RSS Feed for Cần đánh giá khách quan về công nghệ điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 04/11/2024 21:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cần đánh giá khách quan về công nghệ điện hạt nhân

 - Mặc dù các chuyên gia về năng lượng nói chung, điện hạt nhân và năng lượng nguyên tử nói riêng đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết, khoa học, khách quan về điện hạt nhân trong đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững của đất nước, nâng cao tiềm lực quốc gia, nhưng đáng tiếc là những thông tin đó chưa được ghi nhận...

Điện hạt nhân và tái cơ cấu quy hoạch dài hạn (Bài 1)
Điện hạt nhân và tái cơ cấu quy hoạch dài hạn (Bài 2)

Hội thảo “Năng lượng Nguyên tử ở Việt Nam và thế giới” do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức ngày 6/10/2016 tại Hà Nội, nhằm cung cấp thêm thông tin về điện hạt nhân (ĐHN) và Ban tổ chức sẽ nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến để góp ý với Chính phủ về việc có nên hay không tiếp tục xây dựng nhà máy điện hạt nhân nói riêng và chính sách về năng lượng quốc gia nói chung.

Tại Hội thảo, ngoài sự tham gia của đại diện đơn vị tham gia chủ trì, còn có các chuyên gia Việt Nam và một số chuyên gia quốc tế đến từ các tổ chức xã hội, môi trường của Nhật Bản, Đức, Nam Phi.

Việt Nam, cũng giống như phần lớn quốc gia trong khu vực, gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng phong phú, đa dạng nhưng không dồi dào, những nguồn năng lượng truyền thống đang tiến dần đến cạn kiệt. Để ứng phó với những thách thức về an ninh năng lượng trong tình hình hiện nay, bên cạnh việc áp dụng các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cần nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, xây dựng chiến lược năng lượng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế bền vững.

Chính vì vậy, trong phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 tại Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 (Quy hoạch VII+) đã có sự định hướng giữa các nguồn năng lượng. Theo đó, đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, vv…) và từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện.

Điện hạt nhân cũng được dự định xây dựng và hòa lưới điện quốc gia từ năm 2028.

Theo Quy hoạch VII+, vào năm 2020 cơ cấu nguồn điện là 60.000 MW và sẽ tăng lên 129.500 MW vào năm 2030. Và trong cơ cấu nguồn có đầy đủ các thành phần: thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối), điện hạt nhân và nhập khẩu.

Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu về năng lượng nói chung và điện năng nói riêng cần phải được chuẩn bị trước một bước, nên nhu cầu cần truyền đạt chính xác các thông tin liên quan phải được gia tăng đáng kể trong thời gian tới.

Là một trong những người tham dự Hội thảo, người viết bài này thấy rằng có nhiều thông tin có thể gây phân tâm cho các nhà hoạch định chính sách và các tầng lớp nhân dân về năng lượng nguyên tử. Chẳng hạn những thông tin nói rằng điện hạt nhân "không góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính", hoặc "điện hạt nhân không phải là công nghệ năng lượng của tương lai…".

Vì vậy, ở đây xin được nêu lại và bình luận về một số các câu hỏi, hay câu trả lời chất vấn của các chuyên gia hạt nhân mà nhiều người quan tâm.

Một là, tại sao chuyên gia Đức khuyên không nên xây dựng ĐHN, nhưng nước Đức vẫn duy trì 8 lò phản ứng chưa hết thời gian hoạt động (đứng thứ 12/33 nước phát triển ĐHN, tỷ lệ ĐHN chiếm 14,09 % năm 2015), và tăng cường nhập khẩu điện năng từ Pháp (chủ yếu được sản xuất từ nhà máy ĐHN). Phải chăng nước Đức đẩy trách nhiệm cho nước bạn?

Hai là, nêu ra các khoản chi phí lớn mà nhà máy ĐHN phải bỏ ra thêm sau khi nhà máy hết tuổi thọ làm mọi người hoang mang. Trên thực tế, chi phí xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng đã được tính vào giá nhiên liệu và nước bán công nghệ có cam kết hỗ trợ xử lý; Chi phí tháo dỡ nhà máy khi hết tuổi thọ đã được trích theo tỷ lệ % theo doanh thu bán điện và tiền lãi phát sinh hàng năm sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính… (09/2014-QĐ- TTg ngày 23/01/2014).

Ba là, Hội thảo sẽ đầy đủ hơn nếu mời thêm các chuyên gia về năng lượng nguyên tử tham dự, cho ý kiến về việc nên hay không nên làm ĐHN ở Việt Nam.

Bốn là, mỗi dạng nguồn năng lượng đều có các ưu, nhược điểm nhất định. Có vấn đề gì không được minh bạch, khi chỉ đưa ra các nhược điểm của ĐHN, trong khi đó không nói đến nhược điểm của các nguồn năng lượng tái tạo thay thế để người tham gia hội thảo có cái nhìn so sánh tổng thể?

Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao hầu hết các cường quốc và các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới đều sử dụng ĐHN nhằm đảm bảo an ninh năng lượng?

Năm là, chưa có căn cứ để chứng minh rằng: Đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả có thể giúp cắt giảm 30.000-42.000 MW công suất so với Quy hoạch VII+ đã phê duyệt mà vẫn đảm bảo cung cấp điện… Càng không thể đề xuất cấm các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng và tài nguyên như thép, xi măng… Nếu như vậy thì làm sao thực hiện được công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Một số kiến nghị

Thứ nhất, cần tuyên truyền về an ninh năng lượng một cách khoa học và khách quan về các loại nguồn điện. Có thể hiểu một cách đơn giản là có nguồn cung cấp năng lượng ổn định, hiệu suất sử dụng cao, giá cả hợp lý, đáp ứng đủ nhu cầu cho xã hội trong phát triển kinh tế, quốc phòng, thân thiện với môi trường, tương đối độc lập với nhau và khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp phát sinh từ các nhân tố kinh tế, chính trị bên trong, bên ngoài một quốc gia. Từ đây sẽ xác định rõ các loại nguồn có thể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ hai, lấy thêm ý kiến các chuyên gia có trình độ cao được thẩm định (trong nước và quốc tế) về nhu cầu điện trong nước cần thiết để đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến các năm 2020, 2025 và 2030. (Có tính đến kết quả tổng kết 5 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011 - 2015).

Thứ ba, từ nhu cầu sử dụng điện đến năm 2030, căn cứ vào các mặt ưu, nhược điểm của từng loại nguồn (xem thêm bài trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam Online: Tại sao Việt Nam cần điện hạt nhân?), xác định cơ cấu nguồn cung cấp cho hệ thống, công suất, địa điểm quy hoạch hình thức đầu tư, nguồn vốn, tính khả thi…

Thật khó có thể nói: năng lượng tái tạo vừa có thể thay thế điện hạt nhân, đồng thời giảm bớt nhiệt điện than, ngược lại chỉ có thể nói nếu không có điện hạt nhân sẽ phải tăng cường nhiệt điện than (xem bài phân tích của nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyễn Mạnh Hiến: Vì sao năng lượng tái tạo không thể thay thế điện hạt nhân?

LÃ HỒNG KỲ, Bộ Công Thương

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động