RSS Feed for An ninh năng lượng và vai trò ngành Dầu khí Quốc gia [Kỳ 2] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 20:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

An ninh năng lượng và vai trò ngành Dầu khí Quốc gia [Kỳ 2]

 - Dầu khí là ngành đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách. Có thời điểm đóng góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lên tới 25 - 29%. Tại thời điểm hiện nay, dù đang phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu xuống thấp, kinh tế thế giới có nhiều biến động, PVN vẫn đóng góp trên 10% ngân sách. Đối với tỷ phần trong GDP, trong những năm qua, PVN luôn duy trì vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, trong khi khối doanh nghiệp Nhà nước đóng góp khoảng 42% GDP của cả nước, riêng PVN đã chiếm khoảng 20 - 26% GDP, mức cao nhất so với cả nước trong giai đoạn 2008 - 2015.

An ninh năng lượng và vai trò ngành Dầu khí Quốc gia [Kỳ 1]
Dầu khí Việt Nam trước thách thức chưa từng có trong lịch sử

PGS, TS. VŨ VĂN HÀ - PHÓ TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ CỘNG SẢN

KỲ 2: NHU CẦU NĂNG LƯỢNG VÀ VAI TRÒ CỦA NGÀNH DẦU KHÍ 

Hiện nay, cơ cấu của nền kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng là chính sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, từ thâm dụng nhiên liệu năng lượng và vốn, lao động sang áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, nâng cao năng suất lao động.

Theo tính toán của các chuyên gia, nhu cầu năng lượng sơ cấp cho nền kinh tế năm 2010 quy đổi là 61.123 KTOE (1) trong khi đó khả năng đáp ứng từ năng lực nội địa là 76.889 KTOE. Tuy nhiên, với sự mở rộng quy mô kinh tế, nhu cầu năng lượng tăng lên, trong khi đó năng lực đáp ứng nội địa có giới hạn nên giai đoạn 2010-2015, được xem là giai đoạn chuyển đổi từ cân đối nội địa sang phải bổ sung từ nguồn cung cấp bên ngoài, với số liệu được tính toán vào năm 2015 là: nhu cầu năng lượng sơ cấp 91.675 KTOE, khả năng cung cấp nội địa 89.402 KTOE. Với tốc độ tăng tiêu thụ năng lượng như hiện nay của nền kinh tế, chúng ta khó duy trì bảo đảm nguồn cung nội địa.

Theo dự tính đến năm 2020 nhu cầu năng lượng sơ cấp sẽ là 148.786 KTOE, trong khi đó cung nội địa chỉ đáp ứng 96.172 KTOE.

Việc gia tăng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế gắn liền với mở rộng quy mô kinh tế. Nhìn chung mức tiêu thụ năng lượng của các nền kinh tế thế giới đều tăng trong những thập niên qua. Chẳng hạn, trong 3 thập niên từ 1976 đến 2006, tổng mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp trên thế giới đã tăng từ 6 tỷ tấn quy dầu (TOE) một năm lên 12 tỷ tấn quy dầu.

Ở Việt Nam, mức tăng tiêu dùng năng lượng ngoài việc gia tăng quy mô kinh tế, còn gắn liền với việc sử dụng không hiệu quả do trang thiết bị lạc hậu, cơ cấu kinh tế thiên về thâm dụng nguyên nhiên vật liệu và quan trọng nữa là ý thức tiết kiệm trong sử dụng còn hạn chế. Chính vì vậy, tiêu hao năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam gấp 1,5-1,7 lần so với các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ giữa nhu cầu năng lượng so với mức tăng trưởng GDP của Việt Nam cao gấp khoảng 2 lần, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này dưới 1. Với mức tăng này, trong tương lai, việc bảo đảm an ninh năng lượng là một thách thức rất lớn.

Có thể thấy, cơ cấu tiêu thụ năng lượng của Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào than và dầu khí. Mức tiêu thụ than chiếm khoảng hơn 30%, tương ứng với mức tiêu thụ dầu và khí, còn lại dựa vào các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo,... Theo dự báo, nhu cầu năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá) vẫn chưa thể giảm, và sẽ chiếm tới 78% nhu cầu vào năm 2040. Tuy nhiên, trong những năm tới, nguồn than và dầu khí khai thác khó gia tăng, nên cần có chiến lược phát triển hướng tới gia tăng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới.               

Đối với than, ở nước ta, với tổng trữ lượng đã tìm kiếm thăm dò khoảng 6,14 tỷ tấn, mỗi chu kỳ kế hoạch 5 năm, tổng sản lượng khai thác than tăng khoảng 1-5 triệu tấn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg ngày 14-3-2016) nhu cầu than của nền kinh tế quốc dân ngày càng tăng cao. Cụ thể đến năm 2020 là 86,4 triệu tấn; năm 2025 là 121,5 triệu tấn và năm 2030 là 156,6 triệu tấn.

Trong những năm trước đây, để giải quyết nhu cầu năng lượng, chúng ta chủ yếu dựa vào ngành than. Chúng ta đã đẩy mạnh khai thác đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống, thậm chí còn xuất khẩu, có năm chúng ta đã xuất khẩu đến 20 triệu tấn. Tuy nhiên, nguồn than dự trữ là có hạn, hơn nữa điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, đòi hỏi chi phí cao đối với những mỏ ở sâu, và độ rủi ro vì vậy cũng tăng lên. Trong khi đó cạnh tranh trên thị trường than ngày càng gay gắt, do giá cả than nhập khẩu thấp hơn than khai thác, chất lượng cũng cao hơn. Điều này cho thấy việc nâng cao sản lượng khai thác than khó khăn, thậm chí phải thông qua nhập khẩu mới đáp ứng được nhu cầu.

Riêng năm 2016, chúng ta đã phải nhập tới gần 10 triệu tấn than và dự kiến mức nhập khẩu này sẽ tăng trong những năm tới.

Đối với nguồn thủy điện, chúng ta đã tập trung khai thác ở mức cao nhất. Ngay trong thời gian chiến tranh, chúng ta cũng đã tập trung đầu tư một số công trình thủy điện. Bước vào giai đoạn đổi mới, ta đã tập trung nguồn lực và thông qua hợp tác xây dựng nhiều công trình thủy điện tầm cỡ, khai thác triệt để tiềm năng thủy điện ở các lưu vực sông chính. Theo dự báo, kế hoạch phát triển thủy điện trong Tổng sơ đồ điện VII, đến năm 2020, toàn bộ trữ lượng tiềm năng kinh tế - kỹ thuật của thủy điện lớn sẽ được khai thác hết.

Bên cạnh khai thác tiềm năng thủy điện ở các dòng sông lớn, với chủ trương phủ điện tới các vùng sâu, vùng xa, chúng ta cũng đã đầu tư bằng các nguồn vốn khác nhau, kể cả xã hội hóa đối với các năng lượng thủy điện nhỏ với công suất 30MW, và cực nhỏ công suất dưới 100 kW. Các công trình này đã góp phần cải thiện đời sống của người dân, cũng như đóng góp bảo đảm an ninh vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam như: điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối có nhiều tiềm năng. Do Việt Nam nằm trong giới hạn giữa xích đạo và chí tuyến Bắc, thuộc vùng nội chí tuyến có ánh nắng mặt trời chiếu sáng quanh năm, nên có thể nói có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. 

Nguồn năng lượng sinh khối ở Việt Nam cũng khá dồi dào. Điều này gắn liền với đặc trưng của nền kinh tế nước ta, bởi lẽ, ngành nông nghiệp của Việt Nam phát triển khá mạnh trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua. Các sản phẩm và phế thải từ ngành nông nghiệp, cả trồng trọt và chăn nuôi là rất đa dạng và dồi dào, là tiềm năng cho phát triển nguồn năng lượng sinh khối. Bên cạnh đó cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, khối lượng rác thải hữu cơ cũng gia tăng, đòi hỏi chúng ta cần quy trình xử lý khoa học, tận dụng nguồn nhiệt năng từ nguồn rác thải hữu cơ này.

Bên cạnh các nguồn năng lượng trên, Việt Nam cũng khá dồi dào về nguồn năng lượng gió, nguồn năng lượng từ thủy triều, địa nhiệt. Vấn đề là, cần có cơ chế chính sách, tạo sức hút đầu tư để góp phần gia tăng nguồn năng lượng cho nền kinh tế - xã hội, cũng như góp phần điều chỉnh cơ cấu năng lượng cho phù hợp với xu thế phát triển thế giới: "tăng trưởng nhưng không tăng tiêu dùng năng lượng".

Từ năm 2011 đến năm 2030, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo chỉ tiêu GDP dao động trong mức từ 7% đến 8,6%. Với mức tăng trưởng này sẽ kéo theo sự gia tăng về nhu cầu năng lượng. Các nghiên cứu cũng đã dự báo về nhu cầu sử dụng năng lượng cho giai đoạn 2010 - 2030 tương ứng là: tỷ lệ tiêu thụ điện năng tăng từ 15,2% (năm 2010) lên 32,1% (năm 2030); tiêu thụ than giảm nhẹ từ 20,1% xuống còn 18,2%; sử dụng khí đốt tăng từ 1% lên 1,6%; sản phẩm dầu tăng từ 33,7% lên 40,6%... Với mức tăng trưởng tiêu dùng năng lượng như vậy, từ năm 2025 đến năm 2030 khả năng thiếu năng lượng cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế là không tránh khỏi.

