RSS Feed for Các mục tiêu của năng lượng t​ái tạo có thể làm suy yếu tính bền vững (?) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 18/04/2024 19:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Các mục tiêu của năng lượng t​ái tạo có thể làm suy yếu tính bền vững (?)

 - Khi tìm cách tận dụng những tiến bộ mới về năng lượng tái tạo nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và phục hồi kinh tế hậu Covid-19 mà vẫn đảm bảo được các kết quả tích cực về xã hội, môi trường, các nền kinh tế trên thế giới cần tránh sự “cứng nhắc”, “cố định” các mục tiêu trong quá trình “ra quyết định”. Đây là một trong những nhận định trong bài báo đăng trên Tạp chí Nature được Tạp chí Năng lượng Việt Nam dẫn lại dưới đây để các nhà quản lý (quy hoạch, xây dựng chính sách), cũng như các chuyên gia, nhà khoa học và bạn đọc cùng phân tích, thảo luận.


Sự thật đằng sau năng lượng tái tạo

Phát thải CO2 và giải pháp điện hạt nhân tiên tiến



Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) là điều cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc được rằng, hiện tượng nóng lên toàn cầu là một cuộc khủng hoảng khẩn cấp, do vậy, chính phủ tại nhiều nước đã thông qua các mục tiêu NLTT (renewable energy targets - RETs). Ví dụ tại các quốc gia như: Ấn Độ [1], Mỹ [2], châu Âu [3] và Úc [4], trong đó định rõ thời hạn nào bắt buộc phải đạt đến ngưỡng tỷ lệ phần trăm NLTT bao nhiêu trên tổng các nguồn năng lượng. Mấu chốt của các mục tiêu này là đẩy nhanh việc mở rộng NLTT, từ đó giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu một cách kịp thời.

Không có nhiều tranh cãi về vấn đề này, nhưng sự phức tạp ngày một gia tăng bởi việc đạt được những mục tiêu NLTT đó đòi hỏi phải chuyển đổi các hệ thống năng lượng của chúng ta với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử loài người [5]. Điều đó cho thấy, nhiều thách thức về kỹ thuật và hậu cần được đặt ra, chưa kể đến một thực tế là các cơ sở hạ tầng năng lượng được xây dựng trong tương lai và cách chúng ta xây dựng chúng, có thể đem đến nhiều hệ quả theo nghĩa tốt và xấu cho xã hội loài người và môi trường (Hình 1).

Có lẽ sẽ cần đến các khuôn khổ đa chiều hơn cho mục tiêu NLTT để kết hợp cả lợi ích và chi phí khi các cơ sở hạ tầng gia tăng một cách nhanh chóng, không chỉ vì việc nhận thức rõ được tác động của biến đổi khí hậu mà vì thế giới còn phải đối mặt với nhiều vấn đề toàn cầu, chưa tìm ra giải pháp.

Hình 1. Những kết quả tích cực và tiêu cực của việc phát triển năng lượng tái tạo (a, b) Khi đưa ra những quyết định khôn ngoan và chặt chẽ, các phát triển năng lượng tái tạo có thể đóng góp tích cực (a) cho các mục tiêu không liên quan đến năng lượng. Nếu ngược lại, có thể dẫn đến kết quả tiêu cực (b) ở những mục tiêu khác.


Ở khía cạnh tích cực, NLTT nói chung mang lại lợi ích về khí hậu, thúc đẩy an ninh năng lượng, cải thiện chất lượng không khí địa phương và sức khỏe con người [6]. Từng loại NLTT cụ thể sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích nhờ đa lợi ích cùng lúc.

Chẳng hạn, các tấm pin mặt trời nổi trên hồ chứa có thể làm giảm thất thoát nước ngọt do bay hơi ở những khu vực phải chịu tình trạng thiếu nước tại các nước đang phát triển. Lắp đặt các tấm pin mặt trời trên cánh đồng nông nghiệp sẽ gia tăng nguồn thu cho nhà nông, đồng thời tăng thu hoạch của các loại cây ưa bóng. Lắp đặt các thiết bị khai thác năng lượng sóng biển ở nhiều khu vực trọng điểm giúp bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn và lũ lụt.

Một ví dụ khác là dùng tảo để sản xuất nhiên liệu sinh học vừa tạo ra năng lượng, vừa làm sạch chính dòng song bị ô nhiễm [7] mà tảo sinh trưởng tại đó.

Tuy nhiên, phát triển NLTT rộng khắp có thể gây ra nhiều vướng mắc, nhất là khi không làm tốt các kế hoạch có liên quan. Thông thường, triển khai NLTT đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên đất, dẫn đến phát sinh xung đột đất đai giữa chủ đầu tư với quyền lợi của người dân địa phương, quyền tự do tiếp cận các vùng đất hoang dã của dân chúng, và đôi khi với việc chăn nuôi và trồng trọt [8].

Ngoài ra, việc chặt cây, phát quang đất đai, mở đường cho lắp đặt NLTT [9] làm cho tỷ lệ phá rừng gia tăng, gây ra tình trạng mất đa dạng sinh học, và trong một số trường hợp, chính các biện pháp khuyến khích NLTT lại khiến lượng khí thải toàn cầu tăng lên do rừng bị chặt để lấy củi đốt, duy trì các máy phát điện [10].

Vấn đề xoay quanh các mục tiêu về năng lượng tái tạo (RETs)

Điều chính yếu ở đây là việc mở rộng NLTT là hành động để giải quyết chỉ một mục tiêu mang tính toàn cầu mà không phải tất cả các mục tiêu đó. Và trong một số trường hợp, có những hậu quả không lường trước được khi bùng nổ tăng trưởng NLTT, gây cản trở khả năng giải quyết các thách thức toàn cầu khác như giảm thiểu bất bình đẳng và thoát nghèo trên thế giới. Chính sách và quyết định liên quan đến chuyển đổi hệ thống năng lượng không thể tập trung một cách thiếu cân nhắc vào mục tiêu NLTT mà cần phải đặt mục tiêu NLTT trong mối tương quan với các mục tiêu khác, đảm bảo một tương lai bền vững.

Đáng chú ý nhất là các Mục tiêu Phát triển Bền vững (PTBV) - “Sustainable Development Goals - SDGs” đã được 196 quốc gia và Liên Hợp Quốc thông qua, cho thấy tầm nhìn toàn diện, bao quát tương lai của nhân loại dưới dạng một danh sách gồm 17 mục tiêu [11]. Mặc dù năng lượng chỉ được đề cập một cách rõ ràng tại mục tiêu 7 của PTBV (“Năng lượng sạch và giá cả phải chăng”), nhưng các hệ thống năng lượng được xây dựng cho tương lai sẽ đóng một vai trò chủ chốt, xác định mức độ đạt được cho hầu hết mục tiêu phát triển khác [12].

Dễ dàng nhận thấy các mục tiêu NLTT có thể hỗ trợ chiến lược triển khai mục tiêu PTBV như thế nào, nhưng cũng giống như các phương pháp điều trị y tế cứu người, cách thức thực hiện ra sao mới là tối quan trọng để giảm thiểu và tránh các tác dụng phụ có hại. Nhờ bản chất định lượng vốn có, các mục tiêu đã định sẽ có giá trị như các công cụ thúc đẩy chính sách, tuy nhiên, trong thực tiễn cũng có những nhược điểm đáng kể khiến chúng trở nên kém phù hợp để hướng dẫn chính sách năng lượng.

Chẳng hạn, việc đặt ra mục tiêu (ngưỡng định lượng cần đạt được; ví dụ: 80% năng lượng gió), chứ không phải một đích đến (hướng định tính cần theo đuổi; ví dụ, tối đa hóa năng lượng gió) có thể khiến chúng ta thiếu tỉnh táo, khó cân bằng các yếu tố khi nhìn nhận, đánh giá các hành động chính sách khác nhau [14].

Về mặt tâm lý, đặt mục tiêu sẽ tạo ra động cơ kích thích hành động nhanh chóng để triển khai và đạt được chúng [13 - 15] làm cho những người có quyền ra quyết định quên mất các đích đến cơ bản hơn, vốn là động cơ ban đầu khi xây dựng mục tiêu [15 - 16].

