RSS Feed for Sự thật đằng sau năng lượng tái tạo | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 18:36
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Sự thật đằng sau năng lượng tái tạo

 - Các nguồn năng lượng tái tạo có thể cấp một phần lớn năng lượng mà thế giới cần không? Trong khi một số nhà môi trường ủng hộ việc thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng mặt trời, gió và pin, thì Tiến sĩ Lars Schernikau tác giả của bài viết có nhan đề “Sự thật đằng sau năng lượng tái tạo” được chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam biên dịch dưới đây sẽ giải thích tại sao điều này là không thể.


Phát thải CO2 từ ngành năng lượng: Vấn đề của Việt Nam và thế giới

Điều kiện ‘cần’ và ‘đủ’ để Việt Nam tái khởi động chương trình điện hạt nhân



TS. LARS SCHERNIKAU - TẬP ĐOÀN HMS BERGBAU ĐỨC - SINGAPORE

Ngày nay, chúng ta đang nghe và đọc về cuộc khủng hoảng khí hậu mỗi ngày, do các chiến dịch truyền thông được tài trợ tốt. Nhưng chúng ta ít nghe thấy những rủi ro khi chuyển từ nguồn điện thông thường sang các nguồn điện chạy bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời và pin. Có vẻ như một nửa trong số chúng ta đã trở thành một nhà vật lý khí quyển khi hiểu rằng: Carbon dioxide là động lực chính của sự nóng lên toàn cầu và việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo sẽ cứu chúng ta khỏi những cơn bão và lũ lụt tàn phá đến tận trần nhà - tài sản bên bờ biển mơ ước của chúng ta.

Một số người khác cũng tỏ ra như một chuyên gia năng lượng khi tin rằng rằng: Các nguồn điện chạy bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời và chạy bằng pin sẽ là một cách vui vẻ, an toàn và thân thiện với môi trường để cung cấp năng lượng cho nhu cầu điện và giao thông hàng ngày. Tuy nhiên, điều đó có thể còn xa sự thật.

Tác giả hoàn toàn ủng hộ việc sử dụng hợp lý năng lượng tái tạo và giảm lãng phí năng lượng hàng ngày. Xã hội cần đầu tư vào các hệ thống lọc bổ sung, vận chuyển sạch hơn và các hoạt động khai thác sạch hơn để giảm thiểu tác động tiêu cực đến hành tinh. Hơn nữa, nên trồng nhiều cây xanh. Tuy nhiên, các hành động hiện tại có tốt cho môi trường? Công nghệ năng lượng mặt trời và gió ngày nay có phải là giải pháp cho các vấn đề năng lượng của chúng ta không? Bài viết này nhằm mục đích đưa người đọc vào một cuộc hành trình thoát khỏi tư duy cứng nhắc hiện tại.

Nhu cầu năng lượng hiện tại và trong tương lai

Ngày nay, gần 8 tỷ người sống trên Trái đất và 80% nhu cầu năng lượng của họ được cung cấp bằng hydrocacbon, hoặc nhiên liệu hóa thạch (xem Hình 1).

Hình 1.


Năm 2018, gió và mặt trời ước tính chiếm khoảng 2% năng lượng sơ cấp, phần còn lại chủ yếu đến từ điện hạt nhân, thủy điện và sinh khối. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách đây 100 năm khi chỉ có 2 tỷ người sinh sống trên Trái đất và chỉ mới học cách đánh vần “dầu và khí”. Trong dân số thế giới ngày nay, có ít nhất 3 tỷ người không có, hoặc chỉ có khả năng tiếp cận nguồn điện thất thường. Trong 50 năm tới, dân số có thể được cộng thêm hơn 3 tỷ người nữa, và kết quả là, số lượng người thuần túy cộng với thiết bị điều hòa không khí bổ sung, thiết bị điện tử mới, ô tô, máy bay, du hành vũ trụ, sẽ làm tăng đáng kể nhu cầu năng lượng.

