RSS Feed for Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Kết quả hoạt động năm 2023 và định hướng hoạt động năm 2024 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 16:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Kết quả hoạt động năm 2023 và định hướng hoạt động năm 2024

 - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của 370 tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, hoặc liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Trong năm 2023, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, với những biến động phức tạp của ngành, Hiệp hội đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần vào giữ vững sự tồn tại và phát triển của ngành năng lượng Việt Nam.

Năm 2023 là năm phục hồi, tạo đà và khẳng định các giải pháp đúng hướng để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2021 - 2025). Trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam, cũng như thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị trên thế giới, gây nên những căng thẳng đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát. Giá nhiên liệu (giá dầu mỏ, khí đốt, than đá) tiếp tục tăng cao dẫn đến tình hình cung cấp năng lượng (kể cả ở các nền kinh tế lớn) biến động phức tạp. Khủng hoảng năng lượng đã xảy ra tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.

Tại Việt Nam, trong những năm trở lại đây, đầu tư cho ngành năng lượng suy giảm, chính sách bất định, nhiều dự án năng lượng lớn chậm tiến độ. Về ngành điện, trong giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng công suất cực đại Pmax đạt 9,3%, trong khi tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt ở mức 4,7%, vì vậy nguy cơ thiếu điện năm 2023 đã được tiên đoán trước và nguy cơ tiếp tục thiếu điện cho những năm tới là hiện hữu. Điều này gây áp lực lớn đến cung cấp năng lượng cho Việt Nam trong năm 2023 và những năm tới.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các tập đoàn: Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và rất nhiều doanh nghiệp khác, ngành năng lượng Việt Nam về cơ bản đã vượt nhiều khó khăn, đạt nhiều kết quả tốt trong cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đến cuối năm 2023, tổng công suất nguồn điện Việt Nam khoảng 80.556 MW, tăng 2.800 MW, tương ứng với tăng 3,5% so với năm 2022. Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 280,6 tỷ kWh, tăng 4,56% so với năm 2022. Quy mô hệ thống điện Việt Nam hiện đứng đầu khu vực ASEAN. Sản xuất điện đạt tới 99,99% kế hoạch năm.

Toàn ngành than khai thác sản lượng ước đạt 43,5 triệu tấn; sản lượng than tiêu thụ đạt 58,9 triệu tấn; than cung cấp cho sản xuất điện (riêng TKV) đạt 40,1 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2022 và nộp ngân sách tại Quảng Ninh 20.900 tỷ đồng.

Sản lượng khai thác dầu của PVN trong năm 2023 đạt 10,41 triệu tấn, vượt 12,1% kế hoạch năm và sản lượng khai thác khí đạt 7,47 tỷ m3, vượt 25,7% so với kế hoạch, bằng 92% so với khả năng khai thác của Tập đoàn.

Đánh giá các hoạt động của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam trong năm 2023 và định hướng hoạt động trong những năm tiếp theo được nêu cụ thể như sau:

I. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA HIỆP HỘI TRONG NĂM 2023:

1. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội:

Hoạt động tư vấn phản biện vẫn luôn là công tác trọng tâm của Hiệp hội. Năm 2023 Hiệp hội đã có các phản biện, đánh giá về nội dung Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, trong đó tiếp tục đề xuất tăng cường phát triển các nguồn điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà; điện gió, nhất là nguồn điện gió ngoài khơi, để đáp ứng nhu cầu điện trong điều kiện nhiều nguồn điện lớn chậm tiến độ.

Đóng góp cho quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng công bằng, hướng tới mục tiêu Netzezo vào năm 2050, Hiệp hội có các nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam. Cùng với đó, Hiệp hội đề xuất sớm ban hành cơ chế giá mua điện đối với các dự án điện mặt trời, điện gió, giải quyết vướng mắc của nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng nguồn điện mà không được huy động, trong khi hệ thống điện có nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần.

Hiệp hội đề xuất khẩn trương ban hành cơ chế Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) thí điểm và tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích chính là tự cung cấp điện. Điện gió ngoài khơi có tiềm năng rất lớn, có nhiều ưu điểm, nhưng đòi hỏi quy trình thời gian phát triển khá dài, để thực hiện dự án cần phải có quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy định pháp lý rõ ràng về khảo sát, bàn giao mặt biển cho nhà đầu tư, quy hoạch lưới điện truyền tải đồng bộ, ban hành khung giá điện... Vì vậy, để đến năm 2030 có thể có nhà máy điện gió ngoài khơi đi vào vận hành, cần có một cơ chế đặc biệt để thí điểm một số dự án đầu tư nguồn điện này.

