Kiến nghị điều chỉnh đơn giá, định mức đường dây tải điện trên không
07:03 | 10/06/2021
Kiến nghị đưa dự án điện gió ThangLong Wind vào Quy hoạch điện VIII
Kiến nghị của VEA về đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam
Kiến nghị ‘miễn tiền thuê mặt biển’ cho các ‘dự án điện gió trên biển’
Trong thời gian qua, VEA nhận được nhiều văn bản của một số đơn vị xây lắp đường dây, trạm cấp điện áp 500 kV, 220 kV, cũng như các đường dây cao áp khác là các thành viên của Hiệp hội phản ánh về những bất hợp lý trong một số đơn giá, định mức đối với xây dựng các đường dây và trạm, ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu, lợi nhuận dẫn tới đời sống, công việc của hàng chục nghìn lao động trong lĩnh vực này. Sau đây, Hiệp hội xin trình bày một số vấn đề về tình trạng này để Thủ tướng và các bộ xem xét:
1/ Tổng công ty Cổ phần xây dựng điện Việt Nam (VNECO) tiền thân là Công ty Xây lắp điện 3 thay mặt cho nhiều đơn vị xây lắp có văn bản số 858 CV/VNECO-PTTT ngày 17/5/2021, về việc “kiến nghị điều chỉnh một số bất cập trong định mức, đơn giá chuyên ngành xây lắp công trình đường dây tải điện trên không”. Các tổng công ty này có thành tích to lớn trong việc xây lắp các đường dây 500 kV, 220 kV, 110 kV. Trong đó, đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam từ những 1992 - 1994 và sau đó hàng trăm dự án khác, đến nay gần như tạo nên một hệ thống đường dây, trạm hoàn chỉnh đảm bảo an toàn hệ thống để đưa điện từ các nhà máy phát điện đến tất cả các nơi tiêu thụ trong cả nước, nhưng chưa bao giờ các đơn vị xây lắp gặp quá nhiều khó khăn như lúc này.
Cụ thể, việc đấu thầu, triển khai thi công các dự án xây lắp đường dây và trạm gặp nhiều khó khăn: Việc bàn giao mặt bằng, đất vĩnh viễn và hành lang tuyến chậm rất nhiều, dẫn đến thời gian thi công kéo dài, các chi phí như thuê kho bãi, lán trại, chi phí quản lý phát sinh tăng theo thời gian thi công (trong khi đó các chi phí này không được tính phát sinh trong hợp đồng) gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhà thầu .
Các hợp đồng đấu thầu theo đơn giá cố định, nhưng do nhiều yếu tố khách quan công trình bị kéo dài thời gian thi công, giá cả vật tư lại tăng vọt (như thép, đúc móng, chế tạo cột), tăng trên 40% so với đơn giá ghi trong hợp đồng, nhưng không được bù giá, nhà thầu phải chịu thiệt hại.
Về việc quyết toán công trình, chủ đầu tư giữ lại 8 đến 10% giá trị, trong lúc lợi nhuận gộp theo đơn giá định mức rất thấp, hầu hết công trình bị lỗ, đồng tiền của nhà thầu bị thâm hụt, phát sinh chi phí tài chính.
Nhà thầu đảm nhận việc chi trả đền bù, tuy nhiên việc đền bù hiện nay với phí đền bù cao hơn rất nhiều so với quy định của Nhà nước, nhà thầu phải thỏa thuận với người dân phần phát sinh, không được chủ đầu tư cho chậm làm tăng chi phí gói thầu, ảnh hưởng lớn tới tài chính nhà thầu, đồng thời làm chậm tiến độ của các dự án.
2/ Về định mức công tác xây lắp đường dây:
Các hướng dẫn áp dụng định mức đối với phần xây dựng tại các Văn bản số 5607/EVN-ĐT áp dụng theo bộ định mức 1776/BXD-VP ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng cho phần thi công móng công trình đường dây tải điện đến nay đã lạc hậu, không phù hợp nữa, gây khó khăn rất nhiều cho nhà thầu. Hầu hết các công trình tải điện đều thuộc các công trình dạng tuyến có chiều dài hàng trăm km, hàng chục km đi qua nhiều địa hình khác nhau (đồi núi, sông suối, đầm lầy), việc di chuyển máy móc điều động nhân lực, vận chuyển vật tư, vật liệu hết sức khó khăn… nhưng trong định mức không phản ánh được những đặc điểm đó.
Định mức 1776/QD-BXD được lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 đến nay không còn phù hợp. Hiện tại đã được thay thế bằng Thông tư 06/2016/TT-BXD, việc điều chỉnh về giá ca xe máy, giá nhân công tại thời điểm hiện nay thay đổi rất nhiều so với trước đây khi áp dụng Thông tư 05/2007/TT-BXD và một số thông tư khác như Định mức 1176/QĐ-BXD đến nay cũng không còn phù hợp…
3/ Về chi phí chung trong dự toán đường dây tải điện:
Thông tư 06/2016/TT-BXD có quy định áp dụng định mức tính chi phí chung đối với công tác xây lắp đường dây xác định theo Mục 3 - Bảng 3.8: Định mức chi phí chung tính trên chi phí nhân công.
