RSS Feed for Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho Việt Nam [1] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 21:24
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho Việt Nam [1]

 - Đông Nam Á là khu vực phát triển kinh tế sôi động nhất trên thế giới, nhưng trữ lượng tài nguyên dầu khí của vùng này lại khá khiêm tốn trong tổng trữ lượng xác minh của toàn thế giới tính đến thời điểm hiện nay. Do vậy, nhìn tổng thể cả khu vực rộng lớn này nằm trong khối nhập khẩu dầu ròng và sẽ là nơi phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung của các nước ngoài khu vực [hình 1a, 1b dưới đây]. Theo nhìn nhận của chúng tôi, tác động của giá dầu thấp hiện nay lên nền kinh tế phụ thuộc vào tương quan của vai trò và vị trí mỗi nước trong sở hữu tài nguyên dầu khí và tầm vóc của ngành công nghiệp dầu khí, cũng như mức tiêu thụ dầu khí của họ. Vì thế tác động này giữa nhóm các nước "xuất khẩu dầu ròng" và "nhập khẩu dầu ròng" ở Đông Nam Á rất khác nhau.

Petrovietnam lại một thời gian khó!

KỲ 1: CÁC QUỐC GIA XUẤT KHẨU DẦU RÒNG

TS. TRẦN NGỌC TOẢN [*]

 

Hình 1 a: Sản lượng và nhu cầu dầu thô của các nước ASEAN năm 2013.

Hình 1b: Xuất/nhập khẩu dầu - khí so với tổng xuất nhập khẩu của ASEAN năm 2013.

Malaysia

Malaysia là nước xuất khẩu dầu ròng và là nước sản xuất dầu - khí lớn thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Indonesia) nên tác động giá dầu thấp mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho Petronas và một phần đối với nền kinh tế Malaysia nói chung. Thu nhập từ xuất khẩu chiếm đến 73% GDP, trong đó 22% từ xuất khẩu khí đốt, 8% từ sản phẩm lọc - hóa dầu và 5% từ dầu thô.

Về mặt nhà nước, để đối phó tác động giá dầu thấp, Chính phủ Malaysia cắt giảm chi tiêu quản lý 2%/năm, giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ mức 6%/năm xuống còn 5-5,5%/năm, phá giá đồng Rigit 4% so với đô la Mỹ, nâng mức thâm hụt ngân sách nhà nước lên 3,2% GDP. Cạnh đó Malaysia giảm trợ cấp giá xăng dầu cho người tiêu dùng, tăng hỗ trợ vốn và giảm những ràng buộc pháp lý gây khó khăn cho hoạt động của các ngành sản xuất hàng hóa và ưu tiên đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng, tăng dịch vụ công cũng như nâng cao mức sống của người dân để giảm xung đột sắc tộc, tôn giáo, bất ổn xã hội, qua đó giảm chi tiêu ngân sách giành cho an ninh quốc nội.

Trong các giải pháp được Petronas áp dụng trong xử lý tác động của giá dầu thấp giống như các tập đoàn dầu khí khác [1,2]. Kết quả trong giải pháp ưu tiên vào phát triển khoa học - công nghệ dầu khí hiện đại để gia tăng giá trị dịch vụ của mình ở trong nước và ở nước ngoài, cũng như cho hoạt động xuất khẩu. Trong đó, nổi bật nhất là Petronas đã thiết kế thành công và sản xuất lần đầu tiên trên thế giới thiết bị hóa lỏng khí đốt nổi (PFLNG Satu), vượt trước hơn một năm so với con tàu Prelude của Shell có công suất cao gấp 3 lần [2].

Thiết bị nổi cùng loại thứ hai, công suất 1,5 triệu tấn/năm (đang được đóng), có thể sẽ xuất xưởng vào năm 2018-2019, mang thương hiệu Malaysia sẽ phục vụ khai thác các mỏ khí biển ở các vùng xa xôi, hẻo lánh trong nước lẫn ở nước ngoài. Khi đi vào hoạt động, thiết bị này sẽ giúp Petronas tránh được việc phải xây dựng các đường ống dẫn khí ngầm dưới biển vừa tốn kém, vừa rất mất nhiều thời gian, làm cho giá thành khai thác khí cao - nhất là các mỏ không có trữ lượng lớn. 

Petronas cũng rất mạnh dạn đầu tư vào công nghệ vùng nước sâu ở Malaysia với tư cách là đối tác của ExxonMobil trong chương trình liên doanh tăng cường thu hồi dầu (EOR) lớn nhất ở Đông Nam Á, có vốn 2,5 tỷ USD tại đề án Tapis, thềm lục địa Terengganu.

Petronas cũng là một trong những tổ chức sản xuất và kinh doanh LNG lớn nhất thế giới.

Là một tập đoàn quốc gia hạng trung bình với vốn đầu tư lần đầu tiên ra nước ngoài chưa đến 300 triệu USD, được chính phủ cho phép quản lý tự chủ, chịu trách nhiệm nộp thuế và nghĩa vụ cho nhà nước theo luật pháp, không chịu trách nhiệm về rủi ro bất khả kháng, hoặc không do tự mình gây ra trong việc sử dụng khoản tiền lớn được ngân sách nhà nước cấp này. Hiện nay Petronas thăm dò - khai thác dầu khí trên 20 nước, vốn đầu tư trong lĩnh vực này chiếm đến một nửa vốn đầu tư của toàn tập đoàn và có khá nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thương mại LNG toàn cầu, cung cấp hơn 90 chuyến hàng (cargo) cho 20 nước. Các hoạt động hạ nguồn cũng được triển khai trên 40 nước.