Đối với nguồn dầu khí, Việt Nam được đánh giá là quốc gia thuộc nhóm nước có tổng trữ lượng dầu khí có thể đưa vào khai thác khoảng từ 3,8 đến 4,2 tỷ tấn quy đổi (TOE), trong đó trữ lượng đã được xác định khoảng 60%. Trong những năm qua chúng ta đã thăm dò, khai thác đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tăng thu ngân sách cho nền kinh tế, góp phần khẳng định chủ quyền và an ninh trên biển.

Dầu khí là ngành đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách. Có thời điểm đóng góp của PVN lên tới 25 - 29%. Tại thời điểm hiện nay, dù đang phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu xuống thấp, kinh tế thế giới có nhiều biến động, PVN vẫn đóng góp trên 10% ngân sách. Đối với tỷ phần trong GDP, trong những năm qua, PVN luôn duy trì vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, trong khi khối doanh nghiệp Nhà nước đóng góp khoảng 42% GDP của cả nước, riêng PVN đã chiếm khoảng 20 - 26% GDP, mức cao nhất so với cả nước trong giai đoạn 2008 - 2015.

Bảng 1. Đóng góp của PVN trong nền kinh tế quốc dân

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

Doanh thu hợp nhất (nghìn tỷ đồng)

127,0

137,0

235,0

325,0

363,0

390,0

366,0

311,0

GDP (nghìn tỷ đồng)

1.477,7

1.700,5

1.980,8

2.537,5

2.978,2

3.139,6

3.937,0

4.192,9

Đóng góp trong GDP (%)

18,9

16,0

24,0

26,6

25,9

24,3

9,3

7,4

Nộp Ngân sách (nghìn tỷ đồng)

121,8

88,0

110,4

160,8

186,3

195,4

189,4

115,1

Đóng góp của Petrovietnam trong ngân sách (%)

29,2

22,6

27,9

27,1

24,4

24,1

23,3

13,0

Đóng góp của thu từ dầu thô trong thu ngân sách (%)

24,0

12,9

14,4

11,5

18,3

12,1

12,1

7,1

Nguồn: Nangluongvietnam.vn, ngày 15/5/2017.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ đóng góp vào ngân sách cũng như vào mức tăng trưởng có giảm đi, do ngành dầu khí đang gặp không ít khó khăn từ sự suy giảm giá dầu, kéo theo đó là mức đầu tư cho thăm dò khai thác cũng bị hạn chế. Tuy nhiên, mức giảm tỷ lệ còn do sự tăng trưởng của các lĩnh vực kinh tế khác. Song với mức đóng góp hiện nay, cũng khẳng định vai trò quan trọng của ngành dầu khí với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Vai trò ngành dầu khí cũng được thể hiện trong cơ cấu tiêu dùng năng lượng của nền kinh tế. Cùng với than, dầu khí là nguồn năng lượng chính bảo đảm cho nhu cầu của nền kinh tế. Với cơ cấu kinh tế hiện nay, cho dù chúng ta đang thúc đẩy chuyển dịch sang phát triển theo chiều sâu, song việc tiêu thụ nguồn năng lượng dầu khi vẫn tiếp tục tăng.

Cùng với khai thác tại Việt Nam, ngành dầu khí cũng đã mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư khai thác bên ngoài, gia tăng lợi nhuận. Điều này không chỉ khẳng định sự phát triển của ngành dầu khí mà còn đưa Việt Nam vào danh sách các nhà xuất khẩu dầu khí trên thế giới.

Sự phát triển của ngành dầu khí còn góp phần bảo đảm môi trường tăng trưởng và giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Đặc biệt sự phát triển khai thác dầu khí trên biển, đã góp phần quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Các nguồn lực đem lại từ phát triển ngành dầu khí góp phần cân đối vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.

Như vậy, với sự đóng góp của mình, ngành dầu khí có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm an ninh kinh tế nói chung, an ninh năng lượng nói riêng.

Kỳ tới: Một số giải pháp phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị Quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

2. Vũ Quốc Minh: Đánh giá vai trò của khí đốt tự nhiên trong đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam giai đoạn đến 2015, Đại học Bách khoa Hà Nội, H.2008.

3. TS. Nguyễn Anh Tuấn: Một số giải pháp về an ninh năng lượng Việt Nam, Web: nangluongvietnam.vn, 26/6/2014.

4. TS. Nguyễn Thành Sơn: Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển, Web: Nangluongvietnam.vn, 31/5/2017.

5. Năng lượng Việt Nam: Hiện tại và tương lai, Báo Công Thương, 8/5/2017

(1)Tonne of Oil Equivelent - TOE.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động