Công tác xây lắp đường dây bao gồm toàn bộ công tác xây dựng và lắp đặt, do vậy, khi lập và xác định dự toán, chi phí chung phải được tính trên chi phí nhân công theo quy định tại Bảng 3.8 của Thông tư 06/2016/TT-BXD. Việc áp dụng tính chi phí chung phần xây dựng theo Bảng 3.7 (tính trên chi phí trực tiếp trong dự toán xây dựng công trình) như hướng dẫn tại Văn bản số 5607/EVN-ĐT là không phù hợp và đang sai khác so với hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
4/ Về tổng hợp dự toán chi phí và xác định chi phí xây dựng:
Theo nội dung hướng dẫn phần tổng hợp dự toán chi phí tại Văn bản 5607/EVN-ĐT ngày 28/12/2016 của EVN: ĐM 4970 được Bộ Công Thương ban hành theo Quyết định số 4970/QĐ-BCT ngày 21/12/2016 là định mức lắp đặt (không bao gồm công tác xây dựng, phần chi phí này cũng không phù hợp với thực tế).
Nhà thầu vừa trực tiếp thi công, tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng, trực tiếp nhận vật tư, vận chuyển, bảo quản vật liệu… do chủ đầu tư cung cấp, sau khi lắp đặt xong nhà thầu phải trông giữ bảo quản tài sản cho đến khi công trình được đóng điện vận hành bàn giao cho chủ đầu tư, vì vậy các nhà thầu đề xuất áp dụng hướng dẫn tại Thông tư số 06/2016/TT-BXD (Khoản 1, Điều 7) về khái niệm chi phí trực tiếp khi tính lợi nhuận định mức để lập dự toán, giá gói thầu các công trình đường dây tải điện trên không cấp điện áp đến 500 kV.
Do đó, VEA kiến nghị:
Thứ nhất: Đề nghị Bộ Xây dựng xem xét lại các thông tư hướng dẫn về các định mức trong xây dựng đối với các đường dây và trạm biến áp tải điện từ 500 kV trở xuống để phù hợp với thời điểm hiện tại, tránh thiệt thòi và bất hợp lý cho các nhà thầu trong các chi phí đã được phân tích trên.
Thứ hai: Các đơn giá chuyên ngành xây lắp điện đối với các đường dây truyền tải điện trên không, cần được điều chỉnh lại để phù hợp với đặc thù của ngành xây lắp đường dây tải điện trên không trong điều kiện thực tế, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các đơn vị xây lắp điện; những đơn giá định mức này đến thời điểm hiện tại không phù hợp nữa thì tổ chức điều chỉnh lại cho phù hợp.
Quan tâm lợi ích của người lao động để duy trì lực lượng xây dựng điện trong nước trong tương lai tới, vì đất nước ta đang rất cần đến vai trò của họ, nhất là đối với Quy hoạch điện VIII sắp tới để phát triển điện lực quốc gia.
Thứ ba: Về việc giá vật liệu như sắt, thép, đúc móng, do nhà thầu đảm nhận hiện nay tăng trên 40% so với đơn giá trong hợp đồng, còn cột thép, dây dẫn, cáp quang và các phụ kiện khác do chủ đầu tư (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các ban quản lý dự án điện ba miền Bắc, Trung, Nam cung cấp) hiện nay giá cả cũng tăng cao làm đội lên tổng dự toán, vì vậy việc điểu chỉnh tổng mức đầu tư gặp rất nhiều khó khăn cho chủ đầu tư.
Thứ tư: Công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư chủ yếu do chủ đầu tư đảm nhận cho những đường dây 500 kV, 220 kV kể cả các trạm biến áp, còn các đơn vị xây lắp chịu trách nhiệm đền bù các đường vận chuyển thi công và đền bù mặt bằng hố móng (mặt bằng hố móng thường giao động từ 700 đến 1.000 m2/hố móng) nếu gặp trường hợp qua vườn tược của các hộ dân thì công tác đền bù hết sức khó khăn. Hiện tại áp dụng đơn giá định mức Nhà nước quy định, kể cả chủ đầu tư và nhà thầu cũng không thể nào làm được, vì nhân dân không đồng tình ủng hộ, kể cả chính quyền các địa phương có các đường dây đi qua... Do vậy, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm giúp đỡ; tránh để tình trạng kéo dài tiến độ thi công các công trình đường dây tải điện qua nhiều năm không hoàn thành được vì lý do đền bù bàn giao mặt bằng. Ví dụ như đường dây 500 kV Vũng Áng - Quảng Trạch; Quảng Trạch - Dốc Sỏi và Dốc Sỏi - Pleiku 2…/.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM