RSS Feed for Tiềm năng và thách thức phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 16/11/2024 00:13
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiềm năng và thách thức phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam [Kỳ cuối]

 - Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã trải qua một quá trình gần ba thập niên với nhiều bước thăng trầm. Một điều dễ nhận thấy, chỉ khi nào sự phát triển có sự quan tâm, chỉ đạo của Nhà nước thông qua một hệ thống chính sách, một chương trình thống nhất và sự tài trợ thích đáng của ngân sách, cũng như các trợ giúp quốc tế về kỹ thuật, công nghệ, tài chính thì khi đó mới có thể đạt được những kết quả nhất định.

Tiềm năng và thách thức phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam [Kỳ 1]

KỲ CUỐI: THÁCH THỨC VÀ KẾT LUẬN


Thách thức phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Thứ nhất: Thách thức về cơ chế chính sách:

Kết quả phát triển năng lượng tái tạo đạt được như đã nêu ở trong kỳ trước là nhờ cam kết về mục tiêu phát triển và chính sách khuyến khích phát triển năng lượng phù hợp của Chính phủ, sự tích cực của các địa phương và sự phối hợp giữa các bộ, ngành giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai dự án nhằm tạo môi trường cạnh tranh tốt, thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Để khuyến khích, phục vụ các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế như biểu giá cố định Feed-in-Tariff cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối... Chính phủ cũng ban hành chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng PPA... Điển hình là năm 2017, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT bao gồm hợp đồng mua bán điện mẫu (PPA) cho điện mặt trời.

Tuy nhiên, cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà đầu tư đều cho rằng, những quy định tại Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 cho thấy rõ những thách thức về tiến độ dự án phải đáp ứng, bởi thời gian triển khai và hoàn thành các dự án điện gió để có thể được hưởng chính sách ưu đãi giá điện theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg không còn nhiều. Quyết định này quy định giá mua điện đối với dự án điện gió trong đất liền nối lưới là 1.928 đồng/kWh (8,5 Uscents/kWh) và đối với các dự án điện gió trên biển nối lưới là 2.223 đồng/kWh (9,8 Uscents/kWh) được áp dụng cho một phần, hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.

Hiện tại, cơ chế ưu đãi về vốn đầu tư thuế, về đất đai, giá mua điện mặt trời theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg với giá mua 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 Uscents/kWh) chỉ áp dụng cho ác dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16%, hoặc module lớn hơn 15% đã hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019. Do đó, không biết các dự án điện mặt trời tương lai sẽ như thế nào.

Mặc dù Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng cho đến nay, số các dự án thực hiện còn rất ít, tỷ trọng điện tái tạo trong tổng lượng điện sản xuất là không đáng kể là do: Thiếu chính sách đủ mạnh, đồng bộ bao gồm từ điều tra, đánh giá tiềm năng đến khai thác và sử dụng; Thiếu cơ chế tài chính hiệu quả cho việc đầu tư, quản lý, vận hành các dự án điện tái tạo tại khu vực vùng sâu, vùng xa ngoài lưới; Thiếu một quy hoạch tổng thể phát triển điện tái tạo quốc gia; Thiếu một cơ quan đầu mối tập trung, với chức năng đủ mạnh để điều hành.

Thứ hai: Thách thức về công nghệ, kỹ thuật:

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phát triển nóng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời đang tạo ra một số thách thức trong vận hành hệ thống điện. Các nguồn điện từ năng lượng tái tạo tác động lên lưới điện quốc gia (như ảnh hưởng đều độ, huy động các nhà máy điện khác và phải tăng dự phòng của hệ thống điện nhằm bảo đảm ổn định hệ thống điện).

Về điện mặt trời chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hay quy định về cấp phép hoạt động điện lực cho bên thứ ba tham gia lắp đặt.

Về điện gió gặp phải những khó khăn, thách thức như:

1/ Thiếu số liệu cần thiết và tin cậy về tốc độ gió cho nghiên cứu phát triển nguồn điện gió ở các khu vực khác nhau.

2/ Thiết bị nhà máy điện gió đều là thiết bị siêu trường, siêu trọng trong khi cơ sở hạ tầng đường, cảng còn thô sơ dẫn đến rủi ro cao và không đảm bảo an toàn;.