Về trữ lượng, hiện tại Petronas quản lý 23,2 tỷ thùng dầu quy đổi (boe) trong nước so với 10 tỷ boe thuộc sở hữu của họ ở nước ngoài. Điều đó cho thấy, hoạt động tìm kiếm - thăm dò - khai thác của tập đoàn này dựa chủ yếu vào trữ lượng dầu khí nội địa. Sản lượng khí đốt trong nước tương đối dồi dào giúp Petronas đứng thứ ba trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu LNG thế giới (sau Qatar và Australia).

Trong nước, Petronas đang là công ty điều hành, hoặc góp vốn của 198 mỏ đang khai thác, 155 giàn khoan trên thềm lục địa trong 101 hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) và 6 hợp đồng phân chia rủi ro. Tổng công suất tổng hợp của 9 dây chuyền sản xuất tại các liên hợp LNG của Malaysia lên gần 30 triệu tấn/năm.

Ngoài ra Petronas còn có 27,5% cổ phần trong các nhà máy LNG, công suất 7,8 triệu tấn/năm, sử dụng khí than làm nguyên liệu ở Australia. Tài sản dầu khí của Petronas ở Australia và ở một số nước tương đối ổn định về kinh tế và chính trị cũng là một giải pháp giúp cắt giảm rủi ro địa chính trị cho các tài sản của tập đoàn ở nước ngoài và cho doanh thu chiếm gần 1/5 doanh thu năm 2015 từ LNG của Petronas.

Tuy đã hạn chế được nhiều tác động tiêu cực của giá dầu thấp, nhưng là một nước xuất khẩu dầu khí nên thiệt hại của Petronas không hề nhỏ. Riêng quý II/2016, lợi nhuận của tập đoàn giảm 85% xuống còn 1,62 tỷ RM (Rigit Malaysia, tương đương 402 triệu USD) từ mức 11,07 tỷ RM của quý II/2015. Doanh thu giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, còn 48,4 tỷ RM. Nộp các loại nghĩa vụ giảm mạnh, chỉ còn 7,16 tỷ RM. Lãi sau thuế các hoạt động thượng nguồn cả năm 2016 giảm còn 3,7 tỷ MR, từ mức 6,17 tỷ RM năm trước, còn lãi sau thuế của các hoạt động hạ nguồn đạt 2,26 tỷ RM, từ mức 3,29 tỷ RM của năm 2015.

Tình hình sản xuất, kinh doanh của Petronas năm 2017 cũng không sáng sủa gì nhiều so với năm 2016 vì giá dầu thô, cũng như sản phẩm dầu được tăng rất ít và rất chậm.

Đứng trước bối cảnh ấy, Petronas tiếp tục cải tiến tổ chức, giảm biên chế, nhất là trong đội ngũ quản lý (năm 2016 lãnh đạo tập đoàn chỉ còn 1 tổng giám đốc và 2 phó tổng giám đốc). Mặt khác, Petronas giản tiến độ, hoãn, cắt bỏ các đề án ít, hoặc không có khả năng mang lại lợi nhuận, tập trung vốn cho đầu tư phát triển công nghệ cao và các đề án được chọn lọc có lãi lớn - nhất là trong các hoạt động trung nguồn, hạ nguồn.

Trong giai đoạn giá dầu dưới 50 USD/thùng, Petronas đã cắt chi phí đầu tư và chi phí điều hành đến gần 30%.

Brunei

Brunei là một nước nhỏ, dân số năm 2016 gần 436.620 người, GDP đạt 79.700 USD/người, nguồn thu dựa chính vào xuất khẩu dầu thô, LNG. Sản lượng dầu của quốc gia này khoảng 180.000 thùng/ngày và là nước sản xuất LNG đứng thứ 4 trên thế giới. Tỷ lệ giữa giá trị nhập khẩu, xuất khẩu dầu khí giao động trong khoảng 10-15%.

Năm 2013 kim ngạch xuất khẩu dầu thô chiếm 31% và khí hóa lỏng LNG chiếm 37%GDP nên nguồn thu (thuế, phí các loại, phần lãi được chia, lãi cổ tức) của Brunei bị thiệt hại nặng nề khi giá dầu xuống thấp.

Công ty dầu khí quốc gia Brunei không làm nhiệm vụ sản xuất mà chỉ là một tổ chức quản lý các hoạt động dầu khí do các công ty nước ngoài tiến hành dưới dạng liên doanh, hoặc hợp đồng PSC (phân chia sản phẩm). Vấn đề giải quyết tác động tiêu cực của khủng hoảng giá dầu đối với Brunei chỉ là cách sử dụng tối ưu nguồn thu từ dầu cho nền kinh tế. Chẳng hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp xây dựng, du lịch, dịch vụ, đầu tư tài chính ra nước ngoài, vv... và giải quyết các vấn đề xã hội khi đời sống nhân dân không giữ được mức cao như trước. (Đón đọc kỳ tới)

[*] TS. Trần Ngọc Toản hiện đang tham gia công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao (Đại học Duy Tân Đà nẵng) và Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

Tài liệu tham khảo:

[1].Trần Ngọc Toản: Ngành dầu khí làm gì khi giá dầu thấp (Năng lượng Việt Nam số 133+134,tháng 6+7/2016, trang 17-20).

[2] Trần Ngọc Toản: Đối phó với giá dầu thấp - Kinh nghiệm của Petronas và Petrobras (Năng lượng Việt Nam số 140-141,tháng 1+2/2017, trang 16-19).

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động