Song song với việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng sạch hơn, một trong những nguồn điện cần thiết phải phát triển là các nguồn điện khí LNG để thay thế dần nhiệt điện than, như là một giải pháp trung gian đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng.

Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, tuy nhiên hiện nay chỉ có 2 dự án đang xây dựng (công suất 1500 MW + 1200 MW), còn lại chưa được triển khai đầu tư xây dựng. Đây cũng là loại hình nhiên liệu mới có độ phức tạp về các thủ tục và theo kiểu chuỗi nhiên liệu, đòi hỏi có thời gian thực hiện kéo dài, cần có một cơ chế đặc biệt để thí điểm giải quyết các vướng mắc về huy động vốn, nguyên tắc khung giá, chuyển giá nhiên liệu, số giờ vận hành tối thiểu và các vấn đề công nghệ khác.

Hiệp hội đã tổ chức Hội thảo về “Cơ chế, chính sách, giải pháp bảo đảm phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn đến năm 2050” và đã có báo cáo số 80/HHNL-BC ngày 7/8/2023 về kết quả Hội thảo cùng các đề xuất, kiến nghị quan trọng tới Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trong đó, đã đánh giá phân tích đầy đủ, khách quan các khó khăn, vướng mắc của các phân ngành, những thách thức mà lĩnh vực điện, dầu khí và năng lượng tái tạo tiếp tục phải vượt qua, đồng thời đề xuất các giải pháp, cơ chế mà cấp thẩm quyền cần giải quyết để hướng tới phát triển bền vững ngành năng lượng.

Hiệp hội đã cử nhiều chuyên gia tham dự, đóng góp ý kiến tại các buổi hội thảo, tọa đàm về năng lượng được tổ chức bởi Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các ủy ban của Quốc hội, Hội đồng lý luận Trung ương; đồng thời cử các chuyên gia tham gia thành viên của Hội đồng thẩm định Nhà nước về Quy hoạch điện VIII, Hội đồng thẩm định Nhà nước về Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là qua Tạp chí Năng lượng Việt Nam/Nangluongvietnam Online, Hiệp hội đã thực hiện công tác phản biện trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm các vấn đề còn có ý kiến khác nhau như: Các khó khăn, thách thức trong phát triển điện khí LNG, điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; vấn đề giải pháp thực hiện Quy hoạch điện VIII, vấn đề về giá điện, giá than; phát triển điện hạt nhân, các cơ chế chính sách cần hoàn thiện… Nhìn chung trong công tác phản biện, những tham luận và các ý kiến đóng góp của Hiệp hội được các cơ quan liên quan và dư luận xã hội đánh giá có chất lượng cao.

2. Công tác thông tin - truyền thông:

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để các hội viên Hiệp hội hiểu rõ về các chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, sinh khối, thủy điện…), góp phần vào việc giảm sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhiệm vụ này được thể hiện qua các hoạt động sau:

Một là: Hiệp hội phổ biến kịp thời đến các thành viên các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng.

Hai là: Tạp chí Năng lượng Việt Nam (bản in và điện tử) thường xuyên cập nhật các thông tin của các ngành và các lĩnh vực năng lượng; đề xuất, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho ngành năng lượng; đồng thời cập nhật các nội dung phát triển năng lượng cùng các chính sách đã, đang được áp dụng của các nước phát triển và đang phát triển để tham khảo các bài học kinh nghiệm áp dụng cho Việt Nam… Do có chủ đề phong phú, tin tức được cập nhật thường xuyên, Tạp chí Năng lượng Việt Nam được nhiều tổ chức, bạn đọc trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Ba là: Tổ chức cho các chuyên gia của Hiệp hội tham gia ý kiến, đề xuất giải pháp, đóng góp các chính sách tới các cơ quan có thẩm quyền.

3. Tổ chức hội thảo trong nước và quốc tế:

Trong năm 2023, Hiệp hội đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, các tập đoàn: Điện lực Vệt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về “Cơ chế, chính sách, giải pháp bảo đảm phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn đến năm 2050” tại Hà Nội ngày 28/7/2023.

