RSS Feed for Bức tranh dầu khí toàn cầu trong bối cảnh hiện nay [1] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 16/09/2024 22:28
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bức tranh dầu khí toàn cầu trong bối cảnh hiện nay [1]

 - Năng lượng cho phát triển là bài toán chiến lược đối với các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn năng lượng không thể tái sinh dần cạn kiệt và những đòi hỏi về giảm thiểu tác hại của việc tiêu thụ năng lượng đối với môi trường ngày càng cấp bách, có hiệu suất cao hơn so với năng lượng truyền thống. Năng lượng bền vững được dự báo sẽ trở thành nguồn năng lượng thay thế quan trọng trong tương lai.

"Lời nguyền tài nguyên" và cách Na Uy quản lý ngành dầu khí
Cơ chế nào để phát triển bền vững ngành Dầu khí Quốc gia?

KỲ 1: 60 NĂM NỮA, NGÀNH CÔNG NGHIỆP DẦU KHÍ SẼ RA SAO?

Khi toàn bộ các giếng dầu dễ dàng đã bị hút, các công ty lớn phải thích ứng và thay đổi. Mười công ty dầu khí lớn nhất thế giới sẽ làm gì trong vòng 60 năm tới? Người ta không thể không đặt ra các câu hỏi cho những chuyên gia về tương lai ngành dầu khí thế giới. Dĩ nhiên, ở khoảng thời gian đó, họ vẫn rất vui vẻ với công việc khoan và hút. Trên thực tế, hàng nghìn giếng dầu đang sản xuất hôm nay vẫn sẽ vận hành tương tự. Tuy nhiên, các công ty dầu khí sẽ nhỏ bé hơn, khai thác độc quyền các loại dầu phi truyền thống, như sa thạch có chứa dầu và đá phiến. Điều này đòi hỏi nhiều thiết bị tinh vi hơn, chi phí cao, nhưng hoàn toàn có thể dự đoán trước về mặt dài hạn.

Có hai khía cạnh phải xem xét, đó là cung và cầu. Về mặt cung, thế giới đang dần cạn kiệt loại dầu khai thác dễ dàng - còn gọi là các mỏ dầu truyền thống, nhưng ngành này đã có đủ thứ công việc khó khăn, đắt đỏ kéo dài trong vòng 100 năm tới theo dự báo tiêu thụ. Các công ty dầu khí liên tục theo đuổi các công nghệ và nguồn lợi nhuận mới.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng, phần lớn chi phí R&D (nghiên cứu và phát triển) sẽ tập trung vào dầu phi truyền thống, chứ không phải loại dầu thay thế.

Trên thực tế, việc nghiên cứu để khai thác dầu sa thạch và khí đá phiến một cách kinh tế hơn đang là nhiệm vụ trọng tâm của ngành này từ hơn 1 thập niên qua. Các nghiên cứu kinh tế cơ bản luôn gắn kết hai mặt hàng dầu và khí trong khi nguồn cung bắt đầu giảm sút. Điểm mấu chốt ở chỗ, dầu luôn là mặt hàng thiết yếu với sự thay thế rất hạn chế, thị trường dầu luôn tăng cao tới mức đủ để người ta biện hộ việc duy trì sản lượng đắt giá này. Lượng dầu còn lại càng ít đi, người ta lại càng đổ vào nhiều tiền để khai thác tới từng giọt. Sự khan hiếm (dầu) lại càng làm gia tăng lợi nhuận và khuyến khích các công ty mở rộng sản xuất, thay vì ký thêm hợp đồng. Người ta có thể nhận thấy rõ điều này trong giai đoạn 2003 - 2014, khi đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu và bất ổn địa chính trị đã khiến nguồn cung trở nên tương đối ngặt nghèo, và giá dầu thậm chí đã tăng gấp 3 lần.

Khai thác dầu khí nước sâu - một trong những nguồn dầu đòi hỏi công nghệ hút cao và khó nhất - trở thành động lực tăng trưởng lớn trong giai đoạn đó. Giờ đây, khi nguồn cung toàn cầu dư thừa đã kéo tụt giá dầu xuống và khai thác nước sâu đã trở nên kém kinh tế với giá dầu ở dưới mức 40-50 USD/thùng. Cho đến hiện tại, khai thác nước sâu vẫn rất khó có vốn đầu tư và điều đó khiến nguồn cung vẫn ở mức thấp.

Giá dầu quá cao đã đánh sụp nhu cầu tiêu dùng khi hoạt động phát điện chuyển sang nguồn năng lượng tái tạo, trong khi ngành giao thông hướng về các thiết bị lưu trữ năng lượng.

Những lo ngại về biến đổi khí hậu cũng dẫn tới một số văn bản pháp quy đáng kể đi vào hiệu lực ở những nước phát triển nhằm thúc đẩy sử dụng xe ô tô điện. Trong đó, có thể kể tới những kế hoạch tại Anh và Pháp nhằm cấm bán các loại xe chạy diezen - xăng ở một số khu vực nhất định vào năm 2040.

Nhưng trên thực tế, các tác động này khá chậm chạp vì nền kinh tế và kết cấu hạ tầng thế giới đã được đầu tư quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, nhiều tới mức không một chuyên gia nào là không hiểu được điều này. Điều này có nghĩa rằng, ngành dầu khí có sức ì khá lớn.

Không thể phủ nhận rằng về mặt kinh tế, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm thế thượng phong so với hầu hết các ứng dụng lớn của con người. Bất chấp sự gia tăng sử dụng nhiên liệu tái tạo, nhu cầu dầu lửa toàn cầu vẫn tăng hàng năm, ở mức 1,5 triệu thùng/ngày (tăng tới 9% trong vòng 5 năm qua) và không một dự báo đáng tin nào khẳng định xu thế này sẽ thay đổi trong tương lai gần.

Khi các nước đang phát triển trên đà giàu lên, người dân ở đó sẽ mau chóng mua ô tô và điều hòa nhiệt độ với số lượng lớn hơn nhiều so với mức tiết giảm sử dụng năng lượng ở các nước phát triển. Xu thế này không thể kéo dài mãi, nhưng nó cũng chưa thể mau chóng thay đổi.

Có quá nhiều ý kiến trái ngược của giới chuyên gia, nhưng các dự đoán hiện nay đều cho rằng mức sử dụng khí đốt - diezen sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2020 tới giữa năm 2030. Sau đó, một sự sụt giảm dài và chậm chạp sẽ bắt đầu khi những phương tiện giao thông cũ kỹ hơn dần bị loại bỏ.

Người ta cho rằng các công ty dầu khí vẫn có thừa thời gian để cập nhật mô hình kinh doanh của họ trong nhiều thập niên khi diễn ra sự sụt giảm nói trên. Khí đốt tự nhiên hiện giờ đang là thứ “rẻ như bèo” và nguồn cung dường như lớn hơn nhiều so với trữ lượng dầu. Vậy nên, sẽ là sáng suốt hơn khi sử dụng xe ô tô chạy bằng khí đốt tự nhiên trong tương lai.

Một khả năng nữa là việc hóa lỏng than (CTL). Công nghệ CTL bao hàm việc chuyển hóa than thành dạng chất đốt lỏng. Điều này giúp cho than có thể được tận dụng trở thành lựa chọn thay thế cho dầu vì không có lưu huỳnh, mật độ hạt thấp và ít ô xít ni tơ. Chất đốt dạng lỏng chiết xuất từ than có thể sử dụng trong vận tải, nấu nướng, cung cấp điện văn phòng và trong công nghiệp hóa chất.

Về mặt lý thuyết, xe ô tô điện có thể tồn tại vững và loại bỏ đa số các dòng xe dùng dầu, nhưng điều này đòi hỏi sự cải thiện lớn về công nghệ pin và sự mở rộng của cơ sở hạ tầng xạc pin ở mức toàn cầu. Hãng công nghệ Tesla đã có những bước tiến đáng kinh ngạc để biến điều này thành hiện thực, nhưng chi phí của nó còn quá cao đối với các nước đang phát triển.

Tóm lại, rất nhiều tính năng của dầu và khí đốt sẽ không bao giờ bị bỏ đi. Chế phẩm hóa dầu thay thế và dầu nhờn với nguồn gốc sinh học tương đương còn nhiều giá trị với ngành nông nghiệp. Những tác dụng của nhiên liệu hóa thạch này gây tác động tối thiểu với môi trường nên sẽ không có lý do gì để người ta ngừng sử dụng chúng. Những lý do kể trên khiến nhiều chuyên gia mạnh dạn dự báo rằng, việc khai thác ở mức thấp dầu khí sẽ còn kéo dài tới hàng trăm năm nữa để đáp ứng các nhu cầu, nếu như không có thay đổi gì quá lớn.

Đón đọc kỳ tới: Phát triển năng lượng bền vững ở châu Á

PHAN LƯƠNG - THANH VÂN - THANH NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động