RSS Feed for Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho Việt Nam [3] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 12/10/2024 09:37
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho Việt Nam [3]

 - Như đã phân tích trong 2 kỳ trước, để đối phó với "giá dầu thấp" mỗi quốc gia đều có những giải pháp cho riêng mình. Chẳng hạn, Chính phủ Malaysia (nước xuất khẩu dầu ròng) họ cắt giảm chi phí quản lý, giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP, phá giá đồng Rigit, nâng mức thâm hụt ngân sách nhà nước. Mặt khác, giảm trợ cấp giá xăng dầu cho người tiêu dùng, tăng hỗ trợ vốn và giảm những ràng buộc pháp lý gây khó khăn cho hoạt động của các ngành sản xuất hàng hóa... Với Indonesia (nước nhập khẩu dầu ròng) - tận dụng từ giá dầu rẻ, quốc gia này đã tiết kiệm được 8 tỷ USD tiền nhập khẩu xăng và đã giảm được 1/3 số tiền trợ cấp nhiên liệu cho người dân theo chính sách năng lượng nội địa, vv... Còn với Việt Nam - nước nhập khẩu dầu ròng, các sản phẩm dầu cao hơn nhiều so với giá trị dầu thô xuất khẩu thực có, vì vậy, theo chúng tôi nên học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, thực thi chính sách năng lượng, cũng như trong đầu tư phát triển dầu khí quốc gia và trong điều kiện của Việt Nam thì chúng ta càng không nên là một ngoại lệ.

Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho Việt Nam [1]
Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho Việt Nam [2]

KỲ CUỐI: KIẾN NGHỊ CHO TRƯỜNG HỢP VIỆT NAM

TS. TRẦN NGỌC TOẢN [*]

Ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam hiện nay dù đã đạt được những thành tích đáng tự hào, nhưng nghiêm túc nhìn lại thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn còn nằm trong khuôn khổ của công nghệ - kỹ thuật, cơ chế quản lý truyền thống của thế kỷ XX (dù từ 1990 đến nay đã thay tên từ các loại hình công ty sang tập đoàn đến 4 lần).

Tuy nhiên, sau mỗi lần thay đổi đó lại chưa có các nghiên cứu, phân tích khoa học đầy đủ các ưu điểm, nhược điểm, khuyết điểm của mô hình được thử nghiệm, cũng như tính ưu việt của mô hình mới, mà chỉ nhận biết qua "cảm tính" dựa trên những lý thuyết chưa được kiểm nghiệm. Hoạt động của PVN được tiến hành dưới sự chỉ đạo, phê duyệt của Chính phủ... 

Dựa trên những hiểu biết còn rất hạn chế của mình về hiện trạng đổi mới của ngành dầu khí thế giới cũng như của Việt Nam, để góp một phần nhỏ đẩy mạnh sự nghiệp đã có của ngành Dầu khí Việt Nam, chúng tôi kiến nghị các điểm sau đây.

1/ Với Chính phủ

Thứ nhất: Điều chỉnh Luật Dầu khí, thay đổi các điều khoản liên quan đến tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của PVN theo hướng trở thành một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đầy đủ như Pertamina, nâng cao quyền tự chủ và các trách nhiệm đối với nhà nước theo quy định của pháp luật, không làm các nhiệm vụ thuộc quản lý nhà nước.

Mặt khác, tách các đề án thuộc phạm vi điều tra tài nguyên cơ bản và các đề án có mục đích khác ngoài dầu khí ra khỏi nhóm các đề án sản xuất, kinh doanh để không tính vào chi phí sản xuất của tập đoàn.

Thứ hai: Vì đặc điểm địa chất - địa lý và cấu trúc mỏ ở các bể trầm tích dầu khí của Việt Nam cũng như tình hình an ninh rất khác nhau nên cần mở rộng các dạng hợp đồng thượng nguồn phù hợp với thực tế từng khu vực để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ ba: Cải tiến các chính sách, chiến lược, kế hoạch dầu khí phù hợp với trạng thái giá dầu khí quá thấp kéo dài, cải tiến tổ chức và cơ chế quản lý nhà nước đối với ngành Dầu khí Việt Nam phù hợp với tập tục quốc tế và môi trường toàn cầu hóa.