Chỉ thị về năng lượng tái tạo của châu Âu là một ví dụ: Thay vì giảm lượng khí thải cácbon và bảo vệ môi trường, lại có nguy cơ gia tăng lượng khí thải cácbon ròng và nạn phá rừng [17]. Tương tự, những lời kêu gọi đầu tư mạnh tay vào năng lượng tái tạo để dịu bớt căng thẳng do COVID-19 [18] lại trở thành những áp lực mới, dễ khiến chúng ta phải đánh đổi một cách thiếu khôn ngoan. Các mục tiêu NLTT tưởng chừng sớm phát ra tín hiệu có thể giải quyết được vấn đề, nhưng tính bất di bất dịch, không linh động sẽ biến NLTT thành gánh nặng nếu năng lực kinh tế kỹ thuật cơ bản, bối cảnh môi trường và/hoặc các giá trị xã hội thiết lập lúc khởi đầu có thể thay đổi trong thời gian triển khai để đạt được nó.

Hướng đến việc lập kế hoạch năng lượng toàn diện hơn

Bằng cách đưa NLTT trở thành trung tâm của chiến lược chuyển đổi năng lượng, nhiều quốc gia đang tự đẩy mình vào tình thế dễ phải hứng chịu những hệ lụy quá mức do phát triển kém bền vững. Ở đây, chúng tôi ủng hộ việc tái định hướng các ưu tiên đã có, chuyển từ thu hẹp trọng tâm chiến lược vào năng lượng tái tạo sang tập trung rộng rãi vào phát triển bền vững. Trong cách tiếp cận này, vẫn có thể xem mục tiêu NLTT như một lựa chọn về chính sách, nhưng chỉ nên “chốt” các quyết định sau khi đánh giá toàn diện các lựa chọn khác và tìm hiểu đầy đủ về chi phí, cũng như những đánh đổi liên quan đến việc lắp đặt ồ ạt các cơ sở sản xuất năng lượng gió, mặt trời quy mô lớn.

Dẫn chứng, hiện California (Hoa Kỳ) đang bị mất điện luân phiên trên diện rộng. Một số nguyên nhân là do theo đuổi quá mức các mục tiêu NLTT trên toàn tiểu bang mà không giải quyết được vấn đề liên quan là phải làm gì khi tăng nhu cầu năng lượng mà không có nắng, hoặc gió và khi bộ lưu trữ pin với giá cả phải chăng chưa hiện hữu [9].

Đại dịch COVID là một minh chứng thuyết phục cho thấy, không thể giải quyết một cách hiệu quả khủng hoảng toàn cầu - đại dịch - mà không tính đến thực tế rằng: Cách đối phó với đại dịch có thể gây ra khủng hoảng về việc làm, phát triển kinh tế và công bằng xã hội. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thực thi các mục tiêu NLTT, nên coi PTBV là các đích đến cơ bản đã được thống nhất chung và chúng ta nên đánh giá bất kỳ mục tiêu về NLTT nào đang đi ngược lại các vấn đề liên quan đến PTBV. Việc đánh giá đó có thể giúp chúng ta cân nhắc một số hành động thay thế khác: Các mục tiêu về NLTT với đa dạng danh mục, tỷ lệ phần trăm, hoặc khung thời gian đầu tư, hoặc các công cụ hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn như thuế cácbon, hoặc thiết lập thị trường cácbon. Mỗi hành động thay thế sẽ trải qua quá trình phân tích nghiêm ngặt để định lượng các hậu quả dự kiến ​​đối với một loạt các mục tiêu PTBV có liên quan và một khi hành động, sẽ cần có sự giám sát và dữ liệu đầu vào về hậu quả dự kiến đó của các bên liên quan.

Sau cùng, có thể thấy rằng: Một số hình thức của mục tiêu NLTT cách tốt nhất để đạt được các mục tiêu bền vững đa dạng, nhưng quan trọng là việc đưa ra quyết định cần được củng cố bằng một quá trình đánh giá nghiêm ngặt và có phương pháp, xem xét hành động dựa trên việc cân bằng các yếu tố xã hội quan trọng. Tuân theo một quy trình đa mục tiêu sẽ giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn, giúp lường trước và xử lý được nếu phải đối mặt với những đánh đổi không thể tránh khỏi liên quan đến năng lượng tái tạo. Một quy trình như vậy tương tự như cách tiếp cận phân tích quyết định [20], nhằm tìm ra các công cụ, phương pháp luận để giúp con người và các tổ chức cấu trúc được các vấn đề về ra quyết định, phân tích hậu quả, thấu hiểu nguyên tắc đánh đổi và đưa ra quyết định sáng suốt hơn.

