RSS Feed for Kiến nghị giải quyết khó khăn cho các nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 16:58
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kiến nghị giải quyết khó khăn cho các nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ

 - Trước diễn biến bất thường của thời tiết, hạn hán kéo dài, giá mua điện giảm, lãi vay cao... Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giải quyết khó khăn cho các nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ trên toàn quốc. Dưới đây là nguyên văn kiến nghị của VEA.


Kiến nghị phê duyệt sản lượng điện (Qc) cho dự án Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang



 

Theo số liệu thống kê, hiện tại, các nhà đầu tư thủy điện của Việt Nam bình quân đầu tư từ 30 - 100 MW và có một số doanh nghiệp quản lý lên đến trên 200 MW. Tổng công suất thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước khoảng trên 4.500 MW, hàng năm đóng góp trên 5 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng góp phần xây dựng đất nước là nguồn năng lượng xanh, sạch.

Do biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, hạn hán kéo dài, điển hình năm 2019 mực nước các hồ thủy điện trên toàn quốc đều sụt giảm, sản lượng các nhà máy thủy điện đều giảm. Riêng các nhà máy thủy điện lớn của EVN sản lượng 2019 giảm tới 16,3 tỷ kWh, hầu hết các hồ thủy điện đều vận hành trong tình trạng mực nước hồ thấp, đặc biệt là mùa khô.

Các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ cũng nằm trong tình trạng đó, nhưng khác biệt hơn hồ thủy điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ dung tích không lớn, nên sự suy giảm do hạn hán càng lớn hơn so với hồ thủy điện lớn, dẫn tới doanh thu đạt thấp, không có lợi nhuận, không đủ chi phí trang trải, kể cả tiền lương trả cho cán bộ công nhân viên, chưa nói đến tiền trả lãi vay cho các ngân hàng.

Hầu hết các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đều do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, nên đều phải vay vốn từ các ngân hàng, doanh nghiệp vay ít nhất cũng hàng trăm tỷ, đến hàng ngàn tỷ đồng. Lãi vay không được ưu đãi, lãi suất cao, thời hạn ngắn, do đó, gánh nặng trả lãi vay cả vốn lẫn lãi cho các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Những năm trước 2019 có đủ nước, một số doanh nghiệp vận hành nhà máy thủy điện vừa và nhỏ doanh thu tốt, cơ bản trả đủ lãi vay ngân hàng, còn hầu hết đang trong tình trạng hết sức khó khăn.

Từ năm 2019 trở về trước, giá điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ vào mùa khô phát điện vào 5 tiếng vào giờ cao điểm được tính theo biểu giá chi phí tránh được: 

1/ Khu vực miền Bắc: giá giờ cao điểm 2019 là 2.969 đồng/1kWh, năm 2020 là 2.658 đồng/1kWh giảm 311 đồng/1kWh.

2/ Khu vực miền Trung: giá giờ cao điểm 2019 là 2.969 đồng/1kWh, năm 2020 là 2.661 đồng/1kWh giảm 308 đồng/1kWh.

3/ Khu vực miền Nam: giá giờ cao điểm 2019 là 2.988 đồng/1kWh, năm 2020 là 2.681 đồng/1kWh giảm 307 đồng/1kWh.

Hiện nay, giá mua điện bình quân đối với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ chỉ vào khoảng hơn 1.100 đồng/1kWh, trong khi đó, giá mua điện gió và điện mặt trời đang được nhà nước ưu đãi với giá cao hơn rất nhiều so với giá mua điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, cụ thể:

1/ Giá mua điện gió đối với các dự án trong đất liền là: 8,5 Uscent/1kWh tương dương 2.014 đồng/1kWh và đối với các dự án trên biển là: 9,8 Uscent/1kWh  tương dương 2.322 đồng/1kWh.  

2/ Giá mua điện mặt trời mới nhất đang được Chính phủ xem xét là: 7,09 - 7,69 Uscent/kWh, tương đương 1.679 đồng/1kWh -:- 1.822 đồng/1kWh, đối với các dự án vận hành trước ngày 30/6/2019 thì được hưởng mức rất cao là: 9,35 Uscent/1kWh tương đương 2.215 đồng/1kWh.  

Như vậy, đều là nguồn năng lượng tái tạo, nhưng thủy điện vừa và nhỏ đang là nguồn năng lượng có giá mua thấp hơn rất nhiều so với  năng lượng gió và mặt trời.

Hầu hết các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đều trông chờ vào giá bán điện của 5 tiếng vào giờ cao điểm mùa khô để bù đắp cho giá điện giờ thường, giờ thấp điểm và giá điện của 4 tháng mùa mưa. Tuy nhiên, việc giá điện năm 2020 giảm hơn 300 đồng/1kWh đã khiến doanh thu các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ sụt giảm nghiêm trọng.

Việc giá điện bị giảm như trên càng làm cho các doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn hơn. Giá mua điện giảm, hồ thủy điện cạn nước, doanh thu phát điện thấp, không có lợi nhuận, không đủ trả lãi vay ngân hàng... cộng với Việt Nam đang trong giai đoạn dịch Covid 19 lại khó khăn rất nhiều; một số nhà máy thủy điện phải đóng cửa, cán bộ công nhân viên nghỉ việc.

Trong đại dịch Covid 19, Chính phủ đã có chủ trương cho các doanh nghiệp được hoãn, giãn nợ vay đối với các ngân hàng, đồng thời được giảm, giãn thuế đối với các cơ quan thuế.

Với tình hình trên, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giúp đỡ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ trong toàn quốc được hưởng một số đề xuất sau đây:

1/ Đề nghị cho giữ giá mua điện giờ cao điểm của năm 2020 như biểu giá quy định năm 2019.

2/ Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho giảm lãi suất vay ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2020 do tình trạng dịch Covid 19 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong toàn quốc.

3/ Cho phép các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được cơ cấu lại các khoản nợ vay theo hình thức giãn thời gian trả nợ gốc thêm tối thiểu từ 5-7 năm so với thời gian quy định tại hợp đồng tín dụng đã ký kết để giảm bớt áp lực trả nợ cho doanh nghiệp. Hoặc có phương án cho doanh nghiệp vay lại để trả nợ cho các khoản vay đến hạn, nhưng không thể cân đối được nguồn trả nợ do doanh thu sụt giảm mà không cần bổ sung tài sản thế chấp là nhà máy đang thế chấp tại ngân hàng.

4/ Từ năm 2020 trở đi đất nước ta sẽ nằm trong tình trạng thiếu điện, đặc biệt từ năm 2021 -2025 dự báo sẽ thiếu điện nghiêm trọng, Nhà nước đang khuyến khích phát triển năng lượng gió, mặt trời (nguồn năng lượng này không phát điện được 24/24h), nhưng nguồn thủy điện vừa và nhỏ khi đủ nước sẽ phát được 24/24h. Do đó, kính đề nghị Bộ Công Thương, ngoài khai thác 5 tiếng vào giờ cao điểm thì cho tận dụng khai thác các giờ khác để tối đa khai thác nguồn điện này.

5/ Kiến nghị Chính phủ cho điều chỉnh giá của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tương đương với giá của điện gió, điện mặt trời, bởi vì đều là loại năng lượng tái tạo (mỗi loại có ưu, nhược điểm khác nhau), nhưng thủy điện vừa và nhỏ nếu đủ nước thì phát điện được 24/24h. 

6/ Kính đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo cho phép điều chỉnh linh hoạt lịch trả nợ đối với các nhà máy thủy điện theo nguyên tắc: Những năm hạn hán, doanh thu sụt giảm thì cho phép các nhà máy thủy điện được điều chỉnh giảm số tiền trả nợ gốc và đẩy lùi sang năm sau dự kiến nhiều nước hơn.

Trên đây là một số kiến nghị đề xuất với Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, giúp đỡ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong toàn quốc vượt qua những giai đoạn khó khăn để phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước./.

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động