Thứ tư: Ban hành Luật sử dụng nguồn thu từ dầu khí để ngăn chặn tính tùy tiện dẫn đến tiêu cực trong quản lý tài chính quốc gia như tất cả các nước có hoạt động dầu khí khác trên thế giới.

Thứ năm: Hợp tác thăm dò - khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

2/ Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Thứ nhất: Áp dụng các giải pháp của PVN đã soạn thảo và được phê duyệt cộng với các giải pháp chọn lọc từ kinh nghiệm nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Thứ hai: Kế hoạch năm và trung hạn được lập dựa trên giá dầu cơ bản phù hợp với khuynh hướng giá dầu thấp như Petronas.

Thứ ba: Đầu tư ra nước ngoài được xem là hoạt động kinh doanh bình thường, theo cơ chế thị trường, không xem là hoạt động bảo đảm an ninh năng lượng để không tiến hành ồ ạt, không xem xét đầy đủ tới tất cả các loại rủi ro.

Thứ tư: Coi trọng hơn nữa đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, sáng chế, phát minh công nghệ, sử dụng đúng và tăng cường đào tạo nâng cấp chuyên gia kinh tế, kỹ thuật, có chính sách giữ gìn tài nguyên chất xám trong khi bắt buộc phải giảm biên chế nhân lực.

Thứ năm: Việc tìm ra trữ lượng dầu mỏ lớn trong đá móng nứt nẻ phân bố rộng ở nước ta là một phát hiện khoa học có giá trị cao trong lĩnh vực dầu khí thế giới và cho đến nay sản lượng khai thác từ đối tượng này vẫn chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng sản lượng dầu thô của PVN.

Tuy nhiên, có lẽ chúng ta chưa đặt phát hiện này trong loại hình "dầu khí phi truyền thống" nên chưa đầu tư ưu tiên cho nghiên cứu tiếp thu, nhận chuyển giao công nghệ phi truyền thống của nước ngoài và cải tiến, sáng tạo thêm để áp dụng chúng trong các hoạt động thăm dò - khai thác nhằm đạt được giá thành thùng dầu cạnh tranh tốt hơn so với dầu mỏ truyền thống trong điều kiện giá dầu thấp.

Cùng các giải pháp phổ dụng trong các công ty dầu khí quốc tế, với đội ngũ cán bộ, công nhân thông minh và giàu lòng yêu nước, không gian để tìm ra và áp dụng các giải pháp tối ưu để xử lý tác động của giá dầu thấp của ngành Dầu khí Việt Nam là rất lớn.

Đối với nền kinh tế Việt Nam - là nước nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu cao hơn nhiều so với giá trị dầu thô xuất khẩu thực có của mình (không bao gồm dầu của đối tác được hưởng theo quy định trong hợp đồng PSC) thì giá dầu thấp mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân, cho sự phát triển nhanh các ngành kinh tế ngoài dầu hơn là thiệt hại. Nên thiết nghĩ, cần tập trung bàn các giải pháp giúp ngành dầu khí sản xuất, kinh doanh có lãi cao trong điều kiện giá dầu thấp kéo dài sẽ hợp lý hơn là tìm các giải pháp để tăng sản lượng giúp tăng nguồn thu. Trên thế giới (trừ Nga, Venezuela), không ai làm như thế, nhất là các nước nhập khẩu dầu ròng vì tiền bán dầu thô chỉ mua lại được chưa đến 2/3 lượng xăng thu được, nếu tự lọc số dầu thô đã bán.

Lịch sử công nghiệp dầu mỏ thế giới cho thấy, khi các nhà quản lý nhận thức rõ các điều nói trên thì việc chọn được chiến lược tối ưu, sử dụng được mọi tiềm năng - nhất là tiềm năng trí tuệ để khắc phục các khó khăn trước mắt của PVN chắc chắn sẽ thành công.   

[*] TS. Trần Ngọc Toản hiện đang tham gia công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao (Đại học Duy Tân Đà nẵng) và Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

[1].Trần Ngọc Toản: Ngành dầu khí làm gì khi giá dầu thấp (Năng lượng Việt Nam số 133+134,tháng 6+7/2016, trang 17-20).

[2] Trần Ngọc Toản: Đối phó với giá dầu thấp - Kinh nghiệm của Petronas và Petrobras (Năng lượng Việt Nam số 140-141,tháng 1+2/2017, trang 16-19).

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)  

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động