Gần đây, các phương pháp tiếp cận cấu trúc về ra quyết định. Chẳng hạn như phân tích quyết định, đã xuất hiện dày đặc hơn trong cơ sở lý luận về lập kế hoạch năng lượng [21], nhưng vẫn còn hiếm được áp dụng trong khu vực công [22]. Nếu các chính phủ không sử dụng phân tích quyết định, hoặc cách tiếp cận cấu trúc tương tự để định liệu các mục tiêu, hành động, hậu quả và vấn đề đánh đổi, thì làm sao họ ra quyết định thiết lập mục tiêu NLTT ở cấp độ nào? Các mục tiêu này có thể đạt được về mặt kỹ thuật hay không và/hoặc chúng ta có đạt được chúng hay không? Các mục tiêu chỉ đơn thuần là kết quả của những mưu toan về mặt chính trị nhằm đưa ra thông điệp và khẳng định cho có rằng “chúng tôi đang hành động đây” [23]?

Câu trả lời cho những nghi vấn này rất mơ hồ và rất ít nghiên cứu, hoặc báo cáo làm cơ sở cho quy trình thiết lập NLTT được công bố. Không thể tìm thấy bất kỳ tài liệu nào giải thích tại sao một mục tiêu NLTT lại là 50%, mà không phải 45% hay 55%. Nhưng những gì chúng ta biết là những mục tiêu này đang dẫn dắt chính sách và quá trình chuyển đổi năng lượng của chúng ta, làm cho nó có thể tốt hơn mà cũng có thể tệ đi.

Việc xem xét lại các mục tiêu NLTT theo cách tiếp cận phân tích quyết định, hoặc khuôn khổ tương tự sẽ đòi hỏi phải đầu tư đáng kể về tài chính, kỹ thuật và chính trị [22]. Năng lực thể chế đã cho thấy tiềm năng với các tổ chức đa phương. Chẳng hạn như Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đánh giá các cơ hội đầu tư bằng cách sử dụng một loạt các tiêu chuẩn hiệu quả bền vững (sustainability performance standards) [24]. Trong bối cảnh bùng nổ đầu tư vào NLTT và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức tài chính trên khắp thế giới cam kết loại bỏ cácbon khỏi danh mục đầu tư - đây chính là thời điểm chúng ta cần tinh tường hơn nữa khi ngẫm nghĩ về mục tiêu NLTT, các động cơ, hoặc mục tiêu liên quan nhắm đến cuộc khủng hoảng khí hậu [25].

Chúng ta biết cách thực hiện điều này [26]. Với sự hỗ trợ của nhiều nhà khoa học chủ chốt và/hoặc cố vấn viên, những người ra quyết định trong khu vực công, tư nhân và các bên liên quan khác, sẽ định hình vấn đề, xác định các mục tiêu cần đưa vào và cân bằng các yếu tố liên quan. Việc kết hợp những tầm nhìn công và tư này cũng sẽ giúp tìm ra cách cân bằng, hợp lực giữa các lĩnh vực, giúp các cá nhân, tổ chức có thể phản hồi với những điều kiện thay đổi một cách nhanh chóng. Trong một tương lai bất định, các chính phủ và thể chế với tác động ở mức lớn nhất đến tính bền vững toàn cầu và về khả năng tồn tại của chính họ, có thể sẽ là những người sử dụng và lưu ý đến kết quả của cách tiếp cận có cấu trúc về việc ra quyết định nhằm điều hướng, thích ứng với các thách thức năng lượng.

Các mục tiêu NLTT là bước quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai năng lượng sạch. Tuy nhiên, việc tập trung một cách hạn hẹp vào mục tiêu NLTT có thể cản trở tiến độ hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững; các mục tiêu NLTT không phải đích đến cuối cùng mà là phương tiện để đạt được ở tầm lớn hơn các mục tiêu xã hội cơ bản - đó phải là cơ sở củng cố cho quá trình thiết lập bất cứ mục tiêu NLTT nào.