3/ Thiếu năng lực quản lý, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các dự án điện gió.

4/ Thiếu tiêu chuẩn hòa lưới điện quốc gia áp dụng với điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi và hòa lưới điện độc lập dẫn đến quá trình đàm phán đấu nối lưới điện kéo dài.

5/ Thiếu thông tin đánh giá về tiềm năng điện gió ngoài khơi, cũng như khả năng nối lưới các dự án sau khi hoàn thành.

6/ Các dự án điện gió ở vùng đất bãi bồi ven biển có địa hình, địa chất tương đối phức tạp và chịu ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt mưa, bão, sóng to, gió lớn kết hợp chế độ thủy triều không ổn định sẽ dẫn đến nhiều thách thức trong quá trình thi công lắp đặt thiết bị.

7/ Công nghệ mới và kỹ thuật phức tạp, các nhà thầu trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thi công xây dựng, lắp đặt tua bin gió trên biển.

Do tính đặc thù của năng lượng tái tạo là phân tán, phụ thuộc mùa vụ, thời tiết nên nguồn số liệu là không sẵn có. Hiện nay, chưa có cơ quan nào được giao thu thập, cập nhật và thống kê như đã làm với các dạng năng lượng thương mại. Hiện tại, việc đánh giá thấu đáo tiềm năng năng lượng tái tạo có sự dao động lớn là do thiếu cơ sở dữ liệu tin cậy. Do đó, cần phải xem xét và thực thi cho công tác này.

Đối với năng lượng sinh khối, những điều tra về một số nguồn đã được thực hiện. Nhiều vị trí tiềm năng cho các dự án điện sinh khối đã được xác định. Tuy nhiên, số liệu về các địa điểm này không đủ và thiếu tin cậy cho việc thực hiện các nghiên cứu khả thi chi tiết. Có thể cần điều tra chính xác về giá sinh khối, sự thay đổi dài hạn của chúng và các đặc tính của sinh khối, đặc biệt là trấu.

Các rào cản về thông tin đối với các công nghệ năng lượng tái tạo như điện thuỷ triều và điện sóng còn thiếu. Mặc dù các công nghệ này hiện nay đã gần đến mức thương mại hoá, nhưng chưa có sự hỗ trợ đáng kể cho việc điều tra các nguồn này và tìm kiếm các địa điểm để khai thác.

Hiện nay ở Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp thương mại cung cấp các thiết bị năng lượng tái tạo và dịch vụ điện liên quan đến nguồn điện này. Do vậy, các công nghệ năng lượng tái tạo phần lớn chưa chế tạo được trong nước mà phải nhập khẩu. Các dịch vụ sau lắp đặt chưa có, đặc biệt là ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Đối với Việt Nam, cho đến nay chưa có công nghệ hoàn chỉnh nào được thử nghiệm ở các điều kiện khí hậu đặc trưng (như bão, độ ẩm cao, các thông số  khí quyển…). Ngoài ra, còn thiếu kinh nghiệm về lựa chọn thiết bị đồng bộ, kỹ năng khai thác, vận hành và bảo dưỡng.

Các công nghệ điện sinh khối được kiểm chứng và có hiệu suất cao đã được áp dụng trên thế giới, nhưng chúng còn chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam (như điện trấu, các công nghệ khí hóa, thu hồi khí mê tan tại các bãi rác, đốt rác thải sinh hoạt...). Hiện nay, không có các công ty trong nước cung cấp các công nghệ điện sinh khối, hầu hết đều phải nhập khẩu. Các dịch vụ tư vấn, kỹ thuật đối với các công nghệ điện sinh khối còn hạn chế, đặc biệt là dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa sau khi lắp đặt.

Thứ ba: Thách thức về kinh tế, tài chính:

Thách thức lớn nhất đối với phát triển năng lượng tái tạo nằm ở vốn đầu tư và khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư. Rào cản tài chính cản trở việc thực hiện một dự án kinh tế do thiếu tiếp cận với nguồn tài chính phù hợp, hoặc thiếu cơ chế bền vững cung cấp tài trợ. Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay bị hạn chế bởi cả hai rào cản này.

