không quá 20% lên hệ thống điện.
Vấn đề cải cách ngành điện, thị trường điện đã được thực hiện thêm một bước quan trọng. Năm 2024 đã tách Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) ra khỏi EVN và trở thành Công ty TNHH MTV Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO), trực thuộc Bộ Công Thương. Đây là hiện thực hóa chủ trương minh bạch hóa ngành điện, tạo thị trường điện cạnh tranh lành mạnh.
Sau chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân của Trung ương Đảng, Quốc hội đã nhất trí thông qua việc tiếp tục phát triển nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Tuy còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu làm rõ hơn về lựa chọn công nghệ, vốn đầu tư - tài chính của điện hạt nhân, nhưng đây là chủ trương đúng đắn, khi cần có nguồn điện phát thải thấp chạy nền, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và trung hòa các-bon vào năm 2050.
Trong Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thông qua. Luật Điện lực 2004 sau 20 năm thực hiện đã cho thấy vai trò, hiệu quả của Luật và thực thi luật này trong phát triển ngành điện Việt Nam lớn mạnh như hiện nay, đồng thời việc sửa đổi để Luật này quy định các vấn đề phát sinh trong thời kỳ mới là cần thiết. Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ tạo khung pháp lý quan trọng trong việc khơi thông các nguồn lực xã hội cho đảm bảo cung cấp điện, đồng thời bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA VEA NĂM 2024:
Hoạt động của các đơn vị hội viên VEA năm 2024 cũng gặp nhiều khó khăn như:
Thứ nhất: Do tình hình chung về nguồn cung và giá cả nguyên, nhiên, vật liệu tăng lên so với trước.
Thứ hai: Thời tiết bất thường, nhất là cơn bão số 3 (Yagi) gây lũ lụt lớn, thiệt hại nghiêm trọng về người và của, gián đoạn sản xuất.
Mặt khác, nhiều quy định pháp luật trong ngành còn thiếu hoặc chồng chéo. Quy định trong một vài lĩnh vực chưa có sự thống nhất giữa trung ương và địa phương. Các cơ chế tháo gỡ cho phát triển nhanh nguồn điện chạy nền, khuyến khích phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo chưa được ban hành đầy đủ. Cơ chế huy động đầu tư trong ngành năng lượng còn chưa hấp dẫn…
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với những biến động phức tạp của ngành, Hiệp hội đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần vào giữ vững sự tồn tại và phát triển của ngành năng lượng Việt Nam.
1. Hoạt động tư vấn, phản biện và thông tin - truyền thông:
Hoạt động tư vấn phản biện vẫn luôn là công tác trọng tâm của VEA. Năm 2024 Hiệp hội đã có các phản biện, đánh giá về nội dung Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Ngoài việc tiếp tục đề xuất tạo mọi điều kiện để tiếp tục xây dựng các nguồn điện than trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Nam Định, An Khánh - Bắc Giang, Long Phú), Hiệp hội đề xuất tăng cường phát triển các nguồn điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà; điện gió, nhất là nguồn điện gió ngoài khơi, để đáp ứng nhu cầu điện trong điều kiện nhiều nguồn điện lớn chậm tiến độ.
Đóng góp cho quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng công bằng, hướng tới mục tiêu Net zezo vào năm 2050, Hiệp hội có các nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam.
Cùng với đó, Hiệp hội đề xuất sớm ban hành cơ chế giá mua điện đối với các dự án điện mặt trời, điện gió, giải quyết vướng mắc của nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng nguồn điện mà không được huy động, trong khi hệ thống điện có nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần.
Đồng thời, Hiệp hội đã cử nhiều chuyên gia tham dự, đóng góp ý kiến tại các buổi hội thảo, tọa đàm về năng lượng được tổ chức bởi các cơ quan quản lý nhà nước; tham gia các hội đồng xét duyệt, nghiệm thu nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ…
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là qua Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Hiệp hội đã thực hiện công tác phản biện trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Nhìn chung trong công tác phản biện, những tham luận và các ý kiến đóng góp của Hiệp hội được các cơ quan liên quan và dư luận xã hội đánh giá có chất lượng cao.