Hội thảo đã thu hút trên 200 đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước (các bộ, ngành), các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và nhà đầu tư, các viện nghiên cứu, cùng các ngân hàng, tổ chức quốc tế và các chuyên gia quản lý, kỹ thuật. Hội thảo đã nhấn mạnh vào những vấn đề cốt lõi đặt ra đối với ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu, các kinh nghiệm các dự án năng lượng chậm tiến độ trong Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh để rút kinh nghiệm bổ sung cho Quy hoạch điện VIII; vai trò của các tập đoàn nhà nước trong đảm bảo an ninh năng lượng; thế mạnh của các tập đoàn các tổng công ty doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp và nhà đầu tư tư nhân trong quá trình tham gia đầu tư xây dựng các dự án bị chậm trong Quy hoạch điện VII và cần tập trung trong giai đoạn tới theo Quy hoạch điện VIII. Các tham luận, thảo luận đã tập trung làm sáng tỏ ở nhiều khía cạnh lý luận, chính sách và thực tiễn trong việc triển khai các dự án năng lượng đã đề cập ở trên.

Sau hội thảo, Hiệp hội đã có báo cáo 80/HHNL-BC ngày 7/8/2023 về báo cáo kết quả Hội thảo cùng các đề xuất kiến nghị quan trọng gửi lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trong đó đề xuất nhiều nội dung cần được tập trung quan tâm tháo gỡ trong các lĩnh vực điện, năng lượng tái tạo và dầu khí, nhằm phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam.

Hiệp hội cử đại diện tham gia và đóng góp ý kiến tại các hội nghị tổng kết năm 2023 của Tập đoàn Điện lực việt Nam (EVN), Bộ Công Thương.

4. Xây dựng và phát triển mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước:

Hiệp hội đã cử đại diện lãnh đạo tham gia các cuộc họp tại Bộ Công Thương; tham gia các cuộc họp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, góp ý vào các dự thảo quy định pháp luật để hỗ trợ việc ban hành các văn bản pháp luật hoàn chỉnh, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như góp ý các nội dung về định hướng cơ chế cụ thể cho một số dự án trọng điểm thuộc Quy hoạch điện quốc gia nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình chuẩn bị triển khai dự án, đạt tiến độ.

5. Xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế (đa phương và song phương) và trong nước nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và trong nước:

Hiệp hội đã chủ động trao đổi, làm việc với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để nắm rõ thông tin, hỗ trợ các hội viên các cơ hội định hướng hoạt động:

- Tham gia các đoàn công tác do GIZ (LB Đức) tổ chức hội nghị tọa đàm về “chuyển dịch năng lượng công bằng”.

- Phối hợp với Tập đoàn Điện lực Kyushu (Nhật Bản) tiếp tục thực hiện và đánh giá kết quả triển khai dự án hệ thống thông tin tích hợp vận hành hồ chứa theo thời gian thực cho lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

- Hội đàm với Trung tâm Thông tin Điện lực Nhật Bản (JEPIC) về các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản khi đầu tư các dự án điện trong Quy hoạch điện VIII và các khả năng ứng dụng các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.

Ngoài ra, Hiệp hội thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi với các tập đoàn nhà nước (EVN, PVN, TKV), cũng như các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước về các cơ hội, thuận lợi, cũng như các vướng mắc, khó khăn trong triển khai đầu tư các dự án nguồn và lưới điện, năng lượng tái tạo.

6. Công tác phát triển hội viên, không ngừng quan tâm lợi ích hội viên:

Công tác phát triển hội viên: Công tác phát triển hội viên đã được chú trọng theo hướng nâng cao về chất, kết nạp hội viên là những doanh nghiệp có nhiệt tình, tự nguyện tham gia hoạt động Hiệp hội. Trong năm 2023, Hiệp hội đã kết nạp thêm gần 25 hội viên là các nhà đầu tư trong nước và hội viên liên kết quốc tế.

Trong năm qua, Hiệp hội đã đặc biệt quan tâm đến lợi ích hội viên và làm tốt nhiệm vụ đại diện cho hội viên trong việc kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc về chính sách và thực tiễn triển khai các dự án năng lượng. Các kiến nghị của Hiệp hội đã được các cấp có thẩm quyền chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết.