Hình 1 - ngoài thể hiện các xu hướng cho tương lai, nó còn cho thấy việc các nguồn tái tạo không phải thủy điện, như gió và mặt trời sẽ cung cấp năng lượng cần thiết một cách bền vững và thân thiện với môi trường sẽ là điều nghi vấn.

Các phương tiện truyền thông cho biết tỷ lệ năng lượng mặt trời và gió sẽ tăng theo cấp số nhân, nhưng không đề cập đến sự tăng trưởng của rác thải điện tử được vận chuyển đến châu Phi đi kèm với nó. Và chắc chắn không đề cập đến việc trên thế giới, công nghệ năng lượng mặt trời và gió có thể không bao giờ là nguồn năng lượng chính để sản xuất điện do mật độ năng lượng thấp và do các vấn đề được mô tả dưới đây.

ERoEI, mật độ năng lượng và khả năng gián đoạn: Việc triển khai đồng loạt gió và mặt trời là bất lợi

Bộ phim tài liệu nổi tiếng hiện nay “Planet of the Humans” của Michael Moore, có 9 triệu lượt xem trên YouTube, minh họa rất rõ vấn đề này.

Năng lượng mặt trời và năng lượng gió không phải là những nguồn năng lượng mới. Chúng ta đã phải “cắt bỏ” năng lượng dựa vào gió và mặt trời để có thể cung cấp đủ năng lượng cho cuộc cách mạng công nghệ nhân văn. Mặc dù không có gì đặc biệt, hoặc mang tính cách mạng về những nguồn điện này, nhưng hiệu quả của chúng đã được cải thiện rất nhiều trong những thập kỷ gần đây.

Hơn nữa, những nguồn này đang tiến gần đến giới hạn vật lý của chúng. Định luật Schockley - Queisser tuyên bố rằng: Tối đa 33% photon tới (từ mặt trời - ND) có thể được chuyển đổi thành electron trong quang điện silicon (PV) với PV hiện đại đạt 26%. Trong năng lượng gió, Định luật Betz tuyên bố rằng: Một cánh quạt gió có thể thu được tới 60% động năng trong không khí. Các tua bin gió hiện đại chỉ đạt 45%.

Kỷ nguyên tăng trưởng “10 lần” đã đi qua. Không có Định luật Moore về năng lượng và do đó, những gì được nhìn thấy trong lĩnh vực máy tính, không thể xẩy ra trong lĩnh vực năng lượng. Chi phí sẽ không tiếp tục giảm và đã đến lúc cần phải có cái nhìn toàn hệ thống khi nhìn vào năng lượng mặt trời và gió, hoặc bất kỳ hình thức phát điện nào. 

Ba vấn đề chính của năng lượng gió và năng lượng mặt trời là:

Tính thất thường của gió và mặt trời, hay hiệu suất gián đoạn, hiệu suất năng lượng cực kỳ thấp tính trên mức năng lượng đầu tư (ERoEI), mật độ năng lượng thấp (xem thêm Hình 2).

Hầu như mọi tấm pin năng lượng mặt trời và mọi cối xay gió đều yêu cầu phải có nguồn dự phòng cho những lúc gió không thổi, hoặc mặt trời không chiếu sáng. Báo chí Đức tự hào đưa ra rằng, vào khoảng 13 giờ 00 ngày 4/7/2020, 97% nhu cầu điện của Đức được lấy từ năng lượng tái tạo trong một giờ (xem Hình 3).

Hình 2 và 3.


Tuy nhiên, không có báo cáo nào cho biết: Trong cùng lúc đó, có tới 22% (~ 15 GW) sản lượng điện của Đức phải được xuất khẩu, hoặc bán phá giá qua biên giới Đức, có thể ở mức giá âm. Vào khoảng 21 giờ ngày 18/7/ 2020, chỉ có ~16% nhu cầu điện của Đức được cấp từ nguồn năng lượng tái tạo trong một giờ (0% từ gió và mặt trời, tất cả đều từ sinh khối và thủy điện đáng tin cậy).

Cũng trong giờ đó, vào ngày 18/7/2020, khoảng 9% (~ 4 GW) cần được nhập khẩu từ các nước xung quanh với giá cao vì Đức không sản xuất đủ điện.


 

Trên thực tế, không có diện tích đất nào đủ lớn để đảm bảo rằng luôn có gió, hoặc mặt trời. Việc một lục địa như Bắc Mỹ trải qua một, hoặc hai ngày không có nắng, hoặc không có gió ở bất kỳ đâu đang xảy ra vài năm một lần, có thể ít nhất một lần trong một thập kỷ.

Yêu cầu hợp lý về nguồn dự phòng cho tất cả các dạng năng lượng tái tạo không ổn định (VRE) và các hệ quả đi kèm với nó cần được xem xét khi chi phí của chúng được so sánh với năng lượng hóa thạch, hoặc điện hạt nhân. Tuy nhiên, hầu như tất cả các so sánh chi phí được công bố đều sử dụng cái gọi là thước đo chi phí điện san bằng (LCOE), chỉ tính đến các chi phí đầu tư, vận hành và chi phí nhiên liệu.

Tất nhiên, chi phí nhiên liệu cho gió và năng lượng mặt trời gần như bằng không. Tuy nhiên, LCOE không xem xét các loại chi phí khác.

Chi phí thực sự của năng lượng mặt trời và gió phải bao gồm:

1/ Chi phí dự phòng (chi phí sổ sách): Chi phí này liên quan đến độ lệch “thời gian” giữa sản xuất điện và tiêu dùng điện. Bao gồm chi phí của pin, tổn thất trong việc sử dụng điện năng thông thường, v.v...

2/ Chi phí kết nối: Chi phí bắt nguồn từ độ lệch “không gian” giữa việc tạo ra năng lượng tái tạo biến đổi (không ổn định - ND) (VRE) và nhu cầu điện năng, bao gồm chi phí quản lý lưới điện/kết nối lưới và chi phí cân bằng phụ tải.

3/ Chi phí vật liệu và năng lượng: Chi phí năng lượng và vật liệu để xây dựng công suất năng lượng mặt trời và gió (ERoEI quá thấp đối với gió và mặt trời).

4/ Tổn thất công suất hiệu dụng: Chi phí liên quan đến tổn thất do sử dụng không hết nguồn điện dự phòng thông thường.

5/ Chi phí không gian: Chi phí liên quan đến không gian cần thiết cho VRE (có mật độ năng lượng quá thấp), đất trồng trọt, rừng, đời sống của chim và động vật, thay đổi gió và khí hậu địa phương, ô nhiễm tiếng ồn, v.v...

6/ Chi phí tái chế: Chi phí tái chế sau thời gian sử dụng hữu ích của VRE cao hơn.

Trái ngược với quan niệm và báo chí phổ thông, chi phí cho năng lượng dự phòng và chi phí tổn thất của năng lượng thông thường dẫn đến suy giảm hiệu quả của năng lượng thông thường đã giải thích tại sao tổng chi phí của năng lượng tái tạo biến đổi luôn tăng khi công suất lắp đặt của chúng cao hơn một điểm nhất định. Điểm này thay đổi theo quốc gia và khu vực, nhưng có một điều chắc chắn: Đức đã vượt xa điểm này, điều này giải thích cho việc giá điện cao của nước này (xem Hình 4).

Hình 4.

Hình 5.


Hình 5 minh họa thước đo LCOE gây hiểu lầm đã được các phương tiện thông tin đại chúng và hầu hết các chính phủ sử dụng, đồng thời so sánh nó với LCOE có điều chỉnh theo giá trị (VALCOE) được IEA công bố lần đầu từ năm 2019, tuy chưa hoàn thiện nhưng tốt hơn.

Vào tháng 1 năm 2020, Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản (IEEJ) đã công bố “IEEJ Energy Outlook 2020” dài 280 trang, đã nêu lên những lo ngại về các chi phí tích hợp của năng lượng tái tạo đang tăng lên, nhưng chưa được tính đủ, đã kết luận rằng: LCOE không đủ khả năng tính hết các chi phí thực sự của điện gió và điện mặt trời.

Mặc dù công suất điện mặt trời và điện gió đã được lắp đặt lớn, Đức đã nhận thức được rằng, nước này vẫn cần nguồn điện thông thường. Tuy nhiên, Đức quyết định thoát khỏi điện than bên cạnh việc thoát khỏi điện hạt nhân. Mặc dù Bộ trưởng Môi trường của Đức - Svenja Schultze, tự hào tuyên bố vào tháng 7 năm 2020 “Chúng tôi sẽ chỉ dựa vào gió và năng lượng mặt trời để sản xuất điện cho đất nước của chúng tôi”, Đức vẫn đang âm thầm xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới chạy bằng khí đốt để hỗ trợ.

Khí đốt là một loại nhiên liệu thông dụng với nhiều đặc tính tích cực, nhưng bản thân nước Đức không có khí. Mặc dù “sạch” trong vận chuyển và đốt, chúng ta biết rằng: Khí thường đắt hơn than, vận chuyển khó khăn và tốn kém hơn than vì nó yêu cầu đường ống, hoặc phải hóa lỏng LNG, và nói chung là khó bảo quản hơn và đôi khi nguy hiểm.

Vì vậy, tại sao Đức lại đóng cửa các mỏ than, nhiệt điện than và nhà máy điện hạt nhân hiện có và hiện đang xây dựng những nhà máy điện mới chạy bằng khí đốt? Câu trả lời là phát thải khí nhà kính (GHG), vì trong quá trình đốt cháy, khí chỉ thải ra khoảng một nửa CO2/kWh so với than, vì vậy, vấn đề được cho là để bảo toàn khí hậu.

Nếu chúng ta tuân theo lý thuyết phổ biến, nhưng theo quan điểm của tác giả, lý thuyết nóng lên toàn cầu bị hiểu sai, thì điều dường như ít được biết đến hơn là việc cung cấp khí đốt dẫn đến rò rỉ khí mêtan trong quá trình sản xuất, chế biến và vận chuyển (mêtan là khí nhà kính mạnh gấp 84 lần so với CO2 trong hơn 20 năm và mạnh hơn 28 lần trong hơn 100 năm). Điều này đã được ghi nhận trong một số nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu của Poyry tại Đức năm 2016 về “So sánh lượng phát thải khí nhà kính từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí”. Nó cũng được Bloomberg đưa ra trong một bài báo tháng 1 năm 2020 thảo luận về rò rỉ khí mêtan liên quan đến LNG.

Phát thải khí mêtan rất khác nhau, nhưng có nhiều trường hợp - cũng được ghi nhận bởi một nghiên cứu về Khí đốt tổng thể từ năm 2016 - khi phát thải khí nhà kính đối với khí đốt cao hơn so với than đá. Nghiên cứu nói rằng “với độ tin cậy 95%, khí đá phiến của Mỹ có thể thải ra nhiều khí nhà kính hơn so với than đá của Colombia”. Khí thải ra một nửa lượng CO2 so với than trong quá trình cháy. Khí thải ra nhiều CO2 hơn (chủ yếu ở dạng mêtan) trong quá trình sản xuất, chế biến và vận chuyển. Điều này bao gồm, nhưng không giới hạn, rò rỉ và các yêu cầu về năng lượng đối với quá trình vận chuyển và xử lý LNG.

Tổng lượng phát thải CO2 của khí ngang bằng, hoặc cao hơn than, tùy thuộc vào loại tua bin, vị trí, nguồn và chủng loại của khí.

Khí đốt là nhiên liệu tốt và cần thiết trong tổ hợp năng lượng, nhưng nếu thuyết ấm lên toàn cầu là đáng tin cậy thì, người ta phải nhất quán và không chi tiền của người nộp thuế để chuyển từ than và hạt nhân sang khí đốt khi ngay cả khi chính họ cũng thừa nhận việc đó sẽ không có tác động tích cực đến 'khí hậu'. Khí thải mêtan không được đo lường cũng như không bị đánh thuế (như khí CO2 - ND). Điều này liệu có công bằng đối với than đá, môi trường, hay những người dân hàng ngày phải trả thuế?

Công nghệ pin không có khả năng lưu trữ điện lưới

Nếu khí không phải là giải pháp, thì sau đó là gì? Còn những viên pin tuyệt vời đó thì sao? Đúng, một hệ thống lưu trữ bền vững và giá cả phải chăng sẽ là giải pháp cho vấn đề liên quan đến năng lượng mặt trời và gió (nhưng không phải đối với các vấn đề về mật độ năng lượng hoặc ERoEI). Trong những năm qua, pin đã trở nên hiệu quả hơn nhiều và động thái gần đây đối với xe điện đã thúc đẩy các khoản đầu tư lớn vào các “đại công xưởng” pin trên khắp thế giới.

Nhà máy lớn nhất được biết đến và thảo luận về pin là Gigafactory trị giá 5 tỷ U$ của Tesla ở Nevada, dự kiến có sản lượng pin hàng năm là 50 GWh vào năm 2020. Đến năm 2021, CATL ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi con số đó. Berlin’s Gigafactory 4 sẽ bắt đầu sản xuất xe điện vào năm 2021 - 2022. Các nhà máy này sẽ cung cấp pin cho những chiếc ô tô trong tương lai của chúng ta và cũng cung cấp pin dự phòng cho các ngôi nhà, nhưng tác động đến môi trường và kinh tế của chúng thì sao? Hình 6 và 7 tóm tắt những thách thức về môi trường của công nghệ pin ngày nay. Ba vấn đề chính đối với bất kỳ công nghệ pin nào đã biết là: Mật độ năng lượng, yêu cầu vật liệu, tái chế.

Hình 6 và 7.


Về mật độ năng lượng

Các hydrocacbon như dầu, khí đốt và than đá là một trong những cách dự trữ năng lượng hiệu quả nhất của tự nhiên. Công nghệ pin tiên tiến nhất hiện nay chỉ có thể lưu trữ 2,5% năng lượng mà than đá có thể lưu trữ. Năng lượng mà một pin Tesla 540kg, 85 kWh có thể lưu trữ chỉ tương đương với năng lượng của 30kg than sau khi đốt cháy. Pin Tesla sau đó vẫn phải được sạc bằng điện (thường là qua lưới điện) trong khi than đã được "sạc", mặc dù chỉ một lần.

Ngoài ra, bạn có thể nhẩm ra rằng, sản lượng 50 GWh/năm của pin Tesla sẽ đủ để cung cấp dự phòng trong 6 phút cho toàn bộ điện năng tiêu thụ của Mỹ (và sau đó không có Teslas để lái xe). Công nghệ pin ngày nay không thể là giải pháp cho vấn đề gián đoạn.

Về vật liệu và năng lượng để sản xuất pin

Tiếp theo là câu hỏi về năng lượng và vật liệu cần thiết đầu vào để sản xuất pin. Các nguyên liệu cần thiết bao gồm liti, đồng, coban, niken, than chì, đất hiếm và bauxit, than, quặng sắt (để sản xuất nhôm và thép).

Ngoài ra, cần phải có năng lượng 10 ÷ 18 MWh để sản xuất một pin Tesla, việc này sẽ dẫn đến việc thải ra 15 ÷ 20 tấn CO2 (với giả định 50% năng lượng là tái tạo). Giả sử một cách thận trọng rằng, 1 ÷ 2% quặng được khai thác sẽ được sử dụng trong pin ở dạng kim loại, một pin Tesla sẽ đòi hỏi phải khai thác, vận chuyển và xử lý 25 ÷ 50 tấn nguyên liệu thô (xem Hình 7).

Về tái chế

Điều này đang dần vả vào mặt các phương tiện truyền thông chính thống. Các lô chất thải lớn đầu tiên từ các trang trại gió, cũng như các tấm pin mặt trời đã dừng vận hành và không sử dụng được đang phải chôn trong các bãi và không đủ công suất nhà máy để tái chế. Vẫn chưa có một cách nào để tái chế trên quy mô lớn và hợp lý các cánh quạt gió (sau khi được thải ra - ND). Rác thải điện tử mà chúng ta tạo ra đã và đang là một vấn đề nhức nhối đối với các bãi rác ở Accra (Ghana), Nairobi (Kenya) và Mombasa (Mozambique).

Cuộc cách mạng năng lượng mới

"Chúng ta làm gì bây giờ? Tất cả chúng ta đều cam chịu?" Một kỹ sư trẻ đã hỏi tác giả câu hỏi này sau một trong những bài thuyết trình khi anh ta nhận ra rằng: Hiện tại không có giải pháp thay thế khả thi nào cho năng lượng thông thường từ than đá, dầu mỏ, khí đốt và hạt nhân. Điều đáng lo ngại là những người trẻ tuổi đang được dạy trong trường học là phải lo sợ về sự ấm dần lên (của khí hậu -  ND) khoảng 1˚C trong suốt 150 năm qua. Ít nhất một nửa sự ấm lên trong quá khứ là tự nhiên, do mặt trời gây ra khi chúng ta bước ra từ Kỷ băng hà nhỏ đã kết thúc cách đây khoảng 300 năm. Một nửa còn lại, hoặc ít hơn, có thể là "do con người gây ra", bao gồm nhiệt mà tất cả năng lượng tiêu thụ tạo ra được giải phóng vào sinh quyển cộng với khí nhà kính CO2. Việc phủ xanh thêm - và nhờ đó là sinh khối - tạo ra CO2 bổ sung hiếm khi được đề cập đến. Hiệu ứng ấm lên do CO2 giảm theo logarit của mức CO2 cao hơn cũng không được các phương tiện truyền thông chính thống công bố. Một thảm họa không hiển hiện, nhưng các chất ô nhiễm thực sự đối với môi trường và chất thải do con người tạo ra mới là mối quan tâm - và đây là nơi các nguồn lực cần được tập trung.

Về sự nóng lên toàn cầu và thảm họa sắp tới, IPCC xác nhận (trong "IPCC 2020 Biến đổi Khí hậu và Đất đai", trang 9, A2.3) như sau: “Các quan sát vệ tinh cho thấy thảm thực vật xanh tốt hơn trong ba thập kỷ qua.... Nguyên nhân của việc phủ xanh bao gồm sự kết hợp của mùa trồng trọt kéo dài, lắng đọng nitơ, bón phân carbon dioxide (CO2)".

Trong IPCC 2013 Biến đổi Khí hậu, Chương 2, trang 235: “Có ít bằng chứng về những thay đổi ở các thái cực liên quan đến các biến số khí hậu khác kể từ giữa thế kỷ 20”. Báo cáo đánh giá lần thứ ba của IPCC 2018 số 14, trang771: “Trong nghiên cứu và mô hình hóa khí hậu, chúng ta nên nhận ra rằng: Chúng ta đang đối phó với một hệ thống tích hợp hỗn loạn phi tuyến tính và do đó, dự đoán dài hạn về các trạng thái khí hậu trong tương lai là không thể”. Về việc điều chỉnh các mô hình khí hậu - là cơ sở duy nhất cho chính sách năng lượng ngày nay - Viện Max Planck, Đức, viết vào tháng 4/2020: “Khi chúng ta đối mặt với một mô hình hệ thống chắc chắn sẽ thất bại trong việc tái tạo công cụ nóng lên kỷ lục, chúng ta đã chọn một cách tiếp cận cố ý mà trong đó xu hướng nhiệt độ trong quá khứ là mục tiêu điều chỉnh”. Hơn nữa, Bjørn Lomborg, người điều hành tổ chức tư vấn của Trung tâm Đồng thuận Copenhagen giải thích trong cuốn sách gần đây của mình ‘False Alarm’ nhiều sự thật khoa học thú vị. Ông nói: “Biến đổi khí hậu là có thật, nhưng đó không phải là mối đe dọa ngày tận thế mà chúng ta đã được nghe nói”.

Dù bằng cách nào, ngay cả khi mọi người tin rằng những dự đoán thảm khốc về sự nóng lên toàn cầu là cách chính xác để tiếp cận chủ nghĩa môi trường, thì bài viết này nhấn mạnh rằng: Gó và mặt trời - trong khi chắc chắn chỉ thích hợp cho các ứng dụng như sưởi ấm hồ bơi và do đó có được một vị trí trong tổ hợp năng lượng - không thể và sẽ không thay thế nguồn điện thông thường.

Như Michael Shellenberger - Người hùng về Môi trường 2008 của Tạp chí Time, đã nói trong một bài báo đăng trên Forbes vào tháng 5/2019: “Lý do năng lượng tái tạo không thể cung cấp năng lượng cho nền văn minh hiện đại là vì chúng không bao giờ có ý nghĩa. Một câu hỏi thú vị là tại sao ai đó từng nghĩ rằng chúng có thể làm được”. Cuốn sách gần đây của anh ấy “Apocalypse Never: Tại sao báo động môi trường làm tổn thương tất cả chúng ta” đã nêu chi tiết cơ sở lý luận của anh ấy.

Điều cần thiết trong một, hoặc hai thế kỷ tới là một ‘Cuộc cách mạng Năng lượng Mới’. Năng lượng trong tương lai có thể là năng lượng hoàn toàn mới, có thể tái tạo hơn, và dựa trên nhiệt hạch, hoặc phân hạch, nhưng sẽ không liên quan nhiều đến gió và quang điện. Để đạt được cuộc Cách mạng Năng lượng Mới này, cần phải đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và nghiên cứu cơ bản (sản xuất điện, lưu trữ, siêu dẫn, v.v...) đồng thời đầu tư vào nguồn điện thông thường để làm cho nó hiệu quả hơn và thân thiện với môi trường. Sẽ có nhu cầu đầu tư vào hóa thạch để làm sạch chúng chứ không phải thoái vốn khỏi chúng. Đây là con đường hợp lý nhất để cứu hành tinh khỏi tác động tiêu cực mà sự tồn tại của con người gây ra cho nó.

Tuy nhiên, xin hãy xem xét, loài người chưa bao giờ khá hơn ngày nay. Chúng ta không nên ăn mừng sự thật này sao?./.

BIÊN DỊCH: TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

1/ Prepared by Lars Schernikau: primary electricity converted by direct equivalent method. Source: data compiled by J David Hughes. Pre-1965 data from GRUBLER, A (1998) Technology and Global Change: Data Appendix. Post-1965 data from BP, Statistical Review of World Energy (annual publication).

2/ MILLS, M (2019) The “New Energy Economy”: An Exercise in Magical Thinking. New York, USA: Manhattan Institute, 26 March. www. manhattan-institute.org/green-energyrevolution-near-impossible 3 Global Wind Atlas. www.globalwindatlas.info.

3/ [Accessed 24 April 2020].

4/ Schernikau analysis based on Agora Energiewende – https://www.agoraenergiewende.de/ [Accessed 20 July 2020].

5/ STATISTA (2019) Global electricity prices in 2018, by select country – www.statista.com/ statistics/263492/electricity-prices-in-selectedcountries/ .

6/ WANNER, B (2019) Is exponential growth of solar PV the obvious conclusion? – www.iea.org/ commentaries/is-exponential-growth-of-solarpv-the-obvious-conclusion.

7/ IEA (2020) Clean energy progress after the Covid-19 crisis will need reliable supplies of critical minerals – www.iea.org/articles/cleanenergy-progress-after-the-covid-19-crisis-willneed-reliable-supplies-of-critical-minerals.

8/ MARTIN, C (2020) Wind Turbine Blades Can’t Be Recycled, So They’re Piling Up in Landfills – www. bloomberg.com/news/features/2020-02-05/ wind-turbine-blades-can-t-be-recycled-so-theyre-piling-up-in-landfills.

9/ PETERSON, J (2020) What Greta Thunberg does not understand about climate change –  https:// youtu.be/y564PsKvNZs”.




 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động