Hiệp hội luôn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để các hội viên Hiệp hội hiểu rõ về các chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần vào việc giảm sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhiệm vụ này được thể hiện qua các hoạt động sau:
2. Tổ chức hội thảo trong nước:
Trong năm 2024, Hiệp hội đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, các tập đoàn: EVN, PVN, TKV tổ chức Hội thảo trong nước về “Cơ chế, chính sách đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững” tại Hà Nội, ngày 20/9/2024.
Sự kiện đã nhấn mạnh vào những vấn đề cốt lõi đặt ra đối với ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu; vai trò của các tập đoàn nhà nước trong đảm bảo an ninh năng lượng; thế mạnh của các tập đoàn các tổng công ty doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp và nhà đầu tư tư nhân trong quá trình tham gia đầu tư xây dựng các dự án trong Quy hoạch điện VIII. Các tham luận, thảo luận đã tập trung làm sáng tỏ ở nhiều khía cạnh lý luận, chính sách và thực tiễn trong việc triển khai các dự án năng lượng đã đề cập ở trên, đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ nhằm đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng trong các năm tới.
Ngoài ra, trong năm 2024, Hiệp hội cũng phối hợp tham gia tổ chức, đóng góp các sự kiện do các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương chủ trì, như:
- Diễn đàn: “Cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió, điện rác, năng lượng sinh khối theo Quy hoạch điện VIII - Thực trạng và giải pháp tháo gỡ”, (Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì; 11/7/2024, TP. HCM).
- “Hội thảo của các bên thực hiện Cơ chế mua bán điện trực tiếp ở Việt Nam” (Cục Điều tiết Điện lực - ERAV chủ trì, ngày 18/10/2024).
3. Xây dựng và phát triển mối quan hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước:
Hiệp hội đã tham dự nhiều sự kiện hội thảo, diễn đàn, triển lãm… do các bộ, ngành tổ chức về các vấn đề trong ngành năng lượng; tham gia đoàn công tác thực tế công trường, thúc đẩy tiến độ xây dựng cụm đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối…
4. Phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế:
Hiệp hội thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi với đại diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (EVN, PVN, TKV…), cũng như các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước về các cơ hội, thuận lợi, cũng như các vướng mắc, khó khăn trong triển khai đầu tư các dự án nguồn và lưới điện, năng lượng tái tạo.
PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2025:
Hiệp hội tiếp tục tiếp nhận từ cơ quan quản lý những yêu cầu và nghiên cứu tư vấn phản biện về cơ chế, chính sách lớn về ngành năng lượng. Công tác giám định xã hội cần được cụ thể hóa thành các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ cho việc phản biện chính sách trúng và đúng. Chủ động đề xuất phản biện những vấn đề được xã hội quan tâm có liên quan đến đầu tư, xây dựng phát triển và vận hành ngành năng lượng.
Thường xuyên, hoặc định kỳ tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm trong nước và quốc tế nhằm tăng cường trao đổi các kinh nghiệm trong hoạt động thuộc lĩnh vực năng lượng.
Theo đó, đầu năm 2025, (ngày 24 - 26/4, tại Hà Nội), VEA phối hợp với Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC) sẽ tổ chức Triển lãm Quốc tế Năng lượng Việt Nam - Trung Quốc - Asean lần thứ Nhất năm 2025 (VCAE EXPO 2025) và Diễn đàn Quốc tế Năng lượng Việt Nam - Trung Quốc - Asean lần thứ Nhất năm 2025 (VCAE IF 2025).
Hiệp hội tham gia với các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương và EVN, PVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc… thực hiện các chương trình đi thực tế để tìm hiểu đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh các đơn vị thành viên. Nhất là tại các dự án công trình trọng điểm, các dự án năng lượng tái tạo đang được đầu tư xây dựng, các đơn vị đang gặp khó khăn để kịp thời đề xuất với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tháo gỡ.
Hiệp hội chủ động trong việc truyền đạt nguyện vọng của doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Tạp chí Năng lượng Việt Nam/Nangluongvietnam Online cập nhật hàng ngày các thông tin mới trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực năng lượng; với các nhận định - phản biện luôn được đưa ra một cách khách quan, xây dựng, ngày càng được đông đảo bạn đọc quan tâm theo dõi.
Năm 2025 dự kiến sẽ tổ chức Đại hội Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (lần thứ IV), đồng thời tiếp tục phát triển hội viên và thành lập chi hội mới./.
TRẦN VIẾT NGÃI - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM