RSS Feed for Anh quốc bỏ than, chuyển sang NLTT như thế nào? Kỳ cuối: Tham khảo kinh nghiệm | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 11:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Anh quốc bỏ than, chuyển sang NLTT như thế nào? Kỳ cuối: Tham khảo kinh nghiệm

 - Mặc dù là nước có mức phát thải CO2 cao, nhưng cũng phải sau khi cạn kiệt tài nguyên than trong nước Vương quốc Anh mới giảm đáng kể nhiệt điện than và tuyên bố từ bỏ than (dự tính vào năm 2023). Điều đó phản ánh rằng: Giống như các nước khác, quốc gia này cũng coi trọng tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có trong nước, kể cả trường hợp duy trì điện hạt nhân, bởi Vương quốc Anh là một trong những cường quốc hạt nhân.


Anh quốc bỏ than, chuyển sang NLTT như thế nào? Kỳ 1: Chỉ tiêu kinh tế, năng lượng

Anh quốc bỏ than, chuyển sang NLTT như thế nào? Kỳ 2: Vì sao quốc gia này rời bỏ than?

Anh quốc bỏ than, chuyển sang NLTT như thế nào? Kỳ 3: Thể chế cho năng lượng tái tạo


KỲ CUỐI: NHẬN XÉT THỂ CHẾ NLTT VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý KHI THAM KHẢO KINH NGHIỆM TỪ VƯƠNG QUỐC ANH


PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]


Một số nhận xét về quá trình xây dựng thể chế cho phát triển năng lượng tái tạo của Vương quốc Anh:

Ngành năng lượng Vương quốc Anh trong lịch sử có sự hiện diện chủ đạo của nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than. Tuy rằng, quốc gia này đã ưu tiên các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển sang nền kinh tế các bon thấp, song cũng phải sau khi cạn kiệt nguồn tài nguyên than mới thực sự bắt đầu. Do vậy, cùng lúc Anh phải giải quyết 2 vấn đề của ngành năng lượng: Giảm phát thải khí nhà kính (CO2) và đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định với giá cả hợp lý trong bối cảnh đối mặt với sự suy giảm của trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và các nhà máy nhiệt điện than lạc hậu kém hiệu quả từ nửa sau thập niên 1990. Trong việc thoát khỏi nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu than, Chính phủ Vương quốc Anh trước hết tập trung vào xây dựng thể chế cho phát triển NLTT, đồng thời dành sự ưu tiên cho điện hạt nhân như là một trong các sáng kiến các bon hóa thấp.

Đặc biệt là, đi đôi với cơ chế trợ giá, Anh đã tăng cường cải tạo thị trường trên cơ sở cố gắng tận dụng lợi thế của các lực lượng thị trường để phát triển NLTT một cách hiệu quả về chi phí ngay từ giai đoạn đầu xây dựng thể chế. Theo hệ thống RO triển khai từ 2002, các nhà sản xuất điện NLTT và các nhà cung cấp điện đã giao dịch ROC không định giá sang giá xác định. Khi đã nhận thấy rằng, mức hỗ trợ nên phải được đang dạng hóa để hỗ trợ cho từng loại công nghệ điện NLTT đang phát triển, số lượng ROCs cho mỗi lần phát điện được tăng lên cho từng loại công nghệ, thiết lập thứ tự ưu tiên cho từng loại NLTT.

Theo một số hướng dẫn của Chính phủ, Vương quốc Anh đã kiên trì duy trì cơ chế định giá trên cơ sở khai thác các lực lượng thị trường ở mức cao nhất có thể.

Cho rằng, hệ thống RO gây khó khăn cho các nhà sản xuất điện trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh cho tương lai và thất bại trong việc thúc đẩy phát triển các nguồn điện NLTT quy mô công suất nhỏ do trình tự thủ tục phức tạp đối với các nhà sản xuất điện quy mô nhỏ, Chính phủ Vương quốc Anh đã triển khai thực hiện hệ thống giá FIT cho các nhà sản xuất điện quy mô nhỏ vào năm 2010. Theo hệ thống này, điện NLTT đã phát triển đều đặn nhờ sự điều chỉnh nhanh chóng phù hợp với xu thế phát triển.

Khi nhận thấy rằng, cần phải cải cách đổi mới để thực hiện mục tiêu nâng cao tỷ phần điện NLTT trong tổng sản lượng điện lên 15% vào năm 2020 theo Chỉ thị của EU, Chính phủ đã đề ra một cuộc cải cách táo bạo thị trường điện. Chính phủ nắm quyền lãnh đạo trong quá trình cải cách đó, bao gồm tham vấn và tranh luận với Quốc hội về việc nên thực hiện hệ thống FIT-CfD, hay hệ thống FIP. Kết quả là quyết định triển khai thực hiện hệ thống FIT-CfD để khuyến khích các nguồn điện các bon thấp một cách hiệu quả về chi phí. Việc đấu giá đã được triển khai thực hiện để xác định giá thực tế (strike price) của hệ thống. Điều đó cho thấy thái độ của Vương quốc Anh đã lợi dụng tối đa các lực lượng thị trường để thúc đẩy phát triển NLTT một cách hiệu quả về chi phí. Trong khi ưu tiên hiện thực hóa một thị trường tự do trong lịch sử, quốc gia này đã thực hiện các điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt trong quá trình phát triển NLTT. Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các lực lượng thị trường, nước này đã kiên trì theo đuổi cách tốt nhất hiệu quả về chi phí để hiện thực hóa một môi trường có triển vọng đầu tư dài hạn nhằm tạo ra các động lực thúc đẩy đầu tư vào các dự án NLTT phù hợp với từng giai đoạn và từng loại công nghệ NLTT (Hệ thống RO - Hệ thống giá FIT - Hệ thống FIT-CfD với cải cách thị trường và giá thực tế).

Trong việc triển khai thực hiện hệ thống FIT-CfD quốc gia này đã quan tâm sử dụng một cách hiệu quả sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch và chấp nhận chính sách nhằm đạt cả 2 mục tiêu: Nền kinh tế các bon thấp và cung cấp điện ổn định. Tuy khởi động xây dựng thể chế cho phát triển NLTT chậm sau gần 10 năm so với nước Đức, Vương quốc Anh đã tạo lập được hệ thống mà trong đó NLTT đã được phát triển theo nền văn hóa lâu đời là tận dụng các lực lượng thị trường một cách tối đa có thể.

Một số điều sau đây khi tham khảo kinh nghiệm của Vương quốc Anh:

(1) Trước hết, Vương quốc Anh là một nước công nghiệp phát triển vào loại siêu giàu, có vị trí, vai trò quan trong trong Liên minh châu Âu - EU (Anh đã chính thức rời khỏi EU từ năm 2021), nên có thể chấp nhận được giá điện cao hơn, đồng thời có khả năng nhập khẩu thuận lợi hơn nguồn dầu mỏ và khí đốt từ nước ngoài. 

(2) Mặc dù là nước có mức phát thải CO2 cao, nhưng cũng phải sau khi cạn kiệt tài nguyên than trong nước đã được khai thác hàng trăm năm, quốc gia này mới giảm đáng kể nhiệt điện than và tuyên bố từ bỏ than (dự tính vào năm 2023). Điều đó phản ánh rằng: Giống như các nước khác, Vương quốc Anh cũng coi trọng tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có trong nước, kể cả trường hợp duy trì điện hạt nhân, bởi Vương quốc Anh là một trong những cường quốc hạt nhân. Điều này cho thấy, trước hết hãy khai thác tận dụng tối đa những tiềm năng tài nguyên năng lượng sẵn có trong nước để nâng cao tính tự chủ, đảm bảo an ninh năng lượng và lợi ích kinh tế - xã hội phù hợp với từng thời kỳ.

(3)  Đi đôi với thay thế than bằng phát triển NLTT, Vương quốc Anh còn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả trên cơ sở trên cơ sở tăng tỷ trọng các lĩnh vực sử dụng ít năng lượng và giảm tỷ trọng các lĩnh vực tiêu hao nhiều năng lượng, nhờ thế kinh tế không ngừng tăng nhưng tiêu dùng năng lượng lại không ngừng giảm, theo đó giảm áp lực về tăng cung, tạo điều kiện cho rời bỏ than. Điều này không phải nước nào cũng có vị thế như Vương quốc Anh để thực hiện được một sớm một chiều.

(4) Đặc biệt, Vương quốc Anh là một trong những nước phát triển đi đến xã hội các bon thấp trải qua 2 giai đoạn:

(i) Giai đoạn đi đến xã hội phát triển các bon cao thông qua phát triển năng lượng và điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đạt trình độ cao (nước giàu) nhưng đồng thời cũng phát thải CO2 quá cao.

(ii) Từ xã hội phát triển các bon cao chuyển dịch sang xã hội phát triển các bon thấp trên cơ sở duy trì quy mô ngành năng lượng - điện đã bão hòa cung - cầu mà chỉ thay thế nguồn năng lượng phát thải CO2 cao bằng nguồn năng lượng phát thải CO2 thấp - tức là chỉ thay đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng sạch hơn. Do đó, theo chúng tôi, các nước nghèo, hoặc đang phát triển không nên đi theo cách này mà trong quá trình phát triển năng lượng - điện phải theo cách đồng thời đáp ứng được cả 2 mục tiêu: Đáp ứng nhu cầu năng lượng/điện cho phát triển kinh tế, xã hội và mức phát thải tuy có tăng lên nhưng phải được kiềm chế không vượt quá giới hạn cho phép - tức là đạt được đồng thời xã hội phát triển và các bon thấp. 

(5) Đi đôi với xây dựng chính sách hỗ trợ về giá và đầu tư, Vương quốc Anh coi trọng cả cải cách thị trường cho phù hợp tình hình phát triển NLTT trên cơ sở tận dụng tối đa các lực lượng thị trường để phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của NLTT. Đó cũng là nền văn hóa ở xứ sở sương mù. 

(6) Xây dựng cơ sở hạ tầng điện đảm bảo cho việc phát triển điện năng lượng tái tạo./.  

[*] HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU


Tài liệu tham khảo:

[1] BP Statistical Review of World Energy, 2020, 2016, 2011, 2002.

[2] Niên giám thống kê Việt Nam 2019, 2012.

[3] Akiko Sasakawa: Transition to Renewable Energy Society in Germany and United Kingdom: Historical Paths to FIP and CfD Introduction and Implications for Japan. IEEJ: April 2021 ©IEEJ2021.

[4] “OPEC: World proven crude oil reserves by country, 1960-2011”.

[5] https://www.globalpetrolprices.com/electricity_prices/

[6] World Economic Outlook Database-October 2017Quỹ Tiền tệ Quốc tế, accessed on 18 January 2018.

[7] https://vi.wikipedia.org/wiki/ Kinh_tế_Vương_quốc_Liên_hiệp_Anh_và_Bắc_Ireland.

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động