Thiếu tiếp cận với nguồn tài chính phù hợp là vấn đề thời hạn vay. Cường độ vốn đầu tư của năng lượng tái tạo cao nên tài khoản vốn đầu tư cho tổng chi phí phải lớn hơn nhiều so với nguồn nhiệt điện, có nghĩa là dòng vốn của các nhà phát triển phụ thuộc nhiều vào thời hạn vay. Hiện nay thời hạn đặc trưng là 5-8 năm trong hệ thống ngân hàng thương mại thì dòng tiền đến các nhà đầu tư trong những năm đầu là nhỏ nhất làm kéo dài thời gian hoàn vốn và do đó không khuyến khích các nhà đầu tư góp cổ phần.

Trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia cũng đã chỉ ra sự thiếu tiếp cận tài chính cho năng lượng tái tạo, vì thế một trong những biện pháp cho các giải pháp tài chính, huy động vốn được đề cập là ưu tiên phân bổ vốn tín dụng ưu đãi từ nguồn vốn ODA và vốn vay theo hiệp định song phương cho đầu tư vào các dự án như thăm dò, phát triển năng lượng tái tạo.

Kết luận

Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã trải qua một quá trình gần ba thập niên với nhiều bước thăng trầm. Sự thay đổi này tùy thuộc vào sự quan tâm của Nhà nước, các bộ, ngành trong việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng, triển khai dự án và tài trợ tài chính cho phát triển năng lượng tái tạo. Một điều dễ nhận thấy, chỉ khi nào sự phát triển có sự quan tâm, chỉ đạo của Nhà nước thông qua một hệ thống chính sách, một chương trình thống nhất và sự tài trợ thích đáng của ngân sách, cũng như các trợ giúp quốc tế về kỹ thuật, công nghệ, tài chính thì khi đó mới có thể đạt được những kết quả nhất định.

Mặc dù là nước có tiềm năng khá đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng để khai thác được các nguồn năng lượng này tại Việt Nam thì rất cần một sự đầu tư bài bản, cụ thể, đủ mạnh ở cấp quốc gia và phải đặt nó vào vị trí quan trọng nhằm tạo ra những tiền đề cho việc hoạch định các chiến lược, chính sách, kế hoạch, lộ trình phát triển cụ thể. Khó khăn, thách thức lớn nhất để phát triển nguồn điện này là cần có cơ chế chính sách ổn định và lựa chọn được chủ đầu tư có năng lực về tài chính, cũng như có kinh nghiệm đầu tư, triển khai thực hiện và khả năng thu xếp vốn tốt.

Để khuyến khích phát triển, phục vụ các mục tiêu nêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế khuyến khích cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối... Chính phủ cũng ban hành các chính sách ưu đãi khác cho các nhà đầu tư như ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, sử dụng hợp đồng mua bán điện mẫu… Tuy nhiên, việc phát triển các nguồnnăng lượng tái tạo trong thời gian qua vẫn tiếp tục đối mặt với một số bất cập và thách thức, như chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là các dự án điện mặt trời), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện... đòi hỏi cần có những giải pháp để lần lượt giải quyết các bất cập này./.


THS. VÕ HỒNG THÁI; THS. CAO THỊ THU HẰNG - VIỆN DẦU KHÍ VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

1Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Cục thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia (2015).

2/ Thách thức trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, Ms. Angelika Wasielke, GIZ (2012).

3/ Công nghệ mới về nguồn - lưới điện, năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng, Tài liệu hội thảo quốc tế (2017).

4/ Đánh giá tiềm năng NLG tại Việt Nam. Thực trạng triển khai ở Việt Nam hiện nay và đề xuất các giải pháp cho việc đầu tư các dự án NLG của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Đào Văn Tuân, VPI (2011).

5/ Nghiên cứu, lựa chọn giải pháp nối lưới và hoạt động hỗn hợp tua bin gió - nguồn phụ trợ vào lưới điện quốc gia và độc lập nhằm đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả các dự án điện gió của PVN, Võ Hồng Thái, VPI (2013).

6/ Nghiên cứu các giải pháp giảm giá thành sản xuất điện gió tại Việt Nam, Lê Việt Trung, VPI (2013).

7/ https://www.evn.com.vn/c2/nang-luong-tai-tao/Nang-luong-tai-tao-141.aspx

8/ https://www.vietnamplus.vn/tiem-nang-va-co-hoi-phat-trien-dien-gio-dien-mat-troi-o-viet-nam/577040.vnp

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động