Trong thế giới hậu COVID đầy rẫy bất định, các mục tiêu đơn giản như mục tiêu NLTT chưa thể hiện hết tính phức tạp của nhiều thách thức đan xen và có nguy cơ trở thành những khẩu hiệu hô hào cho chiến dịch, hơn là giữ vai trò là những can thiệp chính sách đầy cẩn trọng.

Cần nhớ rằng, chúng ta không cố gắng xây dựng một thế giới phủ đầy những tấm pin mặt trời và tua bin gió, mà đích đến phải là một thế giới thịnh vượng, lành mạnh và công bằng hơn. Năng lượng tái tạo và các mục tiêu của nó chỉ là một phương tiện trên hành trình đi đến đích./.

BIÊN DỊCH: PHẠM THỊ THU TRANG - VINATOM


Tài liệu tham khảo

1. Lakshman, S. PM Modi vows to more than double India’s non-fossil fuel target to 450 GW by 2022. The Hindu https://www.thehindu.com/sci-tech/energy-and-environment/prime-minister-narendra-modi-addresses-the-un-climate-summit-in-new-york/article29492091.ece (2019).
2. Barbose, G. et al. Energ. Policy 96, 645–660 (2016).
3. Howes, T. The New Climate Policies of the European Union: Internal Legislation and Climate Diplomacy (Acad & Scientific Pub, 2010).
4. Warburton, D., Zema, M., Fisher, B. & In’t Veld, S. Department of the Prime Minister and Cabinet (RET Review Expert Panel, 2014).
5. Solomon, B. D. & Krishna, K. Energ. Policy 39, 7422–7431 (2011).
6. Buonocore, J. J. et al. Nat. Clim. Change 6, 100–105 (2016).
7. Burke, M. Relations 6, 87–116 (2018).
8. Yenneti, K., Day, R. & Golubchikov, O. Geoforum 76, 90–99 (2016).
9. Rehbein, J. A. et al. Glob. Change Biol. 26, 3040–3051 (2020).
10. Kiesecker, J. et al. Front. Environ. Sci. 7, 151 (2019).
11. Transforming Our World: The 2030 Agenda for Sustainable Development in A New Era in Global Health (ed. Rosa, W.) (Springer Publishing Company, 2017).
12. Santika, W. G. et al. Energy Res. Soc. Sci. 50, 201–214 (2019).
13. Merry, S. E. Curr. Anthropol. 52, S83–S95 (2011).
14. Gregory, R. et al. Structured Decision Making: A Practical Guide to Environmental Management Choices (Wiley-Blackwell, 2012).
15. Fukuda-Parr, S. J. Hum. Dev. Capabil. 15, 118–131 (2014).
16. Barnes, M. D., Glew, L., Wyborn, C. & Craigie, I. D. Nat. Ecol. Evol. 2, 759–762 (2018).
17. Searchinger, T. D. et al. Nat. Commun. 9, 3741 (2018).
18. Ambrose, J. How renewable energy could power Britain’s economic recovery. The Guardian https://www.theguardian.com/environment/2020/may/19/how-renewable-energy-could-power-britains-economic-recovery (2020).
19. Smith, R. & Blunt, K. Why California keeps having blackouts. Wall Street Journal https://www.wsj.com/articles/why-california-keeps-having-blackouts-11598198401 (2020).
20. Howard, R. A. IEEE Trans. Syst. Sci. Cyber. 4, 211–219 (1968).
21. von Stechow, C. et al. Annu. Rev. Env. Resour. 40, 363–394 (2015).
22. Bhardwaj, A., Joshi, M., Khosla, R. & Dubash, N. K. Energy Res. Soc. Sci. 49, 143–157 (2019).
23. Nathan, H. S. K. Econ. Political Wkly 1, 10–14 (2015).
24. Performance Standards on Environmental and Social Sustainability (International Finance Corporation, 2012); https://www.ifc.org/wps/wcm/connect/Topics_Ext_Content/IFC_External_Corporate_Site/Sustainability-At-IFC/Policies-Standards/Performance-Standards/Performance-Standards
25. Investors Make Unprecedented Commitment to Net Zero Emissions (UN Environment Programme, 2019); https://www.unenvironment.org/news-and-stories/press-release/investors-make-unprecedented-commitment-net-zero-emissions
26. Rincón-Ruiz, A. et al. Ecosyst. Serv. 36, 100901 (2019).

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động