Đặc biệt, hoạt động của Hiệp hội đã có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong toàn quốc và các doanh nghiệp với nhiều hình thức sở hữu khác nhau.

7. Về kiện toàn cơ quan và bổ sung nhân sự:

Nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động, giữa năm 2023, Hiệp Hội đã thành lập Văn phòng Đại diện phía Nam. Đến nay, thủ tục thành lập đã hoàn thiện và Văn phòng đại diện đang chuẩn bị đi vào hoạt động.

Cuối năm 2023, Ban Chấp hành Hiệp hội cũng đã bầu thay thế Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội, đồng thời bổ sung thêm một Phó chủ tịch thường trực nhằm kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ cấu thường trực Hiệp hội.

II. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRONG NĂM 2024 VÀ NHỮNG NĂM TỚI:

Thời gian qua, ngành năng lượng phát triển nhanh, về cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều dự án nguồn điện vào chậm đã xảy ra thiếu nguồn cung điện trong tháng 5, 6 mùa hè năm 2023, buộc phải tiết giảm phụ tải tại một số địa phương khu vực miền Bắc. Việc này, đã gây ra một số hệ lụy nhất định cho nền kinh tế. Có thể nhận thấy rằng, trong quá trình phát triển của hệ thống điện và ngành năng lượng đã xuất hiện một số khó khăn, bất cập cần giải quyết nhằm đảm bảo an ninh năng lượng hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới:

Thứ nhất: Nhiều dự án năng lượng lớn, nhất là các dự án có liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài và các dự án nhiệt điện lớn chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung cấp điện giai đoạn 2021 - 2030.

Thứ hai: Việc đảm bảo cung cấp đủ năng lượng sơ cấp cũng gặp nhiều rủi ro. Việt Nam đang nhập khẩu tịnh về sản phẩm xăng dầu. Việc cung cấp xăng dầu sẽ bị gián đoạn khi bị đứt gãy một khâu bất kỳ của chuỗi cung ứng.

Thứ ba: Sản lượng khí khai thác từ các mỏ khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ suy giảm nhanh, ảnh hưởng đến khả năng phát của các nhà máy điện khí (hiện chiếm khoảng 9% công suất toàn hệ thống).

Thứ tư: Than khai thác trong nước đến mức giới hạn, than nhập khẩu cho sản xuất điện tăng nhanh; việc đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện cũng gặp nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Thứ năm: Tình hình khủng hoảng năng lượng thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp cùng thay đổi địa chính trị thế giới, giá nhiên liệu tăng cao và bất định của giá nhiên liệu nhập khẩu sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng nhiên liệu cho phát điện và việc cân đối tài chính của các doanh nghiệp ngành năng lượng.

Để góp phần trong việc phát triển bền vững ngành năng lượng, lãnh đạo Hiệp hội đã đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau:

1. Công tác hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội:

Đây là hoạt động trọng điểm, xuyên suốt trong năm, Hiệp hội luôn là đầu mối quan hệ với các bộ, ngành liên quan để có thể tiếp nhận được những yêu cầu về tư vấn phản biện về cơ chế, chính sách lớn về ngành năng lượng. Nâng cao chất lượng tư vấn, phản biện chuyên gia của các thành viên Hội đồng Khoa học của Hiệp hội. Công tác giám định xã hội cần được cụ thể hóa thành các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ cho việc phản biện chính sách trúng và đúng hơn. Chủ động đề xuất phản biện những vấn đề được xã hội quan tâm có liên quan đến đầu tư, xây dựng phát triển và vận hành ngành năng lượng.

Có kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học trên cơ sở lựa chọn chủ đề (chuyên đề) được các doanh nghiệp ngành năng lượng và các cơ quan quản lý tập trung quan tâm theo từng thời kỳ, nhằm tổng hợp ý kiến của các tổ chức, các chuyên gia và nhà khoa học, góp phần kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức hội viên, cũng như xem xét ban hành các cơ chế chính sách, giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng, tiến tới phát triển bền vững ngành năng lượng.

2. Công tác hoạt động khoa học công nghệ, hội thảo, phổ biến kiến thức:

Các đơn vị thuộc Hiệp hội cần đề xuất các vấn đề cần nghiên cứu để đăng ký, hoặc đấu thầu ở các Hội đồng Khoa học theo kênh của các bộ, ngành có liên quan. Thường xuyên, hoặc định kỳ tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm trong nước và quốc tế nhằm tăng cường trao đổi các kinh nghiệm trong hoạt động thuộc lĩnh vực năng lượng, qua đó đề xuất, kiến nghị với cấp thẩm quyền các giải pháp nhằm bảo đảm cung cấp năng lượng an ninh và phát triển bền vững.

3. Tăng cường hoạt động kiểm tra thực tế và chế độ nắm bắt thông tin:

Hiệp hội tham gia với các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương và EVN, PVN, TKV thực hiện các chương trình đi thực tế để tìm hiểu đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh các đơn vị thành viên, nhất là tại các dự án công trình trọng điểm, các dự án năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành, hoặc đang được đầu tư xây dựng, các đơn vị đang gặp khó khăn để kịp thời đề xuất với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tháo gỡ.

Cùng với đó là củng cố công tác nắm bắt trao đổi thông tin giữa Thường trực Hiệp Hội với các đơn vị hội viên, trước mắt cần tái lập và xây dựng chế độ báo cáo trao đổi thông tin, tình hình hoạt động theo chế độ định kỳ, nề nếp.

4. Tăng cường mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước:

Hiệp hội chủ động trong việc truyền đạt nguyện vọng của doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước; chủ động trong việc tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo ra môi trường ngày càng thuận lợi cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Mặt khác, làm việc với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên về tài chính, tín dụng, lãi suất, miễn giảm thuế và các cơ chế đặc thù, ưu đãi khác nhằm giúp các hội viên vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

5. Xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế:

Hỗ trợ các hội viên trong việc hợp tác với các tổ chức quốc tế. Hiệp hội đã ký Bản ghi nhớ hợp tác, phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Kyushu thực hiện để đánh giá kết quả thí điểm Chương trình HNT trong vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ tại các nhà máy thủy điện A Vương và Sông Tranh 2; báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng đại trà tại các dự án thủy điện, thủy lợi tại Việt Nam.

Hiệp hội có kế hoạch làm việc, trao đổi hợp tác kinh nghiệm với các hiệp hội năng lượng của một số nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... để học hỏi, cũng như đúc kết những bài học về phát triển ngành năng lượng, xem xét khả năng áp dụng cho Việt Nam.

6. Công tác thông tin - truyền thông:

Tạp chí Năng lượng Việt Nam, được xuất bản hàng tháng (đối với bản in). Đối với bản điện tử được cập nhật hàng ngày các thông tin mới nhất trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Tiếp tục nâng cao chất lượng, uy tín của các bài viết khoa học, phản biện trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

7. Quan tâm đến lợi ích của hội viên:

- Tham gia cùng các doanh nghiệp thành viên làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm giúp các tổ chức hội viên vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

- Làm tốt nhiệm vụ đại diện cho hội viên kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành chức năng về ban hành mới hoặc bổ sung, sửa đổi các chính sách, cơ chế, biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành năng lượng; bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các trường hợp, vụ việc gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của ngành và của hội viên.

8. Công tác khác:

- Tổ chức Đại hội Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lần thứ IV:

Đại hội Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khóa III được tổ chức tháng 6/2016. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam có nhiệm kỳ 5 năm (2016 - 2021). Trong năm qua, Đại hội khóa IV đã hoãn tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một số nguyên nhân khách quan, dự kiến được tổ chức trong năm 2024 để bầu Ban Chấp hành và các tổ chức mới của Hiệp hội theo quy định của Điều lệ Hiệp hội.

- Phát triển hội viên và chi hội mới:

Dự kiến năm 2023 phát triển thêm khoảng 20 tổ chức hội viên mới; xem xét phát triển các chi hội năng lượng tại các địa phương, nhất là tại các địa phương có nhiều hội viên Hiệp hội. Củng cố, phát triển hoạt động của Văn phòng đại diện phía Nam của Hiệp hội.

Với những nội dung định hướng trên, chúng ta có thể tin tưởng rằng, cùng với sự ủng hộ, đoàn kết của các hội viên, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sẽ phát huy vai trò và tiếng nói của mình, hoạt động ngày càng thiết thực hơn, góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp ngành năng lượng, của các tổ chức hội viên và củng cố phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam./.

TRẦN VIẾT